Ông Warrick Cleine, TGĐ KPMG Việt Nam và Campuchia |
(1) Ông nghĩ như thế nào về thực trạng kinh tế của Việt Nam trong năm 2011?
Năm 2011 là một năm đầy thử thách đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Thử thách kép của lãi suất và tỷ lệ lạm phát cao làm cho môi trường kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Tin tốt là nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới vẫn khá bền vững và Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù với tỷ lệ thấp hơn so với các năm trước.
Vấn đề là khả năng sinh lời của khu vực doanh nghiệp Việt Nam, kể cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều phải chịu áp lực. Lợi nhuận thấp hơn đối với các doanh nghiệp có nghĩa là thu nhập chịu thuế thấp hơn và vốn đầu tư thấp hơn, làm giảm khả năng chống chọi với cơn bão kinh tế và tái thiết sau khi cuộc khủng hoảng tài chính đã đi qua đối với cả chính phủ và các doanh nghiệp.
Việt Nam cần phải xác định rõ các lợi thế cạnh tranh chiến lược và tận dụng các lợi thế đó trong năm 2012. Dựa vào chi phí nhân công thấp để làm lợi thế cạnh tranh sẽ không bền vững khi điều kiện sống và mức lương ở Việt Nam được cải thiện, và khi các thị trường mới nổi như Myanmar đang cạnh tranh với Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư và thương mại.
(2) Kết quả kinh doanh của KPMG trong năm 2011 như thế nào và những thành tựu mà KPMG đạt được trong các năm vừa qua?
KPMG tiếp tục củng cố vị trí của mình trên thị trường là công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất tại Việt Nam. Trong năm 2011, chúng tôi đã tuyển dụng khoảng 300 sinh viên tốt nghiệp các trường Đại học chuyên ngành kế toán, kinh tế, quản trị kinh doanh, ngân hàng và luật, đưa chúng tôi trở thành nhà tuyển dụng nhân viên lớn nhất từ các chuyên ngành này. Chúng tôi tự hào rằng doanh nghiệp của chúng tôi cung cấp cơ hội việc làm đẳng cấp thế giới cho các tài năng trẻ của Việt Nam.
Chúng tôi cung cấp dịch vụ kiểm toán cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đem lại sự yên tâm cho các tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư tại Việt Nam, và các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp tư nhân đang tăng lên khi các đơn vị này đòi hỏi chất lượng báo cáo tài chính ngày càng cao.
Hoạt động tư vấn thuế của chúng tôi cũng tăng lên cùng với sự gia tăng không ngừng của các doanh nghiệp FDI, độ phức tạp ngày càng cao của các quy định về thuế, và các tranh chấp về thuế tăng lên khi các cơ quan thuế ban hành các quy định mới về thuế và các công ty phải cố gắng để tuân thủ các quy định đó. Nhóm giao dịch và tái cơ cấu của KPMG đặc biệt bận rộn trong năm 2011, tư vấn về một lượng lớn các giao dịch Mua bán, Sáp nhập (M&A) và giúp các doanh nghiệp đang phải chịu áp lực giải quyết các thách thức của môi trường tài chính. KPMG đã chứng minh rằng dịch vụ của chúng tôi là một phần của giải pháp giúp các chủ doanh nghiệp và các nhà quản lý giải quyết khủng hoảng tài chính theo cách mang tính xây dựng.
(3) Theo Ông nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp phải những cơ hội và thách thức nào trong năm 2012? Và có những cơ hội và thách thức nào đối với các công ty kiểm toán nói chung và KPMG Việt Nam nói riêng?
Doanh nghiệp cần sự ổn định và chắc chắn để có thể kinh doanh phát đạt, vì thế quyết định của chính phủ để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô là một ưu tiên quan trọng. Điều đó có nghĩa là hạ thấp tỷ lệ lạm phát và lãi suất, đảm bảo duy trì được sự tin tưởng vào thị trường tiền tệ. Một yếu tố tối quan trọng cho sự phát triển lâu dài của Việt Nam là hệ thống ngân hàng phải ghi nhận và có biện pháp xử lý đối với các khoản nợ xấu và nợ khó đòi, đồng thời đối với những người vay nợ không khắc phục được những điểm yếu của bảng cân đối kế toán.
Cho đến nay, luật phá sản và cụ thể là các quy định về tái cơ cấu hiếm khi được áp dụng tại Việt Nam, và cần được coi là cơ hội để bắt đầu với một bảng cân đối kế toán sạch sẽ chứ không phải là thừa nhận thất bại. Nếu các vấn đề trong hệ thống ngân hàng không được giải quyết triệt để, tình hình sẽ trở nên khó khăn và đe dọa đến sự thành công của Việt Nam. Việc củng cố các ngân hàng chỉ là điểm khởi đầu của quá trình này chứ không phải là điểm kết thúc..
KPMG sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam thông qua khả năng thu hút các nhà đầu tư và vốn đầu tư của chúng tôi vào Việt Nam, bảo vệ lợi ích các nhà đầu tư thông qua hoạt động kiểm toán của chúng tôi, sự ủng hộ của chúng tôi đối với thông tin tài chính minh bạch và quản trị doanh nghiệp trong các thị trường vốn, và việc cung cấp dịch vụ tư vấn thuế và tư vấn tuân thủ cho khối doanh nghiệp đang ngày càng phát triển của Việt Nam.
(4) KPMG Việt Nam đã làm gì để hỗ trợ cho cộng đồng trong năm 2011?
KPMG hỗ trợ cộng đồng qua công việc hàng ngày tại Việt Nam của 1,100 nhân viên chuyên nghiệp của chúng tôi. Các dịch vụ kiểm toán, thuế và tư vấn giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh và thành công trên thị trường Việt Nam và quốc tế. Chúng tôi đã tư vấn cho các tập đoàn hàng đầu Việt Nam, giúp họ tăng trưởng và phát triển, tuyển dụng thêm nhiều nhân sự tại Việt Nam, cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ tốt hơn, nộp thuế nhiều hơn vào ngân sách nhà nước của Việt Nam.
Chúng tôi cũng trực tiếp hỗ trợ cho sáng kiến Công dân Doanh nghiệp (Corporate Citizenship) theo nhiều cách. Chúng tôi áp dụng Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp tại Việt Nam, cho thấy các nhân viên của chúng tôi làm việc theo Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp quốc tế. Chúng tôi cung cấp các suất học bổng cho sinh viên Việt Nam suất xắc, cơ hội thực tập và việc làm đẳng cấp quốc tế cho các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của Việt Nam.
(5) Nếu như Ông được đề nghị tư vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước về sự phát triển lâu dài của nền kinh tế và ngành kiểm toán, Ông sẽ tư vấn gì cho họ?
Vì KPMG là công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất tại Việt Nam, chúng tôi làm việc hàng ngày với các cơ quan quản lý nhà nước, cả trực tiếp và gián tiếp, để cải thiện môi trường kinh doanh và chính sách của nhà nước trong những thời điểm khó khăn.
Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng kiểm toán, hoạt động của thị trường vốn lành mạnh thông qua sự minh bạch của thông tin tài chính và quản trị doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng cách tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng và ghi nhận tính cạnh tranh của nhu cầu vốn, và hoạt động của một hệ thống thuế lành mạnh nhưng công bằng.
(Theo http://news.vneconomy.vn)
No comments:
Post a Comment