Sunday, June 5, 2011

Luật Kiểm toán độc lập nâng tầm hoạt động kiểm toán

Luật Kiểm toán độc lập

nâng tầm hoạt động kiểm toán

Bà Hà Thị Ngọc Hà

Luật Kiểm toán độc lập (Luật KTĐL) số 67/2011/QH12 đã được Quốc hội thông qua ngày 29/3/2011 và ngày 8/4/2011 đã được Chủ tịch nước ký Lệnh số 06/L-CTN công bố Luật. Việc ban hành Luật KTĐL tạo ra khung pháp lý cao nhất về kiểm toán độc lập, góp phần nâng cao hiệu lực pháp lý và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tăng cường quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán (DNKT), kiểm toán viên (KTV) hành nghề và đơn vị được kiểm toán cũng như của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán độc lập. Luật cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với dịch vụ kiểm toán, đặc biệt là đơn vị có lợi ích công chúng, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, Nhà nước và tổ chức, cá nhân có liên quan.

TS. Hà Thị Ngọc Hà,

Phó Vụ trưởng, Vụ Chế độ KT

và kiểm toán, Bộ Tài chính

L

uật KTĐL gồm 8 chương, 64 điều, quy định về nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hoạt động kiểm toán độc lập; quyền, nghĩa vụ của KTV hành nghề, DNKT, chi nhánh DNKT nước ngoài tại Việt Nam và đơn vị được kiểm toán. Luật cũng quy định một số nội dung liên quan đến kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng; quy định về xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp trong hoạt động kiểm toán độc lập.

Luật KTĐL có nhiều điểm đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, mở rộng đối tượng dự thi KTV và quy định đăng ký hành nghề kiểm toán phù hợp với thông lệ quốc tế, khắc phục hạn chế của các quy định hiện hành về điều kiện dự thi KTV và điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm toán ngày càng tăng.

Về mở rộng đối tượng dự thi KTV, Theo Điều 14, những người không có bằng đại học chuyên ngành nhưng có bằng thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành trên, những người có bằng đại học chuyên ngành khác có tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán, phân tích tài chính, thuế, luật kinh tế… chiếm khoảng 10% học trình (hoặc tiết học) cả khóa học cũng được dự thi. Sinh viên thuộc các đối tượng trên ngay sau khi tốt nghiệp đại học đã được dự thi.

Về đăng ký hành nghề kiểm toán (Điều 15), trước hết chỉ cần đăng ký hành nghề cho người cần ký báo cáo kiểm toán. Đó là những người đã được cấp chứng chỉ KTV và đã có 36 tháng thực tế làm kiểm toán ở DNKT, Kiểm toán Nhà nước, hoặc kiểm toán nội bộ và đã tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức theo quy định. Người đủ điều kiện đăng ký hành nghề sẽ được Bộ Tài chính cấp "Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán" và phải nộp lệ phí theo quy định. Giấy này chỉ có giá trị khi người có tên có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một DNKT. Những người được cấp chứng chỉ KTV trước ngày 01/01/2012 không phải tuân thủ điều kiện 36 tháng thực tế làm kiểm toán.

Thứ hai, quy định về cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Trước đây, khi thành lập, DNKT chỉ thực hiện đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT) các tỉnh, thành phố và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nay là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp). Luật KTĐL (Điều 14) quy định Bộ Tài chính hướng dẫn việc đăng ký, cấp và thu hồi "Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán". Theo đó, sau khi tiến hành các thủ tục đăng ký kinh doanh như đối với các doanh nghiệp khác tại Sở KH&ĐT, DNKT chỉ được cung cấp dịch vụ kiểm toán khi đủ điều kiện được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Quy định trên là hết sức cần thiết nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ kiểm toán.

Thứ ba, về thi chuyển đổi của người có chứng chỉ KTV nước ngoài. Khoản 2 Điều 14 quy định người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận, muốn được công nhận là KTV để được đăng ký hành nghề kiểm toán ở Việt Nam thì phải tham gia và đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam.

Thứ tư, về thành lập chi nhánh DNKT hoặc chi nhánh của DNKT nước ngoài (Điều 20), phải có 2 người đủ điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán không bao gồm 5 KTV hành nghề đã đăng ký ở doanh nghiệp, trong đó giám đốc chi nhánh DNKT phải là KTV hành nghề.

Thứ năm, về loại hình DNKT. Luật KTĐL (Điều 20) quy định DNKT được thành lập và hoạt động theo 3 hình thức: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) có từ 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, trừ các DNKT TNHH một thành viên có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động đến hết thời hạn của Giấy phép đầu tư.

Thứ sáu, về tổ chức được góp vốn thành lập DNKT. Khoản 1 Điều 21 quy định: Các tổ chức được góp vốn với các cá nhân để thành lập DNKT TNHH có 2 thành viên trở lên, nhưng mức vốn đóng góp không được vượt quá mức do Chính phủ quy định và phải cử người đại diện là KTV hành nghề. DNKT không được góp vốn vào DNKT khác, trừ góp vốn để thành lập Liên doanh kiểm toán với nước ngoài.

