Sau bài viết “Thủ thuật kiểm toán” đăng trên ĐTTC số ra ngày 12-12, tòa soạn nhận được nhiều ý kiến phản hồi của NĐT về thực trạng hoạt động thiếu lành mạnh tại một số công ty kiểm toán (CTKT). ĐTTC xin trích đăng ý kiến của NĐT Lê Thụy Thanh Tâm.
Big Four cũng có “phốt”
Theo công bố của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) về kết quả kiểm tra định kỳ các CTKT năm 2011, Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam (E&Y) và Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn (A&C) đạt số điểm rất cao.
Nghịch lý ở chỗ, cả E&Y cũng như A&C hiện đang nằm trong diện phải làm rõ trách nhiệm khi kiểm toán cho Dược Viễn Đông (DVD). Riêng đối với A&C, đây không phải lần đầu tiên CTKT này “có chuyện”.
Năm 2008, đoàn thanh tra của UBCKNN đã kết luận kiểm toán viên của A&C không cẩn trọng trong việc kiểm toán BCTC của Bông Bạch Tuyết. Chưa hết, A&C cũng không có thư quản lý sau kiểm toán. Một CTKT lại dính dáng đến 2 “phốt” lớn nhất nhì thị trường bắt nguồn từ nghiệp vụ yếu kém hay đạo đức có vấn đề?
Tại tất cả CTKT, đạo đức nghề nghiệp luôn là vấn đề được nhấn mạnh, nhưng thực tế kiểm toán viên có áp dụng hay không lại là câu chuyện khác. Và nói như một chuyên gia kiểm toán giàu kinh nghiệm, một số CTKT nhỏ hiện nay đã bị “hỏng” từ gốc.
Nguyên nhân đầu tiên chính là cuộc cạnh tranh quá khốc liệt trong nhóm CTKT nhỏ. Thương hiệu còn yếu, uy tín chưa cao nên lợi thế cạnh tranh duy nhất của CTKT nhỏ nằm ở mức giá. Điều này đã dẫn đến việc các CTKT nhỏ phải hạ giá, từ đó dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Một điều khá tế nhị nhưng cần phải nói đến chính là đời sống của các “sếp” CTKT.
Trừ nhóm Big Four (4 CTKT lớn nhất thế giới) thường có chế độ lương thưởng, đãi ngộ khá cao, nên từ cấp trưởng phòng trở đi nếu chăm và làm giỏi đời sống cũng khá giả. Phần còn lại, theo chia sẻ của giới kiểm toán làm tại CTKT nhỏ, dù có lên cấp trưởng phòng hay giám đốc cũng rất khó “giàu”.
“Lại quả” và “bỏ nhỏ”
Nhưng đó mới chỉ là bề nổi. Trong việc tiếp cận với khách hàng, các CTKT nhỏ thường “chăm sóc” khá đặc biệt kế toán trưởng doanh nghiệp định kiểm toán, người sẽ đứng ra làm việc trực tiếp với mình.
Tỷ lệ hoa hồng chi cho kế toán trưởng của các CTKT nhỏ thường khoảng 10% giá trị hợp đồng. Sở dĩ tỷ lệ hoa hồng lên đến 10% là vì các hợp đồng của CTKT nhỏ thường chỉ nằm trong khoảng vài trăm triệu đồng cho doanh nghiệp cỡ vừa trở xuống.
Từ đây dẫn đến việc kế toán trưởng chọn CTKT không xuất phát từ những yếu tố như nghiệp vụ, tên tuổi mà lại do phong bì từ đối tác “dày” như thế nào. Đáng ngại hơn, nếu doanh nghiệp yếu kém, tình hình tài chính không sạch hoàn toàn, kế toán trưởng sẽ lại dùng tiền “lại quả” của CTKT “bỏ nhỏ” cho kiểm toán viên nhẹ tay hơn.
Rốt cuộc, tiền của doanh nghiệp thay vì để phục vụ cho lợi ích chung, lại chảy vào túi riêng của một số người nắm giữ đầu mối về tài chính.
NĐT tham khảo giá CP. Ảnh: LÃ ANH |
CTKT nhỏ ngoài việc cạnh tranh với nhau còn phải đối đầu với những CTKT lớn. Một người có thâm niên làm việc trong ngành kiểm toán kể lại, mới đây bạn của anh là giám đốc một CTKT tưởng như đã nhận được hợp đồng kiểm toán cho một doanh nghiệp tầm trung với giá 15.000USD, do mức giá này thấp hơn mức 20.000USD một CTKT thuộc nhóm Big Four đưa ra. Nhưng đến phút cuối, một CTKT khác cũng thuộc Big Four lại… phá giá ở mức 12.000USD.
Một tình huống cũng khá quen thuộc trong giới kiểm toán là doanh nghiệp có vấn đề về tài chính sau khi đưa một CTKT lớn có uy tín về kiểm, hàng loạt những thiếu sót bị phơi bày. Không chịu được, doanh nghiệp lại mời một CTKT nhỏ về và số liệu kế toán trước và sau khi kiểm… giống nhau y chang.
Đây có thể xem như lỗ hổng lớn nhất trong hoạt động kiểm toán hiện nay, bởi lẽ nó đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp dùng tiền để xào nấu sự minh bạch của mình. Khi CTKT nhỏ làm việc với doanh nghiệp, không loại trừ khả năng “sếp” của CTKT lại có một công ty tư vấn để “bày vẽ” cho doanh nghiệp làm sạch BCTC như thế nào và có thể tiếp tay để che dấu cơ quan quản lý, cổ đông và thị trường.
Đây cũng có thể là nguyên nhân của việc doanh nghiệp chậm công bố BCTC trong thời gian qua. Thiết nghĩ, cần phải có chế tài nghiêm khắc hơn trong việc này, chẳng hạn công ty nào ban đầu nhận kiểm toán, nhưng sau kết thúc hợp đồng sẽ phải đưa ra lý do cụ thể chứ không thể “im ỉm” rồi đi.
Rõ ràng, việc tái cấu trúc CTKT không chỉ nằm ở nghiệp vụ vì đây chính là ngành đòi hỏi chất xám khá cao từ đầu vào, mà phải bắt nguồn từ cái đầu, cái tâm của kiểm toán viên.
Điều này không đơn giản bởi nếu chỉ một vài CTKT giữ tâm sáng, mà lại không có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, thậm chí là doanh nghiệp thì việc tái cấu trúc cũng khó lòng phát huy hiệu quả.
(THEO SAIGONDAUTU)
No comments:
Post a Comment