Friday, December 30, 2011

Lợi ích của Kiểm toán độc lập vai trò và trách nhiệm của các bên

LỢI ÍCH CỦA KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP

VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN

Bùi Văn Mai – CPA VN, FCPA

Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VACPA


1. Lợi ích của kiểm toán độc lập

Ngày nay, vốn, tài sản của doanh nghiệp không chỉ do thành viên sáng lập đóng góp mà còn huy động của các nhà đầu tư, cổ đông, vay ngân hàng, nợ người bán hàng, mua chịu, mua hàng trả góp, nợ người lao động, nợ tiền thuế…Vì thế, mỗi doanh nghiệp đều nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân có mối quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ với doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính (BCTC) là tài liệu phản ánh tổng hợp bằng giá trị tình hình tài sản và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sau một kỳ hoạt động, có thể là từng quý, 6 tháng, 9 tháng hay cả năm. Theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, Báo cáo tài chính năm là bản quyết toán kết quả ăn chia quyền lợi, nghĩa vụ sau một năm kinh doanh giữa doanh nghiệp với Nhà nước, các cổ đông, nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ và quyền lợi với doanh nghiệp.

Cho dù có trình độ nghiệp vụ cao, cho dù có quyền lực điều hành doanh nghiệp…thì cũng không phải có tổ chức, cá nhân nào có thể tự kiểm tra, đánh giá xem bản Báo cáo tài chính – Báo cáo quyết toán một năm kinh doanh đã phản ánh trung thực và hợp lý tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân mình hay chưa.

Do đó, từ gần 100 năm nay trên thế giới, và từ 20 năm qua ở Việt Nam đã hình thành và phát triển hoạt động kiểm toán, trong đó có hoạt động kiểm toán độc lập (KTĐL).

KTĐL là hoạt động hành nghề của các kiểm toán viên (KTV) độc lập, của các doanh nghiệp kiểm toán (DNKT), thực hiện kiểm tra và xác nhận về sự trung thực và hợp lý của các bản BCTC, làm cơ sở cho các cổ đông, nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ với doanh nghiệp có cơ sở thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; cổ đông có cơ sở nhận cổ tức, quyết định đầu tư thêm hay rút vốn về; ngân hàng có cơ sở tiếp tục cho vay hoặc thu hồi nợ vay; người bán hàng chịu có thể tiếp tục cung ứng hàng hóa hoặc ngừng; Nhà nước có cơ sở quyết toán thuế và các nghĩa vụ của doanh nghiệp; người lao động tiếp tục làm việc ở doanh nghiệp hoặc chấm dứt hợp đồng lao động…

Ngày nay, thông qua bản BCTC năm đang niêm yết có xác nhận của KTV, các nhà đầu tư có thể chấp nhận mua cổ phiếu của doanh nghiệp với giá cao hơn hoặc bán tháo cổ phiếu đang nắm giữ…Nếu BCTC có sai phạm, Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền hoặc ngừng niêm yết…

Để thực sự đạt được lợi ích của KTĐL, để có cuộc kiểm toán chất lượng cao, phải xác định rõ và thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mỗi bên, theo chúng tôi gồm 5 đối tượng chính sau:

> Kiểm toán viên/doanh nghiệp kiểm toán;

> Doanh nghiệp/đơn vị được kiểm toán;

> Cơ quan quản lý nhà nước;

> Các tổ chức nghề nghiệp;

> Cổ đông/nhà đầu tư và xã hội.

2. Lựa chọn kiểm toán viên/doanh nghiệp kiểm toán như thế nào?

Ở các nước được phép hành nghề cá nhân thì lựa chọn KTV là quan trọng nhất. Ở Việt Nam, pháp luật chỉ cho phép pháp nhân hành nghề KTĐL, cho nên quan trọng hơn là lựa chọn DNKT, tiếp theo là lựa chọn KTV.

KTĐL hành nghề bằng uy tín, danh tiếng và niềm tin. Uy tín, danh tiếng và niềm tin là tài sản vô hình hình thành theo thời gian, từ thực tế và không mua được bằng tiền. Do đó, các doanh nghiệp hãy lựa chọn KTV/DNKT phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp mình theo các tiêu thức sau:

> Nếu thực sự mong muốn nhận được một ý kiến kiểm toán chất lượng cao, hãy mời các công ty kiểm toán lớn, hoạt động lâu năm, có nhiều khách hàng; các KTV có danh tiếng…và phải chấp nhận giá phí cao phù hợp. Đối với DNKT mới thành lập vài năm nhưng bao gồm các KTV có nhiều năm kinh nghiệm, xuất thân từ các DNKT lớn thì cũng rất tốt. Trong đấu thầu không nên lựa chọn thầu theo tiêu chí giá phí thấp. Trong nghề kiểm toán không có khái niệm “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.

> Các DNKT nhỏ hoặc mới thành lập vẫn có thể cung cấp dịch vụ kiểm toán chất lượng khá cao cho các khách hàng phù hợp khi giá phí đủ bù đắp chi phí. Các thủ tục kiểm toán cho một khách hàng nhỏ không giảm bao nhiêu so với cuộc kiểm toán một khách hàng trung bình.

