Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tối 20/7 công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu thêm 300-400 đồng một lít, gây không ngạc nhiên cho thị trường và người tiêu dùng.
Theo thông báo này, xăng không chì RON 95 có giá mới 21.500 đồng một lít, trong khi xăng 92 là 21.000 đồng, cùng tăng 400 đồng so với giá cũ. Diesel cũng tăng 400 đồng lên 20.300 đồng (loại 0,05S) và 20.250 đồng (loại 0,25S) mỗi lít.
Dầu hỏa bán lẻ tại hệ thống Petrolimex có mức tăng thấp nhất, 300 đồng lên 20.150 đồng một lít. Trong khi đó, dầu madút giữ nguyên 17.650 đồng một lít.
Quyết định điều chỉnh có hiệu lực từ 22h ngày 20/7, áp dụng trên toàn hệ thống phân phối của tập đoàn đang dẫn đầu về thị phần xăng dầu này.
Giá tăng vào giờ muộn, lại bất ngờ, nên nhiều người trả tiền mua cũng không biết giá đã tăng rồi. Ảnh: Hoàng Lan |
Đây là lần đầu tiên giá xăng dầu tăng sau 5 lần giảm giá từ đầu năm tới nay. Gần đây nhất ngày 2/7, giá xăng giảm 600 đồng về mức 20.600 đồng. Trong khi đó, giá các mặt hàng khác như dầu diesel, dầu hỏa, dầu madút có mức giảm từ 200 đồng tới 300 đồng/lít, kg.
Quyết định điều chỉnh này gây bất ngờ cho giới quan sát. 5 lần trước, thông báo điều chỉnh thường được phát đi bởi Bộ Tài chính. Nhưng lần này, thông tin lại xuất phát từ doanh nghiệp.
Mức điều chỉnh tương tự cũng được áp dụng tại các đại lý của Xăng dầu Quân đội. Ảnh: Nhật Minh |
Hơn một tiếng trước khi Petrolimex ra thông báo tăng giá, Bộ Tài chính cũng đăng tải trên website công văn nêu chi tiết giá cơ sở và giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rà soát lại phương án tính giá trong điều kiện giá cơ sở của những mặt hàng này đang cao hơn giá bán hiện hành từ 71 đồng tới 412 đồng mỗi lít, kg tùy mặt hàng.
Cách ứng xử của liên bộ Tài chính - Công Thương cũng như đơn vị đầu mối lớn nhất hiện nay có thể được hiểu như một động thái trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc ấn định giá bán lẻ.
Bản thân trong thông báo tăng giá của mình, Petrolimex cũng khẳng định đang làm theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các văn bản hướng dẫn của Liên Bộ Tài chính – Công Thương. Đây chính là hành lang pháp lý cho phép doanh nghiệp được quyền chủ động xây dựng giá bán lẻ mà suốt 3 năm qua hầu như họ chưa được áp dụng.
Ngoài Petrolimex, các đầu mối khác vẫn chưa đưa ra thông báo tăng giá bán lẻ. Tổng công ty Xăng dầu Quân đội trên website công ty lúc 23h ngày 20/7 vẫn niêm yết giá bán xăng RON 92 là 20.600 đồng một lít. Tuy nhiên, theo khảo sát của VnExpress, một số đại lý của tổng công ty tại Hà Nội đã tăng giá trước đó 1-2 tiếng.
Giá xăng dầu tăng đúng 20 ngày sau khi điện cũng áp dụng giá bán mới cao hơn trước 5%. Quyết định điều chỉnh này được đưa ra sau khi cơ quan thống kê các tỉnh thành phố lớn cho biết chỉ số giá tiêu dùng tại các địa phương tháng 7 tiếp tục xu hướng giảm. Riêng TP HCM, CPI giảm 0,57% còn Hà Nội giảm 0,29%, mức giảm lớn nhất trong suốt thập kỷ qua.
(Theo Vnexpress)
No comments:
Post a Comment