Ngày 3/7, Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) và Fed vừa công bố “di chúc sống” (living wills) mà các ngân hàng phải thực hiện theo đạo luật Dodd-Frank.
Được thông qua vào tháng 7/2010, đạo luật Dodd-Frank xây dựng nhằm tránh lặp lại việc chính phủ phải cứu trợ các ngân hàng sụp đổ trong cuộc khủng hoảng năm 2008. “Di chúc sống” chính là các điều khoản do ngân hàng quy định từ trước về việc nên tiếp tục hành động như thế nào trong trường hợp chính ngân hàng đó sụp đổ, nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với các đối tượng khác.
Danh sách công bố hôm qua bao gồm 9 ngân hàng lớn nhất thế giới: JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Barclays, Deutsche Bank, Credit Suisse và UBS. Các ngân hàng này có thể bị đóng cửa và không nhận được sự giúp đỡ của chính phủ. Điều này nhằm giảm thiểu những gánh nặng về thuế tương tự như khi sự kiện Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008.
Bản “di chúc sống” đưa ra một số kế hoạch chi tiết mà các ngân hàng cần phải thực hiện. Các ngân hàng với tài sản phi ngân hàng đạt trên 250 tỷ USD sẽ là những ngân hàng đầu tiên phải đưa ra kế hoạch thanh lý tài sản trong trường hợp phá sản.
Morgan Stanley (ngân hàng dẫn đầu thế giới về nghiệp vụ môi giới) và Goldman Sachs là 2 trong số nhiều ngân hàng có kế hoạch bán tài sản hoặc các bộ phận kinh doanh độc lập trong trường hợp bị phá sản.
Trong khi đó, một số ngân hàng cho biết sẽ không thanh lý toàn bộ mà vẫn giữ lại một số nghiệp vụ kinh doanh chính. Citigroup, ngân hàng lớn thứ 3 nước Mỹ và hoạt động tại hơn 100 nước trên toàn cầu, có kế hoạch tách riêng 2 bộ phận nhận tiền gửi và môi giới. Trong trường hợp bị phá sản, Citigroup sẽ bán bớt bộ phận môi giới và tiếp tục tái cấu trúc bộ phận còn lại.
Trong những tháng tới, cơ quan giám sát sẽ đánh giá liệu các “di chúc sống” này có đưa ra được các kế hoạch hợp lý để có thể đảm bảo phá sản nhanh chóng và theo trật tự hay không. Trong vòng 60 ngày, các ngân hàng có thể bổ sung các thông tin cần thiết.
Thu Hương
Theo TTVN/Bloomberg
No comments:
Post a Comment