Theo Ernst & Young, cơ chế thoả thuận giá trước ((advance pricing agreement) sẽ giúp các doanh nghiệp và cơ quan thuế tránh được những bất đồng về việc xác định giá trong giao dịch giữa các bên liên kết trong tương lai thông qua thoả thuận về giá giao dịch liên kết của doanh nghiệp.
Thoả thuận giá trước, thường có hiệu lực trong 5 năm tài chính, cần quy định rõ các giao dịch được đề cập đến trong thoả thuận, phương pháp xác định giá thị trường, điều khoản về giá trước trong thoả thuận, các điều khoản về hoạt động và thực hiện. Thỏa thuận này cần được chỉnh phù hợp với diễn biến xảy ra trong tương lai, tuân thủ quy định báo cáo hàng năm.
Ông Luis Coronado, Lãnh đạo phụ trách các vấn đề chuyển giá của Ernst & Young Solutions tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng việc tăng cường kiểm tra để ngăn chuyển giá tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua là cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị các cơ quan thuế xem xét áp dụng cơ chế thoả thuận giá trước để có thể tránh được những vấn đề liên quan đến chuyển giá giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế.
Theo Ernst & Young, việc thảo luận giữa các doanh nghiệp và các cơ quan thuế để đi đến thỏa thuận giá trước thường mất ít thời gian hơn rất nhiều so với thời gian thực hiện các cuộc kiểm tra về chuyển giá và tìm giải pháp cho những bất đồng giữa 2 bên. Các vụ điều tra về chuyển giá có thể kéo dài từ 3 đến 4 năm, và có thể dài hơn đối với những vụ phức tạp.
Ông Nitin Jain, Giám đốc dịch vụ thuế và tư vấn của Ernst & Young tại Việt Nam, nói rằng tại Việt Nam chưa có bất kỳ thỏa thuận giá trước được ký giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế do chưa có quy định về thỏa thuận giá trước. Trong một quyết định do Thủ tướng Chính phủ ký vào tháng 5-2011 về cải cách lĩnh vực thuế có đề cập đến việc ban hành các quy định liên quan đến thỏa thuận giá trước.
Vào tháng 7-2011, Tổng Cục thuế có thực hiện cuộc khảo sát để lấy ý kiến của các doanh nghiệp nộp thuế và cục thuế về việc thực hiện và hoàn thiện các quy định chuyển giá cũng như một số vấn đề liên quan đến thỏa thuận giá trước. Do vậy, ông Jain dự báo các quy định về thỏa thuận giá trước có thể sẽ được ban hành và áp dụng trong một vài năm tới tại Việt Nam.
Theo Ernst & Young, hiện đã có hơn 30 quốc gia cho phép thực thi thỏa thuận giá trước, gồm Úc, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand, Indonesia.
Ông Coronado cho biết theo một cuộc khảo sát gần đây của Ernst & Young đối với các công ty tại nhiều nước khác nhau thì có đến 33% tại châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ và châu Phi chọn chuyển giá là vấn đề liên quan đến thuế quan trọng nhất đối với họ. Tỉ lệ này là 30% tại vùng châu Á-Thái Bình Dương và 21% tại Bắc Mỹ.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy rằng có đến 90% trong số 23% số doanh nghiệp đã sử dụng thỏa thuận giá trước để giải quyết các bất đồng liên quan đến chuyển giá giữa họ và cơ quan thuế muốn tiếp tục áp dụng cơ chế này.
(Theo DDDN)
(Theo DDDN)
No comments:
Post a Comment