Sunday, February 22, 2015

Quân tử bất khí

Trong mấy tháng qua làm việc tại VinGroup, nhìn một tập đoàn bùng nổ về số lượng nhân sự, về số lượng dự án.. tôi thực sự khâm phục những người đang chèo lái. Lãnh đạo thành công các việc lớn, thúc đẩy xe lu nghìn tấn, quyết sách ảnh hưởng tới vạn người là việc không phải ai cũng làm được.
Bộ phim "Hồng Môn Yến" nói về buổi tiệc mà thuộc hạ Hạng Vũ bày ra nhằm giết Lưu Bang
Ai là người đảm đương được chuyện lớn? Trong "Thiên thời Địa lợi Nhân hoà" của Lãnh Thành Kim và Phan Minh Thanh có nói đến "khí tướng đế vương" -  những người làm chuyện lớn trong lịch sử Trung Hoa. Có 4 đặc điểm về khí tướng đế vương: 
  1. Có chí hướng lớn và nghị lực kiên cường, không bị mê hoặc bởi sự được mất nhất thời
  2. Kiến thức trác việt, tức tầm nhìn xa về chính trị hơn người khác
  3. Hiểu rõ người và có thuật dùng người
  4. Có sự độ lượng với người và biết thu nhận hiền tài
Nhìn lại lịch sử người làm được 3 điều đầu tiên rất nhiều, người làm được điều cuối cùng không nhiều. Khó vì con người khó thắng được bản thân mình, từ bỏ ý muốn và lòng tham, khắc phục tính ác và thiên kiến cá nhân.
Người không biết sai mà phạm thì không đáng sợ, cái đáng sợ là biết mà cứ phạm. Biết mà cứ phạm không phải là đáng sợ nhất. Cái đáng sợ nhất là biết rõ lại cứ phạm mà không khống chế được bản thân, giống như người nghiện. Bất luận trong lịch sử hay trong thực tế, người như thế rất nhiều. Sở dĩ họ phạm sai lầm này, hay sai lầm khác không phải là do họ không biết, mà do không khống chế được mình.
Nhân tính có nhược điểm, nhược điểm đó là con người không thể dùng lý trí để chiến thắng tình cảm, không thể khống chế được nó. Ai có thể chiến thắng tốt nhược điểm của mình, người đó sẽ dễ đạt được thành công.
Tác giả so sánh hai nhân vật cực kỳ nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc:
Hán cao tổ Lưu Bang tài thì thấp, đức thì mỏng nhưng lại có tài dùng người và dung nạp nhân tài mà người khác không sánh kịp. Hạng Vũ so với Lưu Bang nhiều ưu điểm hơn, nhưng đến một chức quan quèn cũng chẳng ném cho tướng lĩnh, đối với nhân tài chỉ có một Phạm Tăng mà cũng không dùng, còn hơi đâu nói tới việc dùng người. Do đó đứng từ góc độ nhà chính trị mà xét, thì sự thất bại của Hạng Vũ là tất yếu. Hạng Vũ có khí khái anh hùng nhưng lại không có khí tướng đế vương.
Trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa", Tào Tháo và Gia Cát Lượng xuất hiện như hai bậc kỳ tài trong thiên hạ:
Nếu đem Tào Tháo mà so sánh với Gia Cát Lượng về Võ công Văn trị, mọi mặt Gia Cát Lượng đều hơn Tào Tháo rất nhiều, nhưng có điều này, Tào Tháo có người mà Gia Cát Lượng không có người. Gia Cát Lượng việc gì cũng phải tự mình làm, mỗi khi có chiến tranh sắp đến, nếu không tự bày mưu tính kế, e rằng sẽ có thất bại. Trong tay Gia Cát Lượng, lực lượng của ông chỉ là "ngũ hổ đại tướng", mà trong tay Tào Tháo, tướng mưu sĩ có thể độc giữ một mặt không dưới vài chục người.
