Monday, August 29, 2011

Dự kiến bổ sung 4 trường hợp không tính thuế giá trị gia tăng

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), trong đó có bổ sung về đối tượng không tính thuế GTGT.



Cụ thể, dự thảo bổ sung nội dung quy định cơ sở kinh doanh không phải tính thuế GTGT đối với 4 trường hợp.

Thứ nhất, hàng hoá, dịch vụ được đối tượng nộp thuế tại Việt Nam cung cấp ngoài Việt Nam.

Trường hợp cung cấp dịch vụ mà hoạt động cung cấp vừa diễn ra tại Việt Nam, vừa diễn ra ở ngoài Việt Nam nhưng hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa 2 doanh nghiệp là đối tượng nộp thuế tại Việt Nam hoặc có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì dịch vụ này phải chịu thuế GTGT đối với phần giá trị hợp đồng thực hiện tại Việt Nam, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho hàng hoá nhập khẩu.

Trao đổi với Bộ Tài chính được biết, trong thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, thực tế đã phát sinh nhiều giao dịch hàng hoá, dịch vụ ở ngoài Việt Nam do tổ chức, cá nhân là người nộp thuế GTGT tại Việt Nam thực hiện, như: Doanh nghiệp Việt Nam mua bán hàng hoá quốc tế với khách hàng ở các nước mà hàng hoá mua bán không đi qua lãnh thổ Việt Nam; Hoạt động vận tải của các hãng tàu Việt Nam mà điểm nhận hàng và điểm giao hàng đều ở nước ngoài; Giao dịch hàng hoá giữa 2 doanh nghiệp Việt Nam là người nộp thuế GTGT tại Việt Nam nhưng việc chuyển giao và tiêu dùng hàng hoá thực hiện hoàn toàn ở nước ngoài; Doanh nghiệp nhập khẩu hàng mua theo giá FOB và mua phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm Việt nam.

Các trường hợp hoạt động thương mại, dịch vụ nói trên (trừ trường hợp mua phí bảo hiểm) tuy do người nộp thuế tại Việt Nam thực hiện nhưng việc chuyển giao, tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ chủ yếu là ở nước ngoài, do đó theo Luật thuế GTGT thì hàng hoá, dịch vụ mua bán trong các hoạt động nói trên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật thuế GTGT. Tuy nhiên nội dung này chưa thể hiện rõ tại Nghị định và các văn bản hướng dẫn.

Riêng đối với trường hợp mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cho hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam, tại khâu nhập khẩu cơ quan hải quan đã tính thu thuế GTGT khâu nhập khẩu trên giá trị hàng hoá, chi phí vận chuyển và phí bảo hiểm (còn gọi là giá CIF) nên nếu tính thuế GTGT tại khâu doanh nghiệp bán bảo hiểm sẽ dẫn đến tính trùng thuế GTGT tại khâu nhập.

Từ tình hình thực tế trên, để nâng cao tính minh bạch trong chính sách thuế và bảo đảm thống nhất trong thực hiện, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung trường hợp này vào đối tượng không tính thuế GTGT.

Thứ hai, các khoản thu tài chính về bồi thường do hợp đồng bị huỷ, tiền thưởng do hoàn thành hợp đồng trước hạn, tiền hỗ trợ nhận được và các khoản thu tài chính tương tự không dẫn đến trao đổi hàng hoá, dịch vụ tại Việt Nam; tiền chuyển nhượng quyền phát thải.

Giải thích lý do bổ sung trường hợp này vào đối tượng không tính thuế GTGT, Bộ Tài chính cho biết, thực tế nhiều doanh nghiệp nhận được các khoản tiền bồi thường, đền bù thiệt hại do bị huỷ hợp đồng, nhận tiền thưởng do thực hiện tốt hợp đồng hoặc nhận tiền hỗ trợ từ công ty mẹ ở nước ngoài cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (như hỗ trợ chi phí thương mại), nhận tiền hỗ trợ từ đối tác nước ngoài để rút khỏi dự án đầu tư đã được cấp phép, chuyển nhượng quyền phát thải (bán chứng chỉ giảm phát thải). Các khoản tiền nhận được này không có tính chất đối khoản như giao dịch hàng hoá, dịch vụ thông thường (không phát sinh hàng hoá, dịch vụ đối ứng).

Do đó căn cứ Điều 3 Luật thuế GTGT thì tiền bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải nói trên không phải là doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật thuế GTGT (là thu nhập khác của doanh nghiệp).

Tuy nhiên do Luật Thuế GTGT mới chỉ quy định về phạm vi điều chỉnh, chưa có điều khoản về đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh nên vẫn có ý kiến cho rằng phải tính thuế GTGT đối với các khoản thu nhập khác nói trên.

Vì vậy, để bảo đảm thống nhất trong thực hiện, trong dự thảo của Bộ Tài chính đã quy định rõ đây là đối tượng không tính thuế GTGT.

Thứ ba, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam như: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hoá; đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam.

Trường hợp này hiện đã được quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 123/2008/NĐ-CP, theo đó, tổ chức, cá nhân mua dịch vụ không phải nộp thuế GTGT nhưng lại phải kê khai, tính thuế GTGT đối với vật tư, phụ tùng, thiết bị thay thế.

Thực tế việc đem máy móc, thiết bị ra nước ngoài sửa chữa là những loại máy móc, thiết bị mà Việt Nam chưa sản xuất được, không đủ trình độ hoặc không có công nghệ để sửa chữa (phần lớn phải thuê chính hãng cung cấp sửa chữa), như máy bay, tàu biển, dàn khoan. Những loại này (kể cả động cơ máy bay) khi nhập khẩu đã được miễn thuế GTGT quy định tại khoản 17 Điều 5 Luật thuế GTGT nên việc không thu thuế GTGT đối với vật tư, phụ tùng thay thế là hoàn toàn phù hợp với chính sách thuế quy định tại Luật thuế GTGT.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 2 Nghị định số 123/2008/NĐ-CP theo hướng làm rõ dịch vụ sửa chữa ở nước ngoài không tính thuế GTGT bao gồm cả vật tư, phụ tùng, thiết bị thay thế nếu giá trị hợp đồng không tách riêng được giá trị vật tư, phụ tùng, thiết bị thay thế.

Thứ tư, tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT không phải kê khai, tính thuế GTGT khi thanh lý tài sản, không phải sử dụng hoá đơn bán hàng mà sử dụng biên lai, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính.

Phân tích lý do bổ sung thêm trường hợp này, Bộ Tài chính cho biết, thực tế có nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân không kinh doanh có bán (thanh lý) tài sản, như văn phòng đại diện không có chức năng kinh doanh của tổ chức nước ngoài kết thúc hoạt động tại Việt Nam, các cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước thanh lý tài sản...

Những đối tượng này không phải là người nộp thuế GTGT, không phải kê khai tính thuế GTGT khi bán tài sản nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể. Do vậy, Bộ Tài chính đã bổ sung trường hợp này vào dự thảo.

Theo Chính phủ

Theo DDDN

No comments:

Post a Comment