Tuesday, April 7, 2015

Facebook diệt “like” ảo tại Việt Nam

Bài viết cho báo Nhịp Cầu Đầu Tư, ngày 30/3/2015 với các số liệu từ SocialOne 

Fcebook có hơn 30 triệu người dùng mỗi tháng tại Việt Nam. Vì thế, Facebook Page cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng, trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp và 30 triệu người dùng này.

Facebook Page chính là kênh truyền thông hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiếp cận và tương tác với khách hàng, lan tỏa thông điệp kinh doanh, thu hút lượng truy cập website để bán hàng. Mọi người đều biết Facebook Page của họ càng có nhiều “like” thì khả năng tiếp cận và lan tỏa thông tin của doanh nghiệp càng lớn.

SocialOne - Công cụ quản lý và đo lường hiệu quả Facebook Pages
Một báo cáo từ nhà quảng cáo trực tuyến Moore ước tính 42% ngân sách quảng cáo trên internet tại Việt Nam hiện được chi cho Facebook. Ðặc biệt, rất nhiều trong số đó được dùng để tăng “like” cho Facebook Page doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi tăng “like” thật bằng Facebook Ad trở nên tốn kém hoặc không nhanh, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng chiêu tăng lượng “like” bằng các tài khoản không sử dụng (inactive).

Mới đây, Facebook đã gửi một thông báo tới các quản lý Facebook Page với nội dung:
“Chúng tôi đang điều chỉnh lại cách tính lượng người dùng đã like Facebook Page của các bạn. Bắt đầu từ ngày 12.3, các Page sẽ bị giảm lượng like khi chúng tôi loại bỏ những tài khoản không sử dụng”. 
Vậy có bao nhiêu phần trăm lượng người theo dõi là “like” ảo đã biến mất khỏi các Facebook Page tại Việt Nam?

Bằng cách thống kê sau đợt thanh lọc có bao nhiêu tài khoản bị loại bỏ, có thể ước tính thiệt hại mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi mua “like”, bao gồm lượng “like” rất lớn từ các tài khoản không sử dụng. Thông qua công cụ SocialOne.us, có thể đo sự chênh lệch về lượng “like” từ các Page và tính toán số lượng “like” bị mất đi trong một tuần.

Thống kê này dựa trên 4.985 Page, với tổng số 641.598.200 like Facebook đã “like” được theo dõi thường xuyên.

Cụ thể, 200 Page bị mất “like” nhiều nhất cũng là các trang có lượng người theo dõi cực lớn. Sau đợt thanh lọc, tính đến ngày 23.3.2015, đã có hơn 18 triệu like ảo biến mất và mỗi Page giảm trung bình 3,3% lượng “like” so với trước đó.

Nếu quy ra chi phí để có 1 “like” mới là 180 đồng, doanh nghiệp quản lý 200 Page này đã thiệt hại hơn 3,2 tỉ đồng trong thời gian vừa qua.

Ðặc biệt, có đến 12% số Page giảm nhiều hơn mức trung bình 3,3%, tập trung vào các thương hiệu nổi tiếng như Budweiser, Smirnoff, Pepsi, adidas, Lancome, Nestlé, Nescafé, Samsung Mobile hay KFC.

Có thể, chi phí đầu tư để mua “like” nhằm tô vẽ cho Page không đáng là bao so với cái “oai” mà doanh nghiệp có được. Nhưng theo đuổi chỉ số giả này sẽ không mang lại lợi ích cụ thể nào, vì tài khoản ảo không hoạt động, không mua hàng hóa hay đọc bất cứ thông tin nào. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể dùng số tiền này để thực hiện thêm nhiều hoạt động trên Page nhằm thắt chặt quan hệ với tài khoản thật, vốn là của những người sẽ mang lại giá trị bền vững cho công ty.

Vũ Văn Hiển

Saturday, March 14, 2015

Vì sao chúng ta không đi mãi? - Google CFO Patrick Pichette


Patrick Pichette, Google CFO, in Kansas City on March 30, 2011.
Pichette đã leo lên cả hai ngọn núi - trong công việc tại Google và Kilimanjaro. Còn với hầu hết chúng ta thì chưa. Nếu bạn đã và đang thành công, không còn lo lắng về tài chính nữa, khi đó bạn có thể tắt điện thoại của mình và nghĩ tới chuyện "đi mãi".

Trong bài viết chỉ có người giàu mới có thể tắt điện thoại, David Graeber nhận xét:
Từ thế kỷ 19, chúng ta bắt đầu nghe tới giá trị thực sự đến từ công việc - và giá trị của chúng ta đến từ những gì chúng ta làm ra. Đến thế kỷ 20 đã có sự dịch chuyển. Giá trị đến từ những doanh nhân xuất sắc, họ tạo ra một cỗ máy hoàn chỉnh, bạn chỉ là là cái máy ngu ngốc.
Cái máy ngu ngốc ư!!  Nếu bạn chỉ là một con ốc trong bộ máy hơn 10 nghìn con người, bạn còn chưa đạt tới cảnh giới là một cái máy nữa. Chúng ta nên làm gì?

Tôi có cơ hội làm việc với một phó tổng tuổi đời còn rất trẻ, bạn ấy làm việc với tốc độ và nỗ lực gấp nhiều lần so với người khác. Chuyện bạn ấy gọi điện lúc 11h đêm hay trả lời email vào 12 giờ khuya không phải là chuyện xa lạ. Tấm gương làm việc từ một người ở đỉnh cao quyền lực cho chúng ta thấy rõ vì sao họ lại khác biệt, vì sao họ lại thành công. Với hầu hết chúng ta, hãy nghiền ngẫm điều này:
 “The value becomes doing the work itself, not the thing you’ve created. If you don't work really hard—if you don’t have the hours to show for it—you're a bad person."
Tâm thư chia sẻ của Pichette trên Google Plus

VÌ SAO CHÚNG TA KHÔNG ĐI MÃI - Patrick Pichette

Sau gần 7 năm giữ vị trí Giám đốc tài chính, tôi sẽ xin từ chức ở Google để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Tôi biết, nhiều người đã biết thông tin này từ trước. Chúng tôi đã hy sinh nhiều cho công việc. Thực sự tôi đã làm vậy. Tôi không hề trông đợi bất cứ sự cảm thông nào mà chỉ muốn chia sẻ suy nghĩ của tôi vì nhiều người vẫn hàng ngày vật lộn tìm cách cân bằng giữa cuộc sống và công việc.


Đỉnh núi Kilimanjara là ngọn núi đứng một mình cao nhất thế giới 5.895 m - Photo: kilimanjaroclub


Câu chuyện bắt đầu từ mua thu năm ngoái. Một buổi sáng sớm tháng 9, sau một đêm leo núi ngắm mặt trời mọc trên đỉnh Kilimanjaro ở châu Phi, Tamar (vợ tôi) và tôi không chỉ được tận hưởng cảnh mặt trời mọc mà vì đó còn là một ngày quang đãng nên chúng tôi có thể phóng tầm mắt đi rất xa, vùng đồng bằng rộng lớn Serengeti trải dưới chân chúng tôi. Và từ cảnh tượng ấy, chúng tôi liên tưởng đến những chuyến khám phá châu Phi.

Tamar buồn bã nói với tôi: “Tại sao chúng ta không đi mãi”. Hãy cùng khám phá châu Phi, hãy đi về phía Nam để tìm đường đến Ân Độ, nó ở ngay sát chúng ta mà thôi và chúng ta đã đến được tới đây rồi. Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi; tới Himalayas, Everest, tới Bali, rặng san hô Great Barrier,... Nam Cực, hãy cùng đến Nam Cực. Lúc đó, cô ấy đã không hề biết rằng mình đang đưa ra một lời đề nghị liều lĩnh.

Tôi nhớ mình đã trả lời Tamar đúng theo cách của một vị Giám đốc tài chính điển hình và đáng tin, rằng tôi rất muốn đi tiếp nhưng chúng tôi phải quay trở lại. Giờ chưa đến lúc. Còn rất nhiều điều phải làm ở Google, còn sự nghiệp của tôi, còn rất nhiều người cần đến tôi.

