Thursday, December 29, 2011

Cà rốt (2 bài)

Bài 1. Cà rốt - siêu thực phẩm cho mùa đông


Theo VietnamNet

Ăn cà rốt sẽ giúp tốt cho sức khỏe toàn thân, đặc biệt là những cơ quan quan trọng như mắt, da, hệ tiêu hóa, răng, đặc biệt là vào mùa đông. Đó là lý do tại sao mà loại củ này được cả thế giới ưa chuộng từ hàng ngàn năm qua...

Dưới đây là những công dụng của củ cà rốt mà bạn có thể chưa biết:

Ngăn ngừa ung thư

Nhiều công trình nghiên cứu cho biết, ăn cà rốt giúp hạ thấp nguy cơ ung thư phổi, ung thư vú và ung thư ruột kết. Gần đây, các nhà khoa học đã cô lập một hợp chất có tên gọi là falcarinol trong cà rốt được cho là có tác dụng chống lại ung thư.

Falcarinol là loại “thuốc trừ sâu tự nhiên”(natural pesticide) có chức năng bảo vệ gốc củ cà rốt không bị bệnh nấm bệnh. Trong bữa ăn hàng ngày, cà rốt gần như là thực phẩm duy nhất có chứa những hợp chất này. Một nghiên cứu được thực hiện ở chuột cho thấy, khi chúng được cho ăn cà rốt sống hoặc chất falcarrinol thì giảm được 33% nguy cơ ung thư ruột kết so với những con chuột không được ăn.

Cải thiện thị lực

Võng mạc của mắt cần vitamin A để hoạt động, nếu thiếu vitamin A sẽ gây ra mù quáng vào ban tối. Cà rốt là thực phẩm giàu beta-carotene, chất được chuyển thành vitamin A ở gan.

Ở võng mạc, vitamin A được chuyển thành rhodopsin, sắc tố màu tía cần thiết cho thị lực ban đêm. Hơn nữa, beta-carotene chống lại sự suy hóa võng mạc và sự phát triển của bệnh đục nhân mắt. Một nghiên cứu cho thấy, những người có chế độ ăn giàu beta-carotene giảm được 40% nguy cơ suy hóa võng mạc so với những người ăn ít.

Ngăn đau tim

Các ngiên cứu cho thấy, chế độ ăn uống giàu chất carotenoids có liên quan đến nguy cơ ít mắc bệnh đau tim. Người ta cũng tin rằng, thường xuyên ăn cà rốt giảm được nồng độ cholesterol trong máu. Các chất xơ hòa tan trong cà rốt có thể làm giảm nồng độ cholesterol trong máu bằng cách loại bỏ các axit mật

Ngăn ngừa tai biến mạch máu não

Bạn mắc bệnh tai biến mạch máu não? Lời khuyên của các nhà khoa học ở Trường đại học Harvard, Mỹ là nên ăn nhiều cà rốt. Kết quả nghiên cứu của họ cho thấy, những người ăn hơn 6 củ cà rốt mỗi tuần giảm được nguy cơ tai biến mạch máu não đáng kể so với những người ăn mỗi tháng 1 củ hoặc ít hơn.

Giúp làn da tươi đẹp

Cà rốt có chứa thành phần làm sạch rất mạnh mà có thể giải độc cho gan, điều này cũng góp phần làm giảm mụn trứng cá gây ra bởi các độc tố xuất phát từ máu. Cà rốt cũng thường được sử dụng để điều trị làn da nhăn nheo và thô ráp mùa đông. Vitamin A và các dinh dưỡng khác có chứa trong củ cà rốt giúp chăm sóc làn da rất hiệu nghiệm, giup chống lại sự khô da và mang lại vẻ đẹp tự nhiên cho bạn.

