Tuesday, April 24, 2012

Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ trong kiểm toán hàng tồn kho

Trong báo cáo tài chính (BCTC) của nhiều loại hình doanh nghiệp. Các nghiệp vụ kinh tế, cách thức hạch toán kế toán, quá trình kiểm kê hàng tồn kho trong những công việc phức tạp, tốn nhiều thời gian nhưng rất quan trọng trong kiểm toán BCTC. Một trong những thủ tục quan trọng hàng đầu trong kiểm toán hàng tồn kho là kiểm toán viên phải đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) để xác minh tính hữu hiệu của hệ thống này và làm cơ sở cho việc xác định phạm vi thực hiện các thử nghiệm trên số dư và nghiệp vụ của đơn vị.

ThS. Nguyễn Thị Lan Anh

Khoa kế toán- ĐH KTQD

Với tính chất phức tạp và mức độ trọng yếu của hàng tồn kho, hầu hết các nhà quản trị doanh nghiệp cho rằng kiểm soát nội bộ hàng tồn kho là một chức năng thường xuyên trong quản trị doanh nghiệp. KSNB hàng tồn kho tốt sẽ giúp doanh nghiệp xác định, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra trong từng khâu công việc nhằm thực hiện có hiệu quả tất cả các mục tiêu đặt ra của đơn vị đối với hàng tồn kho. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có một HTK - SNB hàng tồn kho hiệu quả, phù hợp theo đặc điểm hàng tồn kho của đơn vị mình, điều này ảnh hưởng tới các công việc cụ thể của KTV khi tiến hành kiểm toán hàng tồn kho của doanh nghiệp khách hàng.

Trong nhóm chuẩn mực thực hành thuộc những chuẩn mực kiểm toán được chấp nhận phổ biến (GAAS) đã nêu rõ: KTV phải am hiểu một cách đầy đủ về hệ thống KSNB nhằm đánh giá rủi ro kiểm soát, từ đó xây dựng một chương trình kiểm toán hợp lý, xác định rõ nội dung, thời gian, quy mô của các thủ tục kiểm toán để tập hợp được đầy đủ bằng chứng kiểm toán có hiệu lực. Hay theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 400 - Đánh giá rủi ro và KSNB nhấn mạnh: KTV phải có đủ hiểu biết về hệ thống KSNB của khách hàng để lập kế hoạch kiểm toán tổng thể và chương trình kiểm toán thích hợp, có hiệu quả.

Như vậy, đánh giá hệ thống KSNB của khách thể kiểm toán là công việc cần thiết trong cuộc kiểm toán. Tùy thuộc vào đặc điểm của khách hàng mà KTV cần có cách thức tiến hành đánh giá hệ thống này khác nhau.

Trong quá trình đó, để nhận thức rõ được đặc điểm của hệ thống KSNB, KTV cần sử dụng cách thức mô tả hệ thống KSNB đúng đắn nhất, từ đó sử dụng các xét đoán chuyên môn của mình để đánh giá rủi ro kiểm toán và xác định các thủ tục kiểm toán nhằm giảm rủi ro kiểm toán xuống thấp tới mức có thể chấp nhận được.

Trong thực tế kiểm toán hàng tồn kho được thực hiện bởi các công ty kiểm toán độc lập hiện nay, để mô tả về HTK-SNB, KTV và công ty kiểm toán sử dụng bảng câu hỏi và bảng tường thuật. Tuy nhiên, việc sử dụng hai công cụ này chưa chuẩn và phương pháp sử dụng lưu đồ chưa được lưu tâm. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng trên nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là KTV muốn giảm thiểu các thủ tục phức tạp, điều này dẫn tới việc đánh giá chưa đúng về hệ thống KSNB của khách hàng. Vì vậy, để có được những thông tin đúng đắn về hệ thống KSNB thì KTV và công ty kiểm toán cần phải xây dựng một phương pháp tìm hiểu và mô tả HTK-SNB của khách hàng một cách hữu ích nhất.

Để mô tả hệ thống KSNB, KTV có thể sử dụng một trong ba phương pháp hoặc kết hợp cả ba phương pháp sau (tùy theo đặc điểm đơn vị được kiểm toán và quy mô kiểm toán): Vẽ các lưu đồ; lập bảng tường thuật; lập bảng câu hỏi về KSNB.

Lưu đồ là sự trình bày toàn bộ các quá trình kiểm soát áp dụng cũng như mô tả các chứng từ, tài liệu kế toán cùng quá trình vận động và luân chuyển chúng bằng các ký hiệu và biểu đồ. Lưu đồ về KSNB giúp KTV nhận xét chính xác hơn về các thủ tục kiểm soát áp dụng đối với hoạt động và dễ dàng chỉ ra các thủ tục kiểm toán cần bổ sung. Cách thức mô tả hệ thống KSNB qua lưu đồ thường dễ dàng hơn việc đọc một bảng tường thuật. Tuy nhiên, việc sử dụng lưu đồ để mô tả hệ thống KSNB vẫn chưa được nhiều công ty kiểm toán áp dụng. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng trên nhưng nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng trên nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là do tâm lý e ngại của KTV vì cho rằng phương pháp này khó nên không muốn thực hiện.

Bảng tường thuật về hệ thống KSNB là sự mô tả bằng văn bản về nội dung KSNB của khách hàng. Để mô tả rõ nét về hệ thống KSNB thì tài liệu này thường được dùng phối hợp với các tư liệu khác về KSNB. Đối với những hệ thống đơn giản, KTV có thể sử dụng duy nhất bảng tường thuật để ghi nhận sự hiểu biết của mình. Một bảng tường thuật hoàn chỉnh thường bao gồm các yếu tố sau: nguồn gốc của mọi chứng từ và sổ sách trong hệ thống; các quá trình đã xảy ra (có liên quan đến nội dung kiểm toán); các hoạt động kiểm soát được áp dụng tại đơn vị.

Trong mọi trường hợp, bảng câu hỏi về hệ thống KSNB đều có thể sử dụng được và mang lại những tác dụng đáng kể đối với cuộc kiểm toán. KTV có thể thực hiện phương pháp này bằng cách đưa ra các câu hỏi theo các mục tiêu chi tiết của hệ thống KSNB đối với từng lĩnh vực kiểm toán. Các câu hỏi được thiết kế dưới dạng trả lời "có" hoặc "không" và các câu hỏi trả lời "không" sẽ cho thấy nhược điểm của KSNB.

Bảng 1

Để có thể hình dung rõ hơn về điều này, Tác giả xin đưa ra một bảng câu hỏi nhằm thu nhập những thông tin cần thiết về hàng tồn kho. (Bảng 1)

Để tiết kiệm thời gian và có được những thông tin cần thiết, KTV có thể chuyển trước bảng câu hỏi cho khách hàng và đề nghị khách hàng tự điền câu trả lời. Sau đó, KTV sẽ tiến hành kiểm tra lại để khẳng định các câu trả lời là phù hợp. Nếu khách hàng không tự điền câu trả lời thì KTV phải lập bảng câu hỏi và kết hợp các thủ tục kiểm toán linh hoạt để thu thập thông tin nhằm trả lời cho tất cả các câu trong bảng này.

Để có căn cứ lập bảng câu hỏi về HTK-SNB về hàng tồn kho phù hợp với từng khách thể kiểm toán, kiểm toán viên phải dựa vào:

Thứ nhất: Kinh nghiệm trong những lần kiểm toán trước và hồ sơ kiểm toán của khách hàng đang lưu tại công ty kiểm toán (nếu là khách hàng đã kiểm toán những năm trước);

Thứ hai: Nội dung và kết quả trao đổi với ban giám đốc, kế toán trưởng với nhân viên thuộc phòng kế toán, phòng cung tiêu, phòng kế hoạch... về các nội dung có liên quan;

Thứ ba: Kiểm tra và xem xét các tài liệu, thông tin liên quan đến hàng tồn kho do hệ thống kế toán và hệ thống KSNB cung cấp;

Thứ tư: Quan sát hệ thống kho, quy trình công nghệ, quá trình xử lý nghiệp vụ..

KTV căn cứ vào các câu trả lời trong bảng câu hỏi về hệ thống KSNB này sẽ nhận thấy sự có mặt hay vắng mặt đối với từng dấu hiệu kiểm soát hàng tồn kho của khách hàng. KTV cần phải xác định được nguyên nhân của sự vắng mặt các quá trình kiểm soát chủ yếu vì chúng thường làm cho khả năng sai phạm tăng lên.

