Wednesday, July 6, 2011

KỶ NIỆM 20 NĂM KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP (1991-2011)

Héi kiÓm to¸n viªn hµnh nghÒ viÖt nam (VACPA)

Nh©n tè quan träng gãp phÇn ph¸t triÓn

nghÒ nghiÖp kiÓm to¸n ®éc lËp t¹i viÖt nam

Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà

Phó TGĐ kiêm Giám đốc Kiểm toán

Công ty Grant Thornton Việt Nam

I. Sự phát triển của Hội nghề nghiệp và sự phát triển của ngành kiểm toán:

Sau 20 năm thành lập và phát triển (từ năm 1991), với mục tiêu phấn đấu trở thành nghề nghiệp chuyên nghiệp, độc lập, được khu vực và quốc tế thừa nhận, ngành Kiểm toán độc lập (KTĐL) tại Việt Nam đã từng bước đạt được những thành quả đáng khích lệ. Kiểm toán độc lập đã tham gia tích cực vào việc kiểm tra, đánh giá, xác nhận độ tin cậy của các thông tin kinh tế, tài chính của doanh nghiệp, góp phần đáng kể vào hoạt động sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp và thu hút các hoạt động đầu tư của nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam theo cơ chế thị trường.

Một trong các yếu tố vô cùng quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghề nghiệp kiểm toán độc lập tại Việt Nam chính là sự ra đời của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) theo Quyết định số 15/2005/QĐ-BNV ngày 19/1/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. VACPA được xây dựng theo mô hình tổ chức của hội nghề nghiệp chuyên nghiệp, độc lập theo kinh nghiệm từ các hội nghề nghiệp quốc tế có uy tín trên thế giới. Mục đích của Hội là tập hợp, đoàn kết những cá nhân cùng nghề kiểm toán; duy trì, phát triển và nâng cao trình độ kiểm toán viên hành nghề, chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán; giữ gìn uy tín và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để trở thành Hội nghề nghiệp chuyên nghiệp độc lập được khu vực và quốc tế thừa nhận.

Phấn đấu cho mục tiêu đó, trong chiến lược phát triển của mình, VACPA đã hoạt động trên hết và tất cả là vì lợi ích của Hội viên. VACPA coi Hội viên là tài sản của Hội. Uy tín, danh tiếng, địa vị của Hội viên trong xã hội khẳng định uy tín, danh tiếng và địa vị của VACPA trong xã hội và trường quốc tế.

VACPA hiểu rõ Hội sẽ phát huy tối đa vai trò của một hội nghề nghiệp chuyên nghiệp tại Việt Nam nếu từng con người, từng kiểm toán viên là hội viên của Hội được nâng cao nhận thức, kinh nghiệm chuyên môn định kỳ. Thông qua công tác tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức thường niên cho các kiểm toán viên, cung cấp thông tin và tư vấn chuyên môn cho Hội viên, Quản lý hành nghề, kiểm soát chất lượng dịch vụ, đạo đức nghề nghiệp VACPA đã không ngừng đổi mới và hướng các hội viên của mình tới mục tiêu của ngành là độc lập, trung thực và minh bạch.

Vai trò của VACPA trong lĩnh vực Kiểm soát Chất lượng Kiểm toán (KSCLKT) cũng ngày càng có nhiều chuyển biến đáng kể. VACPA quản lý chặt chẽ danh sách Hội viên, quản lý và đề xuất xử lý các vi phạm đạo đức hành nghề. Trong những năm qua, việc KSCLKT được thực hiện thông qua vai trò của các Đoàn kiểm tra do Hội thành lập với thành phần chủ yếu là đại diện VACPA, đại diện Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán - Bộ Tài chính, và một số hội viên của VACPA. Việc kiểm tra không chỉ là phát hiện sai sót của Hội viên, của doanh nghiệp mà còn đưa ra biện pháp hỗ trợ Hội viên, doanh nghiệp chấn chỉnh, sửa chữa sai sót. Ngoài các kỳ kiểm tra thường xuyên, VACPA còn kiểm tra đột xuất và xử lý các vụ việc khi có thông tin về các sai phạm của Hội viên đã giúp Hội viên tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, tạo môi trường hoạt động lành mạnh và bình đẳng.

Không chỉ tập trung phát triển và nâng cao chất lượng Hội viên, tăng cường kiểm soát chất luợng của kiểm toán độc lập, VACPA còn chú trọng phát triển uy tín và nâng cao năng lực của Hội bằng cách tạo cơ chế, chính sách thu hút thêm cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn cao để điều hành, phát triển hoạt động Hội.