Giúp trẻ lâu

Cà rốt có chứa nhiều beta-carotene, thành phần hoạt động như chất chống oxi hóa để giúp cơ thể chống lại sự tổn thương ở các tế bào do cơ thể hít phải không khí độc hại hoặc máu bị “nhiễm bẩn”. Nó cũng có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa ở tế bào và nhiều tác động tiêu cực liên quan đến lão hóa. Do vậy, muốn trẻ lâu, bạn nên chăn ăn cà rốt hoặc uống sinh tố cà rốt.

Giúp răng chắc khỏe

Cà rốt được xem như loại kem đánh răng tự nhiên vì nó giúp răng miệng sạch và là cách tốt nhất để cho miệng của bạn sạch sau mỗi bữa ăn. Chúng hoạt động như chất cọ rửa tự nhiên, giúp loại bỏ những chất bẩn bám ở răng. Chúng cũng giúp cơ thể tiết ra nhiều nước miếng, điều này sẽ giúp lau chùi những vết nhơ ở răng. Các chất khoáng ở cà rốt giúp tiêu diệt các vi khuẩn ở răng và ngăn chặn răng tổn thương.

Cải thiện huyết áp

Nhờ giàu hàm lượng chất xơ hòa tan nên khi ăn cà rốt sẽ giúp bạn giảm lượng cholesterol bằng cách kiềm hãm sự hiện diện của những cholesterol có hại(LDL) đồng thời làm tăng lượng cholesterol có lợi cho cơ thể(HDL). Hệ quả là nó giúp làm nguy cơ máu đóng cục(tắc nghẽn mạch máu) và đau tim.

Giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Cà rốt hỗ trợ hệ tiêu hóa bằng cách tăng cường nước miếng đồng thời cung cấp khoáng chất, vitamin và enzyme cần thiết cho cơ thể. Thường xuyên ăn cà rốt giúp ngăn chặn viêm loét dạ dày và rối loạn tiêu hóa.

Một số công dụng khác của cà rốt:

- Cà rốt sống hoặc chín đều có thể sử dụng để điều trị vết thương, đứt tay và nhiễm trùng.

- Cà rốt giàu chất carotenoids nên giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.

- Thường xuyên ăn cà rốt sẽ giúp phụ nữ nuôi con có nhiều sữa và chất lượng sữa hơn.

- Phụ nữ chăm ăn cà rốt cũng sẽ giúp giảm rối loạn kinh nguyệt và khí hư.

- Cuối cùng là cà rốt có thể giúp cải thiện vẻ đẹp của tóc, móng tay, chân và da.

Bài 2. Nên ăn cà rốt thế nào để không ngộ độc?


Cà rốt là loại rau củ được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng để bổ sung vitamin A cho trẻ, nhưng vì sao lại gây ngộ độc? Và ăn cà rốt thế nào để không ngộ độc?

Thông tin một bé gái suýt tử vong vì ăn nhiều cà rốt dẫn đến ngộ độc methemoglobine máu, đang làm nhiều phụ huynh lo lắng.

Thủ phạm gây ngộ độc cà rốt

Trên cơ sở khai thác bệnh sử em bé này (bé N), bình thường gia đình hay nấu canh xúp có cà rốt cho bé N. ăn để bổ sung vitamin A và bé cũng thích ăn cà rốt sống, các bác sĩ đã đi đến nhận định bệnh nhi bị methemoglobine máu do ăn nhiều cà rốt.

“Nồng độ chất nitrate có nhiều trong cà rốt. Khi ăn nhiều và lâu ngày sẽ gây methemoglobin ở trẻ nhỏ, biến đổi hemoglobine thành methemoglobine quá khả năng bù trừ của hệ thống men khử, đưa đến tăng methemoglobine máu, làm bệnh nhân tím tái, khó thở, có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời”, bác sĩ Tiến nói.