Rồi sau đó, cô ấy đã hỏi một câu hỏi đắt giá: Vậy khi nào mới là đến lúc? Đến lúc cho chúng ta? Đến lúc cho em? Câu hỏi ấy vẫn còn treo lơ lửng trên bầu trời buổi sáng lạnh lẽo của châu Phi.

Một vài tuần sau, tôi từ công ty trở về nhà trong tâm trạng hạnh phúc, nhưng tôi không thể quên câu hỏi của cô ấy: Khi nào là thời điểm tốt để chúng ta tiếp tục hành trình? Và từ đó tôi bắt đầu xem lại cuộc đời mình.  Sau nhiều giờ đạp xe trong mùa thu vừa rồi, tôi đã tổng kết được một vài sự thật đơn giản như sau:

Thứ nhất, những đứa trẻ đều vắng nhà. Hai đứa học đại học, một đứa đã tốt nghiệp và đang có một công ty mới khởi nghiệp ở châu Phi. Chúng là những đưa trẻ “lớn” mà chúng tôi vô cùng tự hào. Tamar đã góp công lớn trong việc này. Cô ấy đã làm rất tốt. Rất tuyệt vời. Thế nhưng với Tamar và tôi, sẽ không còn những đêm thức vì bệnh viêm tai, không còn những trận hockey trên băng vào lúc 6 giờ sáng. Không còn ai chờ đợi/cần chúng tôi nữa.

Thứ hai, tới mùa hè này, tôi sẽ hoàn thành 25-30 năm làm việc gần như liên tục và trở thành thành viên của FWIO, hội những người quá thành đạt một cách không an toàn trên thế giới. Đó là một cơn lốc của những trải nghiệm thực sự tuyệt vời. Nhưng như những gì tôi đếm được, tôi đã làm việc cuồng nhiệt trong vòng 1500 tuần. Lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng, kể cả khi tôi không cần phải như thế. Đặc biệt là những khi tôi không cần phải như thế. Tôi có tội. Tôi yêu công việc của mình (đến giờ vẫn yêu), yêu đồng nghiệp, bạn bè và yêu cơ hội để dẫn đầu và thay đổi thế giới.

Thứ ba, mùa hè này, Tamar và tôi sẽ kỷ niệm 25 năm ngày cưới. Khi các con tôi được bạn bè chúng hỏi về thành công của một cuộc hôn nhân lâu bền, chúng chỉ đơn giản nói đùa rằng: Tamar và tôi dành quá ít thời gian cho nhau và vì thế còn quá sớm để nói rằng cuộc hôn nhân này có thực sự thành công hay không.

Giá như chúng có thể biết chúng tôi đã có với nhau bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Bạn nghĩ chúng tôi có bao nhiêu? Bạn có bao nhiêu? Nhưng có một điều tôi chắc chắn, là tôi muốn có nhiều hơn nữa. Và cô ấy xứng đáng nhiều hơn nữa. Rất nhiều.

Hãy để tôi tiết lộ cho bạn phần còn lại của sự thật. Câu trả lời ngắn gọn là tôi không thể tìm được một lý do chính đáng nào để thuyết phục Tamar chờ đợi thêm một thời gian nữa cho đến khi chúng tôi có thể xách ba lô lên và đi. Chúng tôi sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm bên nhau bằng cách mở ra một trang mới và tận hưởng cuộc khủng hoảng tuổi trung niên một cách hoàn hảo trong ngập tràn hạnh phúc và vẻ đẹp, và đồng thời cũng mở rộng cánh cửa cơ hội cho vị lãnh đạo may mắn kế tiếp, ngay sau khi chúng tôi hoàn thành danh sách những điểm đến và những chuyến khám phá của mình.

Làm việc tại Google là một đặc ân. Tôi đã làm việc với những điều tốt nhất của tốt nhất, và tôi biết mình rời khỏi Google với một bàn tay đầy ắp. Tôi đã làm bạn với rất nhiều người ở Google. Larry, Sergey, Eric, cảm ơn mọi người vì tình bạn. Tôi xin mãi mãi biết ơn các bạn vì đã để tôi trở thành người tin cậy, sự ấm ấp, nguồn hỗ trợ và vì rất nhiều tiếng cười trong những lúc thăng trầm.

Hiện tôi vẫn làm việc ở Google. Tôi cần vài tháng để bàn giao công việc nhưng chỉ sau khi chúng tôi tìm được một vị CFO mới cho Google và giúp anh ấy/cô ấy nắm bắt được công việc. Điều này sẽ mất chút thời gian.

Cuối cùng, cuộc sống rất tuyệt vời, nhưng nó còn là hàng loạt những sự đánh đổi, đặc biệt là đánh đổi giữa công việc/nỗ lực chuyên môn và gia đình/cộng đồng. Tôi cảm thấy mình đang ở tại thời điểm mà từ giờ trở đi tôi sẽ không còn phải đưa ra bất cứ lựa chọn khó khăn nào như thế trong đời. Vì vậy, tôi cảm thấy vô cùng dễ chịu.

