Làm thế nào để nâng cao chất lượng kiểm toán, kế toán để bảo vệ môi trường đầu tư? ĐTCK giới thiệu bài viết của bà Rachel Chee, hội viên Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA), Giám đốc nghiệp vụ của Viện Kế toán công chứng Malaysia về kinh nghiệm trong việc quản lý hội viên của ngành kiểm toán Malaysia.
Tương tự như Việt Nam, ở Malaysia, Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm cấp chứng chỉ kế toán viên công chứng (CPA). Nhưng việc quản lý hành nghề của các kế toán viên công chứng lại thuộc về Viện Kế toán công chứng Malaysia (MIA), tổ chức nghề nghiệp của các kế toán viên công chứng.
Tổ chức này có chức năng ban hành các quy định liên quan đến hoạt động hành nghề của các CPA, quản lý hội viên, chịu trách nhiệm giám sát về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của hội viên và bồi dưỡng, đào tạo kiến thức, đạo đức nghề nghiệp. Tại Malaysia, chỉ khi trở thành hội viên của MIA, các kế toán viên công chứng mới đủ điều kiện cung cấp dịch vụ.
Hội viên của MIA được chia làm 3 loại: Loại 1 gồm các kế toán viên được cấp phép (chuyển đổi từ kế toán hoặc đang hành nghề). Loại 2 gồm các kế toán viên công chứng (có trình độ chuyên môn, vượt qua kỳ thi sát hạch của MIA và có 3 năm kinh nghiệm thực tế). Loại 3 gồm những những đối tượng làm việc trong lĩnh vực đào tạo và giáo dục nâng cao về kế toán, có bằng đại học, bằng thạc sỹ chuyên ngành kế toán và 3 năm kinh nghiệm giảng dạy.
Để trở thành một kế toán viên công chứng ở Malaysia, đòi hỏi phải hoàn thành bằng kế toán ở Malaysia được công nhận theo Điều lệ kế toán, có 3 năm kinh nghiệm làm việc liên quan do MIA đánh giá, hoàn thành một bằng cấp nước ngoài được chấp thuận bởi MIA, vượt qua kỳ thi sát hạch của MIA, đạt được tư cách thành viên của một cơ quan kế toán chuyên nghiệp được công nhận theo Điều lệ kế toán.
Khi được Hội đồng MIA chấp thuận, người có chứng chỉ phải bắt đầu hành nghề trong vòng 6 tháng (đối với người mới) hoặc 3 tháng (nếu gia nhập vào một công ty hiện tại) kể từ ngày phát hành chứng chỉ, nếu không chứng chỉ sẽ bị hủy bỏ.
Kiểm toán viên phải tham gia hành nghề công toàn thời gian; phải có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp ở mức tối thiểu 100.000 RM khi bắt đầu hành nghề. Việc cung cấp các dịch vụ kiểm toán, thuế và phá sản là các dịch vụ theo luật định tại Malaysia và yêu cầu phải có giấy phép do cơ quan chính phủ ban hành.
Một điểm khác với Việt Nam là kiểm toán viên phải trải qua vòng phỏng vấn của Ủy ban cấp bằng kiểm toán viên (Ủy ban này do Văn phòng Tổng kế toán thành lập), nhằm đảm bảo các ứng viên được cấp bằng là xứng đáng và có năng lực.
Ủy ban bao gồm các đại diện từ Văn phòng Tổng kế toán, UBCK Malaysia, Ngân hàng Trung ương Malaysia, Ủy ban Các công ty của Malaysia và Viện Kế toán công chứng Malaysia.
Các ứng viên sẽ được kiểm tra kiến thức toàn diện, gồm: các quy định và nguyên tắc liên quan đến thị trường vốn và chứng khoán, các quy định liên quan đến ngân hàng, bảo hiểm và các ngành liên quan, Luật Doanh nghiệp, các chuẩn mực kiểm toán, BCTC, quy định về thuế, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kiểm toán. Năm 2009, tỷ lệ đỗ của cả nước ghi nhận chỉ có 27%.
Tại Malaysia, quy định kiểm toán bắt buộc đối với toàn bộ các công ty thành lập theo Điều lệ công ty. Tại thời điểm cuối năm 2010, Malaysia có 920.000 công ty đang hoạt động, trong khi, chỉ có 1.514 kiểm toán viên.
Do vậy, Malaysia cũng phải áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao tỷ lệ đỗ như xác định phạm vi kiến thức phỏng vấn; thành lập diễn đàn cấp bằng kiểm toán viên với sự tham gia của các thành viên để chia sẻ kinh nghiệm và để giảm thiểu khoảng cách kỳ vọng, đưa ra bảng câu hỏi tự đánh giá cho các ứng viên...
Cùng với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngày càng nhiều doanh nghiệp đổ vỡ đã gây ra hoài nghi về độ tin cậy vào kiểm toán. Thực tế đòi hỏi yêu cầu một sự giám sát độc lập đối với các kiểm toán viên.
Hội đồng Giám sát kiểm toán Malaysia được thành lập vào ngày 1/4/2010 dưới sự bảo trợ của UBCK có chức năng tiếp nhận, quản lý danh sách đăng ký kiểm toán viên các công ty đại chúng trên cơ sở gia hạn hằng năm và kiểm tra hoạt động hành nghề của họ.
Khái niệm các công ty đại chúng ở Malaysia rất rộng, bao gồm các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, công ty bảo hiểm, ngân hàng, tổ chức tài chính, các công ty quản lý quỹ, kinh doanh chứng khoán, giao dịch hợp đồng tương lai…
Viện Kế toán công chứng Malaysia cũng đưa ra các quy định nghiêm ngặt. Một kiểm toán viên không được kiểm toán cho công ty nếu kiểm toán viên đó đang nợ công ty này một khoản nợ vượt quá 2.500 RM; hoặc kiểm toán viên là nhân viên của công ty đó; hoặc có quan hệ chủ - nhân viên với một nhân viên công ty đó; là một cổ đông hoặc có vợ/chồng là cổ đông của công ty; hoặc kiểm toán viên chịu trách nhiệm hoặc là đối tác, chủ, nhân viên của một người chịu trách nhiệm lưu giữ bản ghi các thành viên hoặc bản ghi các bên nắm giữ giấy nợ của công ty…
Trách nhiệm của kiểm toán viên là phải đưa ra các ý kiến về việc thu thập thông tin và giải trình cần thiết của công ty được kiểm toán; sổ sách kế toán và các hình thức ghi chép khác của công ty được lưu giữ đã theo đúng yêu cầu hay chưa; các tài liệu kế toán của các chi nhánh của công ty có đầy đủ; các thủ tục và phương pháp sử dụng để hợp nhất báo cáo tài chính hợp nhất có phù hợp hay không.
Để bảo vệ nhà đầu tư, yêu cầu bắt buộc đối với kiểm toán viên là phải báo cáo lên Phòng đăng ký nếu trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên phát hiện thấy có những vi phạm Luật Điều lệ công ty và tồn tại các tình huống mà kiểm toán viên đó cho rằng vấn đề chưa được hoặc sẽ không được giải quyết một cách ổn thỏa; Kiếm toán viên cũng có thể đưa vấn đề đó ra trước ban lãnh đạo công ty. Đặc biệt, Malaysia có các quy định về điều tra, tố cáo bắt buộc áp dụng với kiểm toán viên các công ty đại chúng phạm tội gian lận, không trung thực.
Rachel Chee
(Theo Đầu tư chứng khoán)
No comments:
Post a Comment