Thursday, July 14, 2011

Cần triển khai đào tạo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong các trường đại học

CẦN TRIỂN KHAI ĐÀO TẠO

CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP

TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Trong quá trình làm việc, các kế toán viên, kiểm toán viên phải chịu rất nhiều áp lực từ việc phải chịu hành động trái quy luật hay các quy định, trái với các chuẩn mực nghề nghiệp. Họ có thể rơi vào tình huống ủng hộ hành vi quản lý phi đạo đức, nói dối hay cung cấp thông tin không chính xác cho đơn vị quản lý hay lập các BCTC không chính xác một cách trọng yếu. Việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp có thể do nguy cơ từ lợi ích bản thân, nguy cơ từ sự đánh giá chủ quan, nguy cơ từ sự quan hệ thân thiết, và nguy cơ từ sự đe dọa...

Ts.Chúc Anh Tú

Các nguyên tắc cơ bản của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp

Ở Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng của đào tạo nghề nghiệp kế toán, kiểm toán bằng việc Bộ Tài chính đã ban hành và công bố Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam theo Quyết định số 87/2005/QĐ-BTC ngày 01/12/2005. Mục đích của chuẩn mực là quy định các nguyên tắc, nội dung và hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề kế toán, kiểm toán viên hành nghề và người làm kế toán, kiểm toán trong các doanh nghiệp và tổ chức nhằm đảm bảo đạt được những tiêu chuẩn cao nhất về trình độ chuyên môn, về mức độ hoạt động và đáp ứng được sự quan tâm ngày càng cao của công chúng.

Bốn yêu cầu cơ bản của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Sự tín nhiệm: Nâng cao sự tín nhiệm của xã hội đối với hệ thống thông tin của kế toán và kiểm toán.

Tính chuyên nghiệp: tạo lập sự công nhận của chủ doanh nghiệp, tổ chức, khách hàng và các bên liên quan về tính chuyên nghiệp của người làm kế toán và người làm kiểm toán đặc biệt là hành nghề nghề kế toán và kiểm toán viên hành nghề.

Chất lượng dịch vụ: Đảm bảo chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán đạt được các chuẩn mực cao nhất.

Sự tin cậy: tạo ra sự tin cậy của người sử dụng dịch vụ kế toán, kiểm toán về khả năng chi phối của chuẩn mực đạo đức đối với việc cung cấp các dịch vụ đó.

Các nguyên tắc cơ bản của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, gồm:

Độc lập: trong quá trình kiểm toán hoặc cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán viên hành nghề và người hành nghề kế toán phải thực sự không bị chi phối hoặc tác động bởi bất kỳ lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào làm ảnh hưởng đến sự trung thực, khách quan và độc lập nghề nghiệp của mình. Kiểm toán viên hành nghề và người hành nghề kế toán không được nhận làm kiểm toán hoặc làm kế toán cho các đơn vị mà mình có quan hệ kinh tế hoặc quyền lợi kinh tế như góp vốn, cho vay hoặc vay vốn từ khách hàng, hoặc là cổ đông chi phối của khách hàng, hoặc có ký kết hợp đồng gia công, dịch vụ, đại lý tiêu thụ hàng hóa. Kiểm toán viên hành nghề và người hành nghề kế toán không được nhận làm kiểm toán hoặc làm kế toán ở những đơn vị mà bản thân có quan hệ gia đình ruột thịt (như có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột) là người trong bộ máy quản lý điều hành (hội đồng quản trị, ban giám đốc, kế toán trưởng, các trưởng, phó phòng và các cấp tương đương) trong đơn vị khách hàng. Kiểm toán viên hành nghề không được vừa làm dịch vụ kế toán, như ghi sổ kế toán, lập BCTC, kiểm toán nội bộ, định giá tài sản, tư vấn quản lý, tư vấn tài chính, vừa làm dịch vụ kiểm toán cho cùng một khách hàng. Ngược lại, người làm dịch vụ kế toán không được làm kiểm toán cho cùng một khách hàng. Trong quá trình kiểm toán hoặc cung cấp dịch vụ kế toán, nếu có sự hạn chế về tính độc lập thì kiểm toán viên hành nghề, người hành nghề kế toán phải tìm mọi cách loại bỏ sự hạn chế này. Nếu không thể loại bỏ được thì phải nêu rõ điều này trong báo cáo kiểm toán hoặc báo cáo dịch vụ kế toán.

Chính trực: người làm kế toán và người làm kiểm toán phải thẳng thắn, trung thực và có chính kiến rõ ràng.

Khách quan: người làm kế toán và người làm kiểm toán phải công bằng, tôn trọng sự thật và không được thành kiến, thiên vị.

Năng lực chuyên môn và tính thận trọng: người làm kế toán và người làm kiểm toán phải thực hiện công việc kiểm toán, kế toán với đầy đủ năng lực chuyên môn cần thiết, với sự thận trọng cao nhất và tinh thần làm việc chuyên cần. Kiểm toán viên có nhiệm vụ duy trì, cập nhật và nâng cao kiến thức trong hoạt động thực tiễn, trong môi trường pháp lý và các tiến bộ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu công việc.

Tính bảo mật: người làm kế toán và người làm kiểm toán phải bảo mật các thông tin có được trong quá trình kiểm toán; không được tiết lộ bất cứ một thông tin nào khi chưa được phép của người có thẩm quyền, trừ khi có nghĩa vụ phải công khai theo yêu cầu của pháp luật hoặc trong phạm vi quyền hạn nghề nghiệp của mình.

Tư cách nghề nghiệp: người làm kế toán và người làm kiểm toán phải trau dồi và bảo vệ uy tín nghề nghiệp, không được gây ra những hành vi làm giảm uy tín nghề nghiệp.

Tuân thủ chuẩn mực chuyên môn: người làm kế toán và người làm kiểm toán phải thực hiện công việc kế toán, kiểm toán theo những kỹ thuật và chuẩn mực chuyên môn đã quy định trong chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, quy định của hội nghề nghiệp và các quy định pháp luật hiện hành.

Đào tạo chuẩn mực đạo đức trong trường đại học

Các vấn đề liên quan đến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với người làm nghề kế toán, kiểm toán ngày càng có vai trò quan trọng quyết định đến sản phẩm thông tin kế toán, kiểm toán. Do đó, cần đưa những quy định này vào chương trình đào tạo, giáo dục ngay từ khi sinh viên đang ngồi trong ghế nhà trường là vấn đề cấp thiết hiện nay. Câu hỏi được đặt ra là trong nhà trường làm như thế nào đẻ có thể tuyên truyền, giáo dục các nội dung liên quan đến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên một cách hiệu quả nhất?

Do chương trình đào tạo của nhà trường khó có thể đưa chuẩn mực này thành một môn học bắt buộc, do đó, cùng với việc công bố chuẩn đầu ra cho sinh viên thì việc lồng ghép nội dung này trong đào tạo "kỹ năng mềm" cho sinh viên nên mang tính bắt buộc.

Thứ nhất, việc xây dựng chương trình đào tạo "kỹ năng mềm" sẽ bao gồm các nội dung cơ bản: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết và trình bày văn bản, kỹ năng viết hồ sơ xin việc, trả lời phỏng vấn, đạo đức nghề nghiệp đối với người làm kế toán, kiểm toán. Cách xây dựng này sẽ bảo đảm được yêu cầu của khóa học đó là các kỹ năng sống, làm việc; các kỹ năng trình bày văn bản hành chính và hiểu biết được những nội dung của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

Thứ hai, cách thức triển khai và tiến hành. Đào tạo "kỹ năng mềm" là thực sự cần thiết đối với sinh viên, thậm chí việc đào tạo ở bậc tiểu học đã đưa môn học này vào cho học sinh học vào thời gian ngoại khóa. Do đó, cùng với việc đào tạo chuẩn đầu ra của các trường thì cần thiết phải công bố chuẩn đầu ra về "kỹ năng mềm" cho sinh viên là điều kiện bắt buộc phải có. Đồng thời giao cho một đơn vị chức năng sẽ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ đào tạo chuẩn đầu ra trong đó có đào tạo "kỹ năng mềm" này.

Thứ ba, chuẩn bị đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất: Đội ngũ giảng viên đào tạo chương trình này sẽ rất đa dạng, đối với những chuyên đề liên quan đến kỹ năng cuộc sống thì sẽ lựa chọn những cơ quan, công ty bên ngoài có uy tín đảm nhiệm; đối với kỹ năng viết và trình bày văn bản sẽ do những giảng viên thuộc khối các trường hành chính đảm nhiệm, còn đối với nội dung đào tạo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp sẽ do những giảng viên chuyên ngành kế toán - kiểm toán, những giám đốc các công ty kế toán, kiểm toán có uy tín đảm nhiệm.

Thứ tư, cách thức triển khai: để triển khai nội dung này có hiệu lực cần chia thành 2 giai đoạn, đó là giai đoạn 1 đào tạo thí điểm và đánh giá, rút kinh nghiệm hoàn thiện; giai đoạn 2 sẽ đào tạo nhân rộng. Với giai đoạn 1 thì các đối tượng sẽ là những sinh viên tham gia các hoạt động đoàn, cán bộ lớp những người rất tích cực hoạt động cũng như có uy tín, tiếng nói ảnh hưởng lớn hơn. Sau khi giai đoạn 1 thực hiện xong sẽ tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm và thực hiện triển khai rộng ở giai đoạn 2 ra thành phong trào chung.

Như vậy, có thể khẳng định việc phổ biến, tuyên truyền rộng rãi chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán thực sự là sự cần thiết khách quan nhằm đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; sự hoàn thiện kiến thức, kỹ năng chuyên môn cũng như là một yêu cầu đòi hỏi cấp thiết đối với nghề nghiệp. Góp phần vào quá trình tuyên truyền này thì việc đưa hoạt động đào tạo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong các trường Đại học hiện nay là hoàn toàn mang tính cấp thiết nhằm góp phần hoàn thiện thêm sự hiểu biết cho sinh viên đáp ứng được đòi hỏi, yêu cầu trong thời đại mới hiện nay./.

(Theo TCKT&KT)

(Nguồn VACPA)

No comments:

Post a Comment