BÁO CÁO VỀ TINH HÌNH PHÁT TRIỂN VÀ VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC NGHỀ NGHIỆP KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN TRONG VIỆC DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN Ở VIỆT NAM
Ông Bùi Văn Mai
Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký
Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam
BBT: Ngày 16/8/2012, Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) phối hợp với Liên đoàn kế toán Châu Á Thái Bình Dương (CAPA) tổ chức Hội thảo về “Vai trò của tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán (PAOs)”. Ban Biên tập Web VACPA xin trích đăng lần lượt các bài tham luận trong buổi hội thảo này.
Ông Bùi Văn Mai |
Công việc kế toán được thực hiện tại Việt Nam từ nhiều năm trước đây nhưng chỉ trở thành nghề nghiệp (dịch vụ) từ năm 1991 khi Bộ Tài chính Việt Nam thành lập hai công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán đầu tiên (VACO-Deloitte Việt Nam và AASC) và chính thức được luật hóa trong Luật kế toán năm 2003 và Nghị định về kiểm toán độc lập năm 1994 của Nhà nước.
Về cơ bản, hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán của Việt Nam là khá hoàn chỉnh và phù hợp với thông lệ quốc tế và kinh tế thị trường, gồm Luật kế toán 2003, Luật kiểm toán độc lập 2011. Bộ Tài chính đã công bố 26 Chuẩn mực kế toán (VASs) phù hợp với Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASs); chế độ kế toán (tài liệu hướng dẫn áp dụng VASs) cho doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa; công bố 37 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSAs) phù hợp với Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISAs) và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán… Hệ thống văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán đã nâng cao vị thế của nghề nghiệp kế toán, kiểm toán độc lập của Việt Nam lên tầm cao mới, đặt cơ sở pháp lý bền vững cho sự phát triển của nghề nghiệp này trong hiện tại và tương lai.
Đến tháng 6/2012, Việt Nam có 152 công ty kiểm toán với 40 chi nhánh đang hoạt động (trong đó có Big 4 và 24 công ty là thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế, 35 công ty lớn đủ điều kiện kiểm toán tổ chức niêm yết), có trên 10.000 người làm việc. Ngay từ khi thành lập, các công ty kiểm toán đều rất chú trọng đến việc tuyển chọn kiểm toán viên và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên. Từ tháng 10/1994 đến nay, Bộ Tài chính đã tổ chức 17 kỳ thi và cấp chứng kiểm toán viên (CPA Việt Nam)cho 2.500 người trong đó có 700 người đạt trình độ quốc tế, 1.500 người đang cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán và 1.000 người hoạt động trong các lĩnh vực khác. Người được cấp CPA Việt Nam phải có 4 năm thực tế làm kế toán, kiểm toán mới được ký báo cáo kiểm toán.
Người hành nghề kế toán, kiểm toán ở Việt Nam phải được cập nhật kiến thức bắt buộc tối thiểu 40 giờ/năm với các nội dung do Bộ Tài chính quy định. Bộ Tài chính đã giao cho Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) thực hiện công việc CNKT hàng năm cho kiểm toán viên.
Trong hơn 2 thập kỷ qua, nghề nghiệp kế toán, kiểm toán ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, với các loại dịch vụ: kế toán, kiểm toán, thuế, tư vấn tài chính, đầu tư, quản trị doanh nghiệp và các dịch vụ phi kiểm toán khác; với lượng khách hàng ngày càng đa dạng và mở rộng,gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức có lợi ích công chúng, doanh nghiệp nhà nước, công ty TNHH, cổ phần, tư nhân, dự án đầu tư, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, dự án quốc tế.
Trong thập kỷ qua, doanh thu từ dịch vụ kế toán, kiểm toán tăng trung bình trên 20% mỗi năm. Năm 2011, các doanh nghiệp kiểm toán cung cấp dịch vụ cho 32.000 khách hàng là các doanh nghiệp và tổ chức trong cả nước, doanh thu toàn ngành kiểm toán độc lập đạt 3.047 tỷ VNĐ (145.000.000 USD); kết quả kinh doanh (lãi sau thuế) là 71.844 tỷ đồng (tương đương 3.421.000 USD).
