Sunday, March 17, 2013

Đánh giá rủi ro kiểm toán: Nhận diện các nguy cơ

Đánh giá rủi ro kiểm toán là một bước vô cùng quan trọng, giúp các công ty kiểm toán xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán một cách hợp lý và hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, việc đánh giá rủi ro ở các công ty kiểm toán vẫn chưa hoàn thiện, do đây là một công việc khó và đòi hỏi trình độ phán xét của kiểm toán viên (KTV) cần đạt ở mức độ khá cao.
Ts Phạm Tiến Hưng
ThS Nguyễn Thị Phương Thảo

D
o nhu cầu về thông tin tài chính trung thực, khách quan ngày càng tăng của các nhà đầu tư và bên liên quan đòi hỏi công ty kiểm toán, đặc biệt là các công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) của các tổ chức phát hành chứng khoán, các công ty cổ phần niêm yết kinh doanh trên thị trường chứng khoán,… phải chú trọng nhiều hơn đến chất lượng dịch vụ kiểm toán. 
Hiện nay chất lượng dịch vụ kiểm toán chưa đồng đều, còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các công ty. Nhiều công ty kiểm toán có số lượng KTV lớn, KTV nhiều kinh nghiệm đã tạo lập được vị thế và danh tiếng trên thị trường, được nhiều khách hàng lớn lựa chọn. Tuy nhiên cũng còn một số công ty nhỏ, mới thành lập chưa đảm bảo chất lượng dịch vụ, do chưa đủ người làm kiểm toán vì bị hạn chế về số lượng KTV hoặc KTV còn làm kiêm nhiệm. Cũng có trường hợp công ty kiểm toán có nhiều khách hàng, trong khi thời hạn phải có báo cáo kiểm toán để phục vụ đại hội cổ đông dồn vào các tháng đầu năm nên ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán. 
Ngoài ra, năng lực, trình độ và đạo đức nghề nghiệp của KTV là những yếu tố mang tính quyết định chất lượng kiểm toán. Thực tế đã có một số trường hợp do trình độ KTV còn bất cập, chưa hiểu sâu về lĩnh vực ngành nghề của khách hàng dẫn đến những sai phạm trong nghề nghiệp, bỏ sót không kiểm toán một số thông tin trên BCTC  hoặc không ghi ý kiến về các sai phạm cho đơn vị được kiểm toán sửa chữa, đồng thời sau khi phát hành báo cáo kiểm toán, các sai phạm không được thông báo cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước
Ngoài các sai phạm kể trên, thực tế thời gian qua cũng đã ghi nhận nhiều tồn tại trong việc đánh giá rủi ro kiểm toán dưới ba hình thức cơ bản:
Thứ nhất, không thực hiện đánh giá đầy đủ rủi ro kinh doanh trong qui trình đánh giá rủi ro kiểm toán, thậm chí không cảnh báo được các rủi ro về khả năng hoạt động liên tục của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp (DN) bị phá sản hoặc mất khả năng thanh toán ngay sau kiểm toán (như trường hợp của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết và Tập đoàn kinh tế Vinashin). 
Tại Tập đoàn kinh tế Vinashin, trong năm 2007-2008, DN đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nhiều đơn hàng bị từ chối, hủy hợp đồng, đầu tư cho các dự án quá lớn và dàn trải, trong khi nguồn vốn chủ yếu là đi vay (vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 10% tổng nguồn vốn), khả năng trả nợ ngắn hạn gần như không có. Tuy nhiên, qua kiểm toán vẫn khẳng định các khoản vay của Vinashin có lợi thế và đánh giá cao khả năng phát triển của Vinashin. Từ đó tạo điều kiện cho Vinashin tiếp tục phát hành trái phiếu nước ngoài và vay nợ, dẫn đến hậu quả năm 2010 DN mất khả năng thanh toán và Chính phủ phải sử dụng nhiều biện pháp để tái cơ cấu nguồn vốn.
Thứ hai, sử dụng các “biện pháp kỹ thuật” trong kiểm toán để phòng ngừa rủi ro cho công ty kiểm toán hơn là bảo vệ lợi ích khách hàng.
Xu hướng gần đây cho thấy, các báo cáo kiểm toán thường đưa ra ý kiến loại trừ hoặc các lưu ý khi sử dụng thông tin. Dạng thứ nhất là loại trừ do bị giới hạn phạm vi kiểm toán. Loại ý kiến này có thể không đưa ra được định lượng về ảnh hưởng của vấn đề bị giới hạn đối với tình hình kinh doanh và tài chính của DN. Dạng thứ hai là, loại trừ hoặc lưu ý do những khác biệt giữa BCTC của công ty với các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. Đối với dạng này, về nguyên tắc KTV cần đưa ra đánh giá định lượng đối với kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của DN. Trên cơ sở đó, người sử dụng BCTC có thể dự đoán được hiệu quả sản xuất kinh doanh, nếu DN thực hiện kế hoạch hạch toán theo đề nghị của KTV.