Patrick Pichette

Sunday, February 22, 2015

Quân tử bất khí

Trong mấy tháng qua làm việc tại VinGroup, nhìn một tập đoàn bùng nổ về số lượng nhân sự, về số lượng dự án.. tôi thực sự khâm phục những người đang chèo lái. Lãnh đạo thành công các việc lớn, thúc đẩy xe lu nghìn tấn, quyết sách ảnh hưởng tới vạn người là việc không phải ai cũng làm được.
Bộ phim "Hồng Môn Yến" nói về buổi tiệc mà thuộc hạ Hạng Vũ bày ra nhằm giết Lưu Bang
Ai là người đảm đương được chuyện lớn? Trong "Thiên thời Địa lợi Nhân hoà" của Lãnh Thành Kim và Phan Minh Thanh có nói đến "khí tướng đế vương" -  những người làm chuyện lớn trong lịch sử Trung Hoa. Có 4 đặc điểm về khí tướng đế vương: 
  1. Có chí hướng lớn và nghị lực kiên cường, không bị mê hoặc bởi sự được mất nhất thời
  2. Kiến thức trác việt, tức tầm nhìn xa về chính trị hơn người khác
  3. Hiểu rõ người và có thuật dùng người
  4. Có sự độ lượng với người và biết thu nhận hiền tài
Nhìn lại lịch sử người làm được 3 điều đầu tiên rất nhiều, người làm được điều cuối cùng không nhiều. Khó vì con người khó thắng được bản thân mình, từ bỏ ý muốn và lòng tham, khắc phục tính ác và thiên kiến cá nhân.
Người không biết sai mà phạm thì không đáng sợ, cái đáng sợ là biết mà cứ phạm. Biết mà cứ phạm không phải là đáng sợ nhất. Cái đáng sợ nhất là biết rõ lại cứ phạm mà không khống chế được bản thân, giống như người nghiện. Bất luận trong lịch sử hay trong thực tế, người như thế rất nhiều. Sở dĩ họ phạm sai lầm này, hay sai lầm khác không phải là do họ không biết, mà do không khống chế được mình.
Nhân tính có nhược điểm, nhược điểm đó là con người không thể dùng lý trí để chiến thắng tình cảm, không thể khống chế được nó. Ai có thể chiến thắng tốt nhược điểm của mình, người đó sẽ dễ đạt được thành công.
Tác giả so sánh hai nhân vật cực kỳ nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc:
Hán cao tổ Lưu Bang tài thì thấp, đức thì mỏng nhưng lại có tài dùng người và dung nạp nhân tài mà người khác không sánh kịp. Hạng Vũ so với Lưu Bang nhiều ưu điểm hơn, nhưng đến một chức quan quèn cũng chẳng ném cho tướng lĩnh, đối với nhân tài chỉ có một Phạm Tăng mà cũng không dùng, còn hơi đâu nói tới việc dùng người. Do đó đứng từ góc độ nhà chính trị mà xét, thì sự thất bại của Hạng Vũ là tất yếu. Hạng Vũ có khí khái anh hùng nhưng lại không có khí tướng đế vương.
Trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa", Tào Tháo và Gia Cát Lượng xuất hiện như hai bậc kỳ tài trong thiên hạ:
Nếu đem Tào Tháo mà so sánh với Gia Cát Lượng về Võ công Văn trị, mọi mặt Gia Cát Lượng đều hơn Tào Tháo rất nhiều, nhưng có điều này, Tào Tháo có người mà Gia Cát Lượng không có người. Gia Cát Lượng việc gì cũng phải tự mình làm, mỗi khi có chiến tranh sắp đến, nếu không tự bày mưu tính kế, e rằng sẽ có thất bại. Trong tay Gia Cát Lượng, lực lượng của ông chỉ là "ngũ hổ đại tướng", mà trong tay Tào Tháo, tướng mưu sĩ có thể độc giữ một mặt không dưới vài chục người.
Tào Tháo vốn bị miêu tả là người không có đức, nhưng điều người ta thấy không hiểu là Tào Tháo mặc dù vô đức, dưới tay ông làm sao mưu thần lại như rừng, mãnh tướng như mây? Một người ân mỏng nghĩa lạt lẽ nào lại được anh hùng trong thiên hạ đi theo, anh hùng trong thiên hạ lẽ nào mà không biết gì? Nói cho cùng không phải là Tào Tháo vô đức, mà là chúng ta không thích cái thuật của Tào Tháo mà thôi!
Có người than thở rằng, người cạnh mình bất tài, song có những trường hợp thực tế do mình trình độ thấp không biết phát hiện và sử dụng nhân tài. Lời của Quách Nguy khuyên Yên Chiêu vương có câu:
Nếu người ta chủ động đến, mình mới nhận họ thì sẽ được người tài năng gần như mình. Ngồi cao hất đầu chỉ tay với người ta thì chỉ được người sai dịch. Nếu phóng túng bạo ngược, đánh đập chửi rủa người thì sẽ được người nô lệ.
Tục ngữ Trung Quốc nói: "Tắm không nhất thiết phải đi ra sông biển, chỉ cần rửa sạch vết bẩn là được; ngựa không nhất thiết phải thiên lý mã, chỉ cần chạy tốt là được; dùng người không nhất thiết phải yêu cầu hiền đức, chỉ cần họ hiểu đạo lý là được. Lấy vợ không nhất thiết phải xuất thân cao quý, chỉ cần trinh tiết, không cần tài giỏi.. Đây là căn cứ vào tình huống cụ thể mà nói".
Trước kia Y Doãn phụ trách xây dựng cung điện để cho người lực lưỡng khoẻ mạnh vác đất, để cho người mù một mắt nhưng vẫn còn thấy đường đẩy xe, để cho người lưng gù trát tường, mỗi người đều làm việc thích hợp với mình, khiến mỗi người đều phát huy được ưu thế của mình.
Trong "Hoài Nam tử"có viết về sở trường sở đoản của mỗi người, cần phải đúng người đúng việc:
Thảo dược trong thiên hạ không có loại nào độc bằng phụ tử, nhưng thầy thuốc cao kiến tàng trữ nó vì nó có giá trị dược dụng đặc biệt. Con hươu khi lên núi, chạy nhanh đến nỗi con hoẵng không đuổi kịp, nhưng khi nó xuống núi thì mục đồng lại đuổi được nó. Điều đó nói rõ bất cứ tài năng nào đều có sở trường sở đoản. Người Hồ phương bắc thạo cưỡi ngựa, người Việt phương nam giỏi chèo thuyền. Hình thức và chủng loại khác nhau, lại đổi cho nhau làm những việc mình không thông thạo, là không được.
Hoàng Thạch Công cho rằng dù người có tham lam hay ngu xuẩn đều có thể dùng được:
Nên biết sử dụng người thông minh, người dũng cảm, người tham lam, người ngu xuẩn. Người thông minh thích lập công, người dũng cảm thích hành sự theo ý chí của mình, người tham lam quyết tâm đạt được lợi ích, người ngu xuẩn không sợ chết. Căn cứ vào tính tình mỗi người mà dùng họ, đó chính là quyền mưu được sử dụng diệu kỳ nhất.
Kết luận:
Người lãnh đạo phải thế nào? Bản thân người lãnh đạo không nhất thiết phải có năng lực cụ thể hơn người, mà mấu chốt phải có nhân cách và năng lực thống soái, phát huy lực lượng tập thể. Người lãnh đạo phải là người biết đoàn kết mọi người, điều động mọi người, khiến năng lượng tập trung vào phương hướng mình hy vọng.

Khổng Tử nói "quân tử bất khí". Nếu từ góc độ trên để lý giải thì quân tử không phải là người giống như một khí cụ cụ thể phát huy tác dụng cụ thể, không thạo làm một việc cụ thể, mà thạo quản lý con người. Đây là sự lý giải và định nghĩa kinh điển nhất của cổ nhân đối với người lãnh đạo.

Friday, January 16, 2015

Publisher to Retailer: Có sẵn traffic, bán hàng có thành công?

Khi bạn có một cộng đồng phụ nữ như Webtretho, có báo điện tử như Vnexpress, 24h,  hệ thống website thu hút hàng triệu người sử dụng như Dantri, CafeF.. bạn đang có một cơ hội và lợi thế lớn.


Thị trường thương mại điện tử trong 2 năm vừa qua nóng lên từng ngày cùng với quy mô ngày một lớn, không có gì khó hiểu khi các công ty sở hữu những website này chuyển qua bán hàng để tăng thêm nguồn thu mới ngoài quảng cáo.

Trên thế giới, các publisher chuyển sang bán hàng online, tham gia trận chiến không phải là mới. Những công ty đằng sau Vnexpress, Webtretho, Vật Giá, VNG, Dantri, 24H đã tham gia thị trường thương mại điện tử trong 3 năm vừa qua, bây giờ họ ra sao?

Xuất phát điểm mang lại nhiều  lợi thế nhưng liệu có đủ để các publisher tham gia thị trường thương mại điện tử thành công?

Thuận lợi:
  • Sở hữu các website có traffic lớn là một lợi thế lớn khi có "của nhà trồng được", quảng cáo thông qua các website này tiết kiệm chi phí marketing. 
  • Uy tín có sẵn nên việc bán hàng sẽ thuận lợi: cộng đồng đã có niềm tin vào công ty vận hành các website, tin rằng họ không dám làm bậy
  • Trong khi các nhà bán lẻ đầu tư vào nội dung (content marketing), các website của họ không khác gì một tạp chí online như: REI, One Kings Lane, Maker Shed, Mr. Porter, Radio Shack, Park & Bond, Element 14, và Gilt Taste. Ranh giới giữa publisher và việc buôn bán trở nên mờ nhạt hơn.
  • Trên thế giới đã có nhiều báo bắt đầu chèn các thông tin sản phẩm vào các nội dung của mình.

Hãy cùng điểm qua một số doanh nghiệp nổi bật trên thị trường:

FPT: SENDO.vn


  • FPT Online sở hữu một loạt các website như Vnexpress - số 1 về tin tức và doanh thu quảng cáo về tin tức, Ngôi Sao - website về người nổi tiếng, đọc giả là phụ nữ rất phù hợp với các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm. 
  • Có kinh nghiệm về xây dựng các sản phẩm online
  • Sở hữu công cụ thanh tóan Sen Pay.
  • FPT đã từng chạy thử một sàn giao dịch tập trung vào đối tượng nữ của Ngôi Sao.
  • Sau khi đóng cửa sản phẩm này, FPT chính thức ra mắt Sendo, sàn giao dịch trực tuyến, mua lại 123Mua của VNG và được 3 công ty Nhật đầu tư vào tháng 12/2014. 
  • Theo thông tin ICTnews có được, khi đàm phán và chốt thương vụ này, tổng giá trị của công ty Sen Đỏ được định giá khoảng 13 triệu USD, nghĩa là số tiền đầu tư của các tập đoàn Nhật Bản vào công ty khoảng 4,3 triệu USD.
  • Theo số liệu do Sendo công bố, có 70.000 cửa hàng đăng ký kinh doanh. Số lượng sản phẩm đang bán trên Sendo.vn đã lên đến hai triệu, có 8 triệu lượt truy cập với 120.000 đơn hàng/tháng tức là khoảng 4 nghìn đơn hàng mỗi ngày. 
  • Theo nguồn tin mà tôi có được, Sendo trung bình có khoảng 1.000 đơn hàng/ngày tùy theo thời điểm. Thấp điểm khoảng 600 đơn hàng ngày, cao điểm khoảng 1800 đơn hàng/ngày.
  • Thống kê về sản giao dịch Việt Nam 2013
    • Theo Báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2013 của Bộ Công Thương công bố, doanh thu của các sàn giao dịch lớn nhất năm 2013 chưa có tên của Sendo: chodientu.vn (Chợ điện tử) - 29%, tiếp đến là Lazada.vn (Lazada) - 22%, vatgia.com (Vật giá) - 15%, ivivu.com - 14%, enbac.com (Én bạc) - 3%.  
    • Nhận xét về số liệu của báo cáo này, anh Tuấn Nguyễn, phụ trách khối thương mại điện tử Zamba của VCCorp cho biết: "thông tin từ báo cáo này không tin cậy vì các con số do các đơn vị tự báo cáo lên và tuỳ mục đích của từng đơn vị mà sẽ có cách báo cáo khác nhau". 
  • So với mức trung bình 6000 đơn hàng / ngày của Lazada, 8000 đơn hàng/ngày của Hotdeal, 1000 đơn hàng/ngày của Sendo chưa thể hiện được tầm vóc "sàn TMĐT số 1 Việt Nam" như mục tiêu trong năm vừa qua.
  • Bạn H. - một nhân sự cấp cao từng làm việc ở Vnexpress - cho biết: mặc dù là cùng một tập đoàn nhưng Sendo quảng cáo trên Vnexpress vẫn phải trả phí như đơn vị độc lập. Việc kết nối giữa các đơn vị thành viên khá gian nan nên vẫn chưa tận dụng được hệ sinh thái chung. Trong năm 2015, FPT sẽ thay đổi việc hợp tác chặt chẽ, tình hình sẽ tốt hơn.
  • Nguồn tin nội bộ FPT cho biết : mục tiêu của FPT là góp phần hưng thịnh quốc gia qua các sản phẩm của mình nên bỏ mảng game và vẫn tiếp tục đầu tư TMĐT.

Project Lana backed by IDG VV (BeYeu, Lamdieu, Foreva)

Bản thân tôi từng làm việc tại Project Lana với vai trò là Senior Marketing Manager, phụ trách marketing cho các website thương mại điện tử nên sẽ không cung cấp thông tin hay bình luận. Các số liệu ở đây đều là các thông tin đã công bố rộng rãi chính thức.
  • Sở hữu Webtretho - cộng đồng phụ nữ lớn nhất Việt Nam
  • Đối tượng mục tiêu là phụ nữ có con, rất phù hợp để bán các sản phẩm mẹ và bé (beyeu.com), mỹ phẩm (lamdieu.com) và nội y (foreva.vn)
  • Sau nửa năm vận hành, đã thay đổi về chiến lược, tập trung vào sản phẩm mẹ và bé, hai sản phẩm còn lại không được đầu tư như thông tin chính thức đã công bố tại tại TechInAsia.
  • Hiện tại lamdieu.com đã đóng cửa.

VNG: 123.vn và 123mua.vn


  • Sở hữu hàng loạt website được đặt dưới thương hiệu chung là Zing: cộng đồng game ZingMe, Zing MP3, Zing New và một cộng đồng game thủ hùng mạnh
  • Có kinh nghiệm về xây dựng các sản phẩm online
  • Tháng 10/2012, công ty cổ phần VNG chính thức ra mắt website thương mại điện tử 123.vn hoạt động theo mô hình kinh doanh B2C (Business to Consumer), chuyên kinh doanh các sản phẩm chính hãng. 
  • VNG đã có quyết định đóng cửa Zing Deal năm 2012, đến 2013-2014 ngưng hoạt động 123.vn, bán sản phẩm 123mua.vn cho Sendo.vn, giải tán bộ phận thương mại điện tử và chỉ giữ lại cổng thanh toán 123Pay. 
  • Về việc đóng cửa 123.vn, anh Tuấn Nguyễn nhận định: "VNG đóng cửa mảng TMĐT là vì lỗ nhiều, đầu tư nhiều tiền nhưng ko thu về được, trong khi đó các mảng khác như Zalo cũng đang ngốn rất nhiều tiền, mảng game là mảng mang lại nguồn doanh thu lớn nhất cho VNG thì lại đang lao dốc, nên họ buộc phải cắt bớt các mảng không phải thế mạnh của mình."
  • Về việc bán lại 123Mua, bạn Đ. đang làm việc trong ngành TMDT nhận định: "VNG bán lại 123Mua không phải vì lỗ, mà vì lợi nhuận từ sàn giao dịch này không cao, lãi một tháng vài tỉ trong khi một con game bình thường cũng được chục tỉ. Mô hình khó scale và operation cost cao hơn hẳn game, nên việc bán lại là một quyết định hợp lý."
  • Về giá trị của thương vụ này phía VNG không tiết lộ, tuy nhiên hiện đang có rất nhiều thông tin khác nhau, có thông tin cho rằng số tiền FPT bỏ ra là 5,5 tỉ đồng, nhưng cũng có thông tin trị giá hợp đồng hơn 10 tỉ và 5,5 tỉ kia chỉ là chuyển giao trong đợt 1.

VCCorp: Các dự án của Zamba

  • Sở hữu các website lớn (pub) trên thị trường như Dân Trí, CafeF, Afamily, Kenh14..
  • Sở hữu công cụ thanh toán điện tử Soha Pay
  • Có kinh nghiệm xây dựng các sản phẩm online (c2c) như Rongbay.com, Enbac.com, Muare.vn và hiện đang phát triển Rento.vn - website cho thuê bất động sản chính chủ.
  • Rút tỉa kinh nghiệm từ nhiều dự án thương mại điện tử trước đó, VCCorp cho rằng, ở Việt Nam nếu đã làm thương mại điện tử thì cứ “chậm mà chắc” theo cách riêng của mình, không theo trào lưu mà các đơn vị khác đang theo đuổi. Cty xây dựng một loạt các sản phẩm cho từng ngành hàng riêng biệt: 
    • MuaChung.vn: website theo mô hình mua theo nhóm
    • Eat.vn: Trang web đặt món ăn trực tuyến dành cho người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, được tin dùng về chất lượng của dịch vụ
    • Suma.vn: Tập trung vào sản phẩm siêu thị từ nước uống, trái cây đến đồ ăn cho thú cưng. 
    • ChọnMón.vn : Trang web đặt món ăn trực tuyến với hệ thống nhà hàng rộng lớn, phục vụ khách hàng người Việt mọi lúc mọi nơi
    • Nemo.vn: dự án mới nhất đang xây dựng tập trung vào ngành thời trang
  • Thống kê về thị trường mua trực tuyến năm 2013 cho thấy MuaChung chiếm 18% thị phần mua theo nhóm. Sau khi Nhóm Mua và Cùng Mua sáp nhập, MuaChung đứng thứ 3 thị trường về doanh thu.
  • Ước lượng về thị trường hiện tại từ phía Zamba do anh Tuấn Nguyễn cung cấp: "Hotdeal hiện chỉ chiếm cỡ 30%. Muachung chiếm khoảng 25%, Cungmua+Nhommua chiếm 20-25%, còn lại vẫn là các site nhỏ lẻ khác".
  • Trong tất cả các sản phẩm được liệt kê, Zamba đã bỏ qua Solo.vn, website theo mô hình B2C, từng mở showroom hoàn tráng với rất nhiều danh mục sản phẩm 
  •  Hiện tại Solo chuyển hướng một cách lặng lẽ sang bán thẻ cào điện thoại. 