Năm 2011 – VACPA cũng đã đánh dấu 6 năm thành lập, trưởng thành và phát triển của mình bằng nhiều sự kiện quan trọng: VACPA, với sự tài trợ của NHTG, đã chính thức soạn thảo để ban hành Chương trình kiểm toán mẫu; Lần đầu tiên soạn thảo và ban hành tài liệu hướng dẫn các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam khó; tham dự Đại hội kế toán thế giới (WCOA 2010); tham gia tích cực vào dự thảo Luật kiểm toán độc lập và ngày càng được cộng đồng quốc tế chính thức thừa nhận (được kết nạp làm thành viên chính thức của Hiệp hội kế toán Châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) từ tháng 6/2010, các tổ chức nghề nghiệp quốc tế danh tiếng như ACCA, CPA Aus, ICAEW, ICAA, CIMA, NIA v.v đánh giá cao và đặt quan hệ hợp tác).

II. Thực trạng và nhìn ra thế giới

Nhưng các nỗ lực và thành tựu như trên liệu đã đủ cho một hội nghề nghiệp chuyên nghiệp. Nhìn vào VACPA trong bối cảnh Việt Nam ta có thể nói, những gì đã đạt được đã là những kết quả đáng kể, tuy nhiên nếu nhìn ra thế giới và hoạt động của các hội nghề nghiệp tương tự thì có thể thấy có nhiều mảng chức năng mà VACPA chưa đạt được.

Ở phần lớn các nước trên thế giới, không có khái niệm “chứng chỉ kiểm toán viên” như ở Việt Nam mà những người hành nghề kiểm toán phải tham gia với vai trò là thành viên của một hội nghề nghiệp thể hiện bằng việc có “Chứng chỉ hội viên” (chứng chỉ ACCA, chứng chỉ CPA Mỹ…). Hiện nay các hoạt động tổ chức thi và cấp, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên, xử lý các quan hệ nghiệp vụ, quan hệ tranh chấp về quyền lợi v.v… vẫn đang do Bộ Tài Chính đảm nhiệm và Hội chỉ hỗ trợ Bộ Tài chính trong các chức năng trên. Thực tế này cho thấy còn có một sự khác biệt khá lớn trong chức năng của hội nghề nghiệp kiểm toán ở Việt Nam và trên thế giới. Sự khác biệt này xuất phát từ nhận thức của xã hội, thể hiện trong văn bản pháp lý hiện hành.

III. Tiềm năng phát triển và các ý kiến đóng góp

Cũng nhận xét về chức năng của VACPA, nhiều đại biểu Quốc hội cho biết thông lệ của các nước trên thế giới cho thấy, vai trò của cơ quan nhà nước tập trung chủ yếu vào việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật; kiểm tra, kiểm soát và xử lý các sai phạm, vai trò của hội nghề nghiệp liên quan đến nâng cao chất lượng kiểm toán. Hội nghề nghiệp là tổ chức có thể quản lý và hỗ trợ từng kiểm toán viên trong việc đào tạo kiến thức, cung cấp thông tin, tư vấn, kiểm soát chất lượng của kiểm toán viên, kiểm tra và xử lý các sai phạm đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên. Không cần và không nhất thiết phải có sự quản lý và tham gia quá sâu của các cơ quan nhà nước.

Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên Tạp chí Tài chính số 247 về việc để VACPA trở thành hội nghề nghiệp chuyên nghiệp ngang bằng với các hội trong khu vực và được quốc tế thừa nhận, ông Bùi Văn Mai, phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VACPA đã từng nói: “Địa vị pháp lý và năng lực hoạt động của VACPA không thể chủ quan định đoạt mà tác động qua lại. Một khi đã nhận thấy khả năng tiềm tàng, định hướng phát triển rõ ràng của Hội thì cơ quan Nhà nước mới yên tâm, tin tưởng chuyển giao nhiều chức năng hoạt động hơn; và ngược lại cơ quan Nhà nước cũng cần mạnh dạn chuyển giao bằng một lộ trình rõ ràng, điều kiện cụ thể thì VACPA mới có đích phấn đấu. Quan hệ tương tác, qua lại đó chính là chủ trương xã hội hóa, là tính chất thị trường của kinh tế thị trường mà Nhà nước ta đang hướng đến.”

