Wednesday, May 8, 2013

Lộ mặt nạ sau kiểm toán: Kêu ải kêu ai!


Đã có đến 549 doanh nghiệp chênh lệch lợi nhuận sau kiểm toán năm 2012. Theo thống kê của Vietstock, hiện có tới 319 doanh nghiệp báo chênh lệch giảm, từ lãi sang lỗ hay tăng lỗ sau kiểm toán năm 2012; và cũng có 230 doanh nghiệp chênh lệch tăng hay giảm lỗ. Như vậy, con số khớp nhau về lợi nhuận sau kiểm toán thì chỉ có 123 doanh nghiệp, còn lại là chưa công bố đầy đủ báo cáo trước hoặc sau kiểm toán.

Minh An (Vietstock)


Mỗi mùa báo cáo tài chính đi qua, vấn đề chênh lệch số liệu sau kiểm toán hay những ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên luôn làm nhức nhối giới đầu tư và cơ quan quản lý, nhưng đến nay tình trạng này vẫn không thuyên giảm. Thậm chí còn có thêm nhiều trường hợp làm nhà đầu tư sốc nặng hơn như PVX, VID, HLC hay ACB.
Việc tăng giảm giá cổ phiếu ngoài ảnh hưởng chung của thị trường, còn phản ánh kết quả hoạt động của doanh nghiệp đó. Chẳng vì thế mà khi một báo cáo tài chính “đẹp” được công bố thì dòng tiền rót về cổ phiếu đó và ngược lại. Tuy nhiên, nhà đầu tư chớ có vội mừng, bởi kết quả kinh doanh đó có “thật” hay không thì chỉ sau khi đơn vị kiểm toán vào cuộc mới rõ ngọn ngành.
Nếu được bầu chọn doanh nghiệp gây nhiều “scandal” nhất trong năm qua có lẽ PVX sẽ lọt vào danh sách đề cử. Bởi từ quý 2/2012 doanh nghiệp này đã bắt đầu trượt dốc với mức lỗ khủng 260 tỷ đồng, nhiều nhà đầu tư đã xem PVX là “tội đồ” của thị trường chứng khoán.
Một năm sau đó, PVX lại làm nhà đầu tư choáng váng với thông tin công bố: Công ty mẹ lỗ khủng 1,222 tỷ đồng năm 2012 và càng sốc hơn khi đột ngột biến từ lãi 19 tỷ năm 2011 sang lỗ 196 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, báo cáo tài chính kiểm toán 2012 được công bố với lợi nhuận sau thuế của PVX chênh lệch tới 260 tỷ đồng, tức tăng lỗ lên 1,338 tỷ đồng. Đây là con số chênh lệch giảm lớn nhất cho đến thời điểm này.
Lúc này thì không còn từ gì để dành cho PVX. Với mức giá trên 10x từ tháng 4/2012, đến nay cổ phiếu PVX chỉ còn loanh quanh 4x. Một sự thật mà hơn một năm sau nhà đầu tư mới được biết thì có thể thấy khả năng “vẽ báo cáo tài chính” của PVX ở mức nào.
ACB cũng là ngân hàng gây nhiều tiếng tăm trong năm 2012 với sự vụ liên quan đến bầu Kiên. Tháng 7/2012, khi mọi việc liên quan đến bầu Kiên chưa vỡ lẽ, giá cổ phiếu ACB luôn trên mức 25x. Đến lúc sóng gió ập tới (gần cuối tháng 8/2012), cổ phiếu ACB bắt đầu hành trình lao dốc.
Cũng từ đây, hoạt động kinh doanh của ACB được giới đầu tư “soi” kỹ hơn. Nếu như từ năm 2008 đến 2011, ACB luôn đạt lợi nhuận trên 2,000 tỷ đồng thì năm 2012 chỉ còn vỏn vẹn 928 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng. Ngay sau khi kiểm toán vào cuộc thì con số trên mất đi 144 tỷ đồng, xuống mức 784 tỷ đồng. Và lúc này cổ phiếu ACB cũng chỉ còn 15x... (Bảng 1)
 Bảng 1
Đây chỉ là những gương mặt điển hình. Theo thống kê của Vietstock thì có tới 319 doanh nghiệp báo chênh lệch giảm, từ lãi sang lỗ hay tăng lỗ sau kiểm toán; và cũng có 230 doanh nghiệp chênh lệch tăng hay giảm lỗ. Như vậy, con số khớp nhau sau kiểm toán thì chỉ có 123 doanh nghiệp, còn lại là chưa công bố đầy đủ báo cáo trước hoặc sau kiểm toán.
Đó là chưa kể 171 doanh nghiệp chênh lệch giảm doanh thu sau kiểm toán điển hình như QCG giảm tới 1,141 tỷ đồng, PVX cũng giảm 435 tỷ đồng, TS4 giảm 236 tỷ đồng… Và cũng có 113 doanh nghiệp chênh lệch tăng doanh thu sau kiểm toán, đứng đầu danh sách là TTF tăng 449 tỷ đồng, PVC tăng 272 tỷ đồng, SHB tăng 170 tỷ đồng và MPC tăng 138 tỷ đồng…
Những biến động kết quả kinh doanh này đã ảnh hưởng trực tiếp đến “túi tiền” của nhà đầu tư nhưng hiện tại vẫn chưa có giải pháp triệt để trong công tác quản lý, đòi hỏi nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn cổ phiếu.
BBT: Qua bài báo này, mặc nhiên đánh giá cao vai trò của kiểm toán độc lập, góp phần nhằm phản ánh trung thực, hợp lý hơn BCTC, tăng độ tin cậy vào KTV và công ty kiểm toán, cũng thể hiện sự đòi hỏi càng cao của xã hội với chất lượng kiểm toán BCTC.

No comments:

Post a Comment