Monday, July 4, 2011

Chúng tôi mong muốn thị trường kiểm toán độc lập tại Việt Nam tiếp tục được cải thiện

CHÚNG TÔI MONG MUỐN THỊ TRƯỜNG

KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP TẠI VIỆT NAM TIẾP TỤC ĐƯỢC CẢI THIỆN

Bà Nguyễn Phi Lan

Năm 2011 đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ về nghề kiểm toán độc lập tại Việt Nam. Cách đây 20 năm, các khái niệm kiểm toán độc lập ở Việt Nam còn là mới mẻ với các cơ quan nhà nước, các tổ chức đào tạo, các doanh nghiệp cũng như công chúng. 20 năm sau, Bộ Tài Chính Việt Nam đã ban hành 38 Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam; và hệ thống các văn bản pháp luật liên quan; hiện có khoảng 170 công ty hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán độc lập với 2044 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên, trong đó có 1264 người đang hành nghề tại các công ty kiểm toán; các trường đại học đã mở khoa đào tạo chuyên ngành về Kiểm toán; các doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập như một công cụ hữu hiệu để nâng cao tính minh bạch của báo cáo tài chính; các nhà đầu tư đã coi ý kiến kiểm toán đi kèm báo cáo tài chính như một tài liệu tham chiếu quan trọng trong việc cân nhắc các quyết định đầu tư, xây dựng các mối quan hệ kinh doanh với doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Phi Lan

Phó TGĐ - Cty PwC Việt Nam

Đ

ể đạt được sự phát triển lớn mạnh như vậy là nhờ các cơ quan nhà nước, Bộ Tài Chính, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam đã có những nỗ lực nghiên cứu, xây dựng và áp dụng các Chuẩn mực Kiểm toán/Kế toán Quốc tế, thông qua việc hợp tác với các chuyên gia tư vấn nước ngoài, các tổ chức, hiệp hội kế toán, kiểm toán quốc tế. Các trường đại học kinh tế đã đóng góp rất lớn trong việc cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực đã được đào tạo cơ bản về kiểm toán. Các công ty kiểm toán trong và ngoài nước đã góp phần hoàn thiện nguồn nhân lực này qua các khóa đào tạo nội bộ về kỹ năng kiểm toán. Các doanh nghiệp và tổ chức đã cung cấp môi trường thực tế cho việc thực hành kiểm toán.

Năm 2010-2011 Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập được đưa ra thảo luận rộng rãi giữa các Bộ, ngành, được Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, các công ty kiểm toán, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp tham gia xây dựng, góp ý chỉnh sửa, hoàn thiện và trình Quốc hội. Về cơ bản, Luật Kiểm toán độc lập đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý đối với hoạt động kiểm toán độc lập, giúp nâng cao chất lượng kiểm toán và xây dựng lòng tin công chúng.

Tuy nhiên, hiện vẫn có một số vấn đề cần được xem xét để thị trường kiểm toán độc lập Việt Nam có thể được hoàn thiện hơn nữa.

Vấn đề thứ nhất là Báo cáo kiểm toán: Theo Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam 700 qui định về Báo cáo kiểm toán về Báo cáo tài chính (“VSA 700”), Báo cáo kiểm toán phải nêu rõ ý kiến của kiểm toán viên và công ty kiểm toán về sự trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu của báo cáo tài chính theo “các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, Chế độ Kế toán Việt Nam và các qui định pháp lý có liên quan”. Điều này hoàn toàn hợp lý nếu “các qui định pháp lý có liên quan” không có những yêu cầu khác biệt so với Chuẩn mực Kế toán Việt Nam. Tuy nhiên, do hệ thống pháp lý của Việt Nam chưa thật sự đồng bộ; quản lý kế toán và quản lý tài chính chưa được tách bạch rõ ràng do đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp, nên các qui định có thể hiểu hoặc diễn giải theo những cách khác nhau bởi các chủ thể khác nhau. Nếu vấn đề liên quan đến qui định đó có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính thì có thể dẫn đến việc một báo cáo tài chính có thể có các ý kiến kiểm toán khác nhau nếu được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán khác nhau.

Trên thực tế, các kiểm toán viên và công ty kiểm toán cũng cố gắng trình bày và diễn giải sự khác nhau này trên Báo cáo kiểm toán hoặc doanh nghiệp cũng tham chiếu và diễn giải ở thuyết minh báo cáo tài chính. Tuy nhiên, để nâng cao tính minh bạch của thị trường kiểm toán độc lập, để các cơ quan quản lý và công chúng có được nền tảng chung để so sánh các báo cáo tài chính thì Bộ Tài Chính có thể cân nhắc việc xóa bỏ cụm từ “các qui định pháp lý có liên quan” trong VSA 700. Khi đó Báo cáo kiểm toán đối với báo cáo tài chính sẽ chỉ tham chiếu đến qui định duy nhất là các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế khi báo cáo tài chính soạn lập theo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) thì Báo cáo kiểm toán cũng tham chiếu đến qui định duy nhất là IFRS mà thôi.

