10 NĂM HỢP TÁC THÀNH CÔNG
BỘ TÀI CHÍNH - ACCA - VACPA
Bà Lucia Real - Martin
Giám đốc khu vực khối thị trường
mới nổi Châu Á
1. Một chặng đường hợp tác và phát triển
Là một hiệp hội nghề nghiệp quốc tế đầu tiên có mặt tại Việt Nam vào năm 2002, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) luôn hoạt động theo tôn chỉ và mục tiêu đã đặt ra ban đầu, đó là góp phần nâng cao chất lượng và số lượng các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực Kế Toán - Kiểm Toán - Tài Chính, chuẩn bị cho sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới.
Ngày 6 tháng 12 năm 2003, ACCA và Bộ Tài Chính đã đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ song phương bằng Biên bản hợp tác do Ông Trần Văn Tá, Nguyên Thứ trưởng BTC và ông Robert Mark Protherough - Giám Đốc Chiến lược của ACCA lúc bấy giờ ký kết. Biên bản đã nêu rõ việc hai bên sẽ cùng tổ chức cuộc thi phối hợp kiểm toán viên chuyên nghiệp tại Việt Nam. Cho đến nay, ACCA cũng là tổ chức nghề nghiệp quốc tế duy nhất tại Việt Nam đã đưa vào chương trình đào tạo của mình hai môn Luật và Thuế Việt Nam, tạo điều kiện cho các hội viên của hiệp hội được trang bị những kiến thức thực tiễn và mang tính ứng dụng cao bên cạnh những chuẩn mực quốc tế. Theo tinh thần của biên bản hợp tác này, hội viên ACCA đăng ký và theo học chương trình phối hợp này cũng được miễn thi 2 môn tương ứng trong bài thi chuyển đổi lấy chứng chỉ kiểm toán viên Việt Nam (CPAVN). Vào đầu tháng 1 năm 2009, trong chuyến thăm chính thức của Bà Helen Brand - Tổng Giám Đốc toàn cầu của ACCA, Bộ Tài Chính - đại điện là Thứ Trưởng Trần Xuân Hà và ACCA đã ký kết gia hạn biên bản này với thời hạn 5 năm tiếp theo vẫn theo tinh thần hợp tác để cùng phát triển nghề nghiệp.
Bên cạnh việc phối hợp và hỗ trợ Bộ Tài Chính, ACCA đặt trọng tâm vào việc xây dựng mối quan hệ vững mạnh với các hội nghề nghiệp mà điển hình là Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA). ACCA đã, đang và sẽ luôn luôn đồng hành với VACPA trong các hoạt động nâng cao vị thế nghề nghiệp. Năm 2010 cũng đánh dấu 5 năm hợp tác chính thức giữa ACCA và VACPA. Sự hợp tác được đánh giá là hiệu quả qua các hoạt động phát triển nghề nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm và cùng tổ chức các lớp cập nhật kiến thức cho hội viên hai hội. Để tiếp nối sự hợp tác thành công này, ACCA và VACPA đã ký kết gia hạn biên bản ghi nhớ vào tháng 1 năm 2011, cùng tiếp tục hướng đến mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển nghề nghiệp, nâng cao nhận thức của cộng đồng vế vai trò và giá trị của nghề kiểm toán thông qua các hoạt động quảng bá nghề nghiệp.
2. xây dựng đội ngũ kiểm toán viên đạt chuẩn quốc tế
Nếu nói ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam phát triển nhanh chóng, đặc biệt vào thời kỳ 10 năm gần đây thì cũng có thể nói sau 10 năm có mặt tại Việt Nam, ACCA đã đào tạo và đóng góp cho ngành kế toán, kiểm toán Việt Nam một con số tuy chưa phải quá cao nhưng cũng đáng để tự hào. Hơn 500 chuyên gia tài chính, kế toán, kiểm toán đã hoàn tất chương trình ACCA, một số sau đó đã định cư và làm việc ở nước ngoài, hiện có gần 5,000 sinh viên đang theo học chương trình và 450 hội viên, chiếm tỉ trọng đáng kể trong số 2044 kiểm toán viên chuyên nghiệp tại Việt Nam. Trong đó có nhiều người đã và đang giữ chức vụ chủ chốt trong các công ty kiểm toán lớn của quốc tế. Có thể nói rằng chính đội ngũ nhân lực đạt chuẩn quốc tế này đã góp phần mang lại một sự cạnh tranh mới mẻ và đầy thu hút về một nguồn nhân lực trẻ tài năng của ngành, đủ sức cạnh tranh với nguồn nhân lực đến từ các nước trong khu vực. Rất nhiều người trong số họ hiện đang nắm giữ những vị trí quan trọng hàng đầu như Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc các công ty kiểm toán lớn.