Sau khi xác định được sự vắng mặt từng dấu hiệu kiểm soát hàng tồn kho của khách hàng, đặc biệt là sự vắng mặt của quá trình kiểm soát chủ yếu, KTV sẽ tổng hợp và đánh giá được hệ thống KSNB đối với hàng tồn kho của khách hàng ở mức khá, trung bình hoặc yếu.

Nhược điểm của bảng câu hỏi về hệ thống KSNB chuẩn này là lập chung cho mọi loại hình khách hàng, do đó nó có thể sẽ không sát với tình hình thực tế tại một số khách hàng và không khả thi đối với hàng tồn kho, bên cạnh việc sử dụng bảng câu hỏi về hệ thống KSNB thì rất cần đến kinh nghiệm thực tế của KTV.

Các kỹ thuật tìm hiểu hệ thống KSNB cần được mở rộng để đáp ứng nhu cầu kiểm toán và nâng cao chất lượng kiểm toán của các công ty kiểm toán độc lập. Trên cơ sở những thông tin thu thập được, bên cạnh việc sử dụng bảng tường thuật, bảng câu hỏi về mô tả hệ thống KSNB thì tùy theo từng trường hợp, KTV cũng nên sử dụng thêm phương pháp mô tả bằng lưu đồ vì những ưu điểm của nó hoặc kết hợp các phương pháp mô tả trên. Cụ thể như sau: Nếu trường hợp hệ thống KSNB đơn giản vì KTV có thể sử dụng bảng tường thuật để mô tả và KTV cần chú ý đến bố cục và cách hàng văn cho dễ hiểu.

Trong trường hợp hệ thống KSNB của khách hàng phức tạp hơn thì có thể sử dụng bảng câu hỏi khi tiến hành tiếp xúc, phỏng vấn ban giám đốc hay nhân viên của khách hàng. Khi đố các công ty nên xây dựng hệ thống bảng câu hỏi chuẩn để KTV có thể áp dụng một cách thuận tiện. Hệ thống bảng câu hỏi này cần được thiết kế với đầy đủ các câu hỏi có thể hỏi để đánh giá về hệ thống KSNB (bảng 1). Sau đó, tùy vào đặc điểm của khách hàng trong những điều kiện cụ thể, KTV có thể không sử dụng câu hỏi đó thì sẽ đánh dấu vào cột "không áp dụng". Trong những trường hợp không bị sức ép về thời gian và chi phí kiểm toán thì các công ty kiểm toán nên khuyến khích KTV của mình sử dụng cách mô tả hệ thống KSNB bằng lưu đồ. Phương pháp lưu đồ thuận lợi chủ yếu vì nó có thể cung cấp một cái nhìn tổng quát về HTK-SNB của khách hàng, tài liệu này rất có ích đối với KTV và có tác dụng như một công cụ phân tích khi đánh giá hệ thống KSNB.

(Theo Tạp chí kế toán)

Sunday, April 22, 2012

Nội dung cơ bản của Nghị định số 17/NĐ-CP về Kiểm toán độc lập (Phần 2)

TS. Hà Thị Ngọc Hà

Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán

Bộ Tài chính

(...Tiếp theo)

Thứ sáu, về các trường hợp DNKT, chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam (gọi chung là DNKT) không được thực hiện kiểm toán

Nghị định 17 hướng dẫn cụ thể hơn về các trường hợp DNKT không được kiểm toán quy định tại Điều 30 của Luật KTĐL, theo 5 nhóm như sau:

Nhóm 1: DNKT đang hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề một hoặc một số dịch vụ sau cho đơn vị được kiểm toán như: Ghi sổ kế toán, lập BCTC; Thực hiện dịch vụ kiểm toán nội bộ; Thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm soát nội bộ; Các dịch vụ khác có ảnh hưởng đến tính độc lập của KTV hành nghề và DNKT theo quy định của CM đạo đức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán.

Nhóm 2: Thành viên tham gia cuộc kiểm toán, người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) của DNKT: (1) Là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc đang nắm giữ cổ phiếu, góp vốn vào đơn vị được kiểm toán hoặc có quan hệ kinh tế, tài chính khác với đơn vị được kiểm toán theo quy định của CM đạo đức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán hoặc (2) có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là thành viên, cổ đông sáng lập, hoặc (3) nắm giữ cổ phiếu, góp vốn và nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên đối với đơn vị được kiểm toán, hoặc (4) là người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) của đơn vị được kiểm toán. Và ngược lại, người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) của đơn vị được kiểm toán đồng thời là người góp vốn và nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên đối với DNKT.

Nhóm 3: DNKT và các đơn vị được kiểm toán có các mối quan hệ chung như sau: (1) Có cùng một cá nhân hoặc doanh nghiệp, tổ chức sáng lập hoặc tham gia thành lập; (2) Cùng trực tiếp hay gián tiếp chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn dưới mọi hình thức của một bên khác; (3) Được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ sau: vợ và chồng, bố mẹ và con (không phân biệt con đẻ, con nuôi hoặc con dâu, con rể); anh, chị, em có cùng cha, mẹ (không phân biệt cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi); ông nội, bà nội và cháu nội; ông ngoại, bà ngoại và cháu ngoại; cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột; (4) Có thoả thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng; (5) Cùng là công ty hoặc pháp nhân thuộc cùng một mạng lưới theo quy định của CMKT.

Nhóm 4: Đơn vị được kiểm toán: (1) Đã thực hiện trong năm trước liền kề hoặc đang thực hiện kiểm toán BCTC hoặc các dịch vụ kiểm toán khác cho chính DNKT; (2) Là tổ chức góp vốn vào DNKT; (3) Là công ty mẹ, các công ty con, công ty liên kết, công ty liên doanh, đơn vị cấp trên, đơn vị cấp dưới, công ty cùng tập đoàn của tổ chức góp vốn vào DNKT.

Nhóm 5: DNKT tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn dưới mọi hình thức vào đơn vị được kiểm toán và các trường hợp khác theo quy định của CM đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán và quy định của pháp luật.

Thứ bảy, về cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới của DNKT nước ngoài

Căn cứ khoản 3 Điều 36 Luật KTĐL, Chính phủ quy định về việc cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới của DNKT nước ngoài. Do vậy, Nghị định số 17 quy định cụ thể 5 Điều (từ Điều 10 đến Điều 14) về đối tượng cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới, điều kiện và phương thức cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới, trách nhiệm của DNKT nước ngoài cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới và trách nhiệm của DNKT tại Việt Nam có tham gia liên danh với DNKT nước ngoài để cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới. Cụ thể:

- Chỉ có các DNKT có quốc tịch tại quốc gia thành viên của WTO hoặc quốc gia có hiệp định với Việt Nam về việc cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới mới được cung cấp dịch vụ qua biên giới.

- DNKT nước ngoài phải có đủ các điều kiện mới được cung cấp dịch vụ qua biên giới, trong đó: (1) Phải có ít nhất 05 KTV được Bộ TC Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán; (2) Có vốn chủ sở hữu trên BCĐKT tương đương 500.000 USD; (3) Có mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các KTV hành nghề tại Việt Nam; (4) Phải ký quỹ bắt buộc số tiền tương đương vốn pháp định đối với công ty TNHH của Việt Nam tại một ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; (5) Đăng ký và được Bộ TC Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán qua biên giới tại Việt Nam.

- Về phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới: DNKT nước ngoài phải thực hiện liên danh với DNKT đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán tại Việt Nam và phải giao kết Hợp đồng kiểm toán theo quy định của pháp luật Việt Nam. Báo cáo kiểm toán phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật và KTV hành nghề của DNKT nước ngoài và DNKT tại Việt Nam.

- Hợp đồng kiểm toán, hợp đồng liên danh, hồ sơ kiểm toán và báo cáo kiểm toán phải lập đồng thời bằng cả 2 ngôn ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh. Mọi giao dịch thanh toán và chuyển tiền liên quan đến cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới phải thực hiện bằng hình thức chuyển khoản thông qua tổ chức tín dụng được phép theo quy định của pháp luật về ngoại hối của Việt Nam.

- DNKT nước ngoài phải tuân thủ CMKT Việt Nam khi thực hiện cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới tại Việt Nam.

