Đây là dự án trọng điểm có tác động rất lớn đến hạ tầng giao thông Thủ đô với mục tiêu là trục động lực phát triển kinh tế quan trọng của Hà Nội và khu vực lân cận. Trung tâm tài chính, thương mại, triển lãm quốc tế mới...của Hà Nội sẽ được xây dựng ở đây.
Chiều 14/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hà Nội về quy hoạch xây dựng trục Nhật Tân – Nội Bài.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chủ trương mở rộng Thủ đô Hà Nội là một quyết định lịch sử nhằm xây dựng Hà Nội thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa… của cả nước - Ảnh: VGP |
Dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, lãnh đạo một số Bộ, ngành chức năng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội đã triển khai nghiêm túc, tích cực các công việc sau khi Hà Nội được phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chủ trương mở rộng Thủ đô Hà Nội là một quyết định lịch sử nhằm xây dựng Hà Nội thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa… của cả nước và để Hà Nội xứng tầm với Thủ đô của một đất nước có khoảng 100 triệu dân.
Sau khi được mở rộng, Hà Nội đã khẩn trương xây dựng các quy hoạch phân khu, các quy hoạch chuyên ngành… Việc lập quy hoạch ở khu vực phía Bắc Hà Nội được coi là một trong những ưu tiên.
Với tinh thần chung như vậy, Dự án trục Nhật Tân - Nội Bài nối thẳng từ Sân bay Nội Bài đến trung tâm thành phố Hà Nội đã được triển khai thực hiện.
Đây là dự án trọng điểm có tác động rất lớn đến hạ tầng giao thông Thủ đô với mục tiêu là trục động lực phát triển kinh tế quan trọng của Hà Nội và khu vực lân cận. Dự án hoàn thành tạo ra một hệ thống giao thông mới hỗ trợ giảm áp lực quá tải trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hiện nay, đồng thời hoàn chỉnh trục kết nối chính Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài với trung tâm Thủ đô theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu đặt ra là Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải phải hoàn thành đúng tiến độ bộ 3 dự án là Nhà ga T2, đường cao tốc Nhật Tân – Nội Bài và cầu Nhật Tân. Gắn Dự án trục Nhật Tân - Nội Bài với phát triển đô thị hiện đại ở phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, xây dựng một trục giao thông đô thị kiểu mẫu, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, khai thác có hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến đường của trục Nhật Tân – Nội Bài để phục vụ cho phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, các chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện quy hoạch chi tiết dự án trục Nhật Tân – Nội bài.
Trong thực hiện quy hoạch chi tiết của dự án trục Nhật Tân – Nội Bài, cần hết sức lưu ý đến vấn đề về bảo đảm môi trường sinh thái, duy trì diện tích cây xanh phù hợp, xây dựng hệ thống giao thông với kết nối đồng bộ, giữ làng mạc…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Hà Nội nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác quy hoạch chi tiết và triển khai các dự án liên quan đến dự án trục Nhật Tân – Nội Bài.
Thảo luận về công tác quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng cho rằng, nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài là một trong những nhiệm vụ lớn và phức tạp, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực từ các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành chuyên môn, các doanh nghiệp và nhà đầu tư…
Nhiều ý kiến lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng cũng cơ bản bày tỏ sự đồng tình với Hội đồng tuyển chọn ý tưởng quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài đã quyết định lựa chọn ý tưởng thiết kế của Công ty tư vấn P&T (Hồng Kông, đơn vị tư vấn nổi tiếng thế giới có 150 năm kinh nghiệm với đội ngũ nhân sự hơn 2.000 kỹ sư, nhân viên hoạt động trên nhiều châu lục) trên cơ sở các tiêu chí như thể hiện được bản sắc kiến trúc của Việt Nam cũng như các yêu cầu về tính khả thi, kiến trúc hài hòa của các công trình, khu dân cư; đảm bảo không gian kiến trúc, bảo vệ tài nguyên và cảnh quan tự nhiên, sông hồ, cây xanh, mặt nước... Đồng thời thiết kế cũng đề xuất ý tưởng xây dựng mới trung tâm tài chính, ngân hàng thương mại dịch vụ, hội chợ thương mại, khách sạn, bệnh viện cao cấp, công trình văn hóa, trung tâm triển lãm khu vực và quốc tế, khu nhà ở chất lượng cao...
Lãnh đạo các Bộ, ngành cũng đề xuất, việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài phải đảm bảo giữ được hầu hết các làng mạc trong phạm vi quy hoạch... Cùng với đó, cần xem xét kỹ lưỡng đến đến vấn đề về lấy đất lúa trong khu quy hoạch; quan tâm các yếu tố bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên và kiến trúc; định hướng quy hoạch mạng lưới y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục đào tạo, công trình văn hóa, du lịch và dịch vụ, thể dục thể thao, dịch vụ thương mại; quy hoạch cấp, thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc...
Tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài đã được chính thức khởi công từ tháng 8/2011 và khi hoàn thành sẽ là trục giao thông quan trọng liên hệ giữa khu trung tâm Hà Nội cũ phía Nam sông Hồng với khu đô thị mở rộng phía Bắc sông Hồng và Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, đồng thời rút ngắn khoảng cách từ Sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội chỉ còn khoảng 15km. Hiện tại UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài tỷ lệ 1/500 với phạm vi ranh giới và quy mô nghiên cứu dài khoảng 11,7 km, tổng diện tích đất khoảng 2.080ha thuộc 8 xã Vĩnh Ngọc, Tàm Xá, Hải Bối, Xuân Canh, Vân Nội, Tiên Dương, Bắc Hồng, Nguyên Khê và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh; 3 xã Phú Minh, Mai Đình, Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn. |
Theo chinhphu
No comments:
Post a Comment