Wednesday, September 21, 2011

Kinh nghiệm làm thủy sâm

Công dụng của thủy sâm đã giới thiệu trong bài: Thủy sâm

Bài này trình bày cách làm thủy sâm trong gia đình để uống hàng ngày.

Bước 1. Xin một con thủy sâm làm giống.

Bạn có thể xin miễn phí một con thủy sâm ở những người đang dùng thủy sâm để uống hàng ngày vì sau mỗi lần làm họ phải bỏ 1 con thủy sâm còn sống đi. Cách mang con thủy sâm về nhà: dùng 1 chiếc lọ hay hộp để cho con thủy sâm vào, đổ nước thủy sâm cũ cho ngập con thủy sâm, nước này sẽ làm mồi cho lần làm đầu tiên của bạn, không đậy kín lọ (nếu đậy kín con thủy sâm sẽ chết). Sau khi mang lọ về nhà bạn bắt đầu thực hiện bước 2.


Bước 2. Chọn lọ

Nên chọn lọ bằng chất liệu thủy tinh có đường kính thiết diện mặt nước khoảng 12 cm, phần trong của lọ chứa được 3 lít nước, miệng lọ rộng.



Bước 3. Chuẩn bị nước chè

Làm cho 2 người uống: đun sôi 3 lít nước, sau đó cho 5 gói chè Lipton vào nồi đậy vung kín khoảng 10 phút cho ra hết chất chè, mở vung, cho 250 gam đường trắng khuấy đều, để cho nước chè thật nguội.

Nếu làm cho 1 người uống thì theo tỷ lệ: 2 lít nước + 4 gói chè Lipton + 160 gam đường.

Bước 4. Nuôi thủy sâm

Cho thủy sâm vào lọ thủy tinh, cho nước thủy sâm cũ làm mồi, đổ nước chè vừa làm vào lọ. Trên miệng lọ đậy bằng vải màn hay nắp lọ có các lỗ thủng, nếu đậy kín con thủy sâm trong bình sẽ chết. Để lọ trong nhà ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời.

Sau 1 ngày con thủy sâm sẽ từ đáy lọ nổi lên trên mặt nước. Sau đó nếu con thủy sâm chìm xuống đáy bình là bị chết, thủy sâm nổi là vẫn còn sống. Trong quá trình để bình, con thủy sâm cũ sẽ sinh ra con thủy sâm mới nằm phía trên con cũ, con mới dần lớn lên rộng bằng lòng bình, còn nước chè sẽ có vị chua, sinh men và có ga.

Trời bình thường để bình khoảng 7 ngày là được, trời nóng là 5 ngày, trới rét có thể để 10 ngày. Khi nếm thấy nước chua vừa vừa là được, đừng để nước chua quá. Sang bước 5.

Bước 5. Lấy nước thủy sâm và bảo quản

Bỏ thủy sâm trong lọ ra bát.

Đổ nước thủy sâm từ bình ra các chai (tốt nhất là chai thủy tinh), đổ từ từ để gạn nước trong. Còn khoảng 150 ml thì để lại sau làm mồi, phần ở đáy bình có nhiều cặn thì bỏ đi.
Cho các chai thủy sâm vào tử lạnh để dùng dần (nếu để ngoài nước thủy sâm sẽ chua thêm). Mỗi người 1 ngày uống 2 lần: sáng dậy và trước khi đi ngủ, mỗi lần 100 ml.

Bước 6. Làm lọ thủy sâm mới

Rửa lọ cũ thật sạch, tráng qua nước sôi, lău sạch.

Bóc lấy con thủy sâm mới nằm ở trên con cũ để làm bình mới. Con cũ vẫn dùng tốt, nếu không có ai xin thì vứt đi, hoặc đem nuôi trong một lọ nhỏ cũng bằng nước chè đường để bán dần cho người khác.

Con thủy sâm dùng để làm bình mới cần phải rửa sạch bằng nước lã thông thường để sạch các chỗ bẩn và nhớt. Sau đó chuyển lên làm theo Bước 3.

Hương Cỏ May, 21/9/2011, 16h10

No comments:

Post a Comment