- DNKT tại Việt Nam có trách nhiệm lưu trữ toàn bộ hồ sơ kiểm toán và giải trình với các cơ quan chức năng về báo cáo kiểm toán, hồ sơ kiểm toán và các vấn đề khác phát sinh từ cuộc kiểm toán liên danh với DNKT nước ngoài.

Thứ tám, về đơn vị được kiểm toán

Nghị định số 17 bổ sung thêm 2 đối tượng phải kiểm toán BCTC là: Doanh nghiệp, tổ chức mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên và doanh nghiệp mà các tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính phải được kiểm toán đối với BCTC hàng năm.

Sở dĩ cần bổ sung 2 đối tượng này vì: (1) Đây là hướng dẫn thực hiện điểm c khoản 2 Điều 37 Luật KTĐL. Từ đó góp phần tăng cường minh bạch thông tin trên BCTC riêng của các công ty liên doanh, liên kết và các thông tin trên BCTC riêng cũng như BCTC hợp nhất của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán. Từ đó góp phần giám sát hiệu quả hoạt động đầu tư vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán. (2) Quy định này sẽ là một biện pháp quan trọng làm giảm bớt các trường hợp đưa ra ý kiến ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổ chức niêm yết đang có xu hướng giảm bớt khoản vốn đầu tư vào công ty con, chuyển thành khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (tập đoàn, tổng công ty chỉ nắm giữ từ 20% đến 50% quyền biểu quyết) hoặc đầu tư vốn vào công ty liên doanh, liên kết. Từ đó số lượng công ty con sẽ giảm đi và số lượng các công ty liên doanh, liên kết tăng lên. (3) Xuất phát từ việc thông tin tài chính của các công ty liên doanh, liên kết đều có liên quan và ảnh hưởng đáng kể đến cả BCTC riêng và BCTC hợp nhất của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các tổ chức niêm yết trong khi pháp luật hiện hành chưa quy định BCTC hàng năm cuả đối tượng này bắt buộc phải kiểm toán độc lập. Do đó quy định trên sẽ làm tăng phạm vi các công việc bắt buộc DNKT phải thực hiện kiểm toán BCTC riêng và BCTC hợp nhất toàn bộ Tập đoàn, Tổng công ty để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán cần thiết làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán. Từ đó sẽ hạn chế đáng kể tình trạng đưa ra ý kiến ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán BCTC riêng và BCTC hợp nhất của các đơn vị này do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan từ phía DNKT và từ phía đơn vị được kiểm toán.

Thứ chín, về thẩm quyền yêu cầu giải trình về các nội dung ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán

Khoản 3 Điều 48 Luật KTĐL quy định cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong từng lĩnh vực liên quan, đại diện chủ sở hữu đối với đơn vị được kiểm toán có quyền yêu cầu DNKT, đơn vị được kiểm toán giải trình về các nội dung ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán. Nghị định số 17 quy định rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong từng lĩnh vực liên quan và đại diện chủ sở hữu chỉ bao gồm Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của đơn vị được kiểm toán mới có quyền yêu cầu DNKT, chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam, DNKT nước ngoài cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản về các nội dung ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán.

Thứ mười, về lưu trữ, sử dụng và tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán

Khoản 5 Điều 50 Luật KTĐL giao Chính phủ quy định chi tiết về lưu trữ, sử dụng và tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán. Để hướng dẫn cụ thể các nội dung trên, Nghị định số 17 quy định 4 Điều cụ thể như sau:

- DNKT phải duy trì tính bảo mật, an toàn, toàn vẹn, có khả năng tiếp cận và phục hồi được của hồ sơ kiểm toán; Hồ sơ kiểm toán được lưu trữ bằng giấy hoặc dữ liệu điện tử trong thời hạn tối thiểu là 10 năm kể từ ngày phát hành báo cáo kiểm toán.

- Chỉ được khai thác, sử dụng hồ sơ kiểm toán theo quyết định của người có thẩm quyền của DNKT. (a) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật như Toà án nhân dân, Viện kiểm soát nhân dân, Bộ Tài chính.....; (b) Khi có yêu cầu kiểm tra chất lượng kiểm toán; giải quyết khiếu nại, tranh chấp trong hoạt động kiểm toán và các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật.

- Hồ sơ kiểm toán đã hết thời hạn lưu trữ, thì được tiêu huỷ; Phải thành lập Hội đồng tiêu huỷ và tiến hành kiểm kê, lập danh mục hồ sơ kiểm toán tiêu huỷ và biên bản tiêu huỷ.

- Đối với hồ sơ kiểm toán được lưu trữ bằng dữ liệu điện tử là các băng đĩa, đĩa từ... phải được sắp xếp theo thứ tự thời gian bảo quản với đủ các điều kiện kỹ thuật chống thoái hoá và chống tình trạng truy cập thông tin bất hợp pháp từ bên ngoài.

*************

Hoàn thiện việc phân loại hành vi gian lận trong Chuẩn mực kiểm toán số 240

Hiện tại Bộ Tài chính đã ban hành 38 Chuẩn mực kiểm toán (CMKiT) trong đó có chuẩn mực số 240 quy định về hành vi gian lận và các sai sót trong báo cáo tài chính (BCTC) theo quyết định số 143/2001/QĐ-BTC ngày 21/12/2001. Mục đích của chuẩn mực là quy định các nguyên tắc, thủ tục cơ bản và hướng dẫn thể thức áp dụng các nguyên tắc và thủ tục này liên quan đến trách nhiệm của kiểm toán viên và công ty kiểm toán trong việc xem xét gian lận và sai sót trong quá trình kiểm toán BCTC. Cho đến thời điểm này chuẩn mực số 240 đã có hiệu lực áp dụng gần tròn 10 năm và Bộ Tài chính đang chuẩn bị ban hành mới hệ thống CMKiT Việt Nam trong bối cảnh các CMKiT Quốc tế (ISA) liên tục thay đổi qua nhiều phiên bản 1999, 2004, 2009. Nội dung của bài viết đi vào một vài khía cạnh hoàn thiện của chuẩn mực đặc biệt trọng tâm đó là hoàn thiện việc phân loại hành vi gian lận trong kiểm toán BCTC.

Ths. Phan Thanh Hải

Khoa kế toán - ĐH Duy Tân

Khái quát chung về gian lận và gian lận trong kiểm toán BCTC

Gian lận là một khái niệm xuất hiện cùng với sự phát triển của xã hội loài người, từ hình thức sơ khai là ăn cắp tài sản, nhằm thỏa mãn các nhu cầu cá nhân ban đầu cho đến tận ngày nay gian lận đã phát triển và tinh vi hơn, biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tương ứng với sự phát triển của xã hội và nhận thức của con người.

Theo định nghĩa trong CMKiT số 240 gian lận là: "những hành vi cố ý làm sai lệch thông tin kinh tế, tài chính do một hay nhiều trong Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, các nhân viên hoặc bên thứ ba thực hiện, làm ảnh hưởng đến BCTC".

Phân loại hành vi gian lận trong kiểm toán BCTC theo quan điểm của CMKiT quốc tế (ISA) và quan điển của Hiệp hội các nhà điều tra gian lận Hoa Kỳ (ACFE).

Quan điểm về phân loại gian lân trong BCTC của ISA

Qua nghiên cứu nội dung của CMKiT quốc tế số 240 qua nhiều phiên bản năm 1999, 2004 và gần đây nhất là 2009 tác giả nhận thấy rằng: So với phiên bản ISA 240 năm 1999 chưa đi sâu vào việc phân loại hành vi gian lận trong quá trình kiểm toán BCTC mà về cơ bản chỉ dừng lại ở việc định nghĩa và nêu ra các biểu hiện nhận dạng của hành vi này thì phiên bản ISA 240 năm 2004 và năm 2009 đã có những nội dung quy định rõ ràng hơn. Cụ thể:

- ISA 240 của hai phiên bản gần đây điều chi hành vi gian lận thành 2 loại đó là: Gian lận trên BCTC (Fraudulent financial reporting) và gian lận biển thủ tài sản (misappropriation of assets). Dự trên nội dung biểu hiện của hai loại gian lận này mà ISA cho rằng về cơ bản trên quan điểm của kiểm toán viên thì gian lận nếu xét dưới góc độ chủ thể thực hiện được phân thành 2 loại đó là: gian lận của nhà quản lý (management fraud) và gian lận của nhân viên (employee fraud).