    Vật Giá : Các dự án thương mại điện tử của VNP

    • Sở hữu website Vatgia.com với traffic tốt, là một trong các sàn giao dịch C2C có traffic lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2014 bắt đầu chuyển đổi, thúc đẩy mô hình B2C trên nền tảng Vatgia.com có sẵn.
    • Ra mắt thị trường nhiều sản phẩm khác nhau để phục vụ cho thị trường thương mại điện tử như công cụ thanh toán (BaoKim), dịch vụ thiết kế web cho khách hàng (WebBNC).  
    • 2010: ra mắt CucRe.vn, xuất phát điểm là bán deal Hiện tại sau đó đổi tên thành iki.vn theo mô hình B2C. Hiện tại CucRe và Iki chỉ khác mỗi tên miền, hai website không có gì khác biệt.
    • 2011: ra mắt website MyTour.vn - tập trung vào thị trường du lịch do Vật Giá và Recruit Holdings cùng hợp tác đầu tư.
    • Tự mở các cửa hàng, bán thông qua platform Vatgia của mình theo mô hình B2C. Thông tin từ website VNP cho biết có tổng cộng 15 cửa hàng giá luôn tốt đã được mở. Thông tin hành lang chưa kiểm chứng cho biết: trừ MyTour, các dự án B2C còn lại có lượng mua khá yếu, đều dưới 100 đơn hàng/ngày.

    Trong danh sách này, một website không được VNP đề cập đến là Siki.vn, ban đầu định hướng là B2C, Cực Rẻ bán deal để tách biệt theo từng loại khách hàng. Hiện tại, Cực Rẻ (IKI) đổi sang B2C, Siki được chuyển hướng.  H.V - cựu chiến binh của thị trường ecommerce nhận xét "Siki đã chết trong âm thầm, chuyển sang mô hình so sánh giá nhưng traffic cũng rât bèo bọt". 
      Kết quả tìm kiếm của Google vẫn còn lưu lại những voucher những ngày CucRe còn định hướng bán Deal từ 2010. Hiện tại VNP đã dùng robots.txt để chặn một số nội dung cũ:


      Kết luận: 

      Với hầu hết các trường hợp được đề cập trong bài viết cho thấy việc sở hữu media chưa đủ cho publisher thâm nhập và dẫn đầu thị trường thương mại điện tử như tham vọng họ đã từng đặt ra.

      Có kinh nghiệm xây dựng sản phẩm báo chí, cộng đồng hay sàn giao dịch C2C mang lại lợi thế ban đầu nhưng sau này chính là giới hạn. Mô hình B2C cần một mô hình vận hành mới, cách tư duy mới - những yếu tố khó có được trong thời gian ngắn. Thành Rome không thể xây trong một ngày!

      Mặc dù vậy, chính sự dấn thân của các đơn vị làm thương mại điện tử này đã làm thị trường sôi động và đặt những viên gạch quý cho sự phát triển trong tương lai. 

      Tuesday, December 30, 2014

      Nielson | Global Ecommerce Report: Evolution or Revolution?

      Đọc và tải báo cáo từ Nielson Gloal về Ecommerce với nhiều thông tin đáng chú ý cho những bạn nào quan tâm tới ngành Thương Mại Điện Tử


      Tải báo cáo tại đây: Nielsen | Global ecommerce report -august 2014

      Một số nội dung đáng chú ý:






      Xem trực tiếp hoặc tải về :




      Sunday, December 28, 2014

      Khách hàng mục tiêu ngành Thương Mại Điện Tử Việt Nam

      Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt nam và customer base của các doanh nghiệp đang được chú ý tại Việt Nam
      Hy vọng bạn đã không bị "shock" khi nhìn hình vẽ mô tả theo tỉ lệ lượng khách hàng của các website điện tử so với quy mô ngành thương mại điện tử và lượng người dùng internet hiện nay.

      NGƯỜI THỰC SỰ MUA HÀNG RẤT ÍT!  Chỉ có một nhóm rất nhỏ trong số những người dùng internet mua hàng, vì thế sức mua không thực sự mạnh mẽ. Với hơn 1 triệu khách hàng tại Hotdeal và 1.5 triệu khách hàng của Lazada, số lượng khách hàng thực sự chưa đủ lớn.

      2013Market Size% Middle class% Internet User
      Hotdeal customer base1,000,0006.37%2.78%
      Lazada customer base1,500,0009.55%4.17%

      Đọc thêm:  eCommerce Market Size: Quy mô thị trường Thương mại điện tử tại Vietnam

      4 ĐẶC ĐIỂM ĐÁNG CHÚ Ý

      1. Người tiêu dùng "sính ngoại"
      Trong một nghiên cứu của KPMG China vào năm 2011 có tên “Luxury experience in China”, nghiên cứu về thị trường hàng cao cấp ở Trung Quốc, các thương hiệu nội địa rất yếu thế so với các thương hiệu ngoại trong hầu hết các nhóm sản phẩm. Chỉ có hơn 10% chọn các thương hiệu nội địa cho quần áo, túi xách, giày và phụ kiện cao cấp trong khi có hơn 60% chọn Pháp hoặc Ý cho cùng câu hỏi.

      Như các phân tích trên đây, các thương hiệu nội địa sẽ mất thị phần tầng lớp trung lưu cho các đối thủ đa quốc gia nếu họ không hành động mạnh mẽ hớn để đáp ứng các nhu cầu ngày một cao của khách hàng và xây dựng các thương hiệu uy tín.

      Vì sao người tiêu dùng Việt Nam, cũng như Trung Quốc lại "sính ngoại"? Nguyên nhân đến từ lý do thứ 2 - tiêu dùng để khẳng định.

      2. Tiêu dùng để khẳng định 
      Năm 2010 là thời điểm Việt Nam vượt ngưỡng theo nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu thị trường Roy Morgan
      Debnath Guharoy, chuyên gia của tổ chức nghiên cứu thị trường Roy Morgan, đã nói tại lễ công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tại TPHCM hồi tháng trước là chi tiêu tùy nghi đang diễn ra ở mốc thu nhập 5 đô la Mỹ/ngày. “Theo chúng tôi tính toán, tiền lương trung bình ở Việt Nam đã vượt qua 5 đô la/ngày vào năm 2010 và năng lực tiêu dùng từ đây rõ ràng hơn”, ông nói.
      Theo báo cáo của KPMG
      Nhóm khách hàng trung lưu rất khác biệt trong sở thích, nhu cầu và thói quen. Cho dù nhu cầu tồn tại cơ bản không phải là vấn đề cần lo lắng, họ không đủ giàu có để tiêu xài thoải mái như họ muốn. Họ có ý thức và nhạy cảm về tình trạng của họ - vị trí ở giữa những người giàu có và những người tiêu dùng cơ bản. 
      Ở Việt Nam, có hai hành vi khác nhau của tầng lớp tiêu dùng mới. Một số người khá tiết kiệm dù có nhiều tiền do những ký ức sâu đậm về hoàn cảnh khó khăn họ đã phải trải qua. Một số khác lại có khuynh hướng tiêu dùng rất mạnh, thích xài hàng “xịn” như thể để bù đắp cho thời kỳ thiếu thốn, khổ sở trước đây. 
      Bạn đừng trách tại sao giới trẻ Việt Nam thích nghe Kpop, thích đồ ăn nhanh, uống Startbuck hay luôn chạy đua trong việc sắm điện thoại và các thiết bị điện tử khác.
      (Saigon Times) Xu hướng văn hóa, khát vọng xã hội và sức chi tiêu là ba yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến văn hóa tiêu tiền, cách thức mua sắm, kiểu cách hàng hóa mà người mua ưa chuộng và cái giá mà họ sẵn sàng chi trả. Nghiên cứu của Roy Morgan cho biết có sự khác biệt lớn ở các thị trường châu Á mới nổi. Việt Nam được biết đến như là thị trường nóng nhất của Apple nhờ nhóm tiêu dùng trẻ tuổi. Doanh số của Apple đã tăng gấp ba lần trong ba tháng đầu năm 2014. Mỗi quí, doanh số của iPhone tăng gấp hai lần và tốc độ tăng này vẫn đang tiếp tục. 
      Các hãng điện thoại thông minh cho biết có một quan niệm ngày càng phổ biến ở Việt Nam là “vị thế xã hội cao hơn gắn với chiếc điện thoại đời mới nhất”. Đây chính là động lực nằm phía sau doanh số ngất ngưởng của các hãng điện thoại dù giá bán điện thoại thông minh luôn vượt quá thu nhập hàng tháng của người bình thường.
      Người Việt luôn muốn thể hiện mình, dù thu nhập của người Việt tăng nhanh song mức thu nhập tuyệt đối vẫn thấp hơn nhiều so với các nước châu Á.
      Mặc dù tỷ lệ người Việt tự cho mình thuộc tầng lớp trung lưu là rất thấp nhưng có nhiều người lại ngầm mong muốn gia nhập vào hàng ngũ trung lưu và thượng lưu, hoặc tìm cách thể hiện mình có lối sống của tầng lớp này. Đó dường như là lý do khiến các loại ô tô hạng sang bán rất chạy tại Việt Nam so với các thị trường tương tự ở châu Á, dù giá ô tô cao hơn rất nhiều.

