Wednesday, April 4, 2012

Dự Luật thuế thu nhập cá nhân: Chưa chính thức đã lạc hậu

Mục đích của việc sửa đổi thuế thu nhập cá nhân là đảm bảo sát thực tế và công bằng cho người nộp. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng phương án do Bộ Tài chính đề xuất khó đảm bảo cả 2 yếu tố này.

Việc thu thuế đạt hiệu quả nhất nếu thực hiện theo nguyên tắc “khoan sức dân”

Bộ Tài chính thừa nhận mức giảm trừ 4 triệu đồng cho bản thân người nộp và 1,6 triệu đồng cho người phụ thuộc hiện đã không còn phù hợp và nhất định phải sửa. Tuy vậy, con số 6 triệu đồng mà cơ quan soạn thảo đưa ra đã khiến nhiều người... chưng hửng. Theo giải trình của Bộ, mức giảm trừ này được xây dựng trên cơ sở so sánh với nhiều yếu tố (GDP, lạm phát, đề án cải cách tiền lương, kết quả khảo sát mức sống dân cư…) nhưng chủ yếu là dựa trên mức thu nhập bình quân đầu người dự kiến vào năm 2014 (khoảng 5,85 triệu đồng một tháng).

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc thu thuế đạt hiệu quả nhất nếu thực hiện theo nguyên tắc “khoan sức dân”. Trong giai đoạn từ nay đến 2015, mục tiêu chính trong điều hành là kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Lạm phát do đó sẽ bớt căng thẳng hơn so với giai đoạn trước. Ngưỡng giảm trừ gia cảnh, do đó sẽ không lỗi thời nhanh như con số 4 triệu đồng của Luật thuế năm 2009. Tuy vậy, cơ quan soạn thảo cũng nên đưa ra căn cứ rõ ràng hơn để xác định mức giảm trừ (chỉ rõ đối tượng nộp thuế là ai, hiện có thu nhập bao nhiêu, so sánh với mức bình quân của người dân, côn nhân trong xã hội…) để dễ tạo được đồng thuận.

Con số 6 triệu đồng mà cơ quan soạn thảo đưa ra đã khiến nhiều người... chưng hửng.

Một giải pháp được nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ là thay vì một mức cứng, Bộ Tài chính có thể đưa ra một hệ số nhất định để tính toán mức giảm trừ so với lương tối thiểu. Chẳng hạn vào năm 2014, lương tối thiểu là 1,67 triệu đồng một tháng, với hệ số là 3,6 thì mức giảm trừ là 6 triệu đồng. Khi lương tối thiểu được điều chỉnh thì giữ nguyên hệ số, mức giảm trừ gia cảnh cũng tăng theo. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thiếu sót lớn nhất của cơ quan soạn thảo là tiếp tục đưa ra một mức tiền cố định để giảm trừ cho người nộp thuế. Theo bà Lan thì trong giai đoạn vừa qua, VN trải qua một chu kỳ lạm phát cao (tổng mức tăng CPI từ 2008 đến nay khoảng 50%), nên giá trị đồng tiền có thể biến động rất nhanh. Nếu đặt ra một mức “cứng”, việc "luật không đuổi kịp giá" rất dễ xảy ra.

“Làm như vậy sẽ đảm bảo “nước lên thì thuyền lên”, tránh việc mỗi lần điều chỉnh lại phải sửa luật, xin ý kiến Quốc hội. Chứ bây giờ có nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 8 triệu đi chăng nữa thì vẫn sẽ có ý kiến thắc mắc, lại phải sớm sửa đổi”, bà Phạm Chi Lan phân tích. Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng cơ quan soạn thảo nên tính toán lại mức giảm trừ gia cảnh bởi thực tế cho thấy với 6 triệu đồng một tháng, người dân rất khó xoay sở.


(Theo DDDN)

No comments:

Post a Comment