- Theo ISA 240 thì gian lận liên quan đến BCTC là các sai phạm trọng yếu được thực hiện một cách cố ý bao gồm cả những thiếu sót về số lượng, giá trị các khoản mục hoặc thông tin trên BCTC để đánh lừa người sử dụng. Hành vi này được gây ra bở các nỗ lực của nhà quản lý đơn vị nhằm tạo ra một khoản lợi ích cho chính đơn vị và thông thường được biểu hiện khái quát qua việc:

+ Sửa đổi, giả mạo chứng từ hoặc thay đổi nội dung của các nghiệp vụ hay tài liệu kế toán làm ảnh hưởng liên quan đến BCTC công bố.

+ Cố ý trình bày sai hoặc gây ra sai sót có chủ ý đối với các sự kiện, các giao dịch và các thông tin quan trọng trên BCTC.

+ Cố ý áp dụng sai các nguyên tắc kế toán liên quan đến số lượng, phân loại, nội dung trình bày và công bố các chỉ tiêu, khoản mục trên BCTC.

- Theo ISA 240 thì gian lận liên quan đến biển thủ tài sản là các sai phạm trọng yếu được thực hiện bởi các hành vi trộm cắp tài sản và thường được thực hiện bởi các nhân viên. Việc chiếm đoạt tài sản này thường được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như là:

+ Chiếm đoạt số tiền thu được của khách hàng một cách trực tiếp hoặc thong qua các bút toán xóa sổ, bút toán chuyển tiền sang các tài khoản cá nhân.

+ Ăn cắp tài sản vật chất hoặc tài sản chí tuệ ví dụ như ăn cắp hàng tồn kho để sử dụng cho mục đích cá nhân hoặc để bán. Thông đồng với đối thủ cạnh tranh bằng cách tiết lộ dữ liệu, công nghệ để đổi lấy một khoản thanh toán.

+ Sử dụng một hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó với mục đích cá nhân nhưng lại bắt đơn vị phải thanh toán thay cho mình.

+ Sử dụng tài sản của đơn vị cho mục đích cá nhân ví dụ như dùng tài sản để thế chấp các khoản vay của cá nhân mình hoặc một khoản nợ cho bên thứ ba.

Chiếm đoạt tài sản là hành vi thường đi kèm với việc tạo ra các hồ sơ, tài liệu gian dối hoặc cố ý nhầm lẫn để che giấu một thực tế là tài sản đã mất tích hoặc đã được cam kết mà không có sự cho phép thích hợp.

Quan điểm về phân loại gian lận trong kiểm toán BCTC của ACFE

ACFE (Association of Certified Fraud Examiners) là tổ chức chuyên nghiên cứu về gian lận của Mỹ được thành lập năm 1988 với tên gọi Hiệp hội các nhà điều tra gian lận nói cung và gian lận trong BCTC được thể hiện qua một số nội dung như sau:

* Gian lận về cơ bản được chia làm 3 loại đó là:

- Gian lận liên quan đến tài sản: Đây là loại gian lận liên quan đến hành vi đánh cắp tài sản thường do nhân viên viên hay người quản lý thực hiện, điển hình là biển thủ tiền, đánh cắp hàng tồn kho, gian lận về tiền lương.

- Tham ô: Đây là loại gian lận do người quản lý, chủ sở hữu công ty thực hiện nhằm mục đích lợi dụng trách nhiệm và quyền hạn của họ để làm trái các nghĩa vụ đã được họ cam kết với đơn vị qua đó làm lợi cho bản thân hoặc bên thứ ba.

- Gian lận trên BCTC: Đây là loại gian lận mà các thông tin trên BCTC bị bóp mép, phản ánh không trung thực tình hình tài chính một cách cố ý nhằm lường gạt người sử dụng thông tin. Vid dụ như khai khống doanh thu, giảm nợ phải trả hay chi phí.

* Gian lận trên BCTC thường được thực hiện qua một số các thủ thuật biểu hiện cụ thể đó là:

- Che giấu nợ phải trả và chi phí bằng cách không ghi nhận, không lập dự phòng các khoản nợ phải trả, vốn hóa các chi phí không được phép vốn hóa.

- Ghi nhận doanh thu không có thật bằng cách tạo ra các khách hàng ma, lập chứng từ giả mạo nhưng hàng hóa không được giao và đầu niên độ sau sẽ lập bút toán hàng bán bị trả lại, khai khóng doanh thu bằng việc ghi tăng các yếu tố trên hóa đơn như số lượng, đơn giá hoặc ghi nhận doanh thu khi chưa chuyển giao quyền sở hữu và rủi ro...

- Định giá sai tài sản thông qua việc không ghi giảm giá trị hàng tồn kho đã hư hỏng, không lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, giảm giá đầu tư ngắn hạn và dài hạn, định giá sai các tài sản qua hợp nhất kinh doanh...

- Ghi sai niên độ bằng việc doanh thu hoặc chi phí được cố ý ghi nhận không đúng kỳ.

- Không khai báo đầy đủ thông tin nhằm hạn chế khả năng phân tích của người sử dụng BCTC như các khoản nợ tiềm tàng, các sự kiện sau ngày kết thúc niên độ, thông tin về chính sách kế toán...

Nội dung của CMKiT số 240 ở Việt Nam (VSA 240) và những vẫn đề cần hoàn thiện

VSA số 240 là một trong sáu CMKiT được Bộ Tài chính ban hành theo quyết định số 143/2001/QĐ-BTC ngày 21/12/2001 đợt 3 bao gồm 3 phần: phần quy định chung, phần nội dung chuẩn mực và phần phụ lục. Qua nghiên cứu tác giả nhận thấy có một số điểm như sau:

* Nội dung của VSA 240 hiện tại ra đời năm 2001 dựa trên phiên bản ISA năm 1999 chính vì vậy chưa bắt kịp với các nội dung mới được cập nhật và sửa đổi theo ISA năm 2004 và gần đây nhất là năm 2009. Chính vì vậy, thời gian tới theo quan điểm của tác giả, bộ phận chuyên môn có liên quan của Bộ Tài chính và VACPA cần phải có định hướng nghiên cứu hoàn thiện chuẩn mực này nói riêng và các chuẩn mực còn lại khác nói chung song song với dự án ban hành các thông tư hướng dẫn cho một số CMKiT khó hiện đang được triển khai trong khuôn khổ dự án "Tăng cường năng lực Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam". Cụ thể nội dung của chuẩn mực cần quy định một số nội dung cụ thể theo hướng như sau:

Phần 1 - Các quy định chung

Phần này nên trình bày về mục đích, đối tượng và phạm vi áp dụng của chuẩn mực; định nghĩa các thuật ngữ. Nội dung phân loại và các biểu hiện của hành vi gian lận và sai sót nên chuyển sang phần phụ lục của chuẩn mực.

Phần 2 - Nội dung của chuẩn mực

Trong phần này nên trình bày bổ sung thêm một số nội dung đó là:

- Trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị được kiểm toán đối với gian lận và sai sót.

- Các hạn chế tiềm tang của kiểm toán đối với việc phát hiện gian lận và sai sót.

- Trách nhiệm của KTV, Doanh nghiệp kiểm toán trong việc phát hiện các sai phạm trọng yếu do gian lận và sai sót gây ra.

- Thái độ hoài nghi nghề nghiệp đối với việc phát hiện gian lận và sai sót.

- Thảo luận giữa các KTV, các nhóm kiểm toán đối với gian lận và sai sót phát hiện được.

- Xác định và đánh giá các rủi ro trong việc phát triển các sai phạm trọng yếu do gian lận và sai sót gây ra.

- Phát hiện và đánh giá các bằng chứng kiểm toán do gian lận và sai sót gây ra.

- Trách nhiệm của KTV trong việc thông báo với người đứng đầu đơn vị được kiểm toán về gian lận và sai sót.

- Trách nhiệm của KTV trong việc thông báo cho người sử dụng báo cáo kiểm toán.

- Trách nhiệm của KTV trong việc thông báo cho cơ quan chức năng có liên quan.

- Trách nhiệm của KTV trong trường hợp rút khỏi hợp đồng kiểm toán.

Phần 3 - Phụ lục

Trong nội dung của phần phụ lục thì ngoài phụ lục hiện tại trình bày về "Những tình huống và sự kiện làm tăng rủi ro do gian lận và sai sót" thì theo quan điểm của tác giả nên bổ sung một phụ lục hướng dẫn rõ về việc phân loại hành vi gian lận và sai sót với các biểu hiện cụ thể.