      3. Tầng lớp trung lưu Việt Nam còn trẻ, thu nhập chưa cao
      Tầng lớp trung lưu của các thị trường mới nổi Châu Á trẻ hơn so với các Mỹ hay Châu Âu. Theo nghiên cứu của Hurun Research Institute về các triệu phú Trung Quốc:
      • Tài sản trên 100 triệu tệ có độ tuổi trung bình là 45
      • Tài sản 10-99 triệu tệ có độ tuổi trung bình là 41
      Điều này có nghĩa là tầng lớp trung lưu Trung Quốc sẽ trẻ hơn. Nói một cách dễ hiểu, càng già thì tài sản càng nhiều, tích lũy sẽ tốt hơn. Điều này cũng đúng với các quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam.

      Có 56% dân số của Việt Nam dưới 30 tuổi, độ tuổi trung bình dân số là 25, tức là khá trẻ so với độ tuổi để giàu có. Vì thế, những người trung lưu trẻ tuổi gắn bó với các nhãn hiệu đáng tin cậy và được công nhận rộng rãi. Ngoài sản phẩm dịch vụ, họ cũng quan tâm đến trải nghiệm khi mua sắm như dịch vụ khách hàng hay các dịch vụ sau bán hàng.

      Thói quen tiêu dùng của khách hàng Hotdeal cho thấy giá trị đơn hàng trung bình tương đối thấp (166k).

      Hotdeal
      Doanh số hàng tháng40,000,000,000
      Doanh số 1 năm (vnd)480,000,000,000
      Số lượng đơn hàng trung bình hàng tháng240,000
      Giá trị trung bình mỗi đơn hàng (vnd)166,667
      Số lượng đơn hàng 1 năm2,880,000
      Số lượng khách hàng1,000,000
      Số đơn hàng trung bình / khách hàng2.88
      Chi tiêu trung bình / khách hàng (vnd)480,000

      Với mức chi tiêu trung bình này, không có gì ngạc nhiên khi các wesbite ecommerce chọn các sản phẩm nổi bật với tầm giá này. Tùy theo ngành mà mức trung bình về chi tiêu này có sự thay đổi, mặt bằng chung là chưa sẵn sàng mua nhiều sản phẩm đắt tiền thông qua online.




      4. Tầng lớp trung lưu chào đón việc mua hàng trực tuyến (online shopping)
      Sau nhiều năm được tiếp cận các mô hình C2C (5giay, Chodientu, Vatgia), group buying (Hotdeal, NhomMua, CungMua, MuaChung), rồi B2C (Lazada, Zalora, ProjectLana,CDiscount) thông qua các hoạt động chiêu thị rầm rộ trên Facebook, các chiến dịch quảng cáo hiển thị, thậm chí là qua digital frame (MyTour), TV (Lazada),  việc mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến.
      Cùng với hệ thống hậu cần (logistic), thanh toán ngày một hoàn thiện, online shopping đang từng bước trở thành một kênh mua sắm chủ đạo (mainstream) của người tiêu dùng.

      Người tiêu dùng Việt Nam tìm kiếm các thương hiệu ecommerce nhiều hơn trong những năm 2011-2013 và có xu hướng giảm nhiệt vào năm nay.



      CƠ HỘI CHO TƯƠNG LAI
      Báo cáo của KPMG nhận xét:
      Toàn cảnh về thị trường đã có sự thay đổi căn bản bởi sự tăng trưởng các tầng lớp trung lưu tại các thị trường mới nổi. Cán cân tiêu dùng đang dịch chuyển từ các thị trường đã phát triển như Mỹ, Châu Âu sang các thị trường mới nổi.  
      Tại Châu Á, đang có dịch chuyển về nhu cầu tiêu dùng từ các nước công nghiệp hóa như Nhật, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Taiwan và các quốc gia về dầu mỏ Trung Đông sang các thị trường mới nổi là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Tầng lớp trung lưu tại các thị trường mới nổi của Châu Á có tiềm năng rất lớn và gia tăng mức độ ảnh hưởng. Họ có những nhu cầu cơ bản khác nhau, các doanh nghiệp cần nhận ra và đáp ứng các nhu cầu đa dạng này để giữ vững và gia tăng thị phần.
      Một ước tính vào tháng 9/2014 của ANZ về tầng lớp trung lưu tại Việt Nam có số người ở tầng lớp trung lưu cao hơn, càng cho chúng ta thấy rõ quy mô thị trường thương mại điện tử nhỏ hơn so với tiềm năng của nó.
      Theo ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ, hiện Việt Nam có khoảng 17 triệu người tiêu dùng trung lưu. 
      “Ước tính từ nay tới cuối thập kỷ sẽ tăng 2 triệu người mỗi năm, lên 32 triệu người vào năm 2020. Họ sẽ gia tăng chi tiêu trong những lĩnh vực then chốt như hàng gia dụng, tiêu dùng cá nhân, phương tiện đi lại, dịch vụ tài chính, giáo dục… Con số này sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới, lên khoảng 66 triệu người vào năm 2030, chiếm 66% dân số lúc đó. Như vậy, chỉ trong vòng 15 năm tới, Việt Nam sẽ có lực lượng trung lưu tương đương Hàn Quốc và Đài Loan hiện nay”, ông Maguire nói. 
      Đô thị hóa ở Việt Nam còn tăng mạnh và các thành phố lớn vẫn là vườn ươm của tầng lớp tiêu dùng mới. Việt Nam hiện có 34% dân số sống ở thành thị. Đây là tỷ lệ thấp hơn nhiều so với 51% của Trung Quốc, 52% của Indonesia, 91% của Nhật Bản.

      Cơ hội lớn nằm trong nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu đang liên tục được ươm mầm trong các đô thị Việt Nam.  Các doanh nghiệp cần tập trung vào đối tượng này, nếu không họ sẽ sớm gặp rắc rối. Để nắm bắt cơ hội, mỗi doanh nghiệp cần hiểu rõ những đặc tính rất riêng biệt (unique characteristics) của họ, con đường phát triển của tầng lớp này để tổ chức lại chiến lược và duy trình khả năng cạnh tranh.