Trong trường hợp phạm vi kiểm tra đề cập đến việc tuân thủ các qui định khác, thì có thể sử dụng “Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam 800 - Báo cáo kiểm toán về những công việc kiểm toán đặc biệt”, đối với báo cáo tài chính được soạn lập trên cơ sở kế toán khác với các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam. Điều này đặc biệt phù hợp với loại hình doanh nghiệp có cơ chế hoạt động và giám sát đặc thù; hoặc có thể áp dụng “Chuẩn mực Kiểm toán 920 – Kiểm tra thông tin tài chính trên cơ sở các thủ tục thỏa thuận trước”, theo đó các thủ tục sẽ yêu cầu cụ thể nội dung các qui định mà doanh nghiệp phải tuân thủ.

Vấn đề thứ hai là Luật kiểm toán độc lập có qui định:Bộ Tài chính quy định nội dung không được ngoại trừ trong Báo cáo kiểm toán phù hợp với chuẩn mực kiểm toán”. Nguyên nhân của qui định này là do một số ý kiến cho rằng hiện có quá nhiều báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ trên thị trường. Theo VSA 700, kiểm toán viên và công ty kiểm toán có thể đưa ra 1 trong 4 loại ý kiến kiểm toán: Ý kiến chấp nhận toàn phần, ý kiến ngoại trừ, ý kiến từ chối và ý kiến không chấp nhận. Cá nhân người viết cho rằng Báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ có thể tạm khái quát do một số nguyên nhân sau:

Nguyên nhân từ doanh nghiệp được kiểm toán: Vì yếu tố khách quan nên doanh nghiệp không thể cung cấp các thông tin cho kiểm toán viên, ví dụ bị mất hồ sơ, chứng từ: Vì yếu tố chủ quan như doanh nghiệp không thực hiện các điều chỉnh hoặc không đồng ý với các điều chỉnh mà kiểm toán viên đề nghị…

Nguyên nhân từ kiểm toán viên và công ty kiểm toán: Do yếu tố khách quan như ý kiến ngoại trừ là bắt buộc theo VSA 700 vì có “yếu tố tùy thuộc”, mà yếu tố tùy thuộc này là trọng yếu, có thể xảy ra trong tương lai, nằm ngoài khả năng kiểm soát của kiểm toán viên và công ty kiểm toán. Do yếu tổ chủ quan như kiểm toán viên và công ty kiểm toán có thể đã không thực hiện các thủ tục kiểm toán, kể cả các thủ tục kiểm toán thay thế (trong trường hợp có thể thực hiện được), mà đưa luôn ý kiến ngoại trừ để giảm thời gian và chi phí kiểm toán…

Tùy theo nguyên nhân dẫn đến ý kiến ngoại trừ mà Bộ Tài Chính có biện pháp xử lý thích hợp. Nếu do nguyên nhân khách quan từ phía doanh nghiệp, thì cho phép doanh nghiệp có khoảng thời gian nhất định - tùy mức độ, phạm vi và tính chất của vấn đề - để khắc phục. Nếu do nguyên nhân chủ quan doanh nghiệp không thực hiện các điều chỉnh của kiểm toán viên đề nghị, mà các điều chỉnh này là đúng theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, thì doanh nghiệp phải giải trình lý do không thực hiện điều chỉnh với Bộ Tài Chính. Đối với kiểm toán viên và công ty kiểm toán, ý kiến ngoại trừ chỉ được chấp nhận nếu được xác định là do nguyên nhân từ phía doanh nghiệp; kiểm toán viên và công ty kiểm toán đã thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán, kể cả các thủ tục thay thế (nếu có thể) và việc đưa ra ý kiến ngoại trừ là phù hợp theo VSA 700. Nếu không thỏa mãn các điều kiện này thì Bộ Tài Chính và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam yêu cầu kiểm toán viên và công ty kiểm toán giải trình để có biện pháp xử lý thích hợp.

Nếu các vấn đề nêu trên được khắc phục sẽ góp phần giảm bớt số lượng Báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ, Luật kiểm toán độc lập sẽ không phải qui định các nội dung không được ngoại trừ trong Báo cáo kiểm toán. Chất lượng kiểm toán sẽ được nâng cao, góp phần cải thiện hơn nữa thị trường kiểm toán độc lập tại Việt Nam ./.

(Nguồn VACPA)

No comments:

Post a Comment