Sự phát triển của nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại Việt Nam đã góp phần gia tăng giá trị báo cáo tài chính, ổn định nền tài chính quốc gia, đẩy mạnh nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển.
2. Sự hình thành, phát triển và vai trò của các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán
Phù hợp với thông lệ quốc tế, Ngoài 2 hội nghề nghiệp chuyên nghiệp về kế toán, kiểm toán là Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA – thành lập năm 1994) và Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA – thành lập năm 2005), Việt Nam còn có một số hội nghề nghiệp liên quan tới ngành tài chính, kế toán, kiểm toán như Hội tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), Hiệp hội các nhà đầu tư chứng khoán (VASB).
Ngoài các tổ chức nghề nghiệp trong nước, các tổ chức nghề nghiệp quốc tế cũng đã có mặt tại Việt Nam. Năm 1996, Hiệp hội kế toán công chứng Anh (ACCA) là tổ chức đầu tiên vào Việt Nam để tổ chức đào tạo, thi và cấp chứng chỉ có giá trị quốc tế, sau đó là Hiệp hội kế toán công chứng Australia (CPA Australia) vào năm 2006. Các tổ chức nghề nghiệp quốc tế khác như ICPAS, ICAEW, ICAA, IIA, CIMA…cũng đã có các hoạt động tại Việt Nam. Sự xuất hiện và hoạt động của các hội nghề nghiệp quốc tế đã góp phần tích cực vào việc tăng cường nhân lực có chuyên môn cao cho các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các trường Đại học và cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay Việt Nam có khoảng 700 người có chứng chỉ ACCA, CPA Australia, CPA Mỹ hoặc các chứng chỉ quốc tế khác. Đó là kết quả to lớn của sự lựa chọn và hợp tác quốc tế của kiểm toán độc lập Việt Nam với quốc tế.
3. Sự ra đời và phát triển của Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA)
Nhận thức được tầm quan trọng của hội nghề nghiệp về kiểm toán và sự cần thiết có một tổ chức quản lý trực tiếp kiểm toán viên hành nghề (CPA Việt Nam) khi hoạt động kiểm toán độc lập ngày càng phát triển mạnh và số lượng kiểm toán viên ngày càng tăng nhanh, ngày 15/4/2005, Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) được thành lập. VACPA tổ chức, hoạt động theo Điều lệ Hội được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. VACPA có một văn phòng trung ương duy nhất trực tiếp quản lý từng hội viên và một văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh để triển khai các hoạt động thuộc khu vực phía Nam. Phương châm hoạt động của VACPA là “Độc lập – Trung thực – Minh bạch”. Sau 7 năm hoạt động, VACPA đã triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện các chức năng, nhiệm vụ của Hội theo Điều lệ Hội và các công việc do Bộ Tài chính ủy quyền.
VACPA là thành viên của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), thành viên của Liên đoàn kế toán Châu Á Thái Bình Dương (CAPA) từ năm 2010 và mới trở thành thành viên của Ủy ban phát triển các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán (PAODC) thuộc CAPA từ năm 2012.
