Khánh Linh
Mùa đại hội cổ đông đang đến gần, có lẽ năm nay vấn đề lựa chọn các công ty kiểm toán sẽ được các cổ đông xem xét kỹ lưỡng hơn trước khi biểu quyết. Bởi lẽ, phần vì tình hình tài chính của các doanh nghiệp năm nay không dư dả như các năm trước nên mức phí chênh lệch giữa các công ty kiểm toán bình thường và nhóm Big4 sẽ là khoản tiền mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải cũng quan tâm; phần vì bài học về việc tin vào kết quả kiểm toán của công ty kiểm toán Ernst & Young đối với bản báo cáo tài chính của CTCP Dược Viễn Đông (mã chứng khoán: DVD) vẫn còn hiện hữu.
“Ôn” lại bài học DVD
Quá nửa thời gian của năm 2011 câu chuyện về cổ phiếu DVD luôn là đề tài được nhiều người quan tâm nhất trên thị trường chứng khoán.
Tại thời điểm đó, thậm chí đến tận bây giờ nhiều người vẫn mong tìm được câu trả lời thỏa đáng về vai trò, trách nhiệm của công ty kiểm toán Ernst & Young. Vì theo họ, nếu không có Ernst & Young, đơn vị kiểm toán cho DVD, xác nhận những con số kinh doanh ấn tượng ở công ty này, thì nhà đầu tư đã không bị "dính bẫy"!
Luật sư Trần Minh Hải của Công ty Luật Ngân hàng – chứng khoán – đầu tư (Basico) thì cho rằng, để yêu cầu công ty kiểm toán Ernst & Young phải chịu trách nhiệm thì phụ thuộc vào mức độ và nguyên nhân dẫn đến kết quả đánh giá không đúng tình trạng khách quan về tình hình tài chính DVD của công ty kiểm toán. Cụ thể có những trường hợp sau:
Ban lãnh đạo DVD cố tình làm sai, giả mạo số liệu và sổ sách và công ty kiểm toán đưa ra những nhận định kiểm toán do bị qua mặt, không đánh giá được đúng tình hình, thì về mặt pháp lý công ty kiểm toán không chịu một chế tài nào cụ thể.
Khoản 1 Điều 6, Nghị định 105/2004/NĐ-CP về Kiểm toán độc lập cũng quy định đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm “cung cấp kịp thời, đầy đủ và trung thực mọi thông tin, tài liệu cần thiết cho việc kiểm toán”.
Do vậy, có thể Công ty kiểm toán chỉ soát xét việc thực hiện các chế độ kế toán có đúng quy trình hay không. Do đó cũng có trường hợp họ không tập trung nhận biết phân định được những số liệu giả mạo – Luật sư Hải chỉ rõ.
Đồng ý với giả thiết này nhưng nhiều nhà đầu tư lại đặt ra câu hỏi: Nếu như vậy thì họ còn cần công ty kiểm toán làm gì khi việc kiểm toán cũng “bó tay” và nhà đầu tư vẫn “chết” như thường!
Luật sư Hải đưa ra giả thiết thứ hai, có thể đã xảy ra trường hợp thông đồng giữa kiểm toán viên của Ernst & Young và một số lãnh đạo của DVD.
Tuy nhiên, nhiều người trong ngành kiểm toán đã khẳng định đó là không thể. Vì Ernst & Young là một công ty kiểm toán lớn, uy tín toàn cầu không có lý gì để họ làm điều đó.
Bất luận là giả thiết nào đúng, giả thiết nào sai nhưng hiện giờ các nhà đầu tư chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay”, tự nhủ rằng cần phải nâng cao kiến thức về tổ chức hoạt động doanh nghiệp, kiến thức về tài chính, pháp lý và quyền cổ đông của mình.
Trả phí kiểm toán cao sẽ đảm bảo chất lượng?
Còn nhớ tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ X của CTCP Sữa Hà Nội (mã chứng khoán: HNM) tổ chức ngày 28/5/2011 đã có rất nhiều các cổ đông đưa ra ý kiến phản đối về việc lựa chọn công ty kiểm toán cho HNM.
Các cổ đông cho rằng, trong bối cảnh tài chính của công ty đang rất khó khăn (liên tục thua lỗ) thì việc lựa chọn công ty kiểm toán quốc tế (công ty Ernst & Young là đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính 2010 cho HNM) là một sự lãng phí rất lớn.
Theo thống kê, một công ty kiểm toán trong nhóm Big4 có giá phí bình quân 380 triệu hợp đồng kiểm toán, trong khi các công ty của Việt Nam phổ biến 35-50 triệu đồng.
Được biết, về nguyên tắc, giá phí là sự thỏa thuận giữa khách hàng với công ty kiểm toán, Nhà nước không can thiệp.
Tuy nhiên, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho biết, Hội đã xây dựng bộ hồ sơ kiểm toán mẫu cho khoảng 2/3 công ty kiểm toán của Việt Nam thực hiện với giá phí thấp nhất là 50-70 triệu đồng. Thì theo Hiệp hội này, nếu mức phí kiểm toán dưới 50 triệu đồng sẽ không thể thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán cần thiết.
Như vậy có thể thấy rằng, mức phí giữa các công ty kiểm toán bình thường và Big4 có sự chênh lệch rất lớn. Thông thường từ 7 đền 8 lần, có trường hợp chênh đến 10 lần, trường hợp mức phí chênh lệch rất ít chỉ là cá biệt.
Các chuyên gia tài chính khuyên rằng, trong mọi trường hợp, khi thỏa thuận về hợp đồng kiểm toán thì doanh nghiệp niêm yết đều phải cân nhắc mức phí kiểm toán.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì cần có sự cân nhắc kỹ càng hơn khi lựa chọn công ty kiểm toán. Vì mức phí không hoàn toàn quyết định chất lượng kết quả kiểm toán.
Theo TTVN
No comments:
Post a Comment