Hiện tại VSA 240 có tên gọi là "Gian lận và sai sót" theo quan điểm của riêng tác giả thì tên gọi này chưa phù hợp trong việc nêu bật được tầm quan trọng và mức độ liên quan đến trách nhiệm của KTV trong quá trình thực hiện kiểm toán BCTC. Bởi lẽ chúng ta dễ dàng nhận thấy, nội dung của VSA 240 cũng như ISA 240 ngoài các phần giới thiệu chung, định nghĩa về gian lận sai sót thì chủ yếu đi vào trình bày các nội dung quy định về trách nhiệm của KTV đối với việc phát hiện hành vi gian lận. Chính vì vậy, để đảm bảo chuẩn mực VSA 240 gắn với vai trò và trách nhiệm của KTV hơn theo tác giả nên đổi tên chuẩn mực này thành "trách nhiệm của KTV đối với gian lận và sai sót".

Về việc phân loại hình vi gian lận trong chuẩn mực VSA 240 theo tác giả nên sử dụng việc phân loại hành vi gian lận dựa trên cơ sở chủ thể thực hiện hành vi đó để bám sát khái niệm về gian lận đưa ra ở phần đầu chuẩn mực. Vì vậy, nên phân loại gian lận thành 3 loại: Gian lận liên quan đến nhà quản lý, chủ sở hữu đơn vị được kiểm toán (chủ yếu là gian lận trên BCTC, tham ô, tham nhũng); Gian lận liên quan đến nhân viên (chủ yếu là biển thủ tài sản); Gian lận liên quan đến bên thứ ba (chủ yếu là biển thủ tài sản).

Việc phân loại này nếu được quy định một cách cụ thể trong phần phụ lục của VSA 240 thì sẽ là căn cứ quan trọng để xác định một cách cụ thể hơn trách nhiệm của những người có liên quan trong đơn vị được kiểm toán; trách nhiệm của KTV, kiểm toán đối với việc ngăn ngừa, phát hiện các hành vi gian lận xảy ra. Đồng thời sẽ là căn cứ để xác định khung chế tài xử phạt cụ thể hơn trong thời gian đến đối với các cá nhân, đơn vị được kiểm toán vi phạm và kể cả các doanh nghiệp kiểm toán, KTV.

Trong định phướng hội nhập với kinh tế quốc tế, tất cả các dịch vụ nói chung và dịch vụ kiểm toán độc lập nói riêng cần thiết phải thực hiện quá trình tự hoàn thiện để tận dụng triệt các cơ hội, vượt qua các thách thức đặt ra. Điều cần thiết và quan trọng nhất trước hết phải làm đó là tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán độc lập, điển hình là hoàn thiện nội dung của các CMKiT trong đó có CMKiT số 420 là nội dung cực kỳ quan trọng góp phần nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín của ngành nghề trước kỳ vọng và niềm tin của xã hội./.

(Theo Tạp chí kế toán)

'Đau tim' với lợi nhuận sau kiểm toán

Cổ đông, nhà đầu tư nhiều phen “đau tim” khi kết quả lợi nhuận sau kiểm toán tại nhiều doanh nghiệp biến hóa khôn lường. Đầu quý 2 hàng năm, các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm trước. Và nhiều kết quả kinh doanh “hiệu chỉnh” sau kiểm toán đã khiến cổ đông, nhà đầu tư ngỡ ngàng.

Thanh Hiền

N

ăm 2011 cũng không phải ngoại lệ. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có một số công ty phải điều chỉnh lại những thông tin quan trọng trong báo cáo tài chính. Đa phần các doanh nghiệp này nặng thì ghi nhận lỗ thay lãi, nhẹ thì giảm lợi nhuận.

Điển hình như Công ty Cổ phần Đầu tư Căn nhà Mơ ước (DRH), sau kiểm toán, cổ đông ngã ngửa từ mức lợi nhuận sau thuế 1,83 tỷ đồng công bố trước đó đã chuyển qua lỗ 3,92 tỷ đồng sau đó.

Với một số trường hợp, tuy không đến mức chuyển trạng thái đột ngột từ lãi thành lỗ, nhưng xem ra thực tế đã lỗ còn lỗ nặng hơn sau kiểm toán. Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín (SBS) đã lỗ thêm hơn 178,8 tỷ đồng sau kiểm toán, đưa con số lợi nhuận sau thuế xuống -788,6 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PSG) sau kiểm toán bất ngờ cho thấy lợi nhuận sau thuế từ -1,05 tỷ đồng đã gánh thêm hơn -86 tỷ đồng, hạ xuống mức -87,2 tỷ đồng. Ngày 13/4, PSG đã chính thức bị đưa vào diện cảnh báo.

Rồi Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) trước kiểm toán đưa ra con số lợi nhuận sau thuế -68,3 tỷ đồng. Con số này sau kiểm toán là -146 tỷ đồng, tức rớt mạnh gấp hơn hai lần.

Một số công ty tuy vẫn có khả năng duy trì lãi nhưng mức độ sụt giảm nghiêm trọng trong lợi nhuận cũng cho thấy vấn đề đáng chú ý. Trường hợp này phải kể tới Công ty Cổ phần Thép Việt Ý (VIS): lợi nhuận sau thuế trong báo cáo trước kiểm toán là 110 tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán sụt giảm nghiêm trọng xuống còn 27,2 tỷ đồng, tương đương “mất” 75% lãi.

Tương tự, kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Cà Mau (CMX) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế đã giảm gần một nửa, từ mức 7,93 tỷ đồng trước kiểm toán xuống còn 4,59 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR) mặc dù nằm trong số ít doanh nghiệp không những trụ vững mà còn có kết quả kinh doanh cao hơn nhiều so với năm trước, song vẫn phải điều chỉnh lợi nhuận sau thuế đã giảm từ 849 tỷ đồng xuống còn 802 tỷ đồng, theo giải trình do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng.

Qua xem xét cho thấy các điều chỉnh kiểm toán chủ yếu nằm ở các khoản chi phí tài chính. Năm 2011 chi phí tài chính quá cao đã khiến một số ngành nghề gặp khó khăn trong kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp lỗ nặng thuộc lĩnh vực chứng khoán, bất động sản cũng phản ánh một năm làm ăn không mấy suôn sẻ của các ngành này.

Ngoài ra, trong quy trình kiểm toán vẫn còn một số điểm chưa thể hoàn toàn thống nhất với nghiệp vụ kế toán của doanh nghiệp đã dẫn tới hiện tượng trên.

Nằm trong trường hợp hiếm hoi, Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Mơ (TMP) sau kiểm toán 2011 đã chuyển lỗ thành lãi do giá bán điện tăng. Sau khi tính lại giá bán điện theo hợp đồng mua bán mới, lợi nhuận trước thuế năm 2011 đã chuyển từ lỗ -18,2 tỷ đồng thành lãi 99,5 tỷ đồng.

Tương tự, một công ty thuộc ngành điện khác là Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà (TBC) cũng có lợi nhuận sau thuế đã tăng hơn 250% từ 27,8 tỷ đồng lên 75,8 tỷ đồng. Hay Công ty Cổ phần COMA18 (CIG), sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế từ 872 triệu đồng đã tăng gần gấp đôi thành 1,63 tỷ đồng; tuy vậy, khoản lợi nhuận này chỉ bằng 1/10 cùng kỷ 2010.

Những trường hợp trên, cổ đông và nhà đầu tư, không như kế toán/kiểm toán viên, có lẽ không phải lúc nào cũng hiểu rõ những lí do nặng tính kỹ thuật dẫn tới chênh lệch trong báo cáo tài chính. Nhưng chắc chắn, họ là những người thấm thía hơn cả những chuyển biến tâm trạng từ phấn khởi sang thất vọng, từ lo âu sang lạc quan khi nhìn vào những biến động của con số trước và sau kiểm toán.

BBT: Thế mới biết kiểm toán cần thiết cho doanh nghiệp và nhà đầu tư như thế nào?

(Theo VnEconomy)

Tăng thêm 900 đồng, giá xăng lên 23.800 đồng/lít

Bộ Tài chính đã có văn bản số 5369/BTC-VP quyết định tăng thêm 900 đồng/lít xăng từ 20 giờ ngày 20/4. Theo đó, giá bán xăng A92 tăng 900 đồng (3,93%) lên 23.800 đồng/lít; điêzen tăng 500 đồng/lít (2,34%); dầu hỏa tăng 600 đồng/lít (2,88%); dầu madut tăng 400 đồng/kg (2,13%).

