Saturday, October 22, 2011

Dùng chai nhựa có hại không ?

Không đựng nước nóng trong chai nhựa!


Việc dùng chai nhựa để đựng nước nóng sẽ khiến các chất độc có hại trong nhựa “thôi nhiễm” ra nước cao tới 55 lần so với thông thường, nghiên cứu mới đây nhấn mạnh.

Chất Bisphenol A (BPA) được tìm thấy trong nhựa được dùng để làm chai đựng nước, bình sữa và các loại túi đóng gói thực phẩm, nước uống. Nó hoạt động giống như một chất oestrogen tự nhiên và có khả năng phá hủy chức năng của tuyến nội tiết.

Năm 2007 đã từng có cảnh báo về chất BPA nhưng chưa chỉ ra tác hại cụ thể của chất này.

Những thử nghiệm trên động vật cho thấy chất BPA có khả năng bắt chước hormon giới tính nữ estradiol. Nhiều lo ngại rằng BPA có thể gây ra các khiếm khuyết và các vấn đề liên quan đến phát triển của thai nhi. Thêm vào đó, chất BPA cũng được cho là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư, tiểu đường, béo phì và rối loạn tăng động giảm chú ý.

Chất BPA thường xâm nhập cơ thể qua các loại thực phẩm và đồ uống đựng trong các vật liệu có chứa chất này.

Những nghiên cứu trước đó cũng cho thấy việc cọ rửa và tiệt trùng bình uống của baby cũng làm thôi nhiễm chất BPA. Nghiên cứu mới nhất này cũng cho thấy quá trình thôi nhiễm không liên quan với “tuổi thọ” của đồ dùng.

Minh Thu

Theo Health24

Nước nóng phóng thích các hợp chất có hại trong chai nhựa


Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Cincinnati (UC), hoạt chất Bisphenol A (BPA) thoát ra từ các chai nhựa polycarbonate nhiều hay ít không phụ thuộc vào tuổi thọ chai mà chính là nhiệt độ của chất lỏng chứa trong chai.

Tiến sĩ Scott Belcher và cộng sự phát hiện ra khi những chai nước bằng nhựa polycarbonate, cả cũ lẫn mới, tiếp xúc với nước nóng thì chất BPA, một chất tổng hợp có vai trò gần như nội tiết tố nữ khi được hấp thu vào cơ thể, bị thải ra nhanh gấp 55 lần so với trước khi tiếp xúc với nước nóng.

Belcher, phó Giáo sư khoa Dược lý và Sinh lý học tế bào tại UC giải thích: “Những công trình trước đó đã chỉ ra rằng nếu ta đều đặn chà xát, rửa hoặc nấu sôi những chai polycarbonate thì chúng đều thải ra chất BPA. Điều đó cũng có nghĩa là BPA có thể tồn tại trong nhiều dạng nhựa polycarbonate. Nhưng chúng tôi muốn biết sử dụng bình thường trong cuộc sống hàng ngày có thể xảy ra khả năng đó không và đâu là yếu tố quyết định ảnh hưởng lên quá trình giải phóng chất này.”

“Chúng tôi bắt đầu ngay với những bài kiểm tra dựa trên cách người tiêu dùng sử dụng những chai nước nhựa plastic và sự khác biệt lớn nhất mà chúng tôi ghi nhận được là hàm lượng giải phóng chất liên quan đến nhiệt độ chất lỏng. Chai sử dụng được 9 năm có hàm lượng BPA giải phóng cũng tương tự như những chai mới.”

BPA là một trong những hóa chất nhân tạo xếp vào nhóm “phá vỡ nội tiết”, có nghĩa là chúng làm thay đổi chức năng nội tiết tố bằng việc bắt chước vai trò của nội tiết tố tự nhiên của cơ thể. Nội tiết tố được tiết ra thông qua các tuyến nội tiết và có nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể.
Hóa chất này thường được sử dụng rộng rãi trong những sản phẩm như chai nước tái sử dụng, lớp lót thực phẩm đóng hộp, ống nước và chất trám răng. Chúng có khả năng ảnh hưởng đến hệ sinh sản và phát triển não bộ trong những nghiên cứu trên động vật.

Blecher giải thích: “Có rất nhiều chứng cứ khoa học cho thấy tác hại của một lượng rất nhỏ BPA trong phòng thí nghiệm và trong các thử nghiệm trên động vật nhưng có rất ít chứng cứ y khoa về tác hại của nó trên con người. Tuy nhiên, giới khoa học lại rất nghi ngờ khả năng gây ảnh hưởng xấu lên con người của hợp chất này.”

