Mức thưởng Tết cao nhất 700 triệu đồng một người thuộc về doanh nghiệp FDI tại TP HCM. Ở Hà Nội, mức cao nhất chỉ 67,3 triệu đồng. Ngân hàng và bất động sản vẫn nằm trong nhóm có thưởng Tết cao nhất.
Theo báo cáo nhanh của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, mức thưởng Tết dương lịch khủng nhất là 700 triệu đồng một người thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); đây là mức thưởng cá nhân cao nhất, không phải là mức bình quân. Tuy nhiên, so với năm ngoái, mức thưởng tại đơn vị này đã giảm 2,08%. Trong khi đó, mức bình quân của loại hình doanh nghiệp FDI là 3,89 triệu và thấp nhất là 611.000 đồng.
Đứng sau doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước thưởng Tết dương lịch nhiều nhất là 89 triệu đồng, tăng 15,58% năm trước, nhưng người thấp nhất chỉ có 453.000 đồng. Kế đến là doanh nghiệp tư nhân, trả thưởng cao nhất 88,246 triệu đồng, thấp nhất 910.000 đồng.
Tại TP HCM và Hà Nội, mức thưởng Tết cao nhất năm nay là 700 triệu đồng. Ảnh: H.P. |
Về thưởng Tết âm lịch, doanh nghiệp FDI vẫn dẫn đầu, với mức thưởng cao nhất 400 triệu đồng. Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước ở vị trí kế tiếp, cao nhất 356 triệu đồng. Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có mức thưởng cao nhất lần lượt là 130 triệu và 135 triệu đồng.
Tuy nhiên, mức thấp nhất mà một nhân viên làm việc ở loại hình FDI chỉ có 2,065 triệu đồng, thua cả doanh nghiệp tư nhân (2,154 triệu đồng) và kém xa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (7,213 triệu đồng).
Số liệu trên tổng hợp từ báo cáo của 958 doanh nghiệp ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp. Trong đó có 61 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước; 86 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước; 289 doanh nghiệp tư nhân và 522 doanh nghiệp FDI. Trong số này, khoảng 148 doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc trả lương, thưởng, do kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng cao, thu hồi công nợ chậm... 88 doanh nghiệp còn có thêm quà tết, hỗ trợ vé tàu, xe...
Đối với các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, trong 160 doanh nghiệp gửi báo cáo về, mức thưởng cao nhất năm 2012 gần 100 triệu đồng, thuộc về doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp FDI cao nhất chỉ có 77,82 triệu đồng. Xét theo ngành nghề, may mặc thưởng cao nhất 77,82 triệu đồng; điện điện tử 55,3 triệu đồng, cơ khí 50,104 triệu và thực phẩm 50 triệu đồng.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, mức thưởng cao nhất rơi vào các doanh nghiệp thuộc ngành ngân hàng, chế tạo thiết bị lạnh, sản xuất sữa, kinh doanh địa ốc. Doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong ngành giày da, may mặc có mức thưởng tương đối thấp. Song, nhìn chung, người lao động đều được thưởng Tết, trung bình là 1 tháng lương.
Thời gian nghỉ Tết trung bình của người lao động khoảng 10-14 ngày. Một số đơn vị kết hợp bố trí giải quyết phép năm để người lao động có nhiều thời gian đoàn tụ với gia đình.
Tại Hà Nội, Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội vừa có báo cáo nhanh về tình hình thưởng Tết 2012 của các doanh nghiệp trên địa bàn. Mức thưởng cao nhất được công bố là 67,3 triệu đồng.
Khối doanh nghiệp tư nhân đang có mức thưởng cao nhất với 67,343 triệu đồng mỗi người, thấp nhất là 450.000 đồng một người. Thưởng Tết của các doanh nghiệp Nhà nước đạt bình quân 3,7 triệu đồng, tăng 4,5% so với năm 2010. Trong đó, doanh nghiệp thưởng cao nhất trên 22 triệu đồng một người và đơn vị thưởng thấp nhất là 300.000 đồng mỗi người.
Khối FDI năm nay có mức thưởng Tết giảm so với năm ngoái. Mức thưởng bình quân trên 4,2 triệu đồng mỗi người, cao nhất đạt gần 60 triệu đồng và thấp nhất là 200.000 đồng. Tết 2010, tiền thưởng cao nhất của khu vực này đạt gần 73 triệu đồng và thấp nhất là 500.000 đồng.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 117.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 97.000 doanh nghiệp trong nước, còn lại là doanh nghiệp FDI. Lương tối thiểu của khối FDI là 2 triệu đồng mỗi tháng.
(Theo Vnexpress)
No comments:
Post a Comment