Wednesday, August 3, 2011

KỶ NIỆM 20 NĂM HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP (1991-2011)

VAI TRÒ CỦA BÁO CÁO KIỂM TOÁN VỚI CÁC

QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Ông Nguyễn Chí Trung
Trong cơ chế chuyển đổi, nền kinh tế phát triển không ngừng, thu hút các Nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, vì thế nhu cầu về thông tin đầy đủ, xác thực, độc lập và đúng với pháp luật, phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam, kiểm toán độc lập ra đời cách đây 20 năm để giải quyết nhu cầu này. Kiểm toán độc lập là doanh nghiệp/ tổ chức có đủ tính độc lập, khách quan, cũng như năng lực để thực hiện công tác kiểm toán, cung cấp sự đảm bảo về tính tin cậy của báo cáo tài chính do các doanh nghiệp đưa ra cho Nhà nước, cho các bên quan tâm, và cho bản thân các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Chí Trung

TGĐ - Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn NEXIA ACPA

V

ề mặt pháp lý, Nghị định 105/2004/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2004 có quy định cụ thể về đối tượng phải kiểm toán bắt buộc. Bên cạnh đó, theo Quyết định 76/2004/QĐ-BTC ngày 22/ 9/ 2004, và Quyết định 89/2007/QĐ-BTC ngày 24/10/2007, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán phải có báo cáo tài chính được kiểm toán bởi doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận. Với sản phẩm của một cuộc kiểm toán là Báo cáo kiểm toán (BCKT), các kiểm toán viên đưa ra các ý kiến kết luận dựa trên kết quả của cuộc kiểm toán về tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính của doanh nghiệp đảm bảo sự phù hợp với thực tế doanh nghiệp, chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam hiện hành, và các quy định pháp lý có liên quan.

Sự hình thành của dịch vụ kiểm toán độc lập ở Việt Nam được cho là một yêu cầu khách quan và phát triển cùng sự phát triển của nền kinh tế. Kiểm toán độc lập được coi như một sản phẩm của nền kinh tế thị trường – một nhu cầu không thể thiếu của nền kinh tế thực hiện Mở Cửa và gia nhập WTO. Trên thực tế ở các thị trường tài chính quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng, nhu cầu kiểm toán độc lập hình thành trước các quy định pháp lý bắt buộc báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải được kiểm toán độc lập xác nhận. Theo đó, BCKT làm tăng tính tin cậy của báo cáo tài chính, chủ yếu đối với Nhà đầu tư. Báo cáo tài chính được kiểm toán chứng tỏ công ty có hệ thống tài chính kế toán minh bạch và chuẩn mực. BCKT trong trường hợp này giúp các Nhà đầu tư trả giá cao hơn cho cổ phiếu hoặc các quỹ đầu tư sẵn sàng bỏ tiền giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vốn. Do vậy, rất nhiều các doanh nghiệp tự nguyện kiểm toán dù không bị bắt buộc tuân thủ về mặt pháp lý. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam cũng đang có xu hướng thực hiện kiểm toán tự nguyện để khẳng định giá trị công ty, nhất là khi có kế hoạch niêm yết trên thị truờng chứng khoán trong tương lai. Do đó, BCKT độc lập góp phần nâng cao sự minh bạch và độc lập, tạo nên một môi trường đầu tư lành mạnh và bình đẳng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trên thị trường chứng Khoán Việt Nam.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK), các Nhà đầu tư đã quen dần với việc báo cáo tài chính năm của các doanh nghiệp niêm yết phải được kiểm toán bởi kiểm toán độc lập trước khi công khai, qua đó có một cái nhìn hay sự đánh giá khách quan và xác đáng hơn về tính đúng đắn, trung thực, độc lập và hợp pháp của báo cáo tài chính của doanh nghiệp giúp cho việc ra quyết định đầu tư tốt hơn trên TTCK như định giá doanh nghiệp, định giá cổ phiếu. Niềm tin của các Nhà đầu tư là yếu tố cơ bản làm nên sự thành công của thị trường tài chính. Khi đưa ra quyết định đầu tư, Nhà đầu tư cần được biết rõ những thông tin tài chính là đáng tin cậy. Báo cáo tài chính được kiểm toán giúp giải quyết vấn đề này. Vì vậy, điều cốt lõi ở đây là chất lượng của dịch vụ kiểm toán và song song với nó là cách sử dụng báo cáo tài chính được kiểm toán của Nhà đầu tư.

Về cách sử dụng báo cáo tài chính được kiểm toán của Nhà đầu tư, thông thường, BCKT – một sản phẩm bắt buộc, trực tiếp và công khai mà Nhà đầu tư cần quan tâm tới là ý kiến của kiểm toán viên và các thuyết minh trong báo cáo tài chính thay vì chỉ tập trung vào Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Các ý kiến trừ ý kiến chấp nhận toàn phần, như ý kiến chấp nhận từng phần, ý kiến từ chối (hoặc không thể đưa ra ý kiến) hay ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược) đã được Nhà đầu tư đặc biệt lưu ý khi đưa ra các đánh giá về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chất lượng của dịch vụ kiểm toán không phải lúc nào cũng được như mong đợi của Nhà đầu tư. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan - sự thiếu hụt lực lượng kiểm toán viên có trình độ và được đào tạo bài bản, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty kiểm toán làm cho chất lượng của BCKT có lúc còn sai sót. BCKT trong trường hợp doanh nghiệp chậm công bố thì hiệu quả sử dụng cũng kém đi vì có thể làm lỡ mất cơ hội đầu tư. Nhà đầu tư vì thế không nên dựa hoàn toàn vào BCKT để đưa ra quyết định nhưng nên coi BCKT là một phần tiền đề để đặt mối quan tâm đầu tư và cú huých để ra quyết định đầu tư của mình./

(Theo VACPA)

No comments:

Post a Comment