TS. Hà Thị Ngọc Hà
Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán
Bộ Tài chính
(...Tiếp theo)
Thứ sáu, về các trường hợp DNKT, chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam (gọi chung là DNKT) không được thực hiện kiểm toán
Nghị định 17 hướng dẫn cụ thể hơn về các trường hợp DNKT không được kiểm toán quy định tại Điều 30 của Luật KTĐL, theo 5 nhóm như sau:
Nhóm 1: DNKT đang hoặc đã thực hiện trong năm trước liền kề một hoặc một số dịch vụ sau cho đơn vị được kiểm toán như: Ghi sổ kế toán, lập BCTC; Thực hiện dịch vụ kiểm toán nội bộ; Thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm soát nội bộ; Các dịch vụ khác có ảnh hưởng đến tính độc lập của KTV hành nghề và DNKT theo quy định của CM đạo đức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán.
Nhóm 2: Thành viên tham gia cuộc kiểm toán, người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) của DNKT: (1) Là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc đang nắm giữ cổ phiếu, góp vốn vào đơn vị được kiểm toán hoặc có quan hệ kinh tế, tài chính khác với đơn vị được kiểm toán theo quy định của CM đạo đức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán hoặc (2) có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là thành viên, cổ đông sáng lập, hoặc (3) nắm giữ cổ phiếu, góp vốn và nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên đối với đơn vị được kiểm toán, hoặc (4) là người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) của đơn vị được kiểm toán. Và ngược lại, người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) của đơn vị được kiểm toán đồng thời là người góp vốn và nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên đối với DNKT.
Nhóm 3: DNKT và các đơn vị được kiểm toán có các mối quan hệ chung như sau: (1) Có cùng một cá nhân hoặc doanh nghiệp, tổ chức sáng lập hoặc tham gia thành lập; (2) Cùng trực tiếp hay gián tiếp chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn dưới mọi hình thức của một bên khác; (3) Được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ sau: vợ và chồng, bố mẹ và con (không phân biệt con đẻ, con nuôi hoặc con dâu, con rể); anh, chị, em có cùng cha, mẹ (không phân biệt cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi); ông nội, bà nội và cháu nội; ông ngoại, bà ngoại và cháu ngoại; cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột; (4) Có thoả thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng; (5) Cùng là công ty hoặc pháp nhân thuộc cùng một mạng lưới theo quy định của CMKT.
Nhóm 4: Đơn vị được kiểm toán: (1) Đã thực hiện trong năm trước liền kề hoặc đang thực hiện kiểm toán BCTC hoặc các dịch vụ kiểm toán khác cho chính DNKT; (2) Là tổ chức góp vốn vào DNKT; (3) Là công ty mẹ, các công ty con, công ty liên kết, công ty liên doanh, đơn vị cấp trên, đơn vị cấp dưới, công ty cùng tập đoàn của tổ chức góp vốn vào DNKT.
Nhóm 5: DNKT tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn dưới mọi hình thức vào đơn vị được kiểm toán và các trường hợp khác theo quy định của CM đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán và quy định của pháp luật.
Thứ bảy, về cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới của DNKT nước ngoài
Căn cứ khoản 3 Điều 36 Luật KTĐL, Chính phủ quy định về việc cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới của DNKT nước ngoài. Do vậy, Nghị định số 17 quy định cụ thể 5 Điều (từ Điều 10 đến Điều 14) về đối tượng cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới, điều kiện và phương thức cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới, trách nhiệm của DNKT nước ngoài cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới và trách nhiệm của DNKT tại Việt Nam có tham gia liên danh với DNKT nước ngoài để cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới. Cụ thể:
- Chỉ có các DNKT có quốc tịch tại quốc gia thành viên của WTO hoặc quốc gia có hiệp định với Việt Nam về việc cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới mới được cung cấp dịch vụ qua biên giới.
- DNKT nước ngoài phải có đủ các điều kiện mới được cung cấp dịch vụ qua biên giới, trong đó: (1) Phải có ít nhất 05 KTV được Bộ TC Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán; (2) Có vốn chủ sở hữu trên BCĐKT tương đương 500.000 USD; (3) Có mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các KTV hành nghề tại Việt Nam; (4) Phải ký quỹ bắt buộc số tiền tương đương vốn pháp định đối với công ty TNHH của Việt Nam tại một ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; (5) Đăng ký và được Bộ TC Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán qua biên giới tại Việt Nam.
- Về phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới: DNKT nước ngoài phải thực hiện liên danh với DNKT đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán tại Việt Nam và phải giao kết Hợp đồng kiểm toán theo quy định của pháp luật Việt Nam. Báo cáo kiểm toán phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật và KTV hành nghề của DNKT nước ngoài và DNKT tại Việt Nam.
- Hợp đồng kiểm toán, hợp đồng liên danh, hồ sơ kiểm toán và báo cáo kiểm toán phải lập đồng thời bằng cả 2 ngôn ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh. Mọi giao dịch thanh toán và chuyển tiền liên quan đến cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới phải thực hiện bằng hình thức chuyển khoản thông qua tổ chức tín dụng được phép theo quy định của pháp luật về ngoại hối của Việt Nam.
