Monday, May 30, 2011

20 năm kiểm toán độc lập, hành trình vì mục tiêu minh bạch

Xem hình

Là một bộ phận của nền kinh tế thị trường, việc hình thành và phát triển hoạt động kiểm toán độc lập 20 năm qua vừa là yêu cầu tất yếu khách quan, vừa là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống công cụ quản lý vĩ mô nền kinh tế - tài chính.

Kiểm toán độc lập cũng thể hiện vai trò tích cực đối với việc phát triển kinh tế xã hội, thông qua việc cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) và các dịch vụ có liên quan cho các đối tượng theo luật định hoặc theo yêu cầu của tổ chức và cá nhân.

Tăng trưởng mạnh qua các năm

Theo Chiến lược phát triển ngành kiểm toán độc lập, dự kiến từ năm 2001 đến năm 2010 sẽ có 100 doanh nghiệp kiểm toán nhưng trên thực tế đến tháng 12/2010 đã có 162 doanh nghiệp (vượt trên 60%) và đến nay cả nước có 165 doanh nghiệp kiểm toán đang hoạt động gồm 154 công ty TNHH, 5 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 4 công ty hợp danh.

Doanh thu toàn ngành kiểm toán độc lập năm 2000 là 281 tỷ đồng, năm 2005 là 622 tỷ đồng (tăng 220% so với năm 2000), năm 2010 là 2.743 tỷ đồng (tăng 25,2% so với năm 2009). Lợi nhuận sau thuế toàn ngành kiểm toán năm 2010 đạt 89,473 tỷ đồng.

Đạt được kết quả trên là do đội ngũ kiểm toán viên (KTV) ngày càng lớn mạnh. Từ năm 1991 đến tháng 4/1994, Việt Nam chưa có người có chứng chỉ KTV, người ký báo cáo kiểm toán là giám đốc doanh nghiệp kiểm toán. Tháng 10/1994, lần đầu tiên Bộ Tài chính tổ chức học, thi sát hạch và cấp chứng chỉ đặc cách cho 49 người đủ điều kiện, tiêu chuẩn KTV chuyên nghiệp. Đến tháng 3/2011, ở Việt Nam có gần 600 người có chứng chỉ KTV nước ngoài do thi cử và gần 100 người có chứng chỉ KTV nước ngoài do được thừa nhận.

Bằng chất lượng dịch vụ, vị thế của ngành kiểm toán độc lập được nâng cao thể hiện qua đối tượng khách hàng ngày càng đa dạng và xã hội quan tâm đến hoạt động kiểm toán độc lập. Đến 31/12/2010, xét về cơ cấu khách hàng thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 34%; DNNN chiếm 13%; công ty TNHH, cổ phần, tư nhân chiếm 42%; đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội chiếm 9%; dự án quốc tế chiếm 2%.

Cùng với sự phát triển về số lượng và quy mô từng công ty, các dịch vụ do các doanh nghiệp kiểm toán cung cấp đã không ngừng được đa dạng hóa theo hướng mở rộng dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ đảm bảo (như kiểm toán BCTC, kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán về những công việc đặc biệt, kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, công tác soát xét BCTC...); mở rộng dịch vụ tư vấn (như tư vấn kế toán, tài chính, tư vấn quản lý, tư vấn thuế, tư vấn đầu tư, tư vấn sáp nhập, cổ phần hoá, giải thể doanh nghiệp...), dịch vụ tổng hợp thông tin tài chính, dịch vụ tin học, định giá tài sản, dịch vụ tuyển dụng nhân viên, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin. Trong các dịch vụ trên, dịch vụ kiểm toán BCTC chiếm tỷ trọng lớn nhất. Dịch vụ kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành tuy rất quan trọng và cần thiết nhưng chưa chiếm tỷ trọng cao. Các dịch vụ khác như tư vấn tài chính, thuế, kế toán, tư vấn quản lý, định giá tài sản... ngày càng được mở rộng, doanh thu ngày càng lớn.

Sau 20 năm hoạt động, thông qua dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ có liên quan, đặc biệt là kiểm toán BCTC, các công ty đã góp phần giúp các doanh nghiệp, tổ chức, các dự án quốc tế nắm bắt được kịp thời, đầy đủ và tuân thủ đúng các chính sách kinh tế, tài chính, loại bỏ được chi phí bất hợp lý, tạo lập được thông tin tin cậy, từng bước đưa công tác quản lý tài chính, kế toán trong các doanh nghiệp vào nề nếp... Hoạt động kiểm toán độc lập đã khẳng định được vị trí trong nền kinh tế thị trường, được doanh nghiệp và xã hội thừa nhận và đã góp phần quan trọng trong việc làm lành mạnh hoá môi trường đầu tư và nền tài chính quốc gia.