(Về chi tiết, cần lựa chọn các DNKT, KTV phải đủ điều kiện hành nghề trong năm, có tên trong danh sách công khai của Bộ Tài chính, UBCKNN hoặc VACPA; Ban lãnh đạo, bộ máy tổ chức ổn định, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp, số lượng KTV nhiều hoặc càng ít chuyển đổi càng tốt; làm việc có kế hoạch, giữ lời hứa; mạnh dạn khi chào giá phí cao vừa phải; quan điểm rõ ràng, dứt khoát khi xử lý các vấn đề chuyên môn với tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cao…)

Trách nhiệm cụ thể của KTV/DNKT

> Tuân thủ nguyên tắc KTĐL là: độc lập, trung thực, khách quan; bảo mật thông tin; tuân thủ chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

> Thực hiện cuộc kiểm toán theo hợp đồng đã ký, phát hành báo cáo kiểm toán, thư quản lý theo trách nhiệm nghề nghiệp.

> Từ chối cuộc kiểm toán khi khách hàng có yêu cầu trái đạo đức nghề nghiệp, trái yêu cầu chuyên môn, trái pháp luật.

> Tính đủ phí để thực hiện đúng trách nhiệm của KTV…

> Bố trí đủ nhân lực thực hiện cuộc kiểm toán, kiểm soát chất lượng dịch vụ, thông báo cho khách hàng khi phát hiện vi phạm.

> Bồi thường thiệt hại cho khách hàng trong trường hợp đưa ý kiến kiểm toán sai, gây thiệt hại cho khách hàng.

3. Vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp/đơn vị được kiểm toán

Trách nhiệm cao nhất của doanh nghiệp/đơn vị được kiểm toán là tổ chức bộ máy quản lý và hệ thống kiểm soát nội bộ sao cho có thể lập và trình bày trung thực và hợp lý bản BCTC phản ánh đầy đủ, đúng đắn tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp mong muốn lập bản BCTC trung thực và hợp lý nhưng thực tế vẫn bị sai sót, phản ánh sai lệch thực tế do (1) Trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của cán bộ quản lý, (2) Hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động kém hiệu quả, (3) Cá nhân một vài người không có quyền lực cao nhất cố tình làm sai…thì DNKT và KTV sẽ hỗ trợ, tư vấn sửa đổi và hoàn thiện thông qua quá trình kiểm toán. Trường hợp doanh nghiệp cố tình gian lận thì KTV cũng không có trách nhiệm phát hiện và kết luận về gian lận đó…

Trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp:

> Nhận thức đúng mục tiêu và lợi ích của KTĐL;

> Đấu thầu, lựa chọn DNKT phù hợp, chất lượng tốt;

> Cần ký hợp đồng kiểm toán càng sớm càng tốt, tốt nhất là ký hợp đồng kiểm toán trước khi kết thúc kỳ kế toán, ký cho nhiều năm liên tục (từ 3 năm trở lên), giá phí phù hợp;

> Bố trí nhân sự phù hợp để phục vụ cuộc kiểm toán;

> Cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, thông tin theo yêu cầu của KTV;

> Giải trình đầy đủ, trung thực;

> Có tinh thần hợp tác, xem xét nghiêm túc, kỹ lưỡng đối với những phát hiện của KTV để thực hiện những điều chỉnh cần thiết;

> Trả phí kiểm toán đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng.

4. Vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước

> Ban hành đầy đủ, kịp thời, cụ thể, rõ ràng văn bản pháp luật;

> Truyên truyền, phổ biến và thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ văn bản pháp luật, xử lý nghiêm khắc và công khai các sai phạm;

> Tổ chức thi và cấp chứng chỉ KTV đủ nhu cầu của xã hội; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho KTV, DNKT; công khai dach sách KTV và doanh nghiệp đủ điều kiện hành nghề…


5. Vai trò và trách nhiệm của Hội nghề nghiệp

> Tham gia xây dựng văn bản pháp luật;

> Thực hiện tuyên truyền, quảng bá về nghề nghiệp, phổ biến văn bản pháp luật;

> Đào tạo, cập nhật kiến thức thường xuyên cho KTV, trợ lý KTV;

> Biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hành và cung cấp dịch vụ tư vấn nghề nghiệp cho kiểm toán viên, hội viên và doanh nghiệp;

> Kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ, xử lý và tham gia xử lý các sai phạm của hội viên…

6. Vai trò và trách nhiệm của cổ đông/nhà đầu tư

> Yêu cầu phải kiểm toán BCTC, phải lựa chọn KTV/DNKT phù hợp với muc tiêu kiểm toán;

> Yêu cầu công khai kết quả kiểm toán;

> Yêu cầu KTV giải trình khi cần thiết;

> Yêu cầu xử lý kịp thời và nghiêm túc các sai phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Một cuộc kiểm toán độc lập có chất lượng cao, thỏa mãn yêu cầu của các tổ chức, cá nhân có liên quan là mong mỏi của tất cả chúng ta, nhưng mỗi tổ chức, cá nhân đều phải cùng thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình thì mới hy vọng đạt được điều mình mong muốn.

(Theo VACPA)

No comments:

Post a Comment