Đây là lần tăng giá xăng thứ hai kể từ đầu năm 2012

Bộ Tài chính cho biết, việc tiếp tục điều chỉnh giá xăng, dầu là để nhằm làm cho giá xăng dầu phản ánh được sự biến động của giá thị trường thế giới, đồng thời để phản ánh đúng giá hàng hoá, dịch vụ khi sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu theo các nguyên tắc tính toán đã được quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định mức trích Quỹ bình ổn giá xăng, dầu ở mức 300 đồng/lít,kg; thuế suất nhập khẩu ở mức 0% đối với tất cả các chủng loại xăng dầu theo quy định hiện hành; đồng thời, sẽ ngừng sử dụng Quỹ bình ổn giá với tất cả chủng loại xăng dầu.

Đây là lần tăng giá xăng thứ hai kể từ đầu năm 2012 và phá kỷ lục vừa lập hồi tháng trước. Ngày 7/3, giá bán lẻ các mặt hàng xăng A92 tăng 2.100 đồng/lít, lên 22.900 đồng. Các mặt hàng dầu hỏa, diesel, mazut cũng tăng giá 600 - 2.000 đồng.

(Theo DDDN)

Saturday, April 21, 2012

Hơn 6 triệu người được tăng lương từ 1/5

Với việc lương tối thiểu tăng từ 830.000 đồng lên 1,05 triệu đồng từ ngày 1/5, cả nước sẽ có khoảng 6 triệu người được tăng lương.

Tại cuộc họp báo giới thiệu Nghị định 31 của Chính phủ về mức lương tối thiểu chiều ngày 20/4, ông Đặng Hữu Pháp, Phó vụ trưởng Vụ ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, ước tính có khoảng 6 triệu người được tăng lương từ ngày 1/5. Tuy nhiên, tổng chi tăng thêm cho việc này chưa có con số cụ thể.

Hơn 6 triệu người được tăng lương từ 1/5. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Hơn 6 triệu người được tăng lương từ 1/5. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Ông Hoàng Minh Hào, Phó vụ trưởng Vụ lao động tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, theo tính toán của các cơ quan tham mưu, việc tăng 26% so với mức lương đang áp dụng đã cao hơn tốc độ trượt giá. Các đối tượng được tăng lương lần này bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức, đối tượng thuộc lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Về nguồn tăng lương, đại diện Bộ Tài chính cho hay, kinh phí được lấy từ 10% tiết kiệm chi thường xuyên của cơ quan hành chính, sự nghiệp; 35-40% số thu được để lại theo chế độ năm 2012 của các đơn vị có lợi nhuận; 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương và kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2011. Ngân sách trung ương chỉ bổ sung nguồn kinh phí để thực hiện mức lương tối thiểu chung trong trường hợp các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đúng các quy định nêu trên nhưng vẫn còn thiếu.

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức được quyền rút dự toán và Kho bạc Nhà nước phải cho rút để ứng trước lương cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện tăng lương tối thiểu ngay từ ngày 1/5, không để nợ lương. Đơn vị nào không thể ứng dự toán phải có văn bản kiến nghị ngay để xử lý kịp thời.

Lương tối thiểu được điều chỉnh mỗi năm một lần, dùng để làm cơ sở tính lương trong hệ thống thang, bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước. Năm 2011, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Chính phủ về phương án tăng lương tối thiểu của công chức Nhà nước từ năm 2012 lên mức 1,05 triệu đồng, thay cho 830.000 đồng.

Cũng từ 1/5, 7 nhóm đối tượng như người lao động, cán bộ xã phường về hưu, quân nhân đang hưởng trợ cấp... cũng được tăng lương, trợ cấp thêm 26,5% hàng tháng.

Thursday, April 19, 2012

Lương hưu, trợ cấp tăng từ ngày 1/5

Chính phủ vừa quyết định tăng lương hưu, trợ cấp thất nghiệp thêm 26,5% hàng tháng từ 1/5, áp dụng với 7 nhóm đối tượng như người lao động, cán bộ xã phường về hưu, quân nhân đang hưởng trợ cấp...

Theo đó, việc điều chỉnh mức lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng được thực hiện đối với những người đang được nhận lương, trợ cấp theo quy định của Chính phủ. Cụ thể, 7 nhóm đối tượng trong diện hưởng chính sách lần này như sau:

Lương hưu, trợ cấp tăng từ ngày 1/5. Ảnh minh họa.

Thứ nhất, cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu. Thứ hai, cán bộ xã, phường, thị trấn. Thứ ba, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Thứ tư, cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Thứ năm, quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.

Thứ sáu, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Thứ bảy, quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng.


Theo Chinhphu.vn

VietinBank lọt top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới

picture Trên phương diện lợi nhuận, Vietinbank đứng ở vị trí 1.945 trong số 2.000 công ty thuộc xếp hạng. Nếu xét về giá trị tài sản, Vietinbank xếp thứ 904.
Tạp chí chuyên xếp hạng Forbes vừa công bố danh sách thường niên 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (Global 2000). Việt Nam có duy nhất Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương (VietinBank) lọt vào danh sách này.

Năm nay là năm thứ 9 Forbes thực hiện xếp hạng Global 2000. Trên thực tế, đã có nhiều xếp hạng khác nhau về các doanh nghiệp lớn nhất thế giới, nhưng theo Forbes, xếp hạng của họ khác với các xếp hạng phiến diện khác chỉ dựa trên một phương diện chẳng hạn như doanh số. Thay vào đó, Forbes sử dụng mức tỷ trọng cân đối giữa các yếu tố doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị vốn hóa thị trường để xếp hạng.

Năm nay đánh dấu lần đầu tiên hãng dầu lửa khổng lồ Exxon Mobil vươn lên vị trí số 1 của Global 2000. Doanh nghiệp lớn nhất trong xếp hạng này năm ngoái là ngân hàng JPMorgan Chase đã tụt xuống vị trí thứ 2, được theo sau bởi hãng công nghiệp General Electric (GE), hãng dầu lửa Royal Dutch Shell của Hà Lan và Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC).

Như vậy, toàn bộ top 3 của xếp hạng này đều là các công ty Mỹ, còn trong top 5 của xếp hạng, có tới 2 công ty dầu lửa.

Theo Forbes, các công ty trong Global 2000 đạt doanh thu 36 nghìn tỷ USD trong năm 2011, tăng 12% so với năm 2010; lợi nhuận 2,64 nghìn tỷ USD, tăng 11%; giá trị tài sản đạt 149 nghìn tỷ USD tăng 8%; giá trị vốn hóa thị trường đạt 37 nghìn tỷ USD, giảm 0,5%.

Nhóm doanh nghiệp được Forbes vinh danh này đang sử dụng tổng cộng 83 triệu công nhân viên trên toàn thế giới.

Có 66 quốc gia có doanh nghiệp góp mặt trong xếp hạng Global 2000 năm nay của Forbes, nhiều hơn 4 quốc gia so với năm ngoái. Dẫn đầu là Mỹ với 524 công ty và Nhật Bản với 258 công ty. Tuy nhiên, so với năm ngoái, tổng số đại diện từ hai nước này đã giảm 14 doanh nghiệp.

Trung Quốc đại lục đang thu hẹp khoảng cách với hai nước dẫn đầu trên và đứng ở vị trí thứ 3 về số doanh nghiệp có tên trong danh sách nhờ có thêm 15 công ty lọt vào xếp hạng. Những nước có thêm nhiều doanh nghiệp lọt vào danh sách bao gồm Hàn Quốc (có tổng cộng 68 đại diện), Ấn Độ (61), Anh (93). Ngoài ra, các nước như Thái Lan, Philippines, Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng là những quốc gia có số đại diện tăng mạnh.

Việt Nam có một doanh nghiệp duy nhất là VietinBank lọt vào danh sách này, đứng ở vị trí 1989. Theo số liệu của Forbes, VietinBank có doanh thu 2,8 tỷ USD, lợi nhuận 0,2 tỷ USD, giá trị tài sản 21,9 tỷ USD, giá trị vốn hóa thị trường 2,4 tỷ USD.

Trên phương diện lợi nhuận, VietinBank đứng ở vị trí 1.945 trong số 2.000 công ty thuộc xếp hạng. Nếu xét về giá trị tài sản, VietinBank xếp thứ 904.