- DNKT nước ngoài phải tuân thủ CMKT Việt Nam khi thực hiện cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới tại Việt Nam.
- DNKT tại Việt Nam có trách nhiệm lưu trữ toàn bộ hồ sơ kiểm toán và giải trình với các cơ quan chức năng về báo cáo kiểm toán, hồ sơ kiểm toán và các vấn đề khác phát sinh từ cuộc kiểm toán liên danh với DNKT nước ngoài.
Thứ tám, về đơn vị được kiểm toán
Nghị định số 17 bổ sung thêm 2 đối tượng phải kiểm toán BCTC là: Doanh nghiệp, tổ chức mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên và doanh nghiệp mà các tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính phải được kiểm toán đối với BCTC hàng năm.
Sở dĩ cần bổ sung 2 đối tượng này vì: (1) Đây là hướng dẫn thực hiện điểm c khoản 2 Điều 37 Luật KTĐL. Từ đó góp phần tăng cường minh bạch thông tin trên BCTC riêng của các công ty liên doanh, liên kết và các thông tin trên BCTC riêng cũng như BCTC hợp nhất của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán. Từ đó góp phần giám sát hiệu quả hoạt động đầu tư vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán. (2) Quy định này sẽ là một biện pháp quan trọng làm giảm bớt các trường hợp đưa ra ý kiến ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổ chức niêm yết đang có xu hướng giảm bớt khoản vốn đầu tư vào công ty con, chuyển thành khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (tập đoàn, tổng công ty chỉ nắm giữ từ 20% đến 50% quyền biểu quyết) hoặc đầu tư vốn vào công ty liên doanh, liên kết. Từ đó số lượng công ty con sẽ giảm đi và số lượng các công ty liên doanh, liên kết tăng lên. (3) Xuất phát từ việc thông tin tài chính của các công ty liên doanh, liên kết đều có liên quan và ảnh hưởng đáng kể đến cả BCTC riêng và BCTC hợp nhất của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các tổ chức niêm yết trong khi pháp luật hiện hành chưa quy định BCTC hàng năm cuả đối tượng này bắt buộc phải kiểm toán độc lập. Do đó quy định trên sẽ làm tăng phạm vi các công việc bắt buộc DNKT phải thực hiện kiểm toán BCTC riêng và BCTC hợp nhất toàn bộ Tập đoàn, Tổng công ty để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán cần thiết làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán. Từ đó sẽ hạn chế đáng kể tình trạng đưa ra ý kiến ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán BCTC riêng và BCTC hợp nhất của các đơn vị này do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan từ phía DNKT và từ phía đơn vị được kiểm toán.
Thứ chín, về thẩm quyền yêu cầu giải trình về các nội dung ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán
Khoản 3 Điều 48 Luật KTĐL quy định cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong từng lĩnh vực liên quan, đại diện chủ sở hữu đối với đơn vị được kiểm toán có quyền yêu cầu DNKT, đơn vị được kiểm toán giải trình về các nội dung ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán. Nghị định số 17 quy định rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong từng lĩnh vực liên quan và đại diện chủ sở hữu chỉ bao gồm Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của đơn vị được kiểm toán mới có quyền yêu cầu DNKT, chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam, DNKT nước ngoài cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản về các nội dung ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán.
Thứ mười, về lưu trữ, sử dụng và tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán
Khoản 5 Điều 50 Luật KTĐL giao Chính phủ quy định chi tiết về lưu trữ, sử dụng và tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán. Để hướng dẫn cụ thể các nội dung trên, Nghị định số 17 quy định 4 Điều cụ thể như sau:
- DNKT phải duy trì tính bảo mật, an toàn, toàn vẹn, có khả năng tiếp cận và phục hồi được của hồ sơ kiểm toán; Hồ sơ kiểm toán được lưu trữ bằng giấy hoặc dữ liệu điện tử trong thời hạn tối thiểu là 10 năm kể từ ngày phát hành báo cáo kiểm toán.
- Chỉ được khai thác, sử dụng hồ sơ kiểm toán theo quyết định của người có thẩm quyền của DNKT. (a) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật như Toà án nhân dân, Viện kiểm soát nhân dân, Bộ Tài chính.....; (b) Khi có yêu cầu kiểm tra chất lượng kiểm toán; giải quyết khiếu nại, tranh chấp trong hoạt động kiểm toán và các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật.
- Hồ sơ kiểm toán đã hết thời hạn lưu trữ, thì được tiêu huỷ; Phải thành lập Hội đồng tiêu huỷ và tiến hành kiểm kê, lập danh mục hồ sơ kiểm toán tiêu huỷ và biên bản tiêu huỷ.
- Đối với hồ sơ kiểm toán được lưu trữ bằng dữ liệu điện tử là các băng đĩa, đĩa từ... phải được sắp xếp theo thứ tự thời gian bảo quản với đủ các điều kiện kỹ thuật chống thoái hoá và chống tình trạng truy cập thông tin bất hợp pháp từ bên ngoài.
*************
No comments:
Post a Comment