Nhóm của Belcher phân tích những chai nước polycarbonate đã qua sử dụng lấy từ một phòng tập leo núi ở địa phương và mua những chai nước mới cùng nhãn hiệu tại một cửa hàng bán lẻ. Tất cả những chai này đều được qua một bài kiểm tra kéo dài 7 ngày trong những tình huống bình thường như đi du lịch, leo núi và những hoạt động thám hiểm ngoài trời khác.

Các nhà nghiên cứu thuộc UC phát hiện hàm lượng BPA phóng thích từ những chai nước cũ và mới hoàn toàn giống nhau cả về số lượng và tốc độ - trong điều kiện nước mát và ấm. Tuy nhiên, hàm lượng này cao đột biến khi những chai này tiếp xúc với nước nóng, dù chỉ trong thời gian ngắn. Belcher cho biết: “Khi đem so sánh với vận tốc của cùng một chai, tốc độ này nhanh hơn từ 15 đến khoảng 55 lần.”

Trước khi tiếp xúc với nước nóng, vận tốc phóng thích của từng chai là vào khoảng 0.2 đến 0.8 nanogram/giờ. Sau đó, con số này là 8 đến 32 nanogram/giờ.

Belcher nhấn mạnh vẫn chưa rõ hàm lượng BPA cao đến mức nào thì nguy hiểm cho con người. Ông khuyên người tiêu dùng nên quan tâm những chất tích tụ môi trường gây hại cho cơ thể như thế nào.

“BPA là một trong những hóa chất tương tự như estrogen mà con người tiếp xúc, và các nhà khoa học vẫn đang cố gắng làm rõ những chất phá vỡ nội tiết – bao gồm chất phyto-estrogens tự nhiên từ đậu nành mà con người vẫn cho là vô hại – tích tụ và ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh cho điều đó.”

Tuệ Minh (Theo ScienceDaily)

Sử dụng đồ nhựa thế nào để tránh độc hại?


Việc người dùng chưa biết chọn và sử dụng các sản phẩm nhựa đúng với đặc tính sản phẩm và phù hợp chất liệu nhựa có thể gây các nguy cơ không an toàn đối với sức khoẻ.

Không tái sử dụng chai nhựa, hộp nhựa mỏng

Chai đựng nước ngọt và nước uống đóng chai thường được làm từ nhựa #1 PET, là loại nhựa chỉ đảm bảo chất lượng cho sử dụng một lần.

Một nghiên cứu của Đại học Idaho (Hoa Kỳ) cho thấy, các hóa chất được sử dụng trong chế tạo loại nhựa này có thể thôi ra và ngấm vào nước nếu chúng ta đem sử dụng lại hoặc để chai tiếp xúc với ánh nắng, nhiệt độ và thời gian.

Một lý do nữa không nên tái sử dụng chai đựng nước và soda làm từ nhựa #1 là vì chúng rất khó cọ rửa sạch. Đây là loại nhựa xốp, những chai này trong quá trình sử dụng đã bị ngấm các hương liệu và vi khuẩn mà bạn không có cách nào rửa sạch chúng được.
TS Ngô Kế Thế, Trưởng phòng nghiên cứu vật liệu Plolyme – composite, Viện Khoa học Vật liệu cũng khẳng định, các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần thường được làm mỏng, độ bền kém.

Ngoài ra, loại nhựa này có độ thôi nhiễm kém, có thể dùng lần thứ nhất không sao nhưng sử dụng lần thứ 2 là đã bị thôi các chất tạo nên như màu, chất phụ gia. Đặc biệt, sử dụng lại trong nhiệt độ cao sẽ khiến các chất phụ gia bị thôi nhiễm gây độc hại cho sức khoẻ người dùng. Vì thế, tốt nhất dùng đúng với mục đích của nhà sản xuất và tuân thủ đúng các chỉ dẫn.

Hộp nhựa dùng cho lò vi sóng vẫn bị thôi hóa chất

Biểu tượng hay nhãn “microwave-safe” hoặc “microwavable” (sử dụng được trong lò vi sóng) trên các hộp nhựa chỉ có nghĩa rằng chúng sẽ không bị chảy, nứt vỡ, hoặc tách rời ra khi quay trong lò vi sóng.

Biểu tượng này không đảm bảo rằng những cái hộp đó sẽ không thôi hóa chất ra trong quá trình xử lý nhiệt. Tốt nhất hãy chỉ sử dụng hộp đựng hay bát đĩa bằng thủy tinh, sành, sứ để quay thực phẩm trong lò vi sóng.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo về việc tránh sử dụng hộp nhựa hoặc các loại túi, màng bọc bằng chất dẻo để cất giữ thịt và pho mát. Hãy rửa các hộp nhựa nhẹ nhàng với xà phòng không chứa chất ăn mòn, bởi các loại cọ và hóa chất tẩy rửa mạnh có thể làm xước bề mặt nhựa, trở thành “ngôi nhà lý tưởng” cho vi khuẩn.

