Kiểm toán nội bộ (KTNB) được coi là tuyến phòng thủ hàng đầu chống lại gian lận trong DN. Tuy nhiên, tại các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) Việt Nam, tuyến phòng thủ này không được các DN xây dựng hoặc nếu có cũng chỉ để làm vì:
Phan Hằng Phương
Tuyến phòng thủ gian lận
Lâu nay, NĐT thường quy toàn bộ trách nhiệm đối với sự chính xác, minh bạch của thông tin tài chính của DNNY cho công ty kiểm toán, mà ít biết rằng kiểm toán độc lập chỉ là tổ chức bên ngoài, thực hiện công việc xác nhận việc lập BCTC của DN có tuân thủ các chuẩn mực kế toán, các số liệu được trình bày trên BCTC có phản ánh tính trung thực, hợp lý của tình hình tài chính của DN hay không.
Theo giám đốc một công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán DNNY, nếu DN cố tình gian lận thì việc BCTC sau kiểm toán không phản ánh chính xác tình hình tài chính của DN là điều khó tránh khỏi. Theo ông này, để ngăn chặn rủi ro sai lệnh thông tin trên BCTC, bộ phận kiểm toán nội bộ trong DN chiếm vị trí rất quan trọng, như một tuyến phòng phủ gian lận bên trọng DN, với việc giám sát hoạt động lập và trình bày BCTC của bộ phận kế toán và thực hiện kiểm toán BCTC của DN. Chỉ khi tuyến phòng thủ này hoạt động tốt, thì thông tin tài chính của DN mới có thể chính xác, minh bạch.
Một chuyên gia của Bộ Tài chính cho biết, tại các quốc gia phát triển trên thế giới, KTNB được quan tâm phát triển từ những thập niên 40 của thế kỷ trước. KTNB là một bộ phận trong DN, được coi là công cụ của lãnh đạo DN trong việc đánh giá, phân tích tình hình hoạt động của DN, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và nghị quyết, quyết định của lãnh đạo DN; đồng thời, kiểm tra, đánh giá thông tin trên các BCTC, báo cáo quản trị, đảm bảo BCTC được kịp thời và phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh theo các chế độ. Nếu hoạt động đúng những chức năng này, KTNB sẽ kịp thời phát hiện ra những yếu kém, bất ổn của DN.
Cũng theo chuyên gia này, ở các quốc gia phát triển, bộ phận KTNB hoạt động dưới sự điều hành của HĐQT, giúp chủ sở hữu vốn trong DN giám sát hoạt động của Ban điều hành DN. Thậm chí, bộ phận KTNB trong DN còn giúp HĐQT thẩm định tính độc lập giữa ban điều hành và công ty kiểm toán, tránh những thông đồng (có thể xảy ra), làm ảnh hưởng đến tính trung thực của BCTC.
Vừa thiếu vừa yếu
Nhưng đó là chuyện của các quốc gia phát triển, còn ở nước ta, theo đánh giá của một chuyên gia kiểm toán, hiện đang thực hiện công tác tư vấn xây dựng hệ thống KTNB cho một ngân hàng thì: "KTNB ở Việt Nam hiện nay vừa thiếu vừa yếu". Vị chuyên gia này cho biết, KTNB chưa được nhận thức đúng vai trò, thậm chí còn bị nhầm lẫn với kiểm soát nội bộ (thuộc ban điều hành), trong khi, đúng ra, KTNB phải dưới sự điều hành của HĐQT. Đa phần các DNNY hiện nay chỉ có ban kiểm soát mà không xây dựng riêng được bộ phận KTNB, hoặc nếu thiết lập được bộ phận này thì hoạt động cũng rất mờ nhạt, do vậy, công tác giám sát, phát hiện rủi ro, gian lận của DN rất yếu kém. Ngoại trừ các ngân hàng với yêu cầu rất cao về báo cáo tình hình tài chính trong hệ thống, bắt buộc phải thiết lập được bộ máy KTNB, còn lại đa phần DNNY vẫn chưa thấy được vai trò quan trọng của bộ phận này trong hoạt động của DN mình. Ngay cả những DNNY hàng đầu Việt Nam, có doanh thu hàng tỷ USD/năm và vốn được coi là hoạt động kinh doanh bài bản như Vinamilk hay FPT, bộ phận KTNB cũng mới chỉ được thiết lập khoảng 1- 2 năm trở lại đây và vẫn thuộc ban kiểm soát. Dễ hiểu là những DN có quy mô nhỏ hoặc tầm trung chưa quan tâm đến công tác này.
Trong khi hoạt động KTNB được thừa nhận như một trong ba loại hình kiểm toán (cùng với kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập) và hai "người anh em" kia gần đây rất được quan tâm phát triển thì KTNB lại chưa được quan tâm thích đáng. Nếu như ở các quốc gia phát triển, lực lượng kiểm toán viên nội bộ rất đông đảo, hoạt động chuyên nghiệp, phải đáp ứng bằng cấp chuyên môn về lĩnh vực này và có hẳn hiệp hội nghề nghiệp của những người làm KTNB, thì tại nước ta, những khái niệm này còn khá xa lạ.
Theo chuyên gia của Bộ Tài chính, ở Việt Nam, lĩnh vực hoạt động KTNB vẫn chưa thu hút được nguồn nhân lực có chuyên môn cao về lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Mặc dù trong yêu cầu tuyển dụng vị trí kiểm toán viên nội bộ của nhiều ngân hàng đều có ưu tiên người có chứng chỉ kiểm toán viên trong nước và một số chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế được thừa nhận ở Việt Nam, nhưng theo thống kê của Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, trong tổng số 1.600 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên hành nghề thì có khoảng 1.400 người đã đăng ký hành nghề kiểm toán. Có nghĩa là chỉ còn khoảng 200 người không đăng ký hành nghề kiểm toán, trong đó, chiếm một tỷ lệ không nhỏ là giảng viên của các trường đại học. Với phép ngoại trừ đó, số người có chứng chỉ nghề nghiệp kiểm toán làm việc tại bộ phận KTNB (nếu có) cũng là một con số thật khiêm tốn.
Không được quan tâm phát triển trình độ chuyên môn của kiểm toán viên nội bộ chưa được quy chuẩn, do vậy, tuyến phòng thủ sai sót, gian lận về tài chính bên trong doanh nghiệp gần như để ngỏ. Chính vì vậy, một kiểm toán viên đã chia sẻ, trong quá trình thực hiện kiểm toán tại các ngân hàng niêm yết, KTNB hỗ trợ cho công việc của đoàn kiểm toán rất nhiều, nhưng khi kiểm toán các DNNY thông thường, bộ phận KTNB không được thiết lập hoặc hoạt động kém hiệu quả thì kiểm toán độc lập phải "đơn phương tác chiến".
(Theo ĐTCK)
Nguon: VACPA
No comments:
Post a Comment