Bên cạnh việc không ngừng nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của ngành kế toán kiểm toán bằng cách luôn đảm bảo chất lượng cao các kỳ thi, tuyên truyền quảng bá về nghề nghiệp và đặc biệt là luôn cam kết hợp tác, hỗ trợ hội nghề nghiệp của Việt Nam phát triển, ACCA còn luôn sát cánh với Bộ Tài Chính trong các sự kiện quan trọng của nghề nghiệp, điển hình như việc đóng góp vào quá trình soạn thảo Luật Kiểm Toán Độc lập. ACCA đã cùng Bộ Tài Chính tổ chức chuyến đi học tập tại Malaysia cho các chuyên gia. ACCA cũng đã cử chuyên gia tham gia ý kiến dự thảo luật, cùng Bộ Tài Chính và Văn Phòng Quốc hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các doanh nghiệp, các kiêm toán viên hành nghề vào đầu năm 2010. Việc Luật kiếm toán độc lập được Quốc hội thông qua vào tháng 3 năm 2011 đánh dấu một bước tiến mới của ngành nghề. Vậy là sau 20 năm từ ngày khai sinh của ngành, bộ Luật Kiểm toán độc lập lần đầu đã được công bố. Để làm được việc này là cả một quá trình nỗ lực không mệt mỏi của tập thể các nhà làm luật, nhưng cũng có thể kể đến sự đóng góp của các hội nghề nghiệp.
3.Giá trị và vai trò của Kiểm toán độc lập
Trong những năm gần đây, ACCA đã và đang nỗ lực để bảo vệ và củng cố uy tín của nghề kiểm toán, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khi niềm tin về giá trị của kiểm toán đang lung lay thì ACCA đã kịp thời phối hơp với Bộ Tài chính và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) tổ chức hội thảo về Giá trị của kiểm toán vào tháng 5 năm 2010. Hội thảo một lần nữa lật lại vai trò và giá trị của kiểm toán viên độc lập, xác định lại chức năng chính của báo cáo kiểm toán trong việc củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư và công chúng vào các báo cáo này. ACCA luôn tin rằng kiểm toán độc lập đóng một vai trò rất quan trọng và không thể tách rời trong việc ổn định và phát triển nền kinh tế, và hơn bao giờ hết, kiểm toán viên độc lập là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành. ACCA cũng luôn nhấn mạnh rằng với hội viên của hiệp hội, việc luôn tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu, bên cạnh những kiến thức, kỹ năng đạt chuẩn quốc tế. Hội viên của ACCA bắt buộc phải hoàn tất bài kiểm tra chuẩn mực đạo đức khi gia nhập hội, và hiệp hội có Hội Đồng để đánh giá kỷ luật những hội viên vi phạm để từ đó có hình thức kỷ luật thích đáng, mà nặng nhất là khai trừ khỏi hiệp hội.
Nhìn lại chặng đường 10 năm hợp tác và phát triển với những thành quả đáng tự hào, ACCA tin tưởng trong tương lai không xa ngành kiểm toán độc lập của Việt Nam sẽ phát triển lớn mạnh ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực, thế giới sẽ biết đến thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán Việt Nam thông qua chất lượng của lực lượng kiểm toán - kế toán viên chuyên nghiệp của chúng ta.
Chặng đường 20 năm đã khép lại, mở ra một chặng đường mới với nhiều thành công mới trên tinh thần hợp tác để phát triển bền vững./.
(Theo VACPA)
No comments:
Post a Comment