Friday, April 19, 2013

Đi tìm lẽ sống trong bi kịch: Tôi ơi đừng tuyệt vọng!

Là một marketer, việc phân tích tâm lý khách hàng có lẽ là một trong những công việc quan trọng nhất của bạn. Hiểu khách hàng, đưa thông điệp phù hợp và hấp dẫn chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Ngoài công việc, ứng dụng tâm lý từ việc học hỏi chưa bao giờ là thừa. Nếu bạn phải thuyết phục một người khác, một người định tự tử bỏ ý định đó bạn sẽ làm gì?

Hãy hiểu tâm lý bế tắc của người tự tử: khi không còn khả năng thay đổi hoàn cảnh - như mắc phải căn bệnh ung thư giai đoạn cuối - người có ý định tự tử sẽ dễ lâm vào tình trạng tuyệt vọng, chán nản, muốn bỏ tất cả, không quan tâm tới điều gì nữa. Làm thế nào để thay đổi ý định đó?  Làm thế nào để đối diện với nỗi đau, tội lỗi và cái chết?



Tôi ơi, đừng tuyệt vọng
Một bác sĩ đa khoa nhờ Viktor Frankl tư vấn vì mắc bệnh trầm cảm.
Ông không thể vượt qua được nỗi đau mất vợ 2 năm trước, bà ấy là người mà ông yêu thương nhất đời. Giờ tôi có thể làm gì để giúp ông? Tôi nên nói điều gì? Và tôi đã không nói gì với ông ngoại trừ một câu hỏi: "Bác sĩ, điều gì sẽ xảy ra nếu như ông chết trước và vợ ông là người ở lại?". "," - ông thốt lên, - "điều đó thật khủng khiếp với bà ấy; làm sao bà ấy chịu đựng nổi!". Tôi đáp lời ông : "Ông thấy đó, bác sĩ, bà ấy không phải chịu đựng nỗi đau đó và ông là người gánh chịu thay bà - vì vậy, việc giờ đây ông phải sống và nhớ thương bà ấy có ý nghĩa sâu sắc của nó". Ông ấy không nói gì mà chỉ nắm tay tôi và thanh thản rời văn phòng. Theo cách nào đó, một người sẽ không còn cảm thấy đau khổ nữa ngay vào thời khắc họ tìm được ý nghĩa nào đó cho cuộc sống của mình, chẳng hạn như ý nghĩa của sự hy sinh.
Sự tuyệt vọng của một người không hẳn là bệnh và Viktor cũng không thể giúp vợ ông ấy sống lại, nhưng ông đã thành công trong việc thay đổi thái độ của bác sĩ đa khoa về số phận không thể thay đổi của ông. Bởi từ lúc ấy, vị bác sĩ có thể nhận ra ý nghĩa sự chịu đựng của mình.

