Tuesday, June 14, 2011

Thực phẩm: Càng lòe loẹt càng lo

Cảm quan và màu sắc bắt mắt của thực phẩm cũng là yếu tố hấp dẫn thực khách. Chả thế mà chiếc bánh xu xê, bánh cốm, miếng chả quế... màu sắc đẹp quyến rũ hơn hẳn để nguyên màu của nguyên liệu. Nhưng ẩn sau những màu sắc bắt mắt đó là nỗi lo ATVSTP.

Những con số giật mình

Tại hội thảo về phụ gia thực phẩm vừa được tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS Phan Thị Sửu (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam) cho biết qua kiểm tra 203 mẫu nguyên liệu gồm 9 loại màu trên thị trường thì 100% màu xanh dương, tím nho, hồng đều là màu không nằm trong danh mục cho phép, chỉ có 2/32 màu xanh lá cây nằm trong danh mục được phép sử dụng.

Còn TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia, cho biết: qua kiểm nghiệm 60 mẫu xúc xích về chỉ tiêu chất bảo quản, phẩm màu và chất điều vị cho thấy 8/60 mẫu (13%) có sử dụng chất bảo quản natri benzoate (hàm lượng trong mức cho phép). Kiểm tra 30 mẫu hạt dưa về chỉ tiêu phẩm màu ngoài danh mục cho thấy 17/30 mẫu có sử dụng chất nhuộm màu bị cấm Rhodamin A, 27/30 mẫu ớt bột được kiểm nghiệm cũng xuất hiện loại chất nhuộm màu nguy hiểm này. Thông thường, Rhodamin B tạo được hạt dưa có màu đỏ bắt mắt và lâu phai hơn loại phẩm màu thực phẩm, giá thành lại rẻ hơn, nhưng thực phẩm được nhuộm màu bằng loại phụ gia này, càng đẹp càng bắt mắt, lại càng nguy hiểm cho người dùng.

Chính vì lý do này, giới chuyên môn khuyến cáo thực phẩm càng có màu loè loẹt, càng có nguy cơ được nhuộm bằng phẩm màu ngoài danh mục.

Nguy cơ với sức khỏe

“Trên thị trường hiện đang có nhiều thực phẩm có màu loè loẹt như bánh xu xê, bánh các loại, nước giải khát. Nếu các phẩm màu được dùng thuộc danh mục cho phép thì cũng đã là lạm dụng vì màu quá đậm. Trường hợp màu không thuộc danh mục cho phép thì rất nguy hiểm cho sức khoẻ người tiêu dùng. Đã có những vụ ngộ độc hàng loạt do ăn xôi gấc được nhuộm bằng màu công nghiệp”, bà Sửu cho hay.

Cụ thể, các chất màu đã bị cấm dùng trong thực phẩm cho trẻ dưới 3 tuổi tại châu Âu từ 20/7/2010 sẽ có thể gây ra các nguy cơ như: brilliant blue sử dụng trong chế biến sữa, thạch, xiro, đồ uống, kẹo... có thể gây dị ứng ở người; chất erythrosine sử dụng trong chế biến kẹo, bánh nướng, gia vị, thực phẩm ăn nhẹ có khả năng gây ung thư tuyến giáp; chất allura red sử dụng trong chế biến thực phẩm ăn nhẹ, nước uống không cồn có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi ở người, chứng hiếu động thái quá ở trẻ em.

Hãy quay về với thiên nhiên!

Trên thị trường, hiện đã có những loại phụ gia giúp thực phẩm đạt yêu cầu chất lượng nhưng vẫn đảm bảo sức khoẻ người sử dụng. Như chất phụ gia giúp giò lụa, giò bò được dai, giòn mà không cần hàn the. Các loại phụ gia giúp thực phẩm có hương vị ngon hơn như hương sữa, hương lá dứa, thậm chí là vị thịt bò cho nồi nước phở thêm đậm đà. Từ xa xưa, ông cha ta cũng đã biết dùng các chất màu tự nhiên từ thực vật, như màu đỏ từ gấc, cà chua, ớt chín, hạt điều nhuộm, rau dền, vỏ quả thanh long, màu vàng từ nghệ và hoa dành dành, màu tím từ hoa dâm bụt chua, vỏ quả nho, quả dâu, lá cẩm, sâm đại hành, màu xanh từ lá tre, lá dứa thơm, lá riềng và rau ngót.

Tất nhiên với sản xuất thực phẩm quy mô lớn… thật khó để lấy nghệ và hoa dành dành tạo nên màu vàng, hay lấy lá cẩm tạo màu tím cho sản phẩm, tuy nhiên sử dụng phẩm màu và các chất phụ gia được phép, tránh ảnh hưởng sức khoẻ cho người dùng chính là bảo vệ thanh danh của công ty, từ đó tăng lượng hàng bán ra. Đó chả phải là điều mà tất cả mọi người đang kinh doanh thực phẩm, từ bà hàng xôi đến ông doanh nghiệp đều mong muốn hay sao?

Theo Sức khỏe & An toàn thực phẩm

No comments:

Post a Comment