Kinh tế càng khó khăn, doanh nghiệp càng nghĩ ra nhiều chiêu làm đẹp báo cáo tài chính, bằng cách các thủ thuật hợp lệ lẫn bất hợp lệ để phù phép doanh thu và bùa chi phí.
Cổ phiếu SSS của Công ty Cổ phần Sông Đà 6.06 bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 1.3.2012 do lợi nhuận sau thuế đã kiểm toán năm 2011 là -727 triệu đồng. Trước đó, theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán, doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế 218 triệu đồng. Nguyên nhân của sự khác biệt trên là báo cáo kiểm toán đã điều chỉnh tăng chi phí quản lý doanh nghiệp và giá vốn. Trong điều kiện kinh doanh khó khăn như hiện nay, rủi ro doanh nghiệp sử dụng một số thủ thuật để làm đẹp báo cáo tài chính như SSS không phải là ít.Phù phép doanh thu
Một thủ thuật các doanh nghiệp thường dùng vào cuối năm nhằm tăng con số doanh thu là cung cấp thêm tín dụng cho khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể xuất trước hóa đơn để ghi nhận doanh thu hay thực hiện các hợp đồng “hàng bán có thể trả lại” (nghĩa là thỏa thuận với khách hàng lấy hàng vào cuối năm và đầu năm sau trả lại hàng với lý do nào đó). Nhà đầu tư hoàn toàn có thể phát hiện thủ thuật này thông qua việc so sánh nợ phải thu/doanh thu qua các kỳ của doanh nghiệp. Công ty Cổ phần Xây dựng Điện VNECO (VE1) vừa thoát hiểm ngoạn mục từ chỗ lỗ 2,9 tỉ đồng tính đến quý III trở thành đạt lợi nhuận 89 triệu trong cả năm 2011. Năm qua, VE1 đã cấp một khoản tín dụng khá lớn cho khách hàng, biểu hiện qua việc tỉ số nợ phải thu/doanh thu của tăng từ 76% năm lên 84%.
Doanh nghiệp còn có thể làm tăng lợi nhuận nhờ chuyển giá từ các công ty con hay công ty liên quan khác. Công ty X, có giám đốc là người nhà với giám đốc công ty Y, vào ngày 20.12 mua hàng của công ty Y. Doanh thu từ lô hàng này vừa đủ để Y không bị lỗ trong năm tài chính. Một pha cứu nguy rất đẹp vào phút chót. Thông thường, các công ty dùng thủ thuật này sẽ không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính với các công ty con hoặc không công bố giao dịch với các công ty liên quan.
Doanh nghiệp còn có thể làm tăng lợi nhuận từ chính tài sản cố định. Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, doanh nghiệp không được đánh giá lại giá trị tài sản khi đang sử dụng. Tuy nhiên, nếu dùng tài sản này góp vốn kinh doanh thì sau quá trình định giá theo “giá thị trường” doanh nghiệp sẽ có nguồn lợi nhuận khác đáng kể. Hay đơn giản hơn là thanh lý một số tài sản cố định có giá trị lớn.
Một công ty bị nghi vấn có liên quan đến vấn đề này là Công ty Cổ phần Alphanam (ALP). Trong bối cảnh công ty mẹ lỗ hơn 133 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh, khoản lợi nhuận khác 259 tỉ đồng làm lợi nhuận trước thuế đảo chiều tăng lên gần 126 tỉ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính của Công ty chỉ ghi nhận: “Quý IV, Công ty có thu nhập từ hoạt động góp vốn bằng tài sản”, ngoài ra không giải thích gì thêm. Đáng lưu ý là nguyên giá tài sản cố định hữu hình của công ty mẹ đã giảm khá lớn, khoảng 51 tỉ đồng.
Hay Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) đã thanh lý tài sản với nguyên giá tổng cộng khoảng 231 tỉ đồng trong năm 2011.
Bùa chi phí
Đi đôi với doanh thu là chi phí. Với các thủ thuật hợp lệ lẫn bất hợp lệ, ban giám đốc có thể làm giảm đi chi phí thật sự của doanh nghiệp. Thủ thuật cắt giảm chi phí thường tập trung vào các ước tính kế toán, như thay đổi phương pháp tính khấu hao, chi phí phân bổ trong năm của doanh nghiệp, phương pháp xác định giá vốn. Doanh nghiệp cũng có thể không ghi nhận toàn bộ chi phí sản xuất kinh doanh vào chi phí hoặc giá vốn mà treo lại tại các tài khoản tạm như chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, chi phí chờ phân bổ, tạm ứng...; hay lập các khoản dự phòng nợ phải thu, giảm giá chứng khoán, hàng chậm luân chuyển, hàng hỏng... không chính xác.
Các nhà đầu tư có thể nhận ra hiện tượng bất thường này thông qua việc xem xét các tỉ lệ về giá vốn/doanh thu, chi phí/doanh thu khi các chỉ số này có biến động lớn so với cùng kỳ hoặc so với bình quân ngành khi doanh nghiệp không có biến động lớn về quản lý. Lại thêm một dấu hiệu nghi vấn từ VE1 khi tỉ lệ giá vốn/doanh thu của đơn vị thay đổi từ 88% vào cuối năm 2010 lên tới 91% vào quý III năm 2011 và giảm mạnh còn 81% vào cuối năm.
Việc cắt giảm chi phí thông qua các thủ thuật kế toán cũng thường đi kèm với hiện tượng gia tăng các tài khoản trên bảng tài sản như hàng tồn kho, sản phẩm dở dang, các chi phí phân bổ hoặc sự sụt giảm trong các tài khoản nợ như phải trả người lao động. Chi phí giá vốn sau kiểm toán của SSS tăng lên 780 triệu đồng là do đơn vị kiểm toán đã bổ sung chi phí cho nhân viên 100 triệu đồng, dự phòng mất việc khoảng 40 triệu đồng và ghi nhận thêm chi phí từ các chi phí trả trước.
Doanh nghiệp cũng có thể làm giảm chi phí thông qua việc vốn hóa các khoản chi phí không đủ điều kiện. Theo chuẩn mực kế toán, các chi phí lãi vay phát sinh trong thời gian xây dựng cơ bản được vốn hóa vào giá vốn. Như vậy, doanh nghiệp chỉ cần kéo dài thời gian xây dựng cơ bản qua niên độ tài chính là đã giảm được đáng kể chi phí lãi vay. Vốn hóa các khoản hoa hồng thông qua các hợp đồng tư vấn cũng là một cách giảm chi phí phổ biến. Ngoài hiện tượng phổ biến trên, việc nhà quản lý tăng chi phí vào các năm kinh doanh khó khăn nhằm làm giảm chi phí cho năm sắp tới cũng là rủi ro có thể xảy ra.
Theo Hỏa Ca
Nhịp cầu đầu tư
No comments:
Post a Comment