Một phụ nữ được đưa vào bệnh viện sau khi tự tử hụt. Chị có đứa con trai chết năm cháu được 11 tuổi.  Sau khi cậu con trai nhỏ của chị qua đời, chị sống với đứa con lớn bị bại liệt. Đứa trẻ tội nghiệp phải di chuyển quanh nhà trên chiếc xe lăn. Mẹ của cậu không chấp nhận số phận ấy và chị muốn tự tử. Nhưng khi chị cố làm điều đó với đứa con tật nguyền thì chính cậu đã ngăn mẹ lại: cậu bé muốn sống! Đối với cậu, cuộc sống vẫn còn nhiều ý nghĩa. Tại sao mẹ cậu lại không thấy vậy? Cuộc sống của bà có ý nghĩa ra sao khi sống với một đứa con tật nguyền, đứa lành lạnh thì đã chết? Bác sĩ Kurt Kocourek mời chị tham dự vào một cuộc điều trị nhóm và ngẫu nhiên Viktor tình cờ tham gia vào cuộc thảo luận.
Tôi đặt câu hỏi cho một người phụ nữ khác trong nhóm. Tôi hỏi cô ấy bao nhiêu tuổi và cô trả lời: "Ba mươi". Tôi đáp: "Không, cô không phải là một phụ nữ 30 mà là một bà cụ 80 và đang hấp hối trên giường bệnh. Và lúc ấy, cô mới nhìn lại cuộc sống của mình - một cuộc sống không có tuổi thơ nhưng dư dả về tài chính và có địa vị trong xã hội". Và tôi hỏi cô ấy: "Cô nghĩ thế nào nếu cô lâm vào tình huống trên? Cô sẽ nói gì với chính mình?". Cho phép tôi trích dẫn những gì cô ấy đã nói trong cuộn băng ghi âm buổi hôm đó: "Tôi đã cưới một triệu phú và có cuộc sống giàu sang dễ dàng, tôi đã bị cuốn vào vòng xoáy đó! Tôi tán tỉnh đàn ông; tôi giễu cợt họ! Nhưng giờ tôi đã 80 tuổi; tôi không có con. Nhìn lại khi về già, tôi thấy tất cả những điều đó chẳng có ý nghĩa gì; thật ra tôi phải nói cuộc đời tôi là một thất bại.".
Rồi ông mời người mẹ của cậu bé tật nguyền hãy thử tưởng tượng khung cảnh khi chị đang 80 tuổi, đang hấp hối bên giường bệnh và nhìn lại cuộc sống của chính mình. Sau đây là những lời chị ấy nói trong cuộn băng ghi âm
"Tôi đã ước ao mình sẽ có con, và điều ước này đã thành hiện thực; nhưng một đứa đã chết; đứa còn lại thì tật nguyền và có thể bị gửi đến trại từ thiện nếu tôi không đủ khả năng chăm sóc nó. Mặc dù nó tật nguyền và vô dụng, nhưng dù sao nó vẫn là con của tôi. Và vì con, tôi đã phải sống hết mình, phải trở thành người tốt hơn". Nước mắt chị trào ra, chị tiếp tục: "Với tôi, tôi có thể thanh thản nhìn lại cuộc sống của mình; vì tôi có thể nói cuộc đời tôi có nghĩa, và tôi đã cố gắng để thực hiện nó; tôi đã làm hết sức - tôi đã cố gắng sống vì con mình. Cuộc đời tôi không hề thất bại."
Nhìn lại cuộc đời mình mình như thể mình đang trong giờ phút hấp hối, chị bỗng nhiên nhận ra ý nghĩa của cuộc đời, một ý nghĩa bao giồm cả nỗi bất hạnh của bản thân. Vì lẽ đó, dù cuộc đời có ngắn ngủi - như đối với cậu con trai đã mất của chị - nhưng nếu nó đầy ắp niềm vui và tình yêu thương thì nó có ý nghĩa hơn cả một cuộc đời kéo dài tới 80 năm trong buồn bã.
Một lúc sau, tôi tiếp tục đặt ra một câu hỏi khác, lần này là với cả nhóm. Câu hỏi là liệu một con vượn bị tiêm chích nhiều lần với mục đích phát triển huyết thanh ngừa bại liệt có thể hiểu được ý nghĩa sự đau đớn của nó hay không. Cả nhóm nhất trí trả lời rằng dĩ nhiên con vượn không hiểu; với trí thông minh có hạn, nó không thể bước vào thế giới của loài người - một thế giới duy nhất có thể hiểu được ý nghĩa của sự đau khổ.  
Tuy nhiên, không cần phải đau khổ nếu bạn có thể tránh được, đó không phải là con đường duy nhất để tìm thấy ý nghĩa cuộc đời bạn. Theo liệu pháp ý nghĩa, có ba con đường mà qua đó con người sẽ đạt đến ý nghĩa của cuộc sống.

Tìm ý nghĩa cuộc sống của bạn
  1. Đầu tiên là bằng cách tạo ra một việc gì đó hoặc làm một điều gì đó.
  2. Con đường thứ hai là trải nghiệm một việc nào đó hoặc gặp một người nào đó, tức là ý nghĩa có thể được tìm thấy không chỉ trong công việc mà còn trong tình yêu. Theo đó, Edith Weisskopf-Joelson đã quan sát thấy rằng "khái niệm trải nghiệm cũng có giá trị như một thành công làm một phương pháp điều trị bởi vì nó cân bằng mức độ chênh lệch của chúng ta giữa sự thành đạt bên ngoài và trải nghiêm do thế giới nội tâm mang lại".
Thế nhưng điều quan trọng nhất là con đường thứ 3 dẫn tới ý nghĩa của cuộc sống; ngay cả một nạn nhân đơn độc trong tình huống vô vọng, khi đối diện với một số phận mà anh ta không thể thay đổi; cũng có thể tự vượt lên chính mình, trưởng thành hơn, và qua đó thay đổi bản thân. Người đó có thể biến bi kịch cá nhân thành một thành tựu. Nếu có một người không thể thay đổi hoàn cảnh khiến mình đau khổ thì người đó vẫn có thể chọn cho mình một thái độ sống.