Cũng theo bác sĩ Tiến, ngoài cà rốt, một số loại rau củ khác cũng có nồng độ chất nitrate nhiều, có khả năng gây ra tình trạng methemoglobine máu cao nếu lạm dụng thái quá như củ dền, cải bẹ xanh, bắp cải, củ cải đường…

“Bất kỳ một loại thực phẩm nào cũng cần dinh dưỡng đúng cách và đa dạng. Nếu muốn bổ sung dưỡng chất cho các bé, phụ huynh nên đưa bé đi khám sức khoẻ trước để xem tình trạng ra sao, trên cơ sở đó bác sĩ sẽ có những chỉ định bổ sung dưỡng chất hợp lý”, bác sĩ Tiến khuyên.

TS.BS Lê Thị Phương Dung, giảng viên bộ môn dinh dưỡng, đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM cho biết cà rốt là một loại rau củ rất giàu dưỡng chất, đặc biệt là beta-caroten (tiền vitamin A), khi hấp thụ vào cơ thể sẽ được chuyển hoá thành vitamin A, có tác dụng phòng ngừa bệnh khô mắt, quáng gà, mù loà ở trẻ em...

Gọt vỏ, cắt hai đầu khi sử dụng

Ngoài ra, trong cà rốt còn có nhiều dưỡng chất giá trị khác như canxi, sắt, magiê, axít folic, kali, sợi pectin (giúp hạ cholesterol máu). “Không nên vì những thông tin ngộ độc cà rốt, mọi người đâm ra tẩy chay loại thực phẩm bổ dưỡng này.

Điều quan trọng là phải biết cách sử dụng hợp lý để tận dụng được tối đa những mặt lợi và hạn chế mặt hại của cà rốt”, bác sĩ Dung nói và đưa ra một số lời khuyên cho người dùng cà rốt:

Gọt vỏ, cắt bỏ hai đầu trước khi ăn: Chọn mua những củ cà rốt có màu tươi sáng, cứng chắc, thẳng và trơn láng. Cà rốt có màu cam càng đậm càng chứa nhiều betacarotene. Cắt bỏ cành, lá càng sớm càng tốt vì chúng sẽ rút đi vitamin, muối khoáng và nước từ phần củ.

Để tránh ngộ độc hoá chất từ thuốc diệt côn trùng còn sót lại trên cà rốt, trước khi ăn nên rửa sạch, gọt vỏ và cắt bỏ hai đầu.

Nên nấu chín hay xay ép cà rốt: Khác với một số loại rau củ khác phải ăn sống mới hấp thu được dưỡng chất, cà rốt nấu chín hay đã xay ép thành nước đem lại nhiều chất dinh dưỡng hơn. Để lấy được nguồn dinh dưỡng tối đa từ cà rốt thì chỉ nên dùng loại tươi nhất và đã qua đun nấu, tốt nhất là luộc sơ và nên chế biến cùng với một ít dầu, mỡ để việc hấp thu vitamin A từ thực phẩm được tốt hơn.

Ăn đủ lượng cần thiết, không liên tục: Ăn lâu dài một số lượng lớn cà rốt không chỉ gây ra tình trạng ngộ độc cà rốt do tăng methemoglobine máu mà lượng carotene cao tích trữ trong cơ thể không được chuyển hoá hết cũng sẽ gây ứ đọng ở gan gây chứng vàng da (biểu hiện rõ nhất ở chóp mũi, lòng bàn tay, gan bàn chân…), ăn không tiêu, mệt mỏi...

Tình trạng này tuy chỉ gây ảnh hưởng thẩm mỹ, không nguy hiểm và dễ kiểm soát (chỉ cần ngưng hay giảm ăn cà rốt một thời gian sẽ hết vàng da) nhưng cũng dễ làm người bệnh lo lắng. Vì vậy, tốt hơn hết nên ăn đúng liều lượng cần thiết.

Liều dùng phù hợp nhất trung bình mỗi tuần chỉ nên ăn từ hai đến ba bữa cà rốt, mỗi bữa nên ăn khoảng 50g (nửa củ to hoặc một củ nhỏ). Khi ăn nếu có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, ói… nên ngưng ngay và nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán có phải đã bị ngộ độc.

Theo afamily.vn

No comments:

Post a Comment