Wednesday, June 29, 2011

SỨC MẠNH DELOITTE: CHIẾN LƯỢC QUỐC TẾ HÓA NHÂN VIÊN

Søc m¹nh deloitte

CHIẾN LƯỢC QUỐC TẾ HÓA NHÂN VIÊN

Bà Hà Thu Thanh

“Nếu bạn hỏi tôi điều gì tạo nên sức mạnh, sự phát triển thành công và bền vững cho Deloitte trong suốt 20 năm qua thì tôi không ngần ngại mà trả lời đó chính là đội ngũ nhân viên của Deloitte Việt Nam được tôi luyện, rèn rũa trong một môi trường chuyên nghiệp dưới một chiến lược mà chúng tôi gọi là “Chiến lược quốc tế hóa nhân viên”.

Bà Hà Thu Thanh

TGĐ - Công ty Deloitte Việt Nam

T

háng 5 năm 2011 là một năm có ý nghĩa đặc biệt với Deloitte Việt Nam, khi Bộ Tài chính và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) tổ chức Hội nghị tổng kết và Lễ kỷ niệm 20 kiểm toán độc lập, thì cũng là lúc Công ty Deloitte Việt Nam tổ chức kỷ niệm 20 năm chặng đường phát triển và thành công. Nhìn lại suốt 20 năm đó, một trong những thành công cốt lõi, giá trị lớn lao và tài sản vô hình của Công ty chính là đội ngũ nhân viên với chiến lược đào tạo nhân viên bền bỉ - Chiến lược Quốc tế hóa nhân viên.

Là công ty kiểm toán độc lập đầu tiên thành lập ở Việt Nam, hoạt động chuyên ngành dịch vụ tư vấn Tài chính – Kế toán – Quản trị doanh nghiệp và Kiểm toán độc lập, Deloitte Việt Nam (tiền thân là Công ty kiểm toán Việt Nam - VACO) đã và luôn xác định rằng danh tiếng và uy tín của công ty được tạo dựng bởi đội ngũ nhân viên, chất lượng của đội ngũ nhân viên chính là chất lượng dịch vụ đem lại sự hài lòng và tin tưởng của khách hàng. Vì vậy, ngay từ khi thành lập, Deloitte Việt Nam đã thiết lập hệ thống quản trị nhân sự và hoàn thiện hệ thống này qua từng năm phát triển nhằm tạo ra các động lực khuyến khích nhân viên bao gồm từ khâu tuyển dụng, đào tạo, đánh giá và phát triển nhân viên, phát triển văn hóa công ty.

“Đạo tạo và phát triển như là một phần tất yếu trong “cuộc sống – sự phát triển của Deloitte”, nó vừa là mục tiêu mà công ty đề ra nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa là phương tiện để nhân viên phát triển nghề nghiệp, tạo được sự cam kết cao của nhân viên và qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh. Ban Lãnh đạo của VACO – tiền thân của Deloitte ngày này đã sớm xác định rằng, xu thế hội nhập quốc tế và kinh tế toàn cầu hóa là tất yếu và yêu cầu của khách hàng về chất lượng dịch vụ ngày càng cao, đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực là ưu tiên hàng đầu vì đó chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Do đó, “ Quốc tế hóa đội ngũ nhân viên” mà biện pháp chủ yếu là tăng cường các khóa đào tạo nhân viên theo cấp bậc khác nhau nhằm tạo dựng một đội ngũ nhân viên có đủ năng lực và kiến thức để cung cấp các dịch vụ với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các chương trình đào tạo được xây dựng theo chiến lược cho mỗi 5 năm, và cụ thể hóa theo các khóa đào tạo từng năm. Các chương trình đào tạo dài hạn ở nước ngoài được xác định cùng với việc xác định các nhân viên tài năng của công ty có thể tham gia các chương trình này. Các khóa đào tạo hàng năm được xây dựng cụ thể theo định hướng phát triển dịch vụ của Deloitte Việt Nam, theo hướng dẫn thống nhất của Deloitte toàn cầu, ngoài các chương trình cơ bản như đào tạo về chuẩn mực nghề nghiệp kiểm toán, kế toán và kỹ thuật nghiệp vụ kế toán, kiểm toán và nâng cao kỹ năng tư vấn trong lĩnh vực tài chính, Thuế, quản trị, ... Deloitte Vietnam còn tập trung nhiều vào các chương trình đào tạo kỹ năng mềm bao gồm cả kỹ năng phát triển nghề nghiệp và kỹ năng sống cho mọi cấp bậc nhân viên. Chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư cho công tác đào tạo nhân viên. Chi phí đào tạo của Deloitte Việt Nam tăng lên hàng năm, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi phí của Công ty và có lẽ chi phí đào tạo của chúng tôi luôn cao nhất trong các công ty kiểm toán và tư vấn .

