Thursday, May 12, 2011

Minh bạch là cái gốc để giữ gìn uy tín

Xem hình

Bà Thái Thị Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế trong minh bạch thông tin của DN niêm yết. Thậm chí, một bộ phận DN có xu hướng "làm đẹp" thông tin hoặc cung cấp thông tin phiến diện theo hướng chỉ công bố thông tin tốt.

Là DN đầu tiên trong ngành kiểm toán độc lập Việt Nam và gắn bó với DN niêm yết trên TTCK ngay từ ngày đầu thành lập, Deloitte Việt Nam "chấm điểm" thế nào về ý thức minh bạch thông tin của DN niêm yết, thưa bà?

Minh bạch thông tin là một công cụ hữu hiệu để DN tạo dựng uy tín và thể hiện trách nhiệm với NĐT. Chặng đường 20 năm phát triển của ngành kiểm toán độc lập và 10 năm hoạt động của TTCK Việt Nam đã chứng minh kiểm toán là một công cụ hữu hiệu để nâng cao tính minh bạch của thị trường, cũng như ý thức của các DN về công khai thông tin. Cùng với sự phát triển của TTCK, hiệu quả của các công cụ quản lý thị trường, trong đó có kiểm toán, các DN đã và đang có những chuyển biến tích cực về nhận thức đối với minh bạch hóa thông tin.

Tuy nhiên, sự ảm đạm của TTCK hiện tại và những khó khăn trong tiếp cận các kênh cung cấp vốn đang tạo sức ép đối với các DN công bố thêm các thông tin về hiệu quả hoạt động, cũng như triển vọng trong tương lai để qua đó thu hút sự quan tâm của NĐT, đặc biệt là các NĐT dài hạn và chuyên nghiệp. Hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong công khai thông tin của các DN niêm yết. Điều này thể hiện rõ qua thông tin không được cung cấp đầy đủ cho NĐT, thông tin không chính thống và thậm chí thông tin được công bố không nhất quán vẫn còn tồn tại khá nhiều. Một điểm nữa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tính minh bạch là chất lượng thông tin chưa ổn, bởi thông tin được công bố chung chung, không có giá trị; thông tin thiếu diễn giải và khó hiểu; thông tin không đáng tin cậy và thông tin được công bố chậm.

Thưa bà, các DN kiểm toán, trong đó có Deloitte thường gặp những khó khăn nào khi nỗ lực làm minh bạch thông tin của DN thông qua hoạt động kiểm toán?

Khó khăn đến từ nhận thức của DN đối với yêu cầu về minh bạch thông tin. Trong nhiều trường hợp, hiệu quả công bố thông tin của DN chưa được rõ ràng, nhưng lại khiến họ tốn thời gian và chi phí, nên đang cản trở quyết định công bố thông tin của DN. Một lý do thường được các DN viện dẫn khi từ chối công bố thông tin là bí mật thương mại. Một số DN có xu hướng "làm đẹp" thông tin về DN hoặc cung cấp thông tin phiến diện theo hướng chỉ công bố thông tin tốt. Trước thực tế này, chúng tôi luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong đánh giá và đưa ra ý kiến của kiểm toán viên về báo cáo tài chính của DN. Bên cạnh đó, như người bạn đồng hành, nhà tư vấn của DN, chúng tôi luôn nỗ lực trợ giúp DN nhận thức đúng đắn về minh bạch thông tin, những lợi ích to lớn và lâu dài mà DN có được khi minh bạch hóa thông tin.

Theo bà, để DN niêm yết minh bạch thông tin hơn thì cơ quan quản lý cũng như các DN cần ưu tiên cải thiện những gì?

Các nhà quản lý cần nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ hơn về công bố thông tin. Bên cạnh các thông tin tài chính cũng cần quy định, định hướng và hướng dẫn các DN trong công bố các thông tin phi tài chính có ảnh hưởng đến quyết định của NĐT. Cũng cần có chế tài cụ thể và phù hợp để xử lý các trường hợp vi phạm. Về phía DN, cần nhận thức rõ hơn về lợi ích cũng như xu thế tất yếu phải minh bạch thông tin, để từ đó có những hành động và các bước chuẩn bị phù hợp. Để đáp ứng yêu cầu minh bạch thông tin, các DN cũng cần hoàn thiện hệ thống quản trị thông tin, đầu tư nguồn lực hoàn thiện các chức năng phân tích, dự báo, lập kế hoạch…

Về phía DN kiểm toán, theo bà, cần nỗ lực như thế nào để góp phần nâng cao ý thức minh bạch thông tin của các DN niêm yết?

Tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là yêu cầu luôn đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ đóng góp chung vào nỗ lực minh bạch hóa thị trường, mà còn trợ giúp tích cực cho các đối tác của Deloitte trong việc tạo dựng uy tín và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đối với các DN kiểm toán nói chung, thiết nghĩ, chất lượng dịch vụ cần được đặt lên hàng đầu. Hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm toán cũng là một vấn đề quan trọng. Luật Kiểm toán độc lập được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ năm 2012 là một sự kiện quan trọng đối với ngành kiểm toán. Tuy nhiên, cần có các hướng dẫn để Luật có thể đi vào đời sống và phát huy hiệu quả.

(Theo ĐTCK)

No comments:

Post a Comment