Trên thực tế, nhiều công ty kiểm toán đã lạm dụng việc sử dụng dạng ý kiến loại trừ thứ hai hoặc lưu ý trong trường hợp có những xung đột không thống nhất được với khách hàng. Về thực chất, đây chỉ là hình thức các công ty kiểm toán phòng ngừa rủi ro cho mình, đồng thời đẩy rủi ro cho người sử dụng thông tin trên BCTC. Đa phần những người sử dụng báo cáo kiểm toán không có kiến thức chuyên sâu về kế toán, kiểm toán, vì vậy việc ước lượng những tác động và ảnh hưởng của khoản mục được loại trừ hoặc lưu ý đến BCTC là không đơn giản. Hậu quả là, có nhiều báo cáo kiểm toán gặp phải sự phản ứng mạnh từ phía người sử dụng thông tin khi các rủi ro phát sinh. 
Cụ thể như, trường hợp Báo cáo kiểm toán BCTC năm 2009 của Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) có hai điểm loại trừ và 4 điểm lưu ý, trong đó những điểm lưu ý về “chính sách ghi nhận doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của tổng công ty”, “chênh lệch tỷ giá liên quan đến việc xây dựng Nhà máy xi măng Cẩm Phả và Nhà máy nước sạch Vinaconex”, đây là điểm có thể tác động trọng yếu đến toàn bộ Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2009 của DN. Hậu quả là, tổng công ty đã phải điều chỉnh BCTC sau kiểm toán từ lãi 269 tỷ đồng xuống 6 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến quyết định của nhà đầu tư.
Thứ ba, KTV không kiểm soát được rủi ro kiểm toán trong trường hợp ban giám đốc, quản lý công ty khách hàng thiếu tính trung thực hoặc cố tình gian lận. Nếu ban lãnh đạo đơn vị cố tình làm sai, giả mạo số liệu và sổ sách mà công ty kiểm toán đưa ra những nhận định kiểm toán không đánh giá được đúng tình hình, thì về mặt pháp lý công ty kiểm toán không chịu một chế tài nào. Bởi vì, theo quy định của pháp luật kiểm toán, thì đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm “cung cấp kịp thời, đầy đủ và trung thực mọi thông tin, tài liệu cần thiết cho việc kiểm toán”- khoản 1 Điều 6, Nghị định 105/2004/NĐ-CP về kiểm toán độc lập. Do vậy, có thể công ty kiểm toán chỉ soát xét việc thực hiện các chế độ kế toán có đúng quy trình hay không. Do đó, cũng có trường hợp họ không tập trung phân định được những số liệu giả mạo. Điều này ảnh hưởng không tốt đến uy tín của công ty kiểm toán. 
Cụ thể như trường hợp BCTC năm 2008 và 2009 của Công ty cổ phần dược phẩm Viễn Đông do Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) kiểm toán và tư vấn (A&C) và Công ty TNHH Enrst&Young kiểm toán. Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị  kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần dược phẩm Viễn Đông (DVD) cùng một số người khác đã lập nhiều tài khoản, thông đồng thực hiện việc mua, bán cổ phiếu của công ty cổ phần dược phẩm Hà Tây (DHT) tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu DHT. Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần dược phẩm Viễn Đông cùng một số đối tượng đã lập ra nhiều công ty do người trong gia đình và bạn bè đứng tên làm lãnh đạo, nhưng thực chất chỉ để kinh doanh lòng vòng, tạo doanh thu ảo cho DVD; cung cấp một số thông tin không đúng thực tế (làm giá), nhằm chào bán cổ phiếu của DVD ra công chúng và hỗ trợ đăng ký niêm yết cổ phiếu DVD. Do đó, BCTC của công ty đã không phản ánh đúng tình trạng tài chính của DN. Tuy hai công ty kiểm toán không phải chịu trách nhiệm liên đới, nhưng uy tín đã bị ảnh hưởng đáng kể. 
Hiện nay, một số công ty kiểm toán lớn là thành viên của các tập đoàn kiểm toán trên thế giới đã đổi mới cách tiếp cận kiểm toán theo rủi ro kinh doanh của khách hàng khi đánh giá về rủi ro kiểm toán, thay vì cách đánh giá truyền thống dựa trên các đánh giá và kết luận về các khoản mục trên BCTC. Đây là cách tiếp cận hiệu quả, vì rủi ro kinh doanh là một nhân tố quan trọng tác động đến việc đánh giá rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát, qua đó tác động đến bản chất, thời gian và phạm vi của công việc kiểm toán thông qua các mức độ yêu cầu khác nhau. 
Ngoài ra, quy trình đánh giá rủi ro trong kiểm toán BCTC tại một số công ty kiểm toán là thành viên hãng kiểm toán lớn như Công ty TNHH Pricewaterhouse Coopers, Công ty TNHH KPMG Việt Nam, Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam, Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, còn được hỗ trợ bởi phần mềm kiểm toán và các chương trình kiểm toán riêng. Đây là công cụ hỗ trợ rất hữu ích, giảm thiểu thời gian kiểm toán và nâng cao chất lượng kiểm toán của các công ty kiểm toán.
(Theo tạp chí Thuế Nhà nước)

No comments:

Post a Comment