Không nhiều cái tên bị kiểm toán đặt dấu hỏi và không phải DN nào cũng rơi vào ngõ cụt. Tuy nhiên, phần lớn DN trong diện bị kiểm toán “điểm mặt” đều có những vấn đề đáng lưu tâm.
Ngọc Thủy
Vướng khoản phải thu
Trong số hàng trăm DN đã hoàn thành BCTC kiểm toán năm 2011, những DN bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động không nhiều. Tính sơ bộ chỉ khoảng 5 - 6 DN thuộc “vùng đen”. Tuy nhiên, vấn đề của các DN, đặc biệt liên quan đến khoản phải thu là rất nghiêm trọng. Chính vì thế, từ nghi… đến trúng, tức ngừng hoạt động thực sự của các DN này có nhiều khả năng xảy ra.
DN mới nhất bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động là CTCP Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI). Theo Công ty kiểm toán Deloitte, Deloitte bị hạn chế về phạm vi kiểm toán khi thực hiện BCTC kiểm toán năm 2011 ở PVFI. Đó là kiểm toán không thu thập được các bằng chứng đáng tin cậy về khả năng PVFI thu hồi nợ và dự phòng cần trích lập đối với khoản phải thu từ hợp tác đầu tư ở một CTCK, với tổng số dư là 313,3 tỷ đồng. Khoản phải thu này quá hạn trong năm 2011, còn CTCK mà PVFI hợp tác đã bị đình chỉ giao dịch, đình chỉ lưu ký chứng khoán và mất khả năng thanh toán.
Vấn đề của PVFI còn nằm ở khoản hợp tác đầu tư chứng khoán với CTCK Phố Wall, với số tiền là 72,8 tỷ đồng. Khoản hợp tác này quá hạn từ tháng 3/2010, PVFI đã phong tỏa, quản lý, kinh doanh một phần số cổ phiếu là tài sản đảm bảo cho khoản hợp tác này và nhận cổ tức từ lượng cổ phiếu nêu trên là 23,5 tỷ đồng. PVFI cũng đã trích dự phòng giảm giá khoản đầu tư là 32,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, kiểm toán đã không thu thập được xác nhận số dư từ CTCK, không đánh giá được đầy đủ cơ sở pháp lý của việc quản lý, kinh doanh số chứng khoán trên của PVFI và không thu thập được bằng chứng về khả năng thu hồi giá trị còn lại chưa trích dự phòng.
Chưa kể, PVFI đang có nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 87,3 tỷ đồng, lỗ lũy kế 197,5 tỷ đồng (chưa tính những ảnh hưởng từ hạn chế nêu trên), nợ phải trả cho một cổ đông lớn hơn 115 tỷ đồng. Nợ này đã quá hạn từ tháng 12/2011, nhưng chưa được PVFI thanh toán và chưa được gia hạn. Vì thế, đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, dù theo BCTC năm 2011, dòng tiền của PVFI vẫn dương.
Khó xoay chuyển cục diện
Theo Deloitte, khả năng tiếp tục hoạt động của PVFI phụ thuộc vào tình hình kinh doanh và việc nhận được hỗ trợ từ các cổ đông. Bởi lẽ, dù PVFI đã gửi đơn kiện CTCK ra tòa, cũng như tiến hành trích dự phòng một phần các khoản phải thu khó đòi, nhưng cơ hội để PVFI thu hồi số tiền đã bỏ ra gần như không có. Còn theo nghị quyết ĐHCĐ năm 2012, thì hoạt động kinh doanh của PVFI năm 2012 được dự báo khó khăn hơn, với các chỉ tiêu kế hoạch đề ra sụt giảm so với năm 2011. Điều này đồng nghĩa, PVFI khó có thể thoát vòng thua lỗ như đã xảy ra trong năm 2010 - 2011. PVFI chỉ có thể hy vọng từ sự gia hạn nợ của cổ đông lớn và những nguồn hỗ trợ bên ngoài.
Tình cảnh nêu trên xảy ra tương tự với Café An Giang (AGC), Tập đoàn Thái Hòa (THV), CTCP Tổng hợp Hà Nội (SHN)… Những bế tắc ở SHN có liên quan đến 238 tỷ đồng mà SHN lỡ cho Beta BQP vay. Dù nguyên Tổng giám đốc Beta BQP là ông Nguyễn Anh Quân đã bị bắt, nhưng cơ hội cho SHN lấy lại tiền vẫn rất mong manh. SHN đã trích dự phòng 30% cho khoản phải thu khó đòi này. Lãnh đạo SHN hy vọng, mảng xuất khẩu và thương mại có thể giúp SHN duy trì hoạt động. Nhưng nếu không thu xếp được nợ (nợ ngắn hạn đang cao hơn tài sản ngắn hạn), nguy cơ ngừng hoạt động cho SHN vẫn rất cao.
Ở AGC, tình cảnh cũng bi đát khi Công ty lỗ 144,7 tỷ đồng trong năm 2011, vốn chủ sở hữu bị âm, dòng tiền kinh doanh liên tục âm, nợ ngắn hạn đang vượt tài sản ngắn hạn 104,1 tỷ đồng. Đó là chưa kể, kiểm toán không đảm bảo được tính hợp lý của các số liệu năm 2010, chưa phân loại được tuổi nợ và trích dự phòng khoản phải thu khách hàng có gốc VND, không thu thập được bằng chứng cũng như không thể thực hiện các biện pháp kiểm toán thay thế đối với tính hiện hữu và đầy đủ của số dư “Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi” tại thời điểm 31/12/2011. Các khoản lãi vay quá hạn, lãi phạt do vay ngân hàng cũng không được AGC ghi nhận.
Tuy nhiên, trong những tình thế ngặt nghèo, nếu DN có tài sản để thanh lý như trường hợp Vitaly (VTA) chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trị giá 196,57 tỷ đồng hoặc có lợi thế trong việc thu hút dòng vốn của cổ đông lớn như FBT (được HVG ra tay cứu), thì bế tắc của DN ít nhiều có hướng ra. Bằng chứng là VTA, FBT đã lãi trở lại sau nhiều năm thua lỗ. Nhưng cái giá đánh đổi cho việc được tiếp tục hoạt động là không nhỏ.
(Theo ĐTCK)
No comments:
Post a Comment