Monday, December 5, 2011

6 rủi ro "chết người" của doanh nghiệp

Xem hình

Theo nghiên cứu của Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (VCFO), có hơn 300 loại rủi ro mà doanh nghiệp (DN) hay gặp. Trong đó, 6 rủi ro "chết người" thường xuất hiện trong những giai đoạn nền kinh tế khủng hoảng hoặc biến động bất thường. Những rủi ro này, nếu DN không biết cách đối phó, sẽ cực kỳ nguy hiểm cho hoạt động của DN.

1. Rủi ro mất cân đối dòng tiền

Nhựa Tân Hóa (VKP), Vận tải Vinaship (VNA), Vitaly (VTA), Đầu tư Thương mại TNG (TNG) là những cái tên từng được kiểm toán lưu ý về khả năng dừng hoạt động liên tục do có nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn. Điển hình, chênh lệch giữa nợ ngắn hạn và tài sản ngắn hạn tại VNA cuối quý III/2011 là 259,2 tỷ đồng, tại TNG là 72,4 tỷ đồng.

Để ngăn chặn rủi ro này, nhiều doanh nghiệp như Long Hậu (LHG) đã tìm cách kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, lập dự báo nguồn tiền hàng tháng/tuần. Ngoài ra, phương án tập trung quản lý nợ phải thu, tăng chiết khấu thanh toán nhanh cũng được các DN như Intresco (ITC) tính đến.

Các chuyên gia khuyến nghị, nếu có thể, DN nên thay đổi chính sách chia lợi nhuận theo hướng tăng dự trữ nguồn tiền, chú ý phân tích thêm xu hướng của một số chỉ số tài chính.

2. Rủi ro bị lừa đảo trong thu xếp vốn

Thời điểm chính sách tín dụng thắt chặt và DN khó tiếp cận được nguồn vốn là lúc mà hoạt động lừa đảo trong môi giới, tư vấn thu xếp vốn xuất hiện nhiều nhất. Mới đây, Phòng An ninh kinh tế (PA81) của Công an tỉnh Quảng Nam đã kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo chào mời cho vay vốn với lãi suất thấp từ 6 doanh nghiệp nước ngoài.

Những vụ lừa đảo kiểu này thường khiến DN "tiền mất, tật mang". Do đó, DN cần tìm hiểu kỹ uy tín của đơn vị tư vấn, kiểm tra kỹ nguồn vốn ưu đãi từ nước ngoài và không ứng trước tiền phí khi sử dụng dịch vụ thu xếp vốn.

3. Rủi ro lãi vay cao

Trong tình hình lạm phát tăng và tín dụng siết chặt, rủi ro lãi vay cao là rất phổ biến. Đơn cử, trong khi lãi gộp quý III/2011 của Vạn Phát Hưng (VPH) chỉ đạt mức 1,9 tỷ đồng thì lãi vay phải trả lên tới 8,3 tỷ đồng. Kết quả là VPH bị lỗ.

Để khắc phục, nhiều doanh nghiệp như Agifish (AGF) chỉ vay ngoại tệ là chính. Một số DN thì tìm vốn qua các kênh khác như TTCK. Đó là lý do vì sao, dù biết cổ đông không hào hứng, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn chào bán cổ phiếu.

4. Rủi ro về tài trợ vốn

Bất ổn trong hệ thống ngân hàng đã khiến hoạt động cho vay của các ngân hàng có nhiều thay đổi. Một số ngân hàng đã ngừng hoặc hạn chế giải ngân dù trước đó đã hứa sẽ hỗ trợ vốn cho DN triển khai dự án. Điều này dẫn đến tình trạng "chết lâm sàng" của nhiều DN bất động sản. Tìm cách tăng thanh khoản cho dòng tiền hiện là câu chuyện đau đầu của nhiều DN.

Một số DN như Đầu tư Bình Chánh (BCI), Sacomreal (SCR) đã hoãn, giãn tiến độ ở các dự án chưa cần thiết đầu tư. Với Intresco, Phát triển BĐS Phát Đạt…, ưu tiên sắp tới là chọn lựa những công trình, dự án có vòng quay vốn nhanh, cho hiệu quả ngắn hạn. Giới phân tích dự báo, xu hướng tìm vốn mới, qua các hình thức như liên doanh liên kết, M&A… sẽ phát triển mạnh ở những ngành chịu rủi ro về tài trợ vốn như bất động sản, tài chính.

5. Rủi ro giảm sức mua

Kinh tế khó khăn và lạm phát tăng cao đã khiến sức mua của thị trường giảm mạnh. Thống kê của một DN sản xuất hàng thời trang có gần 40 cửa hàng, đại lý bán lẻ trên cả nước cho thấy, lượng hàng tồn tính đến cuối tháng 7/2011 chiếm khoảng 60% tổng lượng hàng sản xuất của DN. Điều này phần nào nói lên rằng, tình trạng giảm sức mua đang hiện diện ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khuyến nghị, không có cách nào khác là DN phải cơ cấu lại sản phẩm/dịch vụ- chỉ tập trung vào những mặt hàng mà thị trường có nhu cầu, hoặc ưu tiên những nhóm hàng có giá thấp hơn. Thủ Đức House (TDH) là một DN đang theo hướng này, Công ty đã tính đến phương án xây nhà giá 400-500 triệu đồng/căn.

Các chuyên gia cũng lưu ý, DN nên tập trung kiểm soát giá thành sản phẩm/dịch vụ để đảm bảo giá vốn không chiếm quá nhiều trong doanh thu và tăng khả năng cạnh tranh.

6. Rủi ro mất ổn định nguồn cung ứng

Khi kinh tế bất ổn và mọi thứ đều tăng giá thì tình trạng hàng hóa/dịch vụ đầu vào không ổn định, chất lượng giảm sút, giá thành tăng vọt… là khó tránh khỏi. Đơn cử, do giá vải tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may chỉ hưởng 10% trong 30% tăng lên của giá hàng xuất khẩu.

Một giải pháp như tăng cường đầu tư vùng nguyên liệu đã được Công ty Cửu Long An Giang (ACL) áp dụng. Hay Công ty Bình Tân tìm thêm nhiều nguồn cung khác từ Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia… để giảm rủi ro biến động nguyên liệu đầu vào.

(Theo Đầu tư chứng khoán)

No comments:

Post a Comment