Không dùng đồ nhựa ở nhiệt độ cao 100 độ

Cũng theo TS Kế Thế, sử dụng nhựa nguyên chất trong bảo quản thực phẩm có màu trắng đảm bảo độ an toàn hơn nhựa màu. Tuy nhiên, tùy vào từng loại nhựa, chất tạo màu mà nhựa màu có độ an toàn khác nhau.

Ví dụ, nhựa làm bằng màu vô cơ ít độc hại, màu hữu cơ thì độc hơn. Có thể phân biệt bằng cách soi dưới ánh mặt trời. Nếu là nhựa màu vô cơ sẽ không nhìn thấy mặt trời, nếu là nhựa hữu cơ sẽ nhìn thấy mặt trời. Phân loại theo nhiệt độ, có hai loại nhựa là nhựa nhiệt dẻo và nhựa nhiệt cứng.

Nhựa nhiệt dẻo sẽ biến dạng khi có sử dụng ở nhiệt độ cao. Còn nhựa nhiệt cứng đựng được ở nhiệt độ cao hơn. Tuy nhiên, tốt hơn hết nên hạn chế dùng nhiệt độ cao khoảng gần 1000C trở lên để tránh các nguy cơ thôi nhiễm hóa chất.

Theo Socola.

Tác hại của các đồ nhựa gia dụng


Rất nhiều đồ nhựa gia dụng chứa các hóa chất độc hại. Tuy nhiên liệu con người có cần vứt bỏ tất cả những chiếc hộp đựng thực phẩm bằng nhựa hay những chai nước có thể tái sử dụng hay không?

Bình sữa cho bé, hộp đựng thực phẩm, bao bì nhựa bọc đồ và các chai nước uống có thể tái sử dụng - khi bước vào bếp của hầu hết các gia đình, bạn sẽ thấy ít nhất một vài thứ trong số các đồ nhựa gia dụng kể trên. Tuy nhiên, hiện nay, ngày càng có nhiều người tranh luận về mức độ an toàn của các loại hóa chất được tìm thấy trong những đồ gia dụng làm bằng nhựa này và liệu các hóa chất đó có khả năng nhiễm vào thức ăn hay không.

“Mối quan tâm lớn nhất là các hóa chất này đóng vai trò như oestrogen (hormone sinh dục nữ) ngoại lai và tạo nên lo ngại cao đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh”, Phó giáo sư Peter Dingle, chuyên gia nghiên cứu chất độc trong môi trường từ Đại học Murdoch tại vùng Perth, cho biết.

Với vai trò như một oestrogen ngoại lai, những hóa chất này có thể phá vỡ hệ thống hormone tự nhiên trong cơ thể và tạo ra sự mất cân bằng hormone gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Trong đồ nhựa gia dụng có hai loại hóa chất chứa oestrogen ngoại lai:

• Bisphenol A (BPA) có trong các hộp và chai nhựa làm từ polycarbonate (các hộp đựng thực phẩm, chai nước uống và bình sữa của trẻ em) và các hộp có phủ một lớp nhựa epoxy (được sử dụng để chứa các loại thực phẩm giàu a-xít như cà chua).

• Các chất tạo độ dẻo như phthalate được sử dụng để tạo độ dẻo cho nhựa PVC (có trong các vật dụng làm bằng nhựa mềm), bao bì nhựa và trong lớp bảo vệ ở các bình đựng có nắp xoáy.

Đầu năm 2010, các nhà nghiên cứu đã khẳng định những phát hiện về việc chất BPA có liên quan tới bệnh tim mạch. Nghiên cứu này được thực hiện trong cộng đồng người Mỹ là một trong số nhiều nghiên cứu phát hiện thấy BPA và các chất tạo độ dẻo có hại đối với cơ thể nếu sử dụng với liều lượng lớn và có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và tuyến tiền liệt, bệnh tim, bệnh tiểu đường và các chứng rối loạn sinh sản hay các vấn đề liên quan đến quá trình phát triển của cơ thể.

Mặc dù không còn gì để nghi ngờ về tác hại của các hóa chất này đối với sức khỏe, các nhà khoa học chưa biết rõ với hàm lượng bao nhiêu thì những độc tố này có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe.
“Ngành nghiên cứu chất độc là một ngành khoa học mới đang phát triển và các nhà khoa học chưa có nhiều phát hiện trong lĩnh vực này”, Phó giáo sư Dingle cho biết.

Tuy nhiên, cộng đồng đang lo ngại về tác động tích tụ đối với sức khỏe từ việc sử dụng đồ nhựa.

Lệnh cấm các sản phẩm nhựa dành cho trẻ em dưới 3 tuổi

Tháng 4/2010, Ủy ban Người Tiêu dùng và Cạnh tranh Úc (ACCC) đã yêu cầu tất cả những đơn vị bán lẻ ngừng bán một số sản phẩm nhựa dành cho trẻ em dưới ba tuổi. Những sản phẩm này (gồm đồ chơi, núm vú giả và các dụng cụ cho em bé ăn) chứa hơn 1% lượng chất diethylhexyl phthalate (DEHP) - một loại chất tạo độ dẻo.

Lệnh cấm được ban hành sau khi nghiên cứu do Cơ quan Đánh giá và Khai báo Hóa chất Công nghiệp Quốc gia thực hiện phát hiện thấy việc nhai hoặc mút những vật dụng chứa chất DEHP trong thời gian hơn 40 phút mỗi ngày có thể dẫn tới các vấn đề liên quan tới hormone và hệ sinh sản của trẻ.

Tuy nhiên, hiện chưa có động thái nào ngăn cấm các sản phẩm khác chứa các chất tạo độ dẻo hay BPA hoặc yêu cầu bổ sung thông tin trên nhãn mác các sản phẩm nhựa ở Úc.

Chính phủ Canada và Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm của Mỹ đã tuyên bố rằng mặc dù các bằng chứng cho thấy liều lượng BPA thấp sẽ không gây ra những tác động nguy hiểm cho sức khỏe nhưng họ vẫn ủng hộ các biện pháp nhằm giảm lượng BPA trong nguồn cung cấp thực phẩm.

Bạn cần làm gì để tự bảo vệ?

Tuy nhiên, con người không thể thay thế toàn bộ bình sữa trẻ em bằng bình thủy tinh. Hơn nữa, các bao bì nhựa giữ cho thức ăn tươi và ngăn vi khuẩn. Các chai nước uống bằng thép không gỉ có giá thành khá cao và không thể thay đổi mỗi tuần khi bị đánh mất ở sân chơi.

Vậy thì làm thế nào để có thể giảm lượng BPA hấp thụ vào cơ thể?
“Thông điệp tổng thể khá đơn giản. Đừng bao giờ thỏa hiệp với sự an toàn và độ tươi của thức ăn bằng cách nói rằng bạn không thể đựng đổ ăn trong hộp nhựa. Dinh dưỡng cũng rất quan trọng và đóng vai trò loại bỏ những tác động xấu của các loại hóa chất này”, Phó giáo sư Dinge nói. “Mọi người không cần quá hoang tưởng và quá cực đoan. Chúng ta cần cân nhắc những việc cần thực hiện trong một thời gian ngắn để có ảnh hưởng không đáng kể trong thời gian dài.”

Một số hướng dẫn giúp bạn hạn chế việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại:

• Sử dụng chủ yếu các vật dụng chứa, bình ăn của trẻ em làm bằng loại nhựa không chứa BPA, thủy tinh, gốm và thép không gỉ.

• Không sử dụng các vật dụng bằng nhựa để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng.

• Không để thức ăn hoặc đồ uống nóng trong các vật chứa bằng nhựa.

• Cố gắng không đựng các loại thức ăn có hàm lượng mỡ trên 4% trong các đồ nhựa (bởi các chất tạo độ dẻo có thể xâm nhập tốt hơn trong những đồ ăn nhiều chất béo).

• Tránh các loại thịt, hoa quả và rau tươi được đóng gói trong các bao bì nhựa (Siêu thị, các cửa hàng rau quả và hàng thịt thường sử dụng loại bao bì chứa PVC để đóng gói thực phẩm)

• Tránh các vật dụng bằng nhựa nhập khẩu giá rẻ hoặc các vật chứa bằng nhựa có mùi nhựa hoặc mùi hóa chất nặng.

Thay đổi phương thức cất giữ thực phẩm hoặc đồ uống là cách tốt nhất để có thể chờ đợi cho đến khi câu trả lời chính xác về độ an toàn của đồ nhựa được đưa ra - ông Michael Moore, giáo sư danh dự chuyên ngành nghiên cứu chất độc tại Queensland, khuyến cáo.

Mặc dù vậy, việc sử dụng đồ nhựa không phải là nguyên nhân khiến cho bạn hay những thành viên trong gia đình bị mắc phải các căn bệnh mãn tính.

“Khi xem xét các nghiên cứu thử nghiệm, ta có thể thấy rằng lượng hóa chất cần thiết để tạo ra những thay đổi lớn ở động vật lớn gấp 100 đến 1000 lần lượng hóa chất tích tụ đo được trong cơ thể con người”, Giáo sư Michael cho biết. “Nếu những người đã dùng đồ nhựa nghĩ rằng liệu họ có tạo ra những vấn đề có ảnh hưởng lâu dài hay không thì họ có thể được đảm bảo rằng lượng hóa chất nhiễm từ các vật chứa bằng nhựa thông thường là rất nhỏ.”

Theo http://www.bayvut.com.au

No comments:

Post a Comment