Số liệu thống kê cho thấy nếu như năm 2006 (khoảng 1 năm sau ngày thành lập), Hội chỉ có 437 hội viên trong số 1300 kiểm toán viên (34%) thì đến cuối năm 2010 đã có khoảng 1.1177 hội viên trong số 1800 kiểm toán viên (63%). Theo xu hướng phát triển và đánh giá của các chuyên gia thì đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 7.000 kiểm toán viên thì số hội viên của Hội sẽ có khoảng 3500 đến 4000 người. Sự phát triển về số lượng cũng như nhận định của xã hội ngày càng thay đổi về vai trò của một hội nghề nghiệp như nói trên sẽ tạo cho VACPA một tiền đề to lớn để phát triển.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển mong muốn, VACPA sẽ phải nỗ lực rất nhiều để ngày càng tăng cường được hiểu biết của các thành phần xã hội về vai trò và khả năng của mình. Trước hết VACPA phải tăng cường được năng lực nội tại, và đồng thời phải tăng cường các hoạt động tuyên truyền về Hội cho các đối tượng khác nhau, như sau:

- Với các cơ quan Nhà nước, Bộ ngành và Chính phủ: Trước hết bằng các hoạt động thực tiễn của mình VACPA phải chứng minh và thuyết phục được các cơ quan Nhà nước và Chính phủ rằng: Hội nghề nghiệp khác hẳn với Hội xã hội, Hội quần chúng. Hội nghề nghiệp hỗ trợ đắc lực cơ quan Nhà nước thực hiện hiệu quả hơn chức năng quản lý Nhà nước… Hãy tin tưởng ở VACPA. Mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua việc lên các chương trình gặp gỡ cụ thể để tự giới thiệu, quảng bá với những cơ quan, ban ngành có liên quan .

- Với các tổ chức nghề nghiệp nước ngoài: Tăng cường việc giao lưu học hỏi và thực hiện các dự án với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế. Tích cực tham gia các dự án hợp tác với các tổ chức này nhằm nâng cao năng lực của Hội và chất lượng của ngành. Đồng thời, tích cực có bài viết tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Hội tới các tổ chức quốc tế, qua đó tạo được tiếng tăm và nâng cao uy tín của Hội.

- Với đối tượng là hội viên: Ngoài việc tăng cường các công tác hiện tại cho hội viên về đào tạo, cập nhật kiến thức ngày càng thiết thực, bổ ích về nội dung, hấp dẫn về hình thức và quản lý thông tin hội viên thì cần phải có những hoạt động thiết thực để hội viên thấy được lợi ích thực sự. Ví dụ: (1) Thực hiện cho hội viên đăng ký email liên lạc, cho phép hỏi và trả tư vấn qua email; (2) Cho phép hội viên giao lưu với nhau qua email đăng ký cho nhóm thành viên; (3) Gửi bản tin cập nhật ngắn mỗi tháng một lần về các quy định mới ban hành.

Tiếp tục tổ chức những hoạt động xã hội cho hội viên như Giải bóng đá “VACPA Cup”, Giải “VACPA – Tennis”… hoặc bổ sung thêm hoạt động Gala dịp cuối năm hay vào giữa mùa rỗi để các nhóm hội viên, hội viên cá nhân và hội viên tập thể trong tương lai có thể tham gia; Chọn một ngày trong năm làm “Ngày hội viên” để kỷ niệm và chúc mừng các hội viên hay tổ chức sự kiện....

- Với đối tượng là công chúng: Hoạt động quảng bá cần thực hiện thông qua các bài báo do những người trong và ngoài ngành viết, thảo luận về các vấn đề mang tính thời sự, được nhiều người quan tâm tùy thuộc vào các thời điểm khác nhau và đem lại hiểu biết đúng đắn cho công chúng về ngành. Các chủ đề có thể được đem ra thảo luận trong Ban chấp hành Hội và lên kế hoạch số lượng bài viết, đối tượng viết cho cả năm.

* * *

Bước sang năm 2011 là bước sang một thập kỷ mới, là kết thúc năm thứ 20 và bước vào năm thứ 21 của ngành kiểm toán độc lập, chúng ta tin tưởng rằng VACPA sẽ tiếp tục là người đồng hành đáng tin cậy của các hội viên, là chỗ dựa vững chắc cho các kiểm toán viên và các công ty kiểm toán tại Việt Nam; là nhân tố quan trọng góp phần phát triển nghề nghiệp kiểm toán độc lập tại Viêt Nam./.

Nguồn VACPA

No comments:

Post a Comment