      Thursday, December 25, 2014

      eCommerce Market Size: Quy mô thị trường Thương mại điện tử tại Vietnam

      Bạn là ai trong trận chiến eCommerce: David hay Goliath?
      Trong bản tóm tắt The Rise of E-Commerce in Asia vào tháng 6/2014, Matthews Asia Funds nhận xét:
      Không có gì ngạc nhiên khi Châu Á có tiềm năng rất lớn về thương mại điện tử (ecommerce - TMDT). Sự phát triển của TMDT ở Ấn Độ và Trung Quốc được xem như việc xây dựng một cầu nối thành công giữa những gì người dùng muốn và những gì họ có thể mua offline. Điều này đặc biệt đúng cho những ai sống bên ngoài những thành thị lớn.
      Người tiêu dùng quan tâm về giá cả cạnh tranh trong thương mại điện tử, nhưng các yếu tố khác như độ rộng của sản phẩm, dễ sử dụng trên di động ngày một hấp dẫn và thu hút một làn sóng tiêu dùng trực tuyến mới.
      Sự bùng nổ của TMDT tại Châu Á đã mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp có thể phục vụ các thị hiếu địa phương. Tuy nhiên, cùng với cơ hội, các doanh nghiệp cần vượt qua các thử thách như việc giao vận (logistics) và thanh toán (payment services) để tồn tại một cách bền vững trong đấu trường cạnh tranh. 
      1. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUY MÔ THỊ TRƯỜNG (MARKET SIZE)

      Theo ước tính của eMarketer, doanh số toàn cầu của mô hình B2C (business-to-consumer) sẽ tăng 20.1% so với năm trước, đạt doanh số 1.500 nghìn tỉ USD.


      eMarketer nhận xét về lý do tăng trưởng, đề cập tới yếu tố số lượng người online, sử dụng mobile internet,  giải pháp giao hàng, thanh toán và đầu tư từ các công ty lớn:
      Mức tăng trưởng về doanh số này đến từ việc mở rộng số lượng người sử dụng online và di động trong các thị trường mới nổi, tăng trưởng về số lượng hàng bán qua đi động (mcommerce), các giải pháp giao hàng, thanh toán tiến bộ và lực đẩy của các thương hiệu lớn vào thị trường mới.
      Thị trường Việt Nam hiện tại:
      • Có hơn 36 triệu người online, mức độ thâm nhập (internet penetration) là 39% dân số; Monthy Active User: 20 triệu
      • Mobile Internet: 
        • Theo thống kê của riêng mWork khoảng 18 triệu người, mức độ thâm nhập 19.5% (xem hình ảnh bên dưới)
        • Ngày 24/12/2014, Cục Viễn thông vừa công bố số liệu thuê bao 3G đang phát sinh lưu lượng của các mạng di động đến thời điểm 2014 này  là gần 27,5 triệu thuê bao.
      • Giao nhận: có khá nhiều giải pháp về giao hàng xuất hiện (GHN, Bưu Điện, Viettel)
      • Thanh toán chủ yếu bằng COD.  Ttheo thống kê của Vecita thì có 75% giao dịch thông qua COD nhưng trên thực tế, với một số nguồn thông tin mà tôi có thì đều trên 90%. Cụ thể nhất, con số từ Sendo và Dienmay cùng số liệu của các bạn bè trong ngành cho thấy một con số “phũ phàng” với thanh toán trực tuyến: 90% COD và 10% thanh toán online. Các giải pháp thanh toán trước, trực tiếp qua thẻ tín dụng hoặc ATM như OnePay, Smartlink dù đã có nhưng chưa phải là điểm cực kỳ quan trọng.
      • Lực đẩy từ các công ty, tập đoàn lớn vào thị trường Việt Nam, khởi đầu bằng làn sóng các sản phẩm Groupon như Hotdeal, NhomMua, CungMua, MuaChung.. Số liệu tham khảo về Hotdeal,  hiện đang dẫn đầu với khoảng 50% thị phần:
      • Sau đó, với tiềm lực dồi dào, kinh nghiệm vận hành nhiều nước, Rocket Internet đã giúp thị trường mở rộng và thay đổi thói quen người Việt Nam với nhiều sản phẩm khác nhau, nổi bật nhất là Lazada. Trong ngày 17/12/14, Lazada tổ chức hội thảo gặp mặt các Nhà cung cấp của mình tại Somerset Grand Hanoi cho biết:
        • Theo Lazada, hiện tại sàn giao dịch của họ đạt 400,000 truy cập/ngày.
        • Trung bình 6,000 đơn hàng / ngày; tỉ lệ hủy đơn hàng 8%
      Một thống kê về số lượng người sử dụng internet vào tháng 1/2014 cho thấy có  khoảng 36 triệu  người Việt Nam online, chiếm khoảng 39% dân số - vượt qua tỉ lệ thâm nhập internet trung bình của thế giới (33%) một chút xíu nhưng còn xa mới bằng Malaysia hay Singapore.

      Nguồn: Số liệu từ mWork
      Tham khảo số liệu cũ hơn (11/2013) từ bài chia sẻ: Kinh nghiệm phát triển HotDeal.vnTrương Tố Linh, GĐ phát triển kinh doanh của HotDeal.vn

      Matthews Asia Funds nhận xét khá tương đồng với eMarketer về lý do tăng trưởng, với các số liệu từ Trung Quốc và Ấn Độ:
      Trung Quốc được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như mức độ thâm nhập của Internet (internet penetration) cao hơn, truy cập băng thông rộng tăng lên và nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang ngày một phát triển.
      Tại Ấn Độ - thị trường đông dân thứ 2 của thế giới - ecommerce đang ở giai đoạn bắt đầu (early stages). Sự phát triển của smartphone giá rẻ, người tiêu dùng trực tuyến ở khoảng 20 triệu người mua sắm, kỳ vọng sẽ tăng lên 300 triệu người trong thập kỷ tới. Các công ty nhìn thấy nhu cầu mạnh mẽ từ các khu vực bên ngoài các thành phố chính, nơi có rất nhiều người truy cập Internet lần đầu tiên thông qua di động. Tại Ấn Độ, nhiều công ty nhận thấy một nửa đơn hàng của họ được hoàn thành bằng di động và hơn một nửa người dùng internet trên di động (mobile user) là những người lần đầu tiên đặt mua.
      Ở đây, một yếu tố quan trọng có thể bạn đã lướt qua không hề để ý: không phải tất cả người dùng internet đều là khách hàng tiềm tăng của TMĐT.  Đối tượng khách hàng tiềm năng và quan trọng nhất là Tầng lớp Trung Lưu. 

      Thông tin này sẽ giúp bạn tránh được lỗi cơ bản nhất: xác định sai đối tượng mục tiêu. Khi bắt đầu khởi động một dự án thương mại điện tử, nhiều công ty định nghĩa khách hàng mục tiêu thường rất mơ hồ, có thể từ 15 tuổi đến 65 tuổi, từ nông thôn đến thành thị. Một sản phẩm cho tất cả là sẽ sản phẩm không cho ai cả.

      2. TẦNG LỚP TRUNG LƯU 
      Báo cáo từ KPMG trong báo cáo "The Rise of the Middle Class in Asian Emerging" vào tháng 4/2012 cho biết:
      Tầng lớp trung lưu (the middle class) là kết quả phát sinh của một nền kinh tế thịnh vượng, động lực tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường. Nhu cầu sản phẩm và dịch vụ của họ đóng góp vào sự bền vững của nền kinh tế và sự phát triển của xã hội; một nền kinh tế thiếu nhóm tiêu dùng nền tảng này không thể ổn định lâu dài.
       Nói một cách khác, tầng lớp trung lưu là yếu tố chủ chốt cho nền kinh tế bền vững và xã hội phát triển trong mỗi quốc gia và khu vực. 
      Sử dụng bản tiếng Anh nếu bạn muốn đọc chi tiết hơn: The middle class arises as a result of economic prosperity and it is what makes a market-oriented economic regime thrive. Their proclivity toward reason and stability keeps social unrest and turmoil at bay. The middle class is also an important group of consumers. Their demand for quality goods and services contributes to economic sustainability and social evolution; an economy without a mass group of consumers as its foundation cannot be sustained in the long run. In other words, the middle class is the key to sustaining economic and social development in a region and country.
      TẦNG LỚP TRUNG LƯU - HỌ LÀ AI? 
      Làm thế nào để định nghĩa và xác định chính xác về tầng lớp này? Không có sự đồng thuận về tiêu chuẩn của đối tượng "Tầng lớp trung lưu", nó phụ thuộc địa điểm, thời điểm và mục đích của việc thảo luận. Một số định nghĩa khác nhau:
      • Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) định nghĩa tầng lớp trung lưu là người chi tiêu từ 2-20 USD một người/ngày trong báo cáo công bố vào 2010 (có 1.9 tỉ người tương đương với 56% dân số các nước đang phát triển Châu Á vào 2008 đạt tiêu chuẩn này). 
      • McKinsey xác định những người có thu nhập một năm từ $13.500 đến $53.900 ở Trung Quốc được xem như trung lưu. Tại Trung Quốc có khoảng 100 triệu người trung lưu theo tiêu chí này. 
      • Boston Consulting Group xem những người có thu nhập khoảng 790$/tháng được xem là trung lưu vào 2010. 
      KPMG mô tả đặc điểm của tầng lớp trung lưu để bạn dễ hình dung:
      Bất kể tiêu chí và định nghĩa đã được dùng, tầng lớp trung lưu ngày một mở rộng cùng với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của các thị trường mới nổi. Tầng lớp này bỏ lại sau lưng những ngày tháng nghèo khổ ngày xưa. Không còn lo lắng về các những nhu cầu sinh tồn, họ hướng về việc tiêu thụ vượt qua mức cơ bản. Nói chung, tầng lớp này không đủ giàu có để chi tiêu thoải mái như mong muốn nhưng lại là động lực mạnh mẽ trong việc thúc đẩy tiêu thụ. 
      Trung Quốc, Ấn Độ và phần còn lại của châu Á, người dân dịch chuyển từ "tồn tại" sang "tiêu thụ". Tầng lớp trung lưu đã giúp nền kinh tế mới nổi của châu Á chịu được biến động của kinh tế toàn cầu và mang lại triển vọng lạc quan cho kinh tế.
      Theo định nghĩa của ADB, dân số Việt Nam vào 2012 là 86 triệu người, có 14.6 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu. 

