Monday, May 30, 2011

Lĩnh vực Kiểm toán: Còn nhiều bất cập

Sau khi Luật kiểm toán độc lập có hiệu lực, những sai phạm trong lĩnh vực kiểm toán không dừng lại ở chỗ nhắc nhở mà có thể là phạt tiền, rút giấy phép hành nghề, thậm chí xử lý hình sự. Đây chính là động thái mạnh mẽ của cơ quan chức năng nhằm tạo một thị trường kiểm toán lành mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, với việc Luật kiểm toán độc lập có hiệu lực từ ngày 1/1/2012, đồng thời hai nghị định (hướng dẫn thi hành luật và hướng dẫn xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán) cũng đang được nghiên cứu soạn thảo. Sau khi luật có hiệu lực, những sai phạm trong lĩnh vực kiểm toán không dừng lại ở chỗ nhắc nhở mà có thể là phạt tiền, rút giấy phép hành nghề, thậm chí xử lý hình sự. Với những động thái mạnh mẽ từ phía cơ quan nhà nước, hội nghề nghiệp hoạt động của các DN tư vấn tài chính kiểm toán tại VN sẽ minh bạch và trách nhiệm hơn.

Cuộc họp thường niên giám đốc các Cty kiểm toán (CTKT) với Bộ Tài chính và Hội kiểm toán viên hành nghề VN (VACPA) năm 2010/2011 mới đây đã chỉ ra rằng hoạt động của ngành kế toán kiểm toán còn nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất là số lượng kiểm toán viên đã tăng mạnh trong năm 2010, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu nhân sự trong ngành kiểm toán hiện nay. Mỗi năm đều có các CTKT thành lập mới và có nhiều người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên. Tuy nhiên, số lượng kiểm toán viên đăng ký hành nghề lại không tăng tương ứng. Tính đến thời điểm 28/2/2011, có 49/152 CTKT chỉ có 3 kiểm toán viên. Ngoài ra, vẫn còn một số Cty thiếu kiểm toán viên nên chưa đủ điều kiện đăng ký hành nghề năm 2011. Tình trạng thiếu hụt này dẫn tới việc kiểm toán viên đã đăng ký hành nghề kiểm toán nhưng vẫn làm bán thời gian hoặc kiêm nhiệm ở các Cty khác, nên không có đủ cấp bậc soát xét hồ sơ kiểm toán. Do đó, ở các Cty này khó có thể đảm bảo chất lượng dịch vụ theo yêu cầu.

Tuy vậy, theo số liệu của Bộ Tài chính, mặc dù năm 2010 kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động dịch vụ kiểm toán vẫn phát triển khả quan. Doanh thu toàn ngành đạt 2.743 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2009. Đặc biệt, một số Cty thuộc “Big 4” (nhóm 4 Cty hàng đầu) đã có lãi để bù đắp số lỗ của năm trước. Bốn DN trong nhóm này là đã có lãi 39 tỉ đồng, thay vì lỗ 96 tỉ đồng năm 2009.

Theo các chuyên gia, sở dĩ ngành kiểm toán đạt được kết quả trên là do lượng khách hàng năm 2010 tăng mạnh. Theo báo cáo của 149 Cty kiểm toán, năm qua có trên 29.000 khách hàng, tăng 12,2% so với năm 2009. Trong đó, số khách hàng là các Cty cổ phần, DN niêm yết tăng mạnh. Đội ngũ kiểm toán viên và nhân viên chuyên nghiệp cũng được bổ sung. Tính đến 31/12/2010, có 8.694 người làm việc trong các Cty kiểm toán (CTKT), trong đó có 1.264 người có chứng chỉ kiểm toán viên. Ngoài ra, có gần 800 người có chứng chỉ kiểm toán viên làm việc trong các lĩnh vực khác mà không đăng ký hành nghề kiểm toán. Về cơ cấu dịch vụ, hầu hết Cty đều chú ý đến dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính (chiếm đến 60% tổng doanh thu), tư vấn thuế, tài chính chỉ chiếm 20%, tư vấn quản lý 9%, các dịch vụ khác không đáng kể.

Tuy nhiên, qua kiểm tra chất lượng dịch vụ tại 20 Cty kiểm toán, nhiều tồn tại đã bộc lộ. Một số đơn vị, đặc biệt là các Cty mới thành lập, thường quá chú trọng vào việc phát triển khách hàng, khai thác hợp đồng; chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng hồ sơ và báo cáo kiểm toán. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kiểm toán viên, nên chất lượng hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và chưa đảm bảo tuân thủ các quy định hành nghề.

Một số Cty kiểm toán, được kiểm tra, chưa thực hiện đầy đủ và đúng quy định của hệ thống chuẩn mực kiểm toán VN hiện hành. Báo cáo tài chính được kiểm toán còn nhiều sai sót, thể hiện kiểm toán viên và ban giám đốc của Cty kiểm toán chưa nắm vững chuẩn mực, chế độ kế toán hiện hành, hoặc có sự dễ dãi, thỏa hiệp với khách hàng, khi không yêu cầu điều chỉnh những bút toán có giá trị cao hơn mức trọng yếu đã xác định, đồng thời cũng không nêu ý kiến trên báo cáo kiểm toán. Hồ sơ kiểm toán còn thiếu bằng chứng về các thủ tục đã thực hiện và chưa đủ căn cứ để làm cơ sở cho ý kiến kiểm toán.

Với 8 chương 64 điều, Luật kiểm toán độc lập quy định cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính) cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán cũng như thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập.

* Tiêu chuẩn trở thành kiểm toán viên là phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đạo đức tốt, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán và phải có Chứng chỉ kiểm toán viên. Đối với Kiểm toán viên hành nghề phải có thời gian thực tế làm công tác kiểm toán 36 tháng trở lên và tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức mới được đăng ký hành nghề.

* DN kiểm toán phải bố trí nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp. Ngoài ra, để bảo đảm thông tin cho kiểm toán, đơn vị được kiểm toán phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời thông tin, không được có hành vi hạn chế phạm vi các vấn đề cần kiểm toán.

* Luật quy định DN kiểm toán phải có tối thiểu năm kiểm toán viên hành nghề. Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc TGĐ của DN kiểm toán phải là kiểm toán viên hành nghề. Đối với Cty TNHH phải có ít nhất hai thành viên là kiểm toán viên hành nghề và phải đảm bảo mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ.

(Theo DDDN)

No comments:

Post a Comment