Có thể nói Deloitte Việt Nam hiện nay đã và vẫn là công ty lớn nhất và duy nhất cho tới thời điểm này có được đội ngũ lãnh đạo được đào tạo và tôi luyện trong môi trường chuyên nghiệp Quốc tế. Nhìn trước được xu hướng phát triển của thị trường Kiểm toán, Ban lãnh đạo VACO đã vạch ra Chiến lược “Quốc tế hóa nhân viên” và kiên trì, bền bỉ với chiến lược đó trong suốt 20 năm qua. Mốc năm 1995, khi liên doanh kiểm toán VACO- Deloitte Touche Tohmatsu được thành lập, cùng với sự tham gia quản lý và điều hành đầy đủ và sâu rộng của ban lãnh đạo Công ty đánh dấu bước khởi đầu của chiến lược Quốc tế hóa nhân viên. Mốc lịch sử này của Công ty có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nó không chỉ đánh dấu bước ngoặt của VACO mà là với cả ngành KTĐL non trẻ của Việt Nam, nó đánh dấu giai đoạn hội nhập đầu tiên của KTĐL Việt Nam, tạo điều kiện cho các kiểm toán viên người Việt Nam có cơ hội nhiều nhất được đào tạo một cách toàn diện khi làm việc ở một mô hình công ty liên doanh kiểm toán và cũng chính là mốc đánh dấu bước khởi đầu cho Chiến lược “Quốc tế hóa nhân viên” của Deloitte. Có thể nói Chiến lược quốc tế hóa nhân viên là một kết quả tất yếu của sự hội nhập của Deloitte, của ngành kiểm toán độc lập Việt Nam với thế giới. Chiến lược Quốc tế hóa bắt đầu bằng một loạt các chuyến đi học tập, làm việc tại các văn phòng của Deloitte tại Hoa Kỳ của các cấp lãnh đạo của Deloitte Việt Nam mà tôi chính là người Việt Nam đầu tiên được cử sang Mỹ để học kiểm toán, làm kiểm toán và mang những kinh nghiệm, kiến thức tích lũy được về để đóng góp vào sự phát triển của ngành kiểm toán Việt Nam nói chung và để xây dựng Deloitte Việt Nam nói riêng.

Trải qua một chặng đường dài bền bỉ với Chiến lược quốc tế hóa nhân viên, Ban Giám đốc Deloitte Việt Nam có thể tự hào khi nhìn lại 20 năm thành lập và phát triển với một niềm tin mãnh liệt rằng chiến lược Ban lãnh đạo công ty đưa ra đã không hề lệch hướng, chiến lược đó đã và đang mang lại cho chúng tôi một sức mạnh to lớn để giúp Deloitte Việt Nam phát triển ngày càng lớn mạnh và bền vững. Có chăng, chiến lược này đang ngày càng được củng cố hơn, sâu rộng hơn. Chúng tôi không chỉ cử các cấp lãnh đạo đi đào tạo, mà các nhân viên xuất sắc của chúng tôi đã và đang được cử tới học tập và làm việc ở các môi trường khác nhau trên thế giới, không chỉ là thị trường Mỹ mà còn là các thị trường mới, các văn phòng Deloitte trên toàn cầu như Canada, Trung Quốc, Singapore, Malaysia…Với việc tập trung quốc tế hóa đội ngũ nhân viên, chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi đã và đang tạo dựng nên một thế hệ nhân viên mới của Deloitte có đủ tài, đủ trí, đủ lực để có thể cọ xát với môi trường quốc tế và một đội ngũ lãnh đạo kế cận cho sự phát triển bền vững của Deloitte Việt Nam.

Gần 30 lượt nhân viên được cử đi học kiểm toán và tư vấn dài hạn (18 tháng) tại Mỹ, Canada theo chương trình Phát triển nhân viên Toàn cầu của Deloitte nhằm thu được những kinh nghiệm và kiến thức kiểm toán quốc tế; hơn 50 lượt người mỗi năm tham gia các khóa học ngắn hạn (1-2 tháng) tại các nước trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và Châu Âu nhằm cập nhật các chuẩn mực hoặc kỹ thuật mới nhất về kế toán, kiểm toán của các Hiệp hội nghề nghiệp quốc tế và của Hãng Deloitte Touche Tohmatsu quốc tế là những con số ấn tượng trong chiến lược quốc tế hóa nhân viên của Deloitte mà không phải công ty kiểm toán nào cũng có được.