      3. ƯỚC TÍNH QUY MÔ THỊ TRƯỜNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VIỆT NAM

      Theo số liệu từ KPMG về tầng lớp trung lưu và mức độ chi tiêu cho online trung bình từ Vecita, chúng ta có thể ước tính quy mô và mức độ đóng góp về doanh thu từ nhóm khách hàng chủ chốt.

      VECITA, Bộ Công Thương cho biết: "Năm 2013, doanh thu toàn lĩnh vực cả nước đạt 2,2 tỷ USD, tương đương mức chi chi trung bình 120 USD cho mỗi người dân."

      2012 - KPMG

      Middle class (people)
      14,600,000
      Vietnam Population
      86,000,000
      Middle class/ Population
      16.98%


      Estimate 2013

      Vietnam Population
      92,500,000
      Middle Class
      15,703,488
      Avg Expenditure Online (USD)
      $120
      Total expenditure
      $1,884,418,605
      % VECITA
      85.7%

      Theo tính toán này, mức độ đóng góp từ nhóm khách hàng này cho thương mại điện tử Việt Nam là ~85%, đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Điều này cũng cho thấy rõ, nếu áp dụng quy luật 20/80, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy con số đúng một cách kỳ lạ:
      20% dân số mang lại 80% chi tiêu thương mại điện tử của toàn bộ thị trường!
      Hãy tính toán về quy mô thị trường vào năm tới - 2015, dựa trên các số liệu chúng ta đang có: 
      • Theo KPMG, vào những năm 1990 có 21% dân số châu Á là tầng lớp trung lưu đạt chuẩn của ADB, đến 2008 là 56%. Với tỉ lệ ~17% vào năm 2012, Việt Nam có tỉ lệ khá thấp, chưa bằng số trung bình của Châu Á vào những năm 1990. Chúng ta kỳ vọng là đến 2015, Việt Nam sẽ đạt tỉ lệ trung bình là 21% của những năm 90.
      • Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm trong giai đoạn 1999-2009 là 1.2%. Tỉ lệ này được dùng để ước tính dân số vào năm 2015.
      • Theo Vecita, đến năm 2015 mỗi người Việt sẽ chi trung bình 150 USD cho thương mại điện tử mỗi năm, doanh thu ước tính của 2015 khoảng 4 tỷ USD
      Estimate 2015

      Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm trong giai đoạn 1999-2009 
      1.2%
      Estimate Vietnam Population 2015
      94,733,320
      % Middle Class
      21%
      Middle Class
      19,893,997
      Avg Expenditure Online (USD)
      $150
      Total expenditure
      $2,984,099,580
      % VECITA
      75%

      Với công thức này, tầng lớp trung lưu tiếp tục đóng góp ~$3B vào con số $4B mà Vecita tính toán.  Con số này cũng cho thấy, khi sử dụng digital marketing, hơn 1 nửa là lãng phí vì độ phủ lớn của mình.

      4. Kết luận

      Vậy thị trường thương mại điện tử là to hay nhỏ? $3B là nhiều hay ít? 

      Theo ý kiến cá nhân tôi là còn nhỏ. Điều này có thể thấy dễ dàng qua nhiều số liệu
      •  Lượng đơn hàng của hai tay chơi đáng lưu ý nhất thị trường là Hotdeal và Lazada vẫn chưa thể tăng trưởng mạnh. 
      • Tiki, xuất phát từ sách và mở rộng ra các ngành khác chưa thể bùng nổ
      • Các website ngách có lượng đơn hàng từ vài chục tới khoảng 200 đơn hàng một ngày, chưa thể thành công và tạo lập được một vị thế đáng kể. 
      • Thegioididong có số lượng đơn hàng online chưa tới 1/5 (hiện tại tầm 10-15%) tổng doanh thu, chưa thể vượt ngưỡng để sang giai đoạn mới của diffusion of innovations
      Chỉ có một nhóm rất nhỏ trong số những người dùng internet mua hàng, vì thế sức mua không thực sự mạnh mẽ. Với hơn 1 triệu khách hàng tại Hotdeal và 1.5 triệu khách hàng của Lazada, số lượng khách hàng thực sự chưa đủ lớn. 
      Xem thêm:  Khách hàng mục tiêu ngành Thương Mại Điện Tử Việt Nam
      Thị trường Việt Nam chỉ ở giai đoạn đầu tiên của cuộc cách mạng. Tất cả các thông tin này đều cho chúng ta thấy sức mua đang bị giới hạn, mặc dù có rất nhiều triển vọng trong tương lai:
      • Chỉ 1/5 dân số mua hàng và chưa được một nửa so với số người sử dụng internet cho thấy thị trường sẽ tiếp tục phát triển.
      • Tỉ lệ khách hàng chính là tầng lớp trung lưu còn thấp, khi kinh tế phát triển, dân Việt Nam giàu lên, tỉ lệ này sẽ thay đổi và tạo ra sức mua mạnh mẽ hơn.
      eMarketer nhận xét hành vi mua hàng của người Asia-Pacific rất khác nhau theo từng thị trường, với các thị trường chưa trưởng thành, sức mua trung bình sẽ không cao:
      Trung Quốc chiếm hơn một nửa doanh số 2014 và đến 2018 sẽ là 70%. Úc và Nhật sẽ là đối thủ của US, UK và Châu Âu (Western Europe) về mức độ thâm nhập người dùng và giá trị đơn hàng trung bình. Ở các thị trường chưa trưởng thành như Ấn Độ, Indonesia, các quốc gia có số lượng người mua lớn nhưng chỉ mua các sản phẩm ít tiền thay vì các sản phẩm cao cấp, phụ thuộc vào sản phẩm sẵn có hoặc đơn giản do thu nhập hạn chế.
      Những câu hỏi gợi ý cho bạn trước khi dấn thân vào đấu trường khốc liệt:
      • Bạn muốn bán cho ai? Cho 85% hay cho phần còn lại của dân số? 
      • Với những khách hàng trung lưu, họ sẽ mua hàng hóa gì trên internet? 
      • Tầng lớp đóng góp nhiều nhất này ở độ tuổi nào, chiếm bao nhiêu % dân số? Họ có đặc điểm gì? 
      • Nhu cầu của đối tượng này có gì đặc biệt, trong đó có nhóm nào giúp doanh nghiệp tiếp cận với điểm bùng phát (tipping point) nhanh hơn và ít tốn kém hơn?
      • Với riêng sản phẩm của bạn, quy mô thị trường là bao nhiêu? Chiếm bao nhiêu phần trăm trong toàn bộ thị trường?
      Xem thêm: Nielson | Global Ecommerce Report: Evolution or Revolution?
      Chúc bạn may mắn và thành công!