Lập lờ giá trị
VLF không phải là trường hợp đầu tiên bị kiểm toán lưu ý về việc không tuân thủ quy định của chuẩn mực kế toán về hạch toán khoản đầu tư vào công ty liên kết trên BCTC hợp nhất. Trước đó, một số DN cũng đã rơi vào trường hợp tương tự VLF như CTCP Đầu tư và Xây dựng số 4 (ICON 4, sàn UPCoM) cũng bị kiểm toán lưu ý việc BCTC năm 2010 đã không ghi nhận khoản đầu tư trị giá 28 tỷ đồng vào công ty liên kết theo phương pháp giá gốc, hay CTCP Đầu tư phát triển và xây dựng khu công nghiệp Sông Đà (SJS) trong BCTC giữa niên độ 2011 đã bị công ty kiểm toán ngoại trừ khoản đầu tư vào công ty liên kết, bởi SJS không thu thập đủ BCTC giữa niên độ của các công ty liên kết.
Theo quy định tại chuẩn mực kế toán Việt Nam, khi một công ty sở hữu trên 20% cổ phần của bên nhận đầu tư thì được gọi là công ty liên kết. Khi đó, trong BCTC của riêng NĐT (DN thực hiện đầu tư), khoản đầu tư vào công ty liên kết được kế toán theo phương pháp giá gốc. Còn trong BCTC hợp nhất của NĐT, khoản đầu tư vào công ty liên kết được kế toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu.
Theo nguyên tắc, việc hợp nhất BCTC phải được tiến hành khi BCTC của các công ty được lập cùng thời điểm. Còn trong BCTC hợp nhất của NĐT, khoản đầu tư vào công ty liên kết được kế toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu.
Trở lại trường hợp của VLF, với lý do không nhận được BCTC từ công ty liên kết, VLF đã ghi nhận khoản đầu tư theo phương pháp giá gốc. Có nghĩa là khoản đầu tư trị giá 5 tỷ đồng vào Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn - Vĩnh Long chỉ được công ty này ghi nhận nguyên giá mà không đưa ra số liệu về lãi (lỗ) của khoản đầu tư cũng như những thay đổi về giá trị của khoản đầu tư trong công ty liên kết.
Rõ ràng, với việc ghi nguyên giá khoản đầu tư này vào công ty liên kết, BCTC của VLF đã không cung cấp cho người đọc thông tin tài chính trung thực và hợp lý bởi hoạt động kinh doanh luôn vận động, giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết kia không thể cứ “đứng nguyên” như vậy.
Giải trình khó thuyết phục
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp “hoán đổi” phương pháp kế toán khoản đầu tư vào công ty liên kết đều bị kiểm toán ngoại trừ nếu việc hạch toán vẫn tuân thủ nguyên tắc trung thực và hợp lý.
CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm Cà Mau là một ví dụ. Công ty này có khoản đầu tư 1,192 tỷ đồng vào công ty liên kết là Công ty TNHH Chế biến cá xuất khẩu Cà Mau. Khi lập BCTC năm 2010, CTCP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Cà Mau đã kế toán khoản đầu tư vào công ty liên kết này theo phương pháp giá gốc bởi công ty liên kết này đã ngưng hoạt động từ năm 2008, đã mở thủ tục phá sản nên không thể thoả mãn điều kiện lập BCTC cùng thời điểm, không có những số liệu chính xác về giá trị còn lại của khoản đầu tư và CTCP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Cà Mau đã tiến hành trích lập dự phòng 100% giá trị khoản đầu tư này.
Trong khi đó, nhờ khoản đầu tư vào công ty liên kết mà một số DN lại có những cú “thoát hiểm” ngoạn mục như trường hợp SSI. Với việc tăng sở hữu tại CTCP Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) để biến công ty này thành công ty liên kết, trong quý IV/2011, SSI đã tránh được một khoản trích lập dự phòng lên tới hàng trăm tỷ đồng của khoản đầu tư vào cổ phiếu HVG và được ghi nhận lợi nhuận từ kết quả kinh doanh của HVG.