Tào Tháo vốn bị miêu tả là người không có đức, nhưng điều người ta thấy không hiểu là Tào Tháo mặc dù vô đức, dưới tay ông làm sao mưu thần lại như rừng, mãnh tướng như mây? Một người ân mỏng nghĩa lạt lẽ nào lại được anh hùng trong thiên hạ đi theo, anh hùng trong thiên hạ lẽ nào mà không biết gì? Nói cho cùng không phải là Tào Tháo vô đức, mà là chúng ta không thích cái thuật của Tào Tháo mà thôi!
Có người than thở rằng, người cạnh mình bất tài, song có những trường hợp thực tế do mình trình độ thấp không biết phát hiện và sử dụng nhân tài. Lời của Quách Nguy khuyên Yên Chiêu vương có câu:
Nếu người ta chủ động đến, mình mới nhận họ thì sẽ được người tài năng gần như mình. Ngồi cao hất đầu chỉ tay với người ta thì chỉ được người sai dịch. Nếu phóng túng bạo ngược, đánh đập chửi rủa người thì sẽ được người nô lệ.
Tục ngữ Trung Quốc nói: "Tắm không nhất thiết phải đi ra sông biển, chỉ cần rửa sạch vết bẩn là được; ngựa không nhất thiết phải thiên lý mã, chỉ cần chạy tốt là được; dùng người không nhất thiết phải yêu cầu hiền đức, chỉ cần họ hiểu đạo lý là được. Lấy vợ không nhất thiết phải xuất thân cao quý, chỉ cần trinh tiết, không cần tài giỏi.. Đây là căn cứ vào tình huống cụ thể mà nói".
Trước kia Y Doãn phụ trách xây dựng cung điện để cho người lực lưỡng khoẻ mạnh vác đất, để cho người mù một mắt nhưng vẫn còn thấy đường đẩy xe, để cho người lưng gù trát tường, mỗi người đều làm việc thích hợp với mình, khiến mỗi người đều phát huy được ưu thế của mình.
Trong "Hoài Nam tử"có viết về sở trường sở đoản của mỗi người, cần phải đúng người đúng việc:
Thảo dược trong thiên hạ không có loại nào độc bằng phụ tử, nhưng thầy thuốc cao kiến tàng trữ nó vì nó có giá trị dược dụng đặc biệt. Con hươu khi lên núi, chạy nhanh đến nỗi con hoẵng không đuổi kịp, nhưng khi nó xuống núi thì mục đồng lại đuổi được nó. Điều đó nói rõ bất cứ tài năng nào đều có sở trường sở đoản. Người Hồ phương bắc thạo cưỡi ngựa, người Việt phương nam giỏi chèo thuyền. Hình thức và chủng loại khác nhau, lại đổi cho nhau làm những việc mình không thông thạo, là không được.
Hoàng Thạch Công cho rằng dù người có tham lam hay ngu xuẩn đều có thể dùng được:
Nên biết sử dụng người thông minh, người dũng cảm, người tham lam, người ngu xuẩn. Người thông minh thích lập công, người dũng cảm thích hành sự theo ý chí của mình, người tham lam quyết tâm đạt được lợi ích, người ngu xuẩn không sợ chết. Căn cứ vào tính tình mỗi người mà dùng họ, đó chính là quyền mưu được sử dụng diệu kỳ nhất.
Kết luận:
Người lãnh đạo phải thế nào? Bản thân người lãnh đạo không nhất thiết phải có năng lực cụ thể hơn người, mà mấu chốt phải có nhân cách và năng lực thống soái, phát huy lực lượng tập thể. Người lãnh đạo phải là người biết đoàn kết mọi người, điều động mọi người, khiến năng lượng tập trung vào phương hướng mình hy vọng.

Khổng Tử nói "quân tử bất khí". Nếu từ góc độ trên để lý giải thì quân tử không phải là người giống như một khí cụ cụ thể phát huy tác dụng cụ thể, không thạo làm một việc cụ thể, mà thạo quản lý con người. Đây là sự lý giải và định nghĩa kinh điển nhất của cổ nhân đối với người lãnh đạo.