Hiện VACPA có trên 1.400 hội viên trên cả nước là những người có chứng chỉ kiểm toán viên (CPA Việt Nam) và chủ yếu đang hành nghề tại các công ty kiểm toán. VACPA đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại Việt Nam, như sau:
· Hàng năm tổ chức từ 30 đến 40 khóa đào tạo, cập nhật kiến thức, hội thảo, tọa đàm cho 2000 kiểm toán viên và người quan tâm; trong đó đã phối hợp với WB, ACCA, CPA Australia, ICPAS, ICAEW, CIMA, Đại học Swinburne…và các trường đại học lớn trong nước cùng tổ chức;
· Thực hiện kiểm tra chất lượng dịch vụ từ 30 đến 40 công ty kiểm toán và 1/3 số hội viên trong 1 năm. Thông qua việc kiểm soát chất lượng, đã hỗ trợ rất hiệu quả việc tuân thủ chuẩn mực kế toán, kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho KTV, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời thực hiện xử lý sai phạm đối với hội viên hoặc báo cáo Bộ Tài chính xử lý các sai phạm của KTV;
· Thực hiện soạn thảo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam phù hợp với Chuẩn mực kiểm toán quốc tế theo ủy quyền của Bộ Tài chính để trình Bộ Tài chính ban hành;
· Cung cấp miễn phí dịch vụ tư vấn chuyên môn về kế toán, kiểm toán, thuế, tài chính…cho hội viên; xây dựng, đào tạo, phổ biến Chương trình kiểm toán mẫu và chương trình đào tạo thực hành kiểm toán và cung cấp các công cụ hỗ trợ, tài liệu hướng dẫn cho hội viên;
· Tham gia xây dựng Luật kiểm toán độc lập, chuẩn mực kế toán và các văn bản pháp luật trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và các lĩnh vực khác có liên quan;
· Mở rộng hoạt động đối ngoại, tuyên truyền quảng bá nghề nghiệp, hợp tác với nhiều tổ chức trong nước và quốc tế trong hoạt động nghề nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách có chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động;
· Không ngừng củng cố tổ chức bộ máy, quản lý hoạt động; trong 3 năm qua đã được WB hỗ trợ VACPA 2 dự án, đã tăng cường năng lực hoạt động một cách đáng kể.
Để học tập các tổ chức quốc tế, VACPA đã ký Biên bản hợp tác với 5 tổ chức nghề nghiệp quốc tế như ACCA, CPA Australia, ICPAS, ICAEW, IMA, Đại học công nghệ Swinburne…và ký Biên bản hợp tác với một số cơ quan nhà nước (UBCKNN), các trường đại học tại Việt Nam. Việt Nam và ACCA, CPA Australia đã thỏa thuận về thừa nhận lẫn nhau bằng cách ACCA, CPA Australia được thi chuyển đổi lấy chứng chỉ CPA Việt Nam, và CPA Việt Nam được miễn từ 3 đến 7 môn khi thi ACCA, CPA Australia.
Với những gì đã làm được, VACPA đã và đang được cơ quan nhà nước, công chúng trong nước và tổ chức quốc tế thừa nhận là Hội nghề nghiệp chuyên nghiệp, độc lập, tự chủ, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp duy trì và phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại Việt Nam, góp phần ổn định nền tài chính và kinh tế thị trường.
4. Cơ hội phát triển nghề nghiệp và Hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán
Dịch vụ kế toán, kiểm toán đã được pháp luật và xã hội Việt Nam thừa nhận, doanh nghiệp, nhà đầu tư chấp nhận và ngày càng đề cao hơn vai trò của kiểm toán viên. Thị trường kiểm toán đã mở rộng, nhất là sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua hơn 10 năm phát triển.
Cơ quan nhà nước đã thừa nhận vai trò của Hội nghề nghiệp, đã chuyển giao một số chức năng quản lý nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cho Hội, đã công bố trong các văn bản pháp luật và tạo điều kiện cho Hội phát triển.
Luật kiểm toán độc lập tháng 3/2011 mở ra thời kỳ phát triển mới của nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Các văn bản hướng dẫn luật đang mở rộng đối tượng đủ điều kiện thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên, tạo điều kiện tăng số lượng, nâng cao chất lượng kiểm toán viên, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội.
Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam sắp ban hành dựa trên hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế mới có hiệu lực từ 15/12/2009. VACPA đang xây dựng các tài liệu hướng dẫn chuẩn mực theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Đó là những cơ hội rất tốt cho sự phát triển nghề nghiệp và Hội nghề nghiệp kế toán và kiểm toán ở Việt Nam.
