Bà Đỗ Thị Nhung, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN (ảnh B.D).
Sáng nay (6/4), góp phần tham luận tại Hội thảo "Giải pháp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Góc nhìn từ ngân hàng" do VCCI tổ chức, bà Đỗ Thị Nhung, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động về 12%/năm.
Theo đó, với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, đà lạm phát được kiểm soát ở mức thấp trong suốt 8 tháng vừa qua (kể từ tháng 8/2011) cũng như tình hình thanh khoản tại các ngân hàng được cải thiện, vốn cho tín dụng dồi dào, đây là những cơ sở cho việc hạ trần lãi suất huy động, từ đó làm tiền đề để hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Dẫn lại phát ngôn của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra trước đó, bà Nhung cho biết, từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục được điều hành một cách linh hoạt. Nếu điều kiện vĩ mô cho phép, mỗi một quý, lãi suất chính sách sẽ giảm 1%. Đến cuối năm, mục tiêu có thể hạ lãi suất huy động xuống 10-11%/năm, lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng.
Đại diện Vụ chính sách tiền tệ cũng khuyến cáo ngân hàng thương mại cần tiết giảm được các chi phí kinh doanh, có như vậy mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn rẻ. Đồng thời, phía ngân hàng cũng cần phải cơ cấu lại nợ đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do tồn kho lớn. Tuy nhiên, bà Nhung lưu ý, vấn đề giảm lãi và miễn lãi với khách hàng hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của các ngân hàng thương mại, NHNN chỉ có tính chất định hướng.
Loại thêm một số đối tượng ra khỏi diện "không khuyến khích"
Về phần mình, cơ quan điều hành tiền tệ quốc gia sẽ tiếp tục cung ứng vốn qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và nghiệp vụ tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoảng cho các ngân hàng thương mại, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để điều tiết vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu. Bà Nhung cũng khẳng định, chủ trương của NHNN là tạo điều kiện tối đa để những doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng được ưu tiên về vốn vay.
Trong khi đó sẽ nghiên cứu để áp tỷ lệ với các đối tượng không khuyến khích như cho vay tiêu dùng, đối tượng vay mua nhà ở và loại trừ thêm các đối tượng nằm trong diện này. Hồi đầu năm, NHNN mới chỉ loại trừ đối tượng mua nhà ở với các đối tượng thu nhập thấp, mua nhà thu nhập thấp, xây nhà công nhân.
"Sắp tới, NHNN sẽ loại trừ thêm một số đối tượng khác. Đây là một trong những dự kiến của NHNN, nếu xét thấy hợp lý sẽ sớm công bố cho thị trường biết", bà Nhung cho hay.
NHNN cũng khuyến nghị ngân hàng thương mại tập trung huy động được nguồn vốn trung và dài hạn - đây mới là nguồn vốn mà các doanh nghiệp đang cần. Điều này cần dựa trên kỳ vọng của người dân, phải làm sao để nếu họ muốn được hưởng lãi suất cao hơn thì họ phải gửi kỳ hạn dài hơn.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đang tiếp tục có những nghiên cứu để nâng cao năng lực thẩm định của các ngân hàng nhằm triển khai các sản phẩm cho vay không có tài sản bảo đảm, dựa trên uy tín của các doanh nghiệp mà cho vay. Như vậy, các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt vẫn có thể vay được vốn ngân hàng.
Mở rộng các sản phẩm phái sinh cung cấp cho doanh nghiệp
Về dài hạn, NHNN vẫn đang tiếp tục chính sửa các quy định pháp lý để vừa đảm bảo được an toàn hệ thống, đây cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc đơn giản thủ hành chính. Các văn bản này cũng tạo điều kiện cho các TCTD triển khai các sản phẩm phái sinh theo thông lệ quốc tế.
Bà Nhung cho biết, ngoài việc áp dụng các công cụ truyền thống, vừa qua NHNN đã cho phép một số ngân hàng có quy mô lớn như VietinBank, MB thực hiện các công cụ phái sinh theo thông lệ hàng hóa như bảo hiểm giá cả hàng hóa, hoán đổi lãi suất... Những sản phẩm dịch vụ phái sinh này sẽ giúp ngân hàng phòng ngừa rủi ro, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Trước đó, ngày 13/3, trần lãi suất huy động đã giảm từ 14%/năm về 13%/năm cho kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Trần lãi suất huy động với kỳ hạn dưới 1 tháng cũng giảm 1% còn 5%/năm.
(Theo Dân trí)
(Theo Dân trí)
No comments:
Post a Comment