Một thành tựu rất quan trọng có ý nghĩa phát triển chiến lược ngành nghề kiểm toán là hệ thống văn bản pháp luật, chuẩn mực kiểm toán đã được xây dựng và không ngừng hoàn thiện. Hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam bắt đầu hình thành từ năm 1991 nhưng phải đến năm 1994, văn bản pháp luật đầu tiên về kiểm toán độc lập mới được ban hành là Nghị định 07-CP ngày 29/1/1994 ban hành Quy chế về kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân. Sau đó các văn bản pháp luật khác gồm 3 nghị định, 16 quyết định và các thông tư hướng dẫn về kiểm toán độc lập lần lượt được ban hành, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm toán độc lập Việt Nam.

Ngoài ra, từ năm 1999 đến năm 2005, Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành hệ thống 38 Chuẩn mực kiểm toán và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho hoạt động kiểm toán độc lập. Một sự kiện quan trọng là, sau đúng 20 năm hoạt động kiểm toán độc lập tại Việt Nam, Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 đã được Quốc hội thông qua ngày 29/03/2011. Đây là văn bản pháp luật cao nhất về kiểm toán độc lập lần đầu tiên được ban hành tại Việt Nam, đã nâng cao vị thế của kiểm toán độc lập, đặt cơ sở pháp lý bền vững cho sự phát triển nghề nghiệp này trong tương lai. Về cơ bản, Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 đã tiếp cận, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế tại Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục thành lập và hoạt động của các tổ chức kiểm toán độc lập.

Mặc dù đạt được những kết quả kể trên nhưng hoạt động kiểm toán độc lập 20 năm qua vẫn còn những hạn chế. Quy mô thị trường kiểm toán hiện nay còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, trình độ tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm toán của các doanh nghiệp kiểm toán còn hạn chế; sự cạnh tranh ở một số doanh nghiệp kiểm toán còn có biểu hiện thiếu lành mạnh vì lợi ích cục bộ; khách hàng tự nguyện kiểm toán còn ít; số lượng kiểm toán viên hiện có còn thiếu và chất lượng đội ngũ kiểm toán viên hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế; chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp kiểm toán nói chung tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu và còn rất khó khăn để được khu vực và quốc tế thừa nhận.

Định hướng phát triển

Với những giá trị nền tảng tạo dựng được trong 20 năm qua, ngành kiểm toán độc lập Việt Nam định hướng đến năm 2020 phải tập trung nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng dịch vụ nhằm giảm thiểu rủi ro nghề nghiệp, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tổ chức quản lý, đầu tư công nghệ, kỹ thuật dịch vụ như chuẩn mực, quy trình, kỹ thuật kiểm toán, kiểm soát chất lượng dịch vụ cung cấp. Về quy mô, tiếp tục tăng thêm số lượng KTV và doanh nghiệp kiểm toán; mở rộng quy mô từng công ty; tăng nhanh lực lượng kiểm toán viên, mở rộng số lượng khách hàng, đa dạng hóa dịch vụ cung cấp, đạt tốc độ tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận... Tốc độ tăng trưởng đạt bình quân từ 20% - 30%/năm về doanh thu.

Để đạt được mục tiêu trên, về phía cơ quan quản lý cần ban hành đầy đủ, đồng bộ văn bản hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập, công bố mới chuẩn mực kiểm toán và các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ. Các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường kiểm toán và tư vấn đến tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực và mọi thành phần kinh tế, tăng số lượng, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp của các doanh nghiệp kiểm toán, phát triển nhanh nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, nâng cao năng lực và phát huy thế mạnh của các doanh nghiệp kiểm toán, góp phần công khai minh bạch thông tin kinh tế tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, lành mạnh hóa môi trường đầu tư nhằm ngăn ngừa vi phạm pháp luật, phục vụ có hiệu quả cho quản lý điều hành kinh tế tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

PGS.TS Trần Văn Tá, Chủ tịch Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA)

(Theo ĐTCK)

No comments:

Post a Comment