Thứ bảy, đối tượng kiểm toán bắt buộc được mở rộng (Điều 37). Trước đây, Nghị định số 105/2004/NĐ-CP chỉ yêu cầu 2 đối tượng bắt buộc phải được DNKT kiểm toán là BCTC hàng năm của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và báo cáo quyết toán các dự án đầu tư hoàn thành từ nhóm A trở lên. Theo quy định của Luật KTĐL, đối tượng bắt buộc phải kiểm toán được mở rộng hơn, Điều 37 quy định BCTC hàng năm của DNNN và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước (trừ DNNN, các dự án hoạt động trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước) và BCTC hàng năm của DNKT phải được DNKT kiểm toán. Ngoài ra khoản 2 Điều 37 quy định: doanh nghiệp, tổ chức có vốn góp của Nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước khác do Chính phủ quy định phải được kiểm toán đối với BCTC hàng năm hoặc báo cáo quyết toán dự án hoàn thành. Điều 53 quy định các đơn vị có lợi ích công chúng phải được kiểm toán BCTC hàng năm như tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, công ty đại chúng, tổ chức phát hành...doanh nghiệp, tổ chức khác có liên quan đến lợi ích công chúng do tính chất và quy mô hoạt động…

Thứ tám, việc bắt buộc phải được DNKT kiểm toán BCTC (Điều 37) và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đối với doanh nghiệp, tổ chức theo quy định không thay thế cho việc kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng bắt buộc phải được DNKT kiểm toán đối với BCTC hàng năm và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành nhưng vẫn có thể nằm trong kế hoạch kiểm toán sau đó của Kiểm toán Nhà nước.

Thứ chín, về ý kiến kiểm toán. Luật KTĐL (Khoản 2, Điều 48) quy định: "Bộ Tài chính quy định nội dung không được ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán phù hợp với chuẩn mực kiểm toán". Theo đó, đơn vị được kiểm toán có nghĩa vụ thực hiện yêu cầu của KTV hành nghề và DNKT về việc điều chỉnh các sai sót để báo cáo kiểm toán không có ý kiến ngoại trừ đối với các nội dung không được ngoại trừ theo quy định nói trên.

Thứ mười, về kiểm toán BCTC của các đơn vị có lợi ích công chúng (từ Điều 53 đến Điều 58). Luật KTĐL dành cả Chương VII, với 6 điều để quy định về kiểm toán BCTC của đơn vị có lợi ích công chúng, đó là các doanh nghiệp, tổ chức mà tính chất và quy mô hoạt động có liên quan nhiều đến lợi ích công chúng nên phải được kiểm toán, như tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, công ty đại chúng, tổ chức phát hành, tổ chức kinh doanh chứng khoán, doanh nghiệp, tổ chức khác liên quan đến lợi ích công chúng do tính chất và quy mô hoạt động… Theo các quy định tại Chương VII, các đơn vị có lợi ích công chúng, bắt buộc phải thiết kế phù hợp, vận hành có hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ và thực hiện kiểm toán nội bộ. Các đơn vị này chỉ được lựa chọn DNKT đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Bộ Tài chính do cơ quan có thẩm quyền chấp thuận để kiểm toán BCTC.

Thứ mười một, quy định tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán (hay còn gọi là Hội nghề nghiệp - Điều 12). Lần đầu tiên, Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán được quy định trong văn bản pháp luật cao và là một đối tượng điều chỉnh của Luật KTĐL. Các nội dung quy định tại Điều 12 Luật KTĐL và các công việc Bộ Tài chính đã và tiếp tục xem xét để chuyển giao cho Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán thể hiện rõ quan điểm về quản lý hoạt động kiểm toán độc lập của Việt Nam được triển khai thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý Nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, bảo đảm việc tuân thủ pháp luật, chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của KTV, KTV hành nghề và DNKT theo quy định của Luật này, của Chính phủ và của Bộ Tài chính.

Kiểm toán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có phạm vi ảnh hưởng rộng, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước sử dụng báo cáo kiểm toán mà công chúng đầu tư và mọi tổ chức, cá nhân có lợi ích trực tiếp, gián tiếp với doanh nghiệp đều có nhu cầu sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính (BCTC). Việc ban hành khuôn khổ pháp lý cao, chặt chẽ, sẽ tạo điều kiện cho công tác giám sát chất lượng, phòng ngừa thiệt hại cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp, nhà đầu tư và quan trọng là đáp ứng mục tiêu góp phần tăng cường quy mô, chất lượng dịch vụ và tính độc lập của ngành nghề này.

(Theo ĐTCK)

Nguồn VACPA

No comments:

Post a Comment