Bất chấp những khó khăn của ngành tài chính thế giới, ngân hàng và các tổ chức tài chính vẫn là lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp nhất trong Global 2000, với tổng cộng 478 đại diện, một phần nhờ giá trị tài sản lớn. Ngành dầu khí được đánh giá cao nhờ doanh thu và lợi nhuận, đóng góp 131 gương mặt.

Hãng công nghệ Apple dẫn đầu toàn bảng xếp hạng ở tiêu chí giá trị vốn hóa và chiếm vị trí 22 trong xếp hạng chung. Hãng xe Nhật Toyota “đại nhảy vọt” lên vị trí 25 từ vị trí 55 trong xếp hạng năm ngoái.

(Theo Vneconomy)

Wednesday, April 18, 2012

Nội dung cơ bản của Nghị định số 17 /NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật kiểm toán độc lập (Phần 1)

TS. Hà Thị Ngọc Hà

Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán

Bộ Tài chính

Bà Hà Thị Ngọc Hà

I. Sự cần thiết ban hành Nghị định số 17

Ngày 13/3/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 17/NĐ-CP ngày 13/3/2012 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập (Sau đây gọi tắt là NĐ số 17).

Luật kiểm toán độc lập (Luật KTĐL) đã được Quốc hội Khoá XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Bên cạnh những nội dung được quy định cụ thể, Luật KTĐL có các điều khoản giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết (tại Điều 12, Điều 21, Điều 36, Điều 50) và một số nội dung khác để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định tại Điều 64 của Luật KTĐL. Vì vậy, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KTĐL là cần thiết, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và đưa Luật KTĐL đi vào thực hiện.

II. Nội dung chủ yếu của Nghị định số 17

Nghị định số 17 gồm 3 Chương và 24 Điều, với nhiều nội dung đổi mới nhằm góp phần tăng cường quy mô và chất lượng hoạt động toàn ngành kiểm toán độc lập thông qua việc quy định rõ các nội dung quan trọng như: Các công việc mà tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán được làm (Chính phủ, Bộ Tài chính quy định cụ thể để đảm bảo thực hiện nguyên tắc quản lý hoạt động kiểm toán độc lập có sự kết hợp giữa cơ quan nhà nước và tổ chức hội nghề nghiệp; Quy định chặt chẽ hơn điều kiện thành lập và hoạt động của DNKT, đặc biệt là yêu cầu về vốn pháp định, vốn góp của kiểm toán viên hành nghề, thành viên là tổ chức vào công ty TNHH hai thành viên trở lên; vốn tổi thiểu với DNKT nước ngoài có thành lập chi nhánh tại Việt Nam và vốn được cấp của chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam; Quy định rõ các trường hợp DNKT, chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện kiểm toán để đảm bảo tính độc lập của DNKT và KTV hành nghề với đơn vị được kiểm toán; Bổ sung thêm hai đối tượng phải kiểm toán BCTC để góp phần tăng cường quy mô hoạt động kiểm toán và minh bạch BCTC; Quy định về lưu trữ sử dụng và tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán với các nội dung chủ yếu như sau:

Thứ nhất, về tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán

Điều 12 Luật KTĐL quy định "Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán được bồi dưỡng kiến thức cho kiểm toán viên (KTV), KTV hành nghề và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động KTĐL do Chính phủ quy định".

Nghị định Số 17 (Điều 4) quy định chi tiết một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động KTĐL mà hiện nay tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán đã và đang triển khai thực hiện theo uỷ quyền của Bộ Tài chính (Bộ TC), đó là: (1) Bồi dưỡng kiến thức cho KTV, KTV hành nghề ; (2) Thực hiện nghiên cứu, soạn thảo, cập nhật hệ thống Chuẩn mực kiểm toán (CMKT) Việt Nam trên cơ sở hệ thống CMKT quốc tế theo quy trình xây dựng, ban hành và công bố CMKT Việt Nam, trình Bộ trưởng Bộ TC ban hành; (3) Tham gia tổ chức thi KTV; (4) Phối hợp với Bộ TC thực hiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán. Nghị định cũng quy định Bộ TC hướng dẫn cụ thể về điều kiện, cách thức, chế độ báo cáo và giám sát các hoạt động của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán.

Thứ hai, về vốn pháp định của Công ty TNHH

Điều 21 Luật KTĐL quy định một trong các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho công ty TNHH là phải đảm bảo vốn pháp định theo quy định của Chính phủ.

Nghị định số 17 (Điều 5) quy định vốn pháp định của công ty TNHH là 3 tỷ đồng Việt Nam, từ ngày 01/01/2015, vốn pháp định là 5 tỷ đồng Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, công ty TNHH phải luôn duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán (BCĐKT) không thấp hơn mức vốn pháp định. DNKT phải bổ sung vốn nếu vốn chủ sở hữu trên BCĐKT thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định trong thời gian 03 (ba) tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Cơ sở để đưa ra mức vốn pháp định này là:

- Cơ chế hiện hành không quy định mức vốn điều lệ đối với doanh nghiệp kiểm toán (DNKT) và trên thực tế các DNKT đang hoạt động Việt Nam có quy mô về vốn rất khác nhau, đa số (hơn 80%) các DNKT có mức vốn trên dưới 1 tỷ đồng. Đối với DNKT thực hiện kinh doanh dịch vụ không cần mức vốn quá cao, tuy nhiên với mức vốn điều lệ của các DNKT hiện nay thì mức vốn này là thấp, không thể thực hiện trách nhiệm pháp lý khi xảy ra nghĩa vụ bồi thường khi có sai sót. Vì vậy cần phải quy định một mức vốn pháp định phù hợp với thực tế và yêu cầu nâng cao chất lượng và nghĩa vụ của DNKT.

- Kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ở Châu Á, cũng có quy định về vốn đối với DNKT (Trung Quốc là 300.000 nhân dân tệ - tương đương khoảng 900 triệu đồng, Hàn Quốc là 500 triệu Won – tương đương khoảng 10 tỷ đồng, Singapore là 50.000 đô la Singapore – tương đương khoảng 700 triệu đồng). Mặc dù mức vốn quy định tại các quốc gia là khác nhau nhưng trung bình tương đương khoảng 3-4 tỷ đồng. Ngoài quy định về vốn, các quốc gia cũng có yêu cầu bắt buộc về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với DNKT và KTV hành nghề như Trung Quốc, Singapore... Tuy nhiên pháp luật của Việt Nam chưa quy định bắt buộc DNKT phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Quy định về mức vốn pháp định không chỉ áp dụng cho loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên mà quy định chung cho loại hình công ty TNHH bao gồm cả công ty TNHH kiểm toán 1 thành viên có vốn đầu tư nước ngoài. Các công ty TNHH 1 thành viên có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện yêu cầu về vốn pháp định theo quy định của Nghị định số 17 chỉ còn một số công ty đã thành lập và hoạt động trước khi Luật KTĐL có hiệu lực thì vẫn tiếp tục được phép hoạt động theo hình thức Công ty TNHH 1 thành viên đến hết thời hạn của Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư (theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật KTĐL). Quy định này sẽ giúp cho việc thực hiện nghĩa vụ của các DNKT này khi xảy ra rủi ro kiểm toán và bình đẳng với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên.

Vì vậy, Nghị định số 17 quy định vốn pháp định của công ty TNHH tối thiểu là 3 tỷ đồng Việt Nam và lộ trình hướng đến 01/01/2015 vốn pháp định tối thiểu là 5 tỷ đồng Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, các công ty TNHH phải luôn duy trì vốn chủ sở hữu trên BCĐKT không thấp hơn mức vốn pháp định. Quy định này đòi hỏi các DNKT phải rất cẩn trọng khi cung cấp dịch vụ kiểm toán cho xã hội.

Thứ ba, về thành viên là tổ chức vào công ty TNHH hai thành viên trở lên

Nghị định số 17 quy định: (1) Thành viên là tổ chức được góp tối đa 35% vốn điều lệ của công ty TNHH kiểm toán hai thành viên trở lên, nếu có nhiều tổ chức góp vốn thì tổng số vốn góp của các tổ chức tối đa bằng 35% vốn điều lệ; (2) Thành viên là tổ chức phải cử một người làm đại diện cho tổ chức vào Hội đồng thành viên. Người đại diện của thành viên là tổ chức phải là KTV và phải đăng ký hành nghề tại DNKT mà tổ chức tham gia góp vốn; (3) KTV hành nghề là người đại diện của thành viên là tổ chức không được tham gia góp vốn vào DNKT đó với tư cách cá nhân.

