Saturday, July 7, 2012

DOANH NGHIỆP NÊN KÝ HỢP ĐỒNG KIỂM TOÁN SỚM

Nếu các DN quyết định ký hợp đồng kiểm toán ngay trong quý I của năm, các kiểm toán viên sẽ có thời gian tiếp cận với BCTC từng quý, thì công việc soát xét sẽ đơn giản và hiệu quả hơn nhiều. Ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã chia sẻ với ĐTCK.

Hải Vân thực hiện.

v Ông lý giải thế nào về tình trạng chênh lệch số liệu trên BCTC trước và sau soát xét, kiểm toán tại nhiều DN niêm yết thời gian gần đây?

Theo tôi, sự chênh lệch giữa con số trên BCTC trước và sau kiểm toán cũng là điều bình thường, chứng tỏ các kiểm toán viên đã tìm ra “kẽ hở” trong các BCTC và điều này cũng thể hiện sự độc lập, khách quan của kiểm toán viên và sự cần thiết của kiểm toán.

Trên thực tế, chế độ, chính sách kế toán, kiểm toán vẫn tồn tại nhiều điểm chưa thống nhất và được thay đổi thường xuyên. Nếu DN không cập nhật kịp thời chế độ, chính sách mới, vẫn hạch toán theo quy định cũ thì tất yếu dẫn đến việc các số liệu tài chính trước và sau kiểm toán, soát xét bị vênh. Tuy nhiên, nếu số liệu trước và sau kiểm toán chênh lệch lớn thì đây là điều đáng quan ngại.

v Hiện nay, có gần 1.000 DN (bao gồm các DN niêm yết và công ty đại chúng) thuộc diện phải công bố BCTC bán niên có soát xét, trong khi số công ty kiểm toán (CTKT) được chấp thuận tính đến thời điểm hiện tại là 43 công ty. Ông có cho rằng, sự quá tải đối với các CTKT có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều BCTC có sai sót?

Nếu chia bình quân thì một CTKT phải “care” khoảng 25 DN, tôi cho rằng con số này không quá lớn. Tuy nhiên, điều bất cập hiện nay là các CTKT phải thực hiện cùng lúc nhiều hợp đồng trong một thời gian ngắn. Chỉ có khoảng 20 ngày cho mọi công đoạn thực hiện làm báo cáo soát xét; trong đó, 5 - 10 ngày dành cho các DN lập BCTC, còn hơn 10 ngày cho kiểm toán viên. Chưa kể, tại DN có nhiều công ty con, số liệu phải hợp nhất mất nhiều thời gian, khiến CTKT bị quá tải, dễ gây ra tình trạng báo cáo soát xét sai sót trong trường hợp các DN cố tình vi phạm.

Theo tôi, chúng ta cần khuyến khích các DN thay đổi niên độ tài chính, thay vì dồn hết vào ngày 31/12 như hiện nay, thậm chí cần có những chính sách khuyến khích như giãn nộp thuế cho DN thay đổi niên độ… Trên thực tế, việc DN áp dụng niên độ kế toán bắt đầu từ đầu năm và kết thúc vào cuối năm chỉ là một thói quen, và chính thói quen này đã tạo áp lực đối với các CTKT trong việc kiểm toán BCTC năm, BCTC bán niên cùng một lúc cho nhiều DN… Chưa kể, có nhiều trường hợp, kiểm toán và DN không thống nhất được ý kiến, dẫn đến kiểm toán khó phát hành được báo cáo kiểm toán.

v Vậy theo ông, cần có những biện pháp nào để hạn chế những sai sót trong báo cáo soát xét?


Ngoài nguy cơ “dồn toa” kiểm toán thì còn một nguyên nhân khác có thể dẫn dẫn đến sai sót của báo cáo soát xét là nhiều DNNY lựa chọn CTKT khá muộn. Thậm chí, có nhiều DN gần cuối quý II mới tổ chức ĐHCĐ, lúc đó mới quyết định ký hợp đồng kiểm toán , trong khi hết quý II đã phải làm báo cáo soát xét. Nếu các DN quyết định sớm, ngay trong quý I của năm, thì các kiểm toán viên sẽ có thời gian tiếp cận với BCTC từng quý, thì công việc soát xét sẽ đơn giản và hiệu quả hơn nhiều.

Ngoài ra, theo tôi thay vì lựa chọn kiểm toán viên cho từng năm, các DN nên chuyển qua ký hợp đồng 3 năm một. Bởi nếu có một thời gian dài gắn bó với DN, kiểm toán viên sẽ có cái nhìn hệ thống hơn về DN, giúp công việc kiểm toán đỡ tốn thời gian mà lại hiệu quả hơn so với việc DN thay đổi kiểm toán viên hàng năm.

v Trong những trường hợp sai sót trong BCTC sau kiểm toán, soát xét tại một số DNNY trong thời gian qua, trách nhiệm cuối cùng thuộc về DN, mà thiệt thòi nhất chính là NĐT. Vậy đã có chế tài nào giám sát và xử phạt kiểm toán viên khi để xảy ra các sự vụ như vậy, thưa ông?

Các quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập mặc dù đã có nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Trước đây, một số trường hợp kiểm toán viên đã bị xử phạt cấm hành nghề trong năm tiếp theo, thậm chí bị phạt hành chính cao nhất bằng 10 lần so với mức phí kiểm toán trong hợp đồng đối với DN.

Hiện nay, VACPA được Bộ Tài chính ủy quyền phối hợp Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (đơn vị chấp thuận các CTKT đủ điều kiện kiểm toán) thực hiện kiểm tra, giám sát, phát hiện các trường hợp sai sót để có hướng xử lý kịp thời. Tuy nhiên, dự kiến, trong năm nay, khi Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập được ban hành, sẽ có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn và từ đó, sẽ có những chế tài xử phạt mang tính răn đe hơn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, các kiểm toán viên thường đã rất thận trọng và thực hiện đúng chức năng của mình, góp phần minh bạch hóa tối đa thông tin tại các DN. Song, nếu các DN có ý đồ “chế biến” số liệu tài chính và hợp thức hóa các chứng từ kế toán thì kiểm toán viên rất khó để phát hiện. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cũng là tình trạng chung trên thế giới.

No comments:

Post a Comment