5. Thách thức đối với nghề nghiệp và Hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán
Số lượng kiểm toán viên hiện có còn thiếu và chất lượng hiện chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Chất lượng dịch vụ của các công ty kiểm toán nói chung ngày càng được cải thiện nhưng vẫn chưa đạt mong muốn và còn rất khó khăn để được khu vực và quốc tế thừa nhận. Hiện nay chất lượng nhân viên và chất lượng dịch vụ giữa các công ty kiểm toán còn chưa đồng đều. Quy mô các tổ chức kiểm toán độc lập ở Việt Nam còn nhỏ bé.
Cơ chế hành chính nhà nước còn khá mạnh, còn trực tiếp quản lý, chi phối nhiều hoạt động của kiểm toán viên và doanh nghiệp kế toán, kiểm toán và hoạt động của Hội nghề nghiệp, còn thiếu các quy định pháp luật về vai trò của tổ chức nghề nghiệp.
6. Mục tiêu và định hướng phát triển của VACPA đến năm 2020
Về hoạt động nghề nghiệp, định hướng phát triển chính là:
· Nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực (CPA Việt Nam);
· Xây dựng chuẩn mực chuyên môn về kế toán, kiểm toán và tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng văn bản pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất và phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Soạn thảo các tài liệu hướng dẫn thực hành;
· Phát triển dịch vụ tư vấn và cung cấp công cụ hỗ trợ hội viên;
· Phát triển hoạt động kiểm soát chất lượng, tăng cường chất lượng dịch vụ của hội viên.
Về tổ chức, định hướng phát triển là:
· Hình thành bộ máy tổ chức có từ 30-50 người, có đủ năng lực, uy tín, ổn định với các cơ chế chính sách hoạt động đầy đủ, rõ ràng, phù hợp thông lệ quốc tế, bảo đảm phát triển vững bền; Tăng số lượng hội viên lên 4000-5000 người;
· Xây dựng Trung tâm nghiên cứu và tư vấn kiểm toán viên, với chương trình đào tạo rõ ràng; tiếp tục mở rộng nội dung và chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của Hội viên và xã hội;
· Thực hiện tốt hơn vai trò thành viên của CAPA, phấn đấu trở thành thành viên của IFAC; và
· Tự chủ về tài chính, có cơ sở vật chất phù hợp với quy mô phát triển và yêu cầu hoạt động.
7. Mong muốn hỗ trợ từ CAPA/IFAC
· Tác động làm thay đổi nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và xã hội để giúp các Hội nghề nghiệp ở Việt Nam nói chung và VACPA nói riêng tiếp cận với cộng đồng các tổ chức nghề nghiệp quốc tế rộng lớn hơn (gia nhập thành viên IFAC).
· Hỗ trợ tổ chức các hoạt động quốc tế về kế toán, kiểm toán tại Việt Nam.
· Giúp nâng cao năng lực hoạt động cho VACPA, giúp VACPA phát triển bền vững thông qua việc chia sẻ kiến thức kinh nghiệm, công cụ và hướng dẫn để hỗ trợ phát triển tổ chức, cung cấp thông tin quốc tế, hỗ trợ chuyên gia đào tạo, tư vấn, quảng bá nghề nghiệp và vai trò của tổ chức nghề nghiệp ở Việt Nam.
******
Thông qua hội thảo quốc tế này, chúng tôi mong muốn thông tin cho các bạn quốc tế hiểu biết về tình hình Việt Nam, mong muốn được nhận và học tập được kinh nghiệm của quốc tế và quốc gia bạn nhằm nâng cao nhận thức của đồng nghiệp và xã hội về vai trò của tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam, sớm góp phần ngày càng hiệu quả vào sự nghiệp công khai minh bạch nền tài chính, kinh tế Việt Nam.
(THeo VACPA)
No comments:
Post a Comment