Ngoài ra, Bảng vàng thành tích trong chiến lược quốc tế hóa nhân viên còn ghi nhận hơn 100 nhân viên chuyên nghiệp đã và đang tham gia học chương trình kiểm toán viên Công chứng Anh (ACCA) và hàng chục người có bằng cấp quốc tế được công nhận như CPA Mỹ, hoặc ACCA Anh, MBA Mỹ, Australia, Singapore…

Tuy nhiên, nếu chỉ cử người đi đào tạo theo các Chương trình quốc tế thì chưa đủ. Một trong những điểm khác biệt trong chiến lược quốc tế hóa nhân viên này là việc sử dụng chính những nhân viên được cử đi đào tạo này để đào tạo lại cho những nhân viên khác theo chương trình “Train the Trainers” (Chương trình đào tạo giảng viên nội bộ). Đây là một điểm đáng tự hào của chúng tôi bởi thông qua việc chia sẻ nội bộ và tự đào tạo lẫn nhau, chúng tôi đã đồng thời triển khai được luôn “văn hóa chia sẻ” (sharing culture), vốn là niềm tự hào không chỉ của Deloitte toàn cầu mà còn là niềm tự hào của mỗi nhân viên Deloitte Việt Nam chúng tôi, một đặc điểm riêng có của Deloitte và một trong những điểm mang tới danh tiếng của Deloitte nói chung và của Deloitte Việt Nam nói riêng.

Đồng thời, Ban đào tạo của Deloitte là trung tâm xử lý thông tin và các chương trình đào tạo quốc tế để thực hiện các điều chỉnh cần thiết cho phù hợp với tình hình Việt Nam. Mặt khác, Deloitte đã thực hiện việc kiểm soát chất lượng nhân viên và chất lượng các khóa đào tạo bằng việc soát xét của các chuyên gia Deloitte quốc tế làm việc tại Deloitte Việt Nam. Deloitte Việt Nam thường xuyên có 5 chuyên gia quốc tế của Deloitte toàn cầu tại công ty để thực hiện nhiệm vụ chính là soát xét chất lượng kiểm toán, thông qua đó cũng là thực hiện đào tạo nhân viên.

Bước sang chặng đường phát triển mới, “chiến lược quốc tế hóa nhân viên” cũng cần có những đổi mới mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn và bền vững hơn, đó chính là tạo dựng Deloitte Việt Nam trở thành một “Doanh nghiệp học tập” (Learning organisation) và xây dựng thành công một tinh thần ham học, hay nói văn hoa hơn là một “Văn hóa học tập” (Learning culture). Vì vậy, từ các thành viên Ban Giám Đốc đến nhân viên mới của Deloitte đều đã và đang theo đuổi những khóa học của mình với một mong muốn luôn luôn phát triển chính bản thân mình, vượt lên trên những gì mình đang có. Thêm vào đó, bằng những tiêu chí khi đánh giá nhân viên hàng năm và trong từng hợp đồng kiểm toán, mỗi nhân viên có kinh nghiệm hơn đều phải có trách nhiệm làm giảng viên hoặc hướng dẫn viên cho nhân viên ít kinh nghiệm hơn, đó là một phần nhiệm vụ quan trọng làm cơ sở để đánh giá khả năng phát triển cùng Công ty.

Năm 2011, một năm đặc biệt đánh dấu 20 năm thành lập và phát triển của ngành kiểm toán Việt Nam và cũng là đánh dấu 20 năm phát triển và thành công của Deloitte Việt Nam; “chiến lược Quốc tế hóa nhân viên” của Deloitte Việt Nam trong 20 năm qua đã giúp khẳng định được trình độ và chất lượng nhân viên kiểm toán và tư vấn Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiếp thêm lòng tin và sức mạnh cho ngành kiểm toán của Việt Nam, tăng cường năng lực cạnh tranh với các hãng kiểm toán khác trên thị trường Việt Nam và trong khu vực, hướng đến mục tiêu được quốc tế công nhận hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam./.

************

(Nguồn: VACPA)

No comments:

Post a Comment