Được biết, Ernst&Young Việt Nam có kế hoạch phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tiến hành khảo sát ý kiến của các DN niêm yết để đo lường mức độ quan tâm của họ về QTRR. Chi tiết kế hoạch này như thế nào, thưa ông?
Hàng năm, Ernst&Young toàn cầu đều tiến hành khảo sát và tham khảo ý kiến các DN tại nhiều quốc gia để đưa ra những đánh giá tổng thể về thực trạng nhận thức, cũng như áp dụng QTRR tại DN. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát tương tự chưa được tiến hành với các DN niêm yết tại Việt Nam. Bởi vậy, để có đánh giá xác thực về mức độ quan tâm và thực tiễn áp dụng QTRR tại khối DN niêm yết, trong kế hoạch hợp tác giữa Ernst&Young Việt Nam và UBCK, sắp tới sẽ tiến hành cuộc khảo sát này và kết quả sẽ cung cấp thông tin xác thực để hoàn chỉnh cuốn Cẩm nang QTRR tại DN mà hai bên đang khẩn trương hoàn chỉnh. Qua khảo sát thực tiễn sơ bộ, chúng tôi nhận thấy DN niêm yết chưa thực sự quan tâm đến QTRR. Điều này thể hiện ít nhất trên 3 khía cạnh: tỷ lệ vốn vay trên vốn tự có quá lớn, đầu tư dàn trải và chưa quan tâm áp dụng chuẩn mực giám sát giao dịch của các bên liên quan.
Trên cơ sở dẫn chứng về số DN có tỷ lệ vay vốn quá cao, ông có thể phân tích những rủi ro mà các DN này gặp phải, nhất là trong bối cảnh TTCK và môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn?
Thống kê mới nhất cho thấy, một số DN niêm yết hiện có số vốn vay cao gấp 10 lần vốn tự có, nhưng hiệu quả sử dụng vốn không như mong đợi. Một trong những lý do khiến DN có tỷ lệ vốn vay lớn là quá nóng vội đa dạng hoá hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hệ quả là tại một số DN niêm yết, NĐT không nhận diện được đâu là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Nhiều DN đầu tư dàn trải, ngoài hoạt động chính còn đầu tư sang cả lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán…, mà chưa đánh giá được hậu quả của việc hạn chế về năng lực QTRR cũng như nguồn lực về con người, tài chính. Trong khi đó, TTCK suy giảm kéo dài khiến DN gần như không có cơ hội huy động vốn qua kênh này để tài trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, không loại trừ cả việc trả nợ. Bởi vậy, khi gặp bối cảnh kinh doanh khó khăn kéo dài như hiện tại, không ít DN niêm yết, kể cả một số DN lớn đang đối mặt với nhiều rủi ro về khả năng trả nợ, khó triển khai hoạt động kinh doanh, nên ảnh hưởng đến tăng trưởng của DN…
Việc DN chưa quan tâm áp dụng chuẩn mực giám sát giao dịch của các bên liên quan đang ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi chính đáng của cổ đông, NĐT, bởi họ không có cơ hội tiếp cận sớm thông tin. Cách nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?
Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam, báo cáo tài chính phải có thuyết minh về giao dịch với các bên liên quan. Tuy nhiên, thuyết minh này cung cấp thông tin về giao dịch đã diễn ra, trong khi điều NĐT, cổ đông quan tâm là họ cần được tiếp cận thông tin ngay từ trước khi các giao dịch này phát sinh để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp. NĐT nước ngoài đặc biệt quan tâm đến giao dịch với các bên liên quan, vì thông qua các giao dịch này có thể hàm chứa những rủi ro về việc chuyển tiếp lợi nhuận và rủi ro giữa các công ty trong tập đoàn. Thiếu thông tin chính xác và kịp thời về giao dịch với các bên liên quan làm cho việc đánh giá rủi ro, cũng như thẩm định giá trị của một nhóm công ty hoặc tập đoàn sẽ không chuẩn xác.
Theo thông lệ quốc tế, có một quy trình quản lý các giao dịch với các bên có liên quan. Ở một số nước châu Âu còn đưa ra quy định buộc DN đưa quy trình này vào điều lệ hoạt động của DN. Trong đó làm rõ trước khi giao dịch với các bên có liên quan phát sinh, thì DN phải minh bạch giao dịch đó bản chất là gì, mức độ tài chính ảnh hưởng như thế nào tới DN và phải báo cáo thông tin giao dịch cho ai. Ba việc này phải trình HĐQT xem xét trước khi đưa ra ĐHCĐ quyết định nếu mức độ tài chính vượt quá thẩm quyền quyết định của HĐQT.
Tại Pháp còn đưa ra quy định, kiểm toán viên độc lập phải lập báo cáo về giao dịch với các bên có liên quan bên cạnh báo cáo kiểm toán. Tuy báo cáo này được phát hành vào thời điểm kết thúc năm tài chính, nhưng cái lợi là để có được báo cáo về giao dịch với các bên có liên quan, thì suốt năm, kiểm toán viên đã phải theo dõi việc thực hiện quy trình đó. Bởi vậy, kiểm toán viên đã hỗ trợ HĐQT trong theo dõi các giao dịch này diễn ra có đúng không, có vi phạm tính tuân thủ không. Đây là thông lệ tốt mà các DN nên áp dụng, thay vì chờ cơ quan quản lý bắt buộc tuân thủ.
(Theo Đầu tư chứng khoán)
No comments:
Post a Comment