Vikto kể lại một câu chuyện về thái độ sống trong một cuộc phỏng vấn mà tác giả đã nghe trên đài truyền hình quốc gia Áo về một bác sĩ chuyên khoa tim người Ba Lan. Trong suốt Thế chiến thứ II, vị bác sĩ này đã giúp đỡ thành lập tổ chức nổi dậy Do Thái Warsaw. "Quả thật là một hành động anh hùng", người phóng viên thán phục. "Quý vị biết đấy", bác sĩ bình tĩnh đáp, "để cầm một khẩu súng và bắn thì không phải là điều gì ghê gớm cả; nhưng nếu để bọn SS dẫn anh tới một phòng hơi ngạt hay một ngôi nhà mộ tập thể để hành hình, và anh không thể làm điều gì khác ngoài việc đi con đường của mình với một thái độ đường hoàng - thì anh sẽ hiểu; đây mới là điều tôi cho là anh hùng". Chủ nghĩa anh hùng là như vậy đấy.

Ông nói rõ:  "Không nhất thiết phải trải qua đau khổ thì con người mới tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Tôi chỉ nhấn mạnh là con người vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa trong đau khổ - nếu đó là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu có thể tránh khỏi thì việc cần làm là hãy xóa bỏ nguyên nhân của nó, dù nguyên nhân thuộc về tâm lý, sinh lý hay chính trị. Chịu khổ một cách không cần thiết là khùng điên hơn là anh hùng."

Hy vọng là bài viết tóm tắt một góc nội dung của quyển sách "Man's Search for Meaning", tựa sách tiếng Việt là "Đi Tìm Lẽ Sống", sẽ giúp ích cho bạn trong cuộc sống. Dù bạn có học được cách tìm được ý nghĩa trong cuộc sống khi phải đối đối mặt với đau khổ hay không, tôi vẫn cầu mong những điều tốt đẹp đến với bạn, để bạn không bao giờ phải vận dụng những kiến thức này cho bản thân mình.


Vài nét về tác giả
Vào ngày 27/1/2006, kỷ niệm 60 năm giải phóng trại "tử thần" Auzchwitz - nơi 1,5 triệu người, bằng 1 phần tư dân số TP.HCM - đã chết trong thời Đức Quốc Xã, nhiều quốc gia đã tiến hành lễ tưởng niệm các nạn nhân. Một vài tháng sau, họ cũng tổ chức lễ kỷ niệm một trong số các tác phẩm văn học bất hủ được sáng tác trong giai đoạn khủng khiếp này. Tác phẩm này lần đầu tiên được xuất bản với nhan đề "Những trải nghiệm của một nhà tâm lý học trong trại tập trung", sau này bổ sung giới thiệu về Liệu pháp ý nghĩa, một bản tái bút về tinh thần lạc trong trong bi kịch, hoặc làm cách nào để duy trì tinh thần lạc quan khi đối diện với nỗi đau, tội lỗi và cái chết. Bản dịch tiếng Anh, lần đầu tiên được xuất bản năm 1959 với tiêu đề Man's search for Meaning.

Tác phẩm của Vikor Frankl đã bán được 12 triệu bản bằng 24 ngôn ngữ. Theo khảo sát của Thư viện quốc gia Hoa Kỳ năm  1991, quyển sách này là một trong số 10 quyển sách có ảnh hưởng nhất tại Mỹ. Nó đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà tư tưởng về tôn giáo và triết học, cuốn sách được chỉ định cho nghiên cứu sinh, sinh viên về tâm lý học, triết học, lịch sử, văn chương, tôn giáo và thần học.

Chúc bạn sớm tìm thấy ý nghĩa cuộc đời bạn!


Photo: RedBull

No comments:

Post a Comment