Một số chuyên gia kế toán cho rằng, với việc áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu có thể làm giá trị của khoản đầu tư cao hơn, do vậy, các công ty có khoản đầu tư này thường được lợi. Vậy tại sao khi không rơi vào các trường hợp mà chuẩn mực kế toán ngoại trừ việc sử dụng phương pháp kế toán vốn chủ sở hữu và chuẩn mực kế toán đã có hướng dẫn cách xử lý đối với trường hợp BCTC của các công ty liên kết không được lập cùng thời điểm với BCTC hợp nhất của NĐT mà những DN này lại không chọn phương pháp hạch toán có thể đem lại số liệu tích cực hơn trên BCTC hợp nhất của họ?
Cho dù kế toán khoản đầu tư vào công ty liên kết là một nghiệp vụ rất phức tạp nhưng việc DN “hoán đổi” phương pháp hạch toán với lý do không thu thập được BCTC của công ty liên kết tại thời điểm hợp nhất BCTC là không thể chấp nhận được. Trong trường hợp này, người đọc BCTC hoàn toàn có quyền suy luận: liệu có phải DN đang né tránh việc ghi nhận giá trị của khoản đầu tư này theo phương pháp vốn chủ sở hữu vì sự thay đổi của phần sở hữu của DN trong tài sản thuần của bên nhận đầu tư sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của DN?
Và với bất kỳ lý do nào thì việc BCTC của DN bị kiểm toán ngoại trừ một khoản mục như khoản đầu tư vào công ty liên kết đã ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của DN. Để nâng cao tính minh bạch thông tin tài chính của công ty niêm yết, thiết nghĩ, không chỉ cần phía DN tuân thủ những chuẩn mực, chế độ kế toán mà cơ quan quản lý cũng cần mạnh tay hơn với những trường hợp giải trình kiểu “thế nào cũng xong” này.
Theo Chuẩn mực kế toán số 07 - Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết (ban hành kèm theo Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC ngày 30/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính), trong BCTC của riêng NĐT (DN), khoản đầu tư vào công ty liên kết được kế toán theo phương pháp giá gốc. Trong BCTC hợp nhất của NĐT (DN), khoản đầu tư vào công ty liên kết được kế toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu, trừ khi: Khoản đầu tư này dự kiến sẽ được thanh lý trong tương lai gần (dưới 12 tháng); hoặc (b) Công ty liên kết hoạt động theo các quy định hạn chế khắt khe dài hạn làm cản trở đáng kể việc chuyển giao vốn cho NĐT.
Trường hợp này, các khoản đầu tư được phản ánh theo giá gốc trong BCTC hợp nhất của NĐT (DN).
NĐT (DN) áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu phải sử dụng BCTC hiện hành của công ty liên kết được lập cùng ngày với BCTC của NĐT (DN). Khi không thể thực hiện được điều đó thì các BCTC lập vào những ngày khác nhau mới được sử dụng. Khi đó, việc điều chỉnh phải được thực hiện cho các ảnh hưởng của các sự kiện và giao dịch trọng yếu giữa NĐT (DN) và công ty liên kết phát sinh giữa ngày lập BCTC của NĐT (DN) và ngày lập BCTC của công ty liên kết.
Phương pháp vốn chủ sở hữu là phương pháp kế toán mà khoản đầu tư được ghi nhận ban đầu theo giá gốc, sau đó được điều chỉnh theo những thay đổi của phần sở hữu của nhà đầu tư trong tài sản thuần của bên nhận đầu tư. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phải phản ánh phần sở hữu của NĐT trong kết quả kinh doanh của bên nhận đầu tư.
Phương pháp giá gốc là phương pháp kế toán mà khoản đầu tư được ghi nhận ban đầu theo giá gốc, sau đó không được điều chỉnh theo những thay đổi của phần sở hữu của nhà đầu tư trong tài sản thuần của bên nhận đầu tư. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh chỉ phản ánh khoản thu nhập của NĐT được phân chia từ lợi nhuận thuần luỹ kế của bên nhận đầu tư phát sinh sau ngày đầu tư.
Phan Hằng PhươngĐTCK
No comments:
Post a Comment