Quy định này dựa trên quy định tại Điều 52 Luật doanh nghiệp, theo đó quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua khi được đại diện số phiếu ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp. Do vậy, các thành viên là cá nhân phải chiếm ít nhất 65% vốn để có thể thông qua quyết định của Hội đồng thành viên mà không bị ảnh hưởng bởi tổ chức tham gia góp vốn.

Việc khống chế tỷ lệ tối đa bằng 35% nhằm hạn chế việc lợi dụng tỷ lệ vốn góp lớn để chi phối điều lệ, chính sách tài chính và hoạt động của DNKT. Việc chi phối này có thể dẫn đến việc DNKT và KTV hành nghề có thể không đảm bảo chất lượng dịch vụ, không tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp nếu muốn tối đa hoá lợi nhuận....

Thứ tư, về mức vốn góp của KTV hành nghề vào công ty TNHH hai thành viên trở lên

KTĐL là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Để đảm bảo hoạt động nghề nghiệp của DNKT, cần đảm bảo quyền chi phối điều lệ, chính sách tài chính và hoạt động của DNKT phải thuộc về các KTV hành nghề. Đối với mô hình công ty hợp danh, Luật KTĐL đã quy định phải có ít nhất 2 thành viên hợp danh là KTV hành nghề. Đối với doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải là KTV hành nghề. Đối với loại hình công ty TNHH, Luật KTĐL cũng đã quy định phải có ít nhất 2 thành viên là KTV hành nghề nhưng lại chưa quy định về tỷ lệ vốn tối thiểu của KTV hành nghề. Do vậy chưa đảm bảo được quyền chi phối chính sách tài chính và hoạt động của DNKT phải thuộc về KTV hành nghề. Vì vậy, Điều 7 Nghị định số 17 quy định: (1) Công ty TNHH kiểm toán phải có ít nhất hai thành viên góp vốn là KTV đăng ký hành nghề tại công ty. Vốn góp của các KTV hành nghề phải chiếm trên 50% vốn điều lệ công ty; (2) KTV hành nghề không được đồng thời là thành viên góp vốn của hai DNKT trở lên.

Quy định này có dựa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới, như ở Nga yêu cầu 51% vốn điều lệ của DNKT phải thuộc về các KTV. Quy định về KTV hành nghề không được đồng thời là thành viên góp vốn của hai DNKT trở lên để đảm bảo tính độc lập và bảo mật thông tin của DNKT vì nếu cho phép KTV hành nghề góp vốn vào nhiều DNKT thì sẽ xảy ra trường hợp KTV đăng ký hành nghề ở một DNKT nhưng lại tham gia góp vốn vào nhiều DNKT khác và có thể chi phối chính sách tài chính và hoạt động của DNKT này, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DNKT.

Thứ năm, về vốn tối thiểu đối với DNKT nước ngoài có thành lập chi nhánh tại Việt Nam và vốn được cấp của chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam:

Nghị định 17 (Điều 8) quy định: (1) DNKT nước ngoài đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam phải có vốn chủ sở hữu trên BCĐKT tại thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất với thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh tối thiểu tương đương 500.000 đô la Mỹ, đồng thời vốn được cấp của chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam không thấp hơn mức vốn pháp định đối với công ty TNHH trong nước (3 tỷ đồng Việt Nam và lộ trình đến 01/01/2015 là 5 tỷ đồng Việt Nam). (2) Trong quá trình hoạt động DNKT nước ngoài phải duy trì vốn chủ sở hữu trên BCĐKT và vốn được cấp của chi nhánh tại Việt Nam không thấp hơn vốn quy định như đã nêu tại mục (1). DNKT nước ngoài, chi nhánh DNKT nước ngoài phải bổ sung vốn nếu vốn chủ sở hữu trên BCĐKT của DNKT nước ngoài và của chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam thấp hơn các mức vốn quy định như đã nêu tại mục (1) trong thời gian 03 (ba) tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Quy định này nhằm đảm bảo không có sự phân biệt về vốn giữa chi nhánh DNKT nước ngoài tại việt Nam với các DNKT là công ty TNHH.

(Còn nữa...)

THeo VACPA

Chương trình nhận: “BẾP THÊM XINH CÙNG VINARESEARCH”


Xin chào các bạn!


Từ
khi bắt đầu hoạt động cho đến nay, Vinaresearch đã nhận được sự quan
tâm của rất nhiều thành viên, không chỉ tham gia khảo sát mà bên cạnh
đó cũng đã rất tích cực trong việc giới thiệu bạn bè biết và cùng tham
gia tại Vinaresearch.


Vì vậy, trong tháng 4, chúng tôi xin dành tặng lời cảm ơn đến tất cả các thành viên tích cực của Vinaresearch với chương trình:


 “BẾP THÊM XINH CÙNG VINARESEARCH”


I.     Nội dung chương trình:


Bắt đầu từ ngày 10/4/2012 đến ngày 30/4/2012, Vinaresearch dành tặng các thành viên tham gia khảo sát cơ hội nhận ngay 1 trong 4 giải sau:


 


II. Đối tượng tham gia:


Tất
cả các thành viên của Vinaresearch từ 16 tuổi trở lên, không phân biệt
thời gian đăng ký tham gia và khảo sát tại Vinaresearch.




II. Chi tiết giải thưởng:


  • Giải đặc biệt: 1 Bộ nồi Vision trị giá 2,290,000 VND



-    Là thành viên có tham gia viết 1 bài cảm nhận về Vinaresearch và gửi về email support@vinaresearch.net, tiêu đề “Bài cảm nhận về Vinaresearch”.


- Giải
thưởng sẽ được trao cho bài cảm nhận được đăng trên facebook và nhận
được nhiều bình chọn “Like” nhất của các thành viên trên Page.




  • Giải nhất: 1 Lò vi sóng Sanyo trị giá 2,090,000 VND



-     Là thành viên đầu tiên giới thiệu được 15 thành viên khác trong tháng 4.


-    Thành viên đó phải có 1 khảo sát nhanh được đăng trên website Vinaresearch.



  • Giải nhì: 2 Bộ nồi Happycook trị giá 1,390,000 VND



- Là thành viên đầu tiên giới thiệu được 10 thành viên khác trong tháng 4.


- Thành viên có tham gia tạo 1 khảo sát nhanh trên website Vinaresearch.



  • Giải ba: 3 Nồi lẩu điện Sunhouse trị giá 450,000 VND



- Là thành viên đầu tiên giới thiệu được 5 thành viên khác trong tháng 4.


- Thành viên có tham gia tạo 1 khảo sát nhanh trên website Vinaresearch.



  • Giải khuyến khích: 50 Thẻ cào điện thoại trả trước trị giá 50,000 VND



- Thành viên mới đăng ký từ ngày 10.4.2012 và giới thiệu được 5 người bạn đầu tiên tại Vinaresearch.



III. Lưu ý:


-     Thành
viên mới đăng ký và thành viên được giới thiệu phải có thông tin được
xác nhận là tốt (Để tránh thắc mắc, các bạn hãy đăng ký thông tin thật
CHÍNH XÁC, CỤ THỂ và chúng tôi có thể gọi điện xác minh bất kỳ lúc nào
nếu cần thiết).


-    Mỗi thành viên chỉ nhận tối đa 01 giải thưởng có giá trị cao nhất.


-    Danh sách thành viên nhận được thẻ sẽ được chúng tôi công bố trong vòng 10 ngày sau khi chương trình kết thúc.


Lưu ý: Thông tin về họ tên, địa chỉ và số điện thoại phải được điền chính xác, vì đây là cơ sở để Vinaresearch liên lạc và gửi quà tặng.


(Thông
tin thành viên tại Vinaresearch là hoàn toàn bảo mật và không được sử
dụng cho mục đích quảng cáo, email marketing, theo cam kết của công ty
nghiên cứu thị trường trực tuyến W&S và tổ chức ESOMAR.)




Hãy nhanh tay đăng ký để cùng khảo sát và mua sắm cùng Vinaresearch các bạn nhé!


Chúc các bạn tham gia vui vẻ.


Cảm ơn các bạn!


Vinaresearch.