Tính khả thi của tiêu chuẩn về kế toán trưởng trong Luật Kế toán đã không đạt được, do tiêu chuẩn này quá cao so với thực tế. Số lượng kế toán trưởng đã qua lớp bồi dưỡng kế toán trưởng và được cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ Tài chính hiện cũng chưa tương xứng với số lượng DN (khoảng 10.000 chứng chỉ).
Quy định nhiều bất cập
Theo Luật Kế toán quy định, “kế toán trưởng chịu sự lãnh đạo của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; trường hợp có đơn vị kế toán cấp trên thì đồng thời chịu sự chỉ đạo và kiểm tra của kế toán trưởng cấp trên về chuyên môn, nghiệp vụ”. Tuy nhiên, LS Vũ Xuân Tiền - Trưởng nhóm rà soát Luật Kế toán của VCCI cho rằng, quy định trên không toàn diện vì trong nhiều trường hợp, người đại diện theo pháp luật không phải là đại diện của chủ sở hữu. Do đó, ông Tiền kiến nghị thay cụm từ “Người đại diện theo pháp luật” bằng cụm từ “Chủ sở hữu”.
Ngoài ra, cần bổ sung Quy chế Giám sát tài chính DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn Nhà nước. Theo đó, kế toán trưởng DN chịu trách nhiệm xây dựng quy trình giám sát tài chính trình Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) ban hành để thực hiện giám sát tài chính theo quy chế giám sát tài chính của DN.
Thực tế hiện nay, nhiều DN cổ phần mà những thành viên hội đồng quản trị vẫn là người trong một gia đình. Việc bố làm chủ tịch Hội đồng quản trị, con làm kế toán trưởng vẫn thường xảy ra. Theo Luật Kế toán, tổ chức như vậy là vi phạm luật. Tuy nhiên, nhiều chủ DN sẵn sàng tuyên bố chúng tôi không thể để người ngoài nắm giữ nhiệm vụ này.
LS Phan Thị Hoàng Yến - Đoàn LS TP Hà Nội cho rằng, chỉ nên áp dụng những quy định như vậy tại các DNNN hoặc đối với các đơn vị sự nghiệp và các đơn vị sử dụng vốn nhà nước, nhằm mục đích tránh sự lạm quyền và gây thất thoát vốn nhà nước. Đối với khu vực ngoài quốc doanh, sự hạn chế như vậy là không cần thiết và không phù hợp với thực tế.
Làm rõ chức trách và nhiệm vụ
Hiện nay, hầu hết kế toán trưởng DNNN, cơ quan Nhà nước ở cấp tỉnh trở lên đều có trình độ đại học.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kế toán trưởng ở DN tư nhân, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ở cấp huyện, xã cơ quy mô hoạt động không lớn thì chưa thể và cũng chưa thực sự cần thiết phải đạt trình độ đại học. Do đó, căn cứ quy mô, lĩnh vực hoạt động để quy định tiêu chuẩn đại học hoặc trung học là chưa phù hợp.
Giám đốc tài chính là một chức danh mới được du nhập vào VN thời gian gần đây. Tại các quốc gia phát triển, công việc quản lý tài chính được tách rời khỏi công việc kế toán, và người đảm nhiệm vai trò chính trong việc quản lý tài chính đó là CFO-Giám đốc tài chính. Tuy nhiên, khái niệm này tại VN vẫn chưa được phân biệt một cách rõ ràng, hầu hết các Giám đốc tài chính đều kiêm làm kế toán trưởng.
Cũng theo ông Tiền, hiện chưa có bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào có quy định về quyền hạn và trách nhiệm cũng như vai trò của giám đốc tài chính. Việc tách biệt được vai trò và chức trách của hai chức danh này là điều cần phải làm. Cập nhật những mô hình tổ chức quản trị tiên tiến trong Luật mới để phù hợp với xu thế chung là việc làm thường xuyên trong công tác xây dựng pháp luật.
(Theo DDDN)
No comments:
Post a Comment