Friday, May 3, 2013

Chuẩn mực kiểm toán mới: Góp phần nâng cao trách nhiệm các bên liên quan

Ông Bùi Văn Mai
Vừa qua Bộ Tài chính đã chính thức ban hành 37 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam để thay thế hệ thống chuẩn mực kiểm toán hiện hành, bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2014. Đây là bước tiến quan trọng trong lộ trình nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán Việt Nam. Để tìm hiểu thêm vấn đề này, phóng viên Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA).
LONG HOÀNG
* Ông có thể cho biết những điểm đáng chú ý của 37 chuẩn mực kiểm toán vừa mới được ban hành?
- Hệ thống chuẩn mực kiểm toán là cơ sở để kiểm tra, kiểm soát nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như nâng cao chất lượng báo cáo tài chính (BCTC). Tuy nhiên, qua hơn 10 năm triển khai thì hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam ban hành từ 1999 đã bộc lộ nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường. Năm 2009, Ủy ban chuẩn mực quốc tế đã ban hành lại hệ thống chuẩn mực kiểm toán, do đó Bộ Tài chính cũng nhận thấy Việt Nam phải ban hành lại hệ thống chuẩn mực này. Năm 2010 Bộ Tài chính đã giao việc nghiên cứu soạn thảo cho VACPA thực hiện. Thông tư 214/2012/TT-BTC (ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán) cũng là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên được ban hành do một Hội nghề nghiệp đề nghị. So với hệ thống chuẩn mực kiểm toán cũ, hệ thống chuẩn mực vừa ban hành có nhiều điểm đổi mới. 
Trước hết, hệ thống chuẩn mực này được ban hành sau khi Luật Kiểm toán độc lập đã được ban hành năm 2011. Như vậy đã có một văn bản có giá trị pháp lý cao thể hiện các quy định của Nhà nước về kiểm toán độc lập. Yêu cầu đặt ra là soạn thảo chuẩn mực kiểm toán phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, phù hợp với luật hiện hành. Trong hệ thống chuẩn mực, cách tiếp cận đã thay đổi mang tính chất áp dụng các kỹ thuật tiên tiến hơn trước. Trước đây khi tổ chức một cuộc kiểm toán thường dựa vào phương pháp chọn mẫu, là phương pháp phù hợp với điều kiện lúc đó, còn hiện nay nền kinh tế thị trường phát triển đa dạng, các doanh nghiệp (DN), tổng công ty đều phát triển theo hình thức đa ngành, đa nghề, phạm vi rộng, có quan hệ quốc tế nên chuẩn mực mới yêu cầu phải dùng phương pháp tiếp cận, đánh giá và xác định rủi ro. Tức là đánh giá toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ của một DN từ khâu ban hành nội quy, quy chế, quy trình xuất nhập, mua bán hàng hóa, tổ chức bộ máy,… xem khâu nào yếu, nhiều khả năng xảy ra rủi ro thì tập trung để kiểm toán. Cách tiếp cận mới này sẽ nâng cao kỹ năng xét đoán chuyên môn, kỹ năng đánh giá và nâng cao trách nhiệm của kiểm toán viên (KTV).
Báo cáo kiểm toán là sản phẩm của KTV. Báo cáo kiểm toán theo chuẩn mực mới cũng đòi hỏi trách nhiệm cao hơn của DN là đơn vị phải lập và trình bày một cách trung thực, hợp lý tình hình tài sản, vốn trên BCTC. Như vậy chuẩn mực mới giúp nâng cao trách nhiệm của tất cả các bên liên quan: KTV, công ty kiểm toán và DN khách hàng.
Ý kiến kiểm toán cũng có những thay đổi lớn. Cụ thể, quy định trước đây chia ý kiến kiểm toán làm 4 loại, gồm: chấp nhận toàn phần, ngoại trừ, không chấp nhận và từ chối cho ý kiến. Để hướng đến mục tiêu các BCTC khi đã đưa ra xã hội phải phản ánh trung thực và hợp lý, người làm BCTC phải gắn trách nhiệm của mình vào sản phẩm, chuẩn mực mới quy định chỉ có 2 loại ý kiến là chấp nhận toàn phần và không chấp nhận toàn phần.
Dự kiến sắp tới VACPA sẽ tiếp tục trình Bộ Tài chính ban hành 4 chuẩn mực kiểm toán còn lại và 1 chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp.
* Gần đây chất lượng dịch vụ kiểm toán đang bị xã hội đặt dấu hỏi khi để xảy nhiều vụ việc sai phạm. Theo ông việc áp dụng các chuẩn mực kiểm toán mới sẽ có tác dụng thế nào trong vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán? Trong các trường hợp sai phạm cần có hình thức xử lý như thế nào cho phù hợp?
- Những năm gần đây sai phạm về kiểm toán xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do khủng hoảng kinh tế nên các DN đều gặp khó khăn, có tâm lý làm đẹp BCTC. Nguyên nhân thứ hai là do hệ thống chuẩn mực kiểm toán hiện hành của ta đã lạc hậu, chưa thể hiện rõ được trách nhiệm của KTV và DN khách hàng. Tôi tin rằng sau khi những chuẩn mực mới được áp dụng triệt để thì chắc chắn chất lượng kiểm toán sẽ được nâng cao.
Về xử lý sai phạm, tôi cho rằng hệ thống pháp luật hiện còn nhiều hạn chế nên khó tránh khỏi những sai sót. Quy định xử lý về mặt tài chính hiện nay so với trước đã là khá cao, như sai phạm về lập BCTC từ phạt 20 triệu đồng dự kiến tăng lên trên 120 triệu đồng. Việc xử lý cần nhiều biện pháp kết hợp không chỉ dừng lại ở xử lý hành chính, nhưng theo tôi phải xử lý nhanh và kịp thời, thủ tục, quy trình xử phạt cần phải gắn trực tiếp với người tham gia kiểm tra, kiểm soát thì mới có hiệu quả hiệu lực. Đối với các công ty kiểm toán, hình thức xử phạt cao nhất chính là đình chỉ hành nghề và công khai trên thông tin đại chúng.
* Ngoài một số văn bản đã ban hành, ông có thể cho biết VACPA sẽ tiếp tục triển khai những biện pháp cụ thể gì để hướng dẫn thực hiện 37 chuẩn mực mới cũng như đưa Luật Kiểm toán độc lập vào cuộc sống, thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Kế toán, Kiểm toán đến 2020?
- Hiện nay chúng tôi đang ưu tiên triển khai phổ biến các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Kiểm toán độc lập và Thông tư ban hành chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Cụ thể, VACPA đã và đang thực hiện kế hoạch đào tạo cập nhật kiến thức có liên quan cho hội viên, đã triển khai từ tháng 4/2013. Việc cập nhật kiến thức năm nay sẽ mở rộng cho cả các DN, thông qua Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tập huấn cho các DN niêm yết. Bên cạnh đó VACPA cũng đã chủ trương viết các tài liệu hướng dẫn tóm tắt các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam; hệ thống hóa toàn bộ văn bản trên trang điện tử cho KTV và DN thuận tiện tra cứu; viết một số tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ, chuyên môn sâu như vấn đề chọn mẫu, xác định trọng yếu, gửi thư xác nhận giảng dạy thực hành kiểm toán theo chương trình kiểm toán mẫu và theo chuẩn mực mới,... hợp tác với giảng viên các trường Đại học để đưa các chuẩn mực kiểm toán này vào giảng dạy. Đây là những biện pháp rất hiệu quả mà quốc tế đang áp dụng.
* Xin cảm ơn ông./.